Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỉ lệ tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng từ mức 2,9% trong năm 2013 lên đến 3,6% trong năm 2014. Trả lời phỏng vấn Mohammed Aly Sergie, biên tập viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington, năm chuyên gia kinh tế chia sẻ nhận định và đánh giá các xu hướng ở những khu vực khác nhau.
A. Michael Spence, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại:
Nền kinh tế toàn cầu 2014 có thể sẽ thấy chiều hướng tăng trưởng khá cao sau khủng hoảng xuất hiện trở lại ở các nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng thực tiếp tục ở Mỹ, và Châu Âu vẫn tăng trưởng rất thấp.
Nền kinh tế Mỹ hiện đang có tỉ lệ tăng trưởng thực từ 1,5% đến 2%, chủ yếu nhờ khu vực tư nhân linh hoạt hướng sang đáp ứng cầu nước ngoài trong các ngành xuất nhập khẩu. Những lực đẩy tích cực sẽ là mức tăng trưởng ở các thị trường mới trỗi dậy (đặc biệt là Trung Quốc), trong ngành năng lượng chi phí thấp từ khí đốt đá phiến, và mức độ giảm đòn bẩy tài chính đáng kể ở hộ gia đình và ngành tài chính. Sức cản do chính sách tài khóa của chính phủ vẫn chưa hết, nên vẫn còn chiều hướng đầu tư không đúng mức của khu vực công, làm giảm tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Ở Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã bình ổn các thị trường nợ công quốc gia, và rủi ro hệ thống hiện đã giảm đáng kể. Nhưng điều đó không dễ dàng dẫn đến tăng trưởng. Phần lớn khu vực Nam Âu có đơn phí lao động danh nghĩa cao hơn nhiều so với các mức sau cải cách của Đức, và quá trinh tái hội tụ với một tỉ giá hối đoái chung còn chậm và khó khăn. Những cải cách để tăng tính linh hoạt cơ cấu [kinh tế] và đẩy nhanh sự chuyển đổi cơ cấu sang các ngành xuất nhập khẩu vẫn còn hạn chế. Kết quả là sự tái cân đối cơ cấu ở Châu Âu sẽ mất thời gian và mức tăng trưởng sẽ thấp trong và sau năm 2014.
Sau Hội nghị Trung ương 3 hồi tháng 11, Trung Quốc đã công bố một chương trình cải cách mạnh mẽ và đáng tin. Nếu được tiếp nối bằng một chương trình thực hiện cũng mạnh mẽ như vậy trong năm 2014 và sau đó, tăng trưởng sẽ bắt đầu chuyển sang chiều hướng bền vững mới nhất quán với các mức thu nhập cao hơn ở nền kinh tế này. Sự hồi phục ở các nền kinh tế đã phát triển rốt cuộc sẽ khôi phục phần nào tiềm năng tăng trưởng xuất phát từ ngành xuất nhập khẩu, nhưng có lẽ không phải trong năm 2014 do thị trường khổng lồ ở Châu Âu vẫn dẫm chân tại chỗ.
Các nền kinh tế lớn khác trong khối thị trường mới trỗi dậy, đặc biệt là những nước có thâm hụt tài khoản hiện hành và chiều hướng lệ thuộc vào vốn nước ngoài giá rẻ, đã gặp đôi chút bất ổn trong năm 2013 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (tức ngân hàng trung ương Mỹ) thông báo giảm dần chương trình mua công trái để nới lỏng cùng tiền, do dòng vốn đầu tư rút nhanh ra khỏi thị trường và do tính biến động tỉ giá kèm theo đó. Biện pháp điều chỉnh có thể khiến các nền kinh tế đó giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2014, nhưng chúng sẽ trở lại mức tăng trưởng cao hơn trong dài hạn, với Trung Quốc tụt lại phía sau.
Các nước Châu Phi đã lặng lẽ đạt thành quả đáng nể trong một thập niên và trong suốt các cuộc khủng hoảng của các nước đã phát triển. Tình hình này dường như sẽ tiếp tục trong năm 2014 và sẽ không quá lệ thuộc vào giá cả và thị trường tài nguyên thiên nhiên. Những thị trường được gọi là “sơ khai” này, tuy không có quy mô lớn, sẽ trở thành những nơi có thành quả xuất sắc.
Robert Kahn, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại:
Giới hoạch định chính sách Châu Âu rất lạc quan. Tâm trạng khủng hoảng đã lắng xuống, những dấu hiệu ban đầu về tăng trưởng đã xuất hiện, và vốn đang bắt đầu trở lại. Nhưng Châu Âu vẫn chưa hết khó khăn, và rủi ro khủng hoảng trở lại vẫn còn hơn quan niệm phổ biến.
Mức tăng trưởng của khu vực dùng đồng euro có khả năng đạt 1% trong năm tới, sau hai năm giảm. Việc các ngân hàng tiếp tục giảm đòn bẩy tài chính, một triển vọng tăng trưởng toàn cầu không chắc chắn mà sẽ hạn chế xuất khẩu, các chính sách kinh tế vĩ mô hết sức thắt chặt, và một khuôn khổ chưa hoàn chỉnh cho liên hiệp tiền tệ sẽ tạo ra các rào cản đáng kể cho hồi phục kinh tế. Cần có cầu mạnh hơn để đẩy mạnh tăng trưởng, và việc nới lỏng chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ đáng hoan nghênh về mặt này. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng sẽ cần làm nhiều hơn để kích thích lượng vốn cho vay mới, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước thành viên nhỏ của khu vực này, và cân nhắc nới lỏng cung tiền triệt để.
Vấn đề với dự báo này là tăng trưởng ở mức này sẽ không đủ để giảm các tỉ lệ thất nghiệp cao, mà hiện đã lên đến 26% ở Tây Ban Nha và 12% tính chung cho toàn khu vực đồng euro. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên hiện ở mức trung bình gần 24% ở khu vực đồng euro, và vượt quá 35% ở nhiều nước, là mối đe dọa nghiêm trọng cho tương lai Châu Âu.
Liên hiệp ngân hàng sẽ là trọng tâm của các nỗ lực chính sách để xúc tiến liên hiệp tiền tệ trong năm 2014. Tiến trình do Ngân hàng Trung ương Châu Âu dẫn đầu để kiểm tra khả năng chịu căng thẳng tài chính, nhất là trong các nỗ lực khôi phục lòng tin ở các ngân hàng của Châu Âu, sẽ cần luồn lách qua con đường hẹp để tiến tới: nếu quá nhẹ tay thì mức độ khả tín của Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể bị tổn hại không thể khôi phục được; nếu quá mạnh tay thì mức độ căng thẳng tài chính kéo theo có thể nhanh chóng làm thui chột những hy vọng hồi phục mới chớm nở hiện nay. Các áp lực thị trường có thể nhanh chóng trở lại nếu các quốc gia bị xem là không còn quyết tâm cải cách, và các khoảng trống về vốn tái xuất hiện.
Có lẽ thách thức nghiêm trọng nhất đối với Châu Âu trong năm 2014 là khó khăn chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chính sách thắt lưng buộc bụng đang gây phương hại đến khả năng người Châu Âu sẵn sàng chấp nhận liên hiệp sâu rộng hơn, vốn là điều cần thiết để xử lý những vấn nạn kinh tế của Châu Âu. Các cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 5 có thể sẽ có kết quả bỏ phiếu kịch liệt chống thắt lưng buộc bụng. (Một nghị viện hoài nghi về đồng euro, ngoài việc sẽ rất lý thú khi theo dõi, có thể đẩy lùi các nỗ lực đàm phán một hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương.) Chính phủ ở các nước nhỏ của khu vực này như Hy Lạp và Bồ Đào Nha có thể thấy ngày càng khó giữ được mức ủng hộ dành cho các chương trình điều chỉnh của họ.
Do đó, thách thức là khôi phục tăng trưởng trước khi các thị trường lại mất lòng tin vào tiến trình cải cách. Giới lãnh đạo Châu Âu cần giành lại lòng tin của công chúng ở các nước của họ và đưa ra lý do thuyết phục hơn để biện minh cho bước tiến nhanh hơn đến một liên hiệp kinh tế và chính trị. Nếu họ không làm được điều đó thì 2014 sẽ là năm có khủng hoảng trở lại.
Ernesto Talvi, Viện Brookings:
Châu Mỹ La tinh, nhất là các nước như Brazil và Argentina vốn xuất khẩu hàng nguyên liệu và tài nguyên và ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế Mỹ, đã có gần một thập niên tăng trưởng xuất sắc, với tăng gấp đôi mức trung bình dài hạn của khu vực này. Thời kỳ khả quan này được hỗ trợ bằng các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, nhưng chủ yếu được thúc đẩy bằng nguồn vốn nước ngoài dồi dào và rẻ, và giá cao của nguyên liệu và tài nguyên. Mức tăng trưởng cao và các chính sách tích cực tái phân phối thu nhập có thể thực hiện được nhờ ngân sách dồi dào đã giúp tỉ lệ nghèo đói ở Châu Mỹ La tinh giảm 13 điểm phần trăm, giảm 5 điểm phần trăm về mức nghèo đói nghiêm trọng, và làm xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới chớm nở.
Tuy nhiên, kể từ giữa đến cuối năm 2011, các tỉ lệ tăng trưởng Châu Mỹ La tinh đã giảm đáng kể do tăng trưởng ở các nền kinh tế quan trọng của khối thị trường mới trỗi dậy đã mất đà (đặc biệt tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm từ mức cao ngất 12% xuống còn 7%) và giá nguyên liệu và tài nguyên giảm đi. Gần đây, tình hình tài chính quốc tế đã thắt chặt – gây rúng động các thị trường mới trỗi dậy – kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo khả năng giảm dần chương trình kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ. Do đó, các nguồn tài chính và vốn quốc tế dự kiến sẽ trở nên hiếm hơn và đắt hơn.
Nguồn vốn và tài chính nước ngoài ít hơn và đắt hơn nghĩa là các nước như Brazil – hiện đang chi nhiều hơn thu, và dùng các nguồn nhập vốn nước ngoài với chi phí thấp để tài trợ cho mức bội chi đó – sẽ sớm phải điều chỉnh các tỉ lệ tăng tiêu dùng, đầu tư, và chi tiêu công cộng, và điều điều đó sẽ hạn chế tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Những nước quản lý kinh tế yếu kém hơn, như Argentina và Venezuela, hiện đã ở trong trạng thái khủng hoảng.
Giới hoạch định chính sách ở các nước quản lý tốt trong khu vực này sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế quan trọng do môi trường bên ngoài bất lợi hơi và các hạn chế tài chính nghiêm ngặt hơn. Những thách thức này, đặc biệt việc tái kích thích tăng trưởng thông qua những biến đổi nội địa, phức tạp về mặt chính trị và mất thời gian để tạo hiệu ứng (ví dụ cải cách giáo dục ở Mexico). Giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tính liêm khiết về tài khóa vào lúc cử tri bất mãn (cộng với các kỳ vọng cao do một thập niên có mức tăng trưởng rất cao) sẽ gây sức ép buộc các chính phủ chiều theo các yêu sách trước mắt của công chúng mà bỏ mất các chính sách đúng đắn. Cách giải quyết những căng thẳng này sẽ rất quan trọng trong việc xác định các triển vọng kinh tế của khu vực này trong những năm tới. Dù gì đi nữa, trong thập niên sắp đến chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của một Châu Mỹ La tinh rất khác.
Yukon Huang, Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế:
Hội nghị 3 của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 đã vạch ra một khuôn khổ chính sách táo bạo để tiến đến con đường tăng trưởng bền vững hơn. Những thay đổi chính sách này rất quan trọng khi Trung Quốc tiến gần tới mức thu nhập mà tại đó nhiều nước đang phát triển tăng trưởng nhanh khác đã bị sút giảm rất nhanh về tỉ lệ tăng trưởng, cái gọi là bẫy thu nhập trung bình. Trong tương lai, nếu muốn tránh được cái “bẫy” này và duy trì tăng trưởng ở mức 7% cho những năm còn lại của thập niên này, Trung Quốc sẽ phải xử lý vấn đề nợ đang tăng, và tăng đáng kể năng suất.
Gói kích thích kinh tế trị giá 600 tỉ Mỹ kim vào năm 2008 của Trung Quốc đã khiến tổng mức nợ của nước này tăng 50 điểm phần trăm, lên đến 200% GDP. Do Trung Quốc có tỉ lệ tiết kiệm cao và mức dự trữ khổng lồ, gánh nặng này có thể kham được miễn là tỉ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ tiêu có thể được duy trì. Do vậy, một mối quan ngại lớn được nêu ra trong Hội nghị 3 là việc củng cố hệ thống tài khóa để các chính quyền địa phương không còn dựa vào tín dụng ngân hàng để có nguồn tài chính đáp ứng các nhu cầu chi tiêu căn bản của họ.
Nhưng thách thức lớn hơn là tăng năng suất, vì Trung Quốc trước đây dựa vào tỉ lệ đầu tư ngày càng tăng và khả năng dễ tiếp cận lao động chi phí thấp nhưng nay thì điều đó không còn phù hợp nữa. Hai lĩnh vực đầy hứa hẹn nhất của cải cách tăng năng suất là các lĩnh vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình đô thị hóa hữu hiệu hơn, giúp cho nền kinh tế hưởng lợi từ nguồn cung lao động dồi dào vẫn kẹt trong những hoạt động kinh tế nông thôn hay ở các thành phố nhỏ có năng suất thấp, và tăng vai trò của các doanh nghiệp tư nhân có suất sinh lợi đầu tư gấp hai lần các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy các vấn đề kinh tế vĩ mô này có ưu tiên cao trong chương trình nghị sự chính sách của giới lãnh đạo cao cấp, thường dân quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về công bằng xã hội, tham nhũng và môi trường. Rất may là nhiều hành động được nhấn mạnh tại Hội nghị 3 cũng đề cập đến những thay đổi rộng hơn cần để giải quyết những mối quan ngại có tính nhạy cảm chính trị này. Các cải cách tài khóa và việc giảm lệ thuộc vào ngân hàng sẽ nâng cao tính minh bạch và cổ xúy trách nhiệm giải trình. Giảm bớt quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước và đơn giản hóa các thủ tục của chính phủ sẽ hạn chế các hoạt động trục lợi và tăng cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân. Quá trình đô thị hóa được quản lý tốt hơn sẽ tăng cường tiếng nói của tầng lớp trung lưu và cải thiện môi trường đồng thời tăng năng suất.
Mark Zandi, Moody’s Analytics:
Xin đưa một dự báo táo bạo: Năm 2014, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong một thập niên.
Lý do ủng hộ quan điểm lạc quan này là việc giảm dần chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng. Theo luật hiện hành – Quốc hội không có những thay đổi lớn về thuế và chi tiêu – những khó khăn do chính sách tài khóa sẽ nhanh chóng lắng xuống. Giới lập pháp sẽ lại cần nhất trí về việc giữ cho chính phủ tiếp tục hoạt động và nâng mức trần nợ công, nhưng dường như có khả năng họ sẽ làm như vậy sau khi thái độ đối đầu căng thẳng lúc đầu của họ đã gây phản ứng chính trị bất lợi.
Sẽ rất tuyệt nếu Quốc hội và chính quyền Obama có thể thực hiện cải cách lớn về phúc lợi và thuế, nhưng điều này dường như khó xảy ra, và trong ngắn hạn không cần điều đó để giúp nền kinh tế cải thiện; các vấn đề tài khóa dài hạn của Mỹ sẽ gặp khủng hoảng trong thập niên tới. Miễn là giới lập pháp đừng gây hại gì, mà đây là một chuẩn mực thấp hợp lý, chính sách tài khóa sẽ nhanh chóng bớt là lực cản đối với tăng trưởng.
Sự hồi phục của thị trường nhà cũng sẽ góp phần tạo nên tăng trưởng sản lượng cao hơn. Các đặc điểm dân số đơn giản cho thấy thị trường nhà sẽ tăng: Tốc độ xây dựng hiện tại quá thấp để cung cấp nhà ở cho các hộ gia đình mới hình thành, thay thế nhà hư hại hay nhà cũ, và đáp ứng nhu cầu mua nhà thứ hai. Nhà đã được xây dựng quá nhiều trong thời kỳ bong bóng địa ốc, nhưng chẳng bao lâu nữa thị trường sẽ không đủ nguồn cung, cho thấy hoạt động xây dựng sẽ tăng đáng kể ở nhiều nơi trên nước Mỹ.
Sự tăng tốc của thị trường nhà phụ thuộc vào khả năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc làm cho tốc độ tăng lãi suất trong tương lai phù hợp với thị trường việc làm đang cải thiện. Doanh số bán nhà sẽ không bị ảnh hưởng bởi lãi suất vay thế chấp (mortgage) cao hơn nếu mức thuê mướn lao động tăng mạnh và tỉ lệ thất nghiệp giảm đi giúp tăng thu nhập và sự lạc quan của người mua nhà. Việc khéo léo giảm dần các chính sách kích thích tiền tệ khác thường không phải là việc dễ dàng đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhưng có thể làm được, và là kết quả khả dĩ nhất.
Trên hết thảy, tâm lý lạc quan về năm 2014 dựa trên tình hình tài chính rất khả quan của các công ty, ngân hàng và hộ gia đình Mỹ. Các doanh nghiệp đã giảm chi phí của họ và đang có lợi nhuận ở mức kỷ lục. Các ngân hàng đã tái cấp vốn và có tính thanh khoản cao. Và các hộ gia đình đã giảm các mức nợ nần của mình và vay được vốn với lãi suất [cố định] ở mức thấp kỷ lục.
Yếu tố duy nhất còn thiếu để có một nền kinh tế mạnh hơn là sự lạc quan. Khó mà biết được điều gì sẽ vực dậy tinh thần, nhưng với nỗi đau của thời kỳ đại suy thoái đang vơi dần và tình trạng đối đầu chính trị ở Washington dự kiến sẽ biến mất khỏi trang nhất của báo chí, ngày càng có cơ may là điều này sẽ diễn ra trong năm 2014.
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Nguồn: Mohammed Aly Sergie, Prospects for the Global Economy in 2014, Council on Foreign Relations, 13/12/2013.
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 1/1/2014.)
5 thoughts on “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2014”