100 năm Cách Mạng Tân Hợi: Trung Quốc kỷ niệm nhưng cấm bàn “dân chủ”

Dựng áo Tôn Trung Sơn khổng lồ cho lễ kỷ niệm 100 năm

Ngày 10 tháng 10 cách đây một trăm năm, một cuộc khởi nghĩa ở thành phố Vũ Hán ở miền trung Trung Quốc đã dẫn tới sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.  Ở Đài Loan, lãnh thổ đã ly khai khỏi Trung Quốc lục địa vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến và vẫn nhận là người thừa hưởng đích thực của nước cộng hòa thành lập năm 1911, lễ kỷ niệm được tổ chức rình rang, có cả màn trình diễn máy bay.  Nhưng ở Trung Quốc lại là buồn vui lẫn lộn.  Trung Quốc cũng không tiếc tiền tổ chức lễ hội.  Nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền lại bận rộn bóp nghẹt cuộc tranh luận về giấc mơ dân chủ của các nhà cách mạng – dân chủ đã đến với Đài Loan, còn ở Trung Quốc lục địa mơ vẫn hoàn mơ. 

Trung Quốc và Đài Loan từ lâu nay vẫn tranh chấp về quyền thừa hưởng cách mạng 1911.  Tôn Dật Tiên, người được xem là lãnh tụ của cuộc cách mạng đó, chính thức được tôn kính ở cả hai phía của Eo biển Đài Loan.  Như thường lệ trong thời gian gần lễ kỷ niệm, một bức chân dung khổng lồ của Tôn Dật Tiên được dựng lên vào ngày 1/10 ở Quảng trường Thiên An Môn, đối diện với chân dung Mao Trạch Đông (cả hai đểu mặc bộ áo Tôn Trung Sơn, như vẫn được gọi trước khi bị đổi tên trong thời của Mao).  Nhưng các nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm này đã bộc lộ nỗi lo lắng của họ.

Vào cuối tháng 9, một bộ phim về Cách mạng Tân Hợi, tên là “1911” với tài tử võ thuật Hong Kong Thành Long, được phát hành.  Giới chức tung hô về bộ phim này, nhưng vé bán chẳng được là bao.  Bộ phim đã cẩn thận tránh đụng tới những cải cách chính trị triệt để do triều đại phong kiến cuối cùng, nhà Thanh, khởi xướng nhưng lại đẩy nhanh sự lật đổ chính triều đại đó.  Một loạt phim truyền hình ăn khách tên là “Tiến tới Nền Cộng hòa” đã tập trung vào những cải cách này và được chiếu năm 2003; loạt phim này đã bị cơ quan kiểm duyệt cắt trước khi chiếu hết, và bị cấm chiếu lại.  Trong loạt phim có một cảnh Tôn Dật Tiên nói chuyện với các chính khách sáu năm sau cách mạng 1911 với lời ta thán rằng “chỉ có những người uy quyền mới có tự do”.  Âm hưởng của ý kiến đó ở Trung Quốc ngày nay rõ ràng đã khiến cơ quan kiểm duyệt không yên lòng.

Trong năm qua, nhà chức trách đã cố gắng ngăn chặn không để cho việc thảo luận về cách mạng 1911 đi chệch sang những “lề trái” như vậy.  Hồi tháng 10/2010, tờ Tiêu Tương Thần Báo ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền nam Trung Quốc đã gặp rắc rối với cơ quan kiểm duyệt sau khi đăng một phụ trương về cuộc cách mạng này.  Phụ trương trích dẫn một lá thư của Vaclav Havel viết năm 1975, khi ông còn là người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc, gởi cho chủ tịch nước cộng sản Gustav Husak: “lịch sử lại đòi được lắng nghe”.  Tờ báo không giải thích văn cảnh của lá thư, trong đó ông Havel ta thán về việc Đảng Cộng sản thanh lọc lịch sử.  Báo đâu cần giải thích.  Thông điệp rõ ràng của nó là những yêu cầu dân chủ của cách mạng 1911 không thể bị đè nén mãi mãi. 

Trong những tháng gần đây, tình hình biến động ở thế giới Ả rập đã khiến nhà chức trách càng lo hơn.  Hồi tháng Tư, họ cấm một hội thảo về cách mạng 1911 do sinh viên nhiều trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh tổ chức.  Một trang mạng quảng bá cho sự kiện này nói rằng hội thảo nhằm mục đích nghiên cứu về không chỉ “những thắng lợi cách mạng đầy cảm hứng” mà cả những điều “ẩn sâu hơn” liên quan tới dân chủ.

Hai tuần trước, nhà cầm quyền đột ngột hủy bỏ buổi diễn ra mắt trên thế giới của vở opera “Bác sĩ Tôn Dật Tiên”, dự kiến sẽ do một đoàn nghệ sĩ Hong Kong trình diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Trình diễn Quốc gia gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.  “Lý do hậu cần” được đưa ra, nhưng báo giới Hong Kong phỏng đoán rằng một số phần trong nội dung – trong đó có phần mô tả cuộc đời tình ái của Tôn Dật Tiên – bị xem là đi chệch lề.

Nhưng nhà cầm quyền không để cho những nỗi lo chính trị của họ làm hỏng một cơ hội tiêu tiền.  Ở Vũ Hán, nơi khởi đầu cuộc cách mạng, họ công bố kế hoạch vung vít 20 tỉ nhân dân tệ (3,1 tỉ đô-la) cho các cuộc triển lãm liên quan đến 1911 và để trang hoàng thành phố.  Hoàng đế Mãn Châu thoái vị vào tháng 2/1912, chấm dứt hơn 2.000 năm chế độ cai trị phong kiến.  Nhà chức trách ở Vũ Hán, và ở những nơi khác, từ trước tới nay vẫn giữ im lặng về cơn cuồng say bạo lực đối với người Mãn Châu xảy ra cùng lúc với cuộc biến động đó (xem đây).

Một số học giả Trung Quốc cho rằng cách mạng 1911 chẳng giúp ích gì cho Trung Quốc ngoài việc đưa tới một thời kỳ tranh hùng quân phiệt hỗn loạn, tiếp theo đó là một chính phủ độc tài. Những phê phán như vậy cũng có lý.  Quả thực Trung Quốc đã trượt dài vào tình trạng xáo trộn, tranh hùng quân phiệt và nổi loạn sau năm 1911.  Bất kỳ hy vọng về một nước cộng hòa dân chủ đều bị lấn át bởi những nỗ lực bình định đất nước, điều mà Đảng Cộng sản đạt được vào năm 1949.  Nhà trí thức Lý Trạch Hậu đã khuấy động diễn dàn tranh luận trong những năm gần đây với lập luận cho rằng Trung Quốc lẽ ra đã nên cho những cuộc cải cách của nhà Thanh không chỉ là một cơ hội.

Đảng Cộng sản quan niệm rằng cách mạng 1911 là chính nghĩa, nhưng lâm vào tình thế khó xử.  Một bộ phim khác với dàn diễn viên hùng hậu phát hành hồi đầu năm nay để kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của đảng đã khuấy động khán giả theo một cách ngoài chủ đích.  Bộ phim kể về giai đoạn từ cách mạng 1911 tới lúc thành lập Đảng Cộng sản năm 1921, đã châm ngòi cho nhiều lời bình trên các diễn đàn internet tiếng Trung xung quanh những bài học rút ra từ cách mạng 1911 về cách nổi dậy chống chính quyền tệ mạt.  Hay thật.

Bản tiếng Anh: From Sun to Mao to now, The Economist, 8/10/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *