Bầu cử Mỹ 2016: bất ngờ ở hai vòng sơ bộ đầu tiên

Phạm Vũ Lửa Hạ

Kết quả của hai vòng sơ bộ đầu tiên, ở Iowa ngày 1-2 và New Hampshire ngày 9-2, đã khẳng định nỗi lo của giới chóp bu của hai đảng chính: những người ban đầu được xem là kẻ ngoài cuộc và lập dị qua mặt các nhân vật chủ lưu có cương lĩnh gần với quan điểm chính thống của mỗi đảng. Vẫn còn đó khả năng đáng ngại, ít nhất là cho những người tỉnh táo, là cuộc đua cuối cùng vào Nhà Trắng sẽ diễn ra giữa hai ứng cử viên dân túy, cực đoan theo cách riêng của mình: Donald Trump (Cộng hòa) và Bernie Sanders (Dân chủ).

Các ứng viên Đảng Cộng hòa tranh luận tại vòng bầu cử sơ bộ của đảng tại bang New Hampshire. (Ảnh: AP)
Các ứng viên Đảng Cộng hòa tranh luận tại vòng bầu cử sơ bộ của đảng tại bang New Hampshire. (Ảnh: AP)

Đảng Cộng hòa: chủ lưu thất bại

Sau vòng đầu tiên ở Iowa, Đảng Cộng hòa tạm thời yên tâm với sự so kè sát sao giữa ba người về đầu: Ted Cruz (27,7%), Trump (24,3%), và Marco Rubio (23,1%). Đảng này tạm thở phào khi ông Trump không thắng dù liên tục dẫn đầu trong gần như mọi cuộc thăm dò dư luận cho tới nay, và vị trí tạm ổn của ông Rubio, người được giới chóp bu kỳ vọng sẽ trỗi dậy trong nhóm ứng cử viên chủ lưu, nhất là với sự xuống dốc liên tục của Jeb Bush, cựu thống đốc Florida đồng thời là con trai và em trai của hai tổng thống.

Ông Trump thắng ở New Hampshire (35,3%); John Kasich, thống đốc Ohio, về nhì (15,8%); ông Cruz về ba (11,7%). Ông Rubio giành được chưa tới 11% số phiếu, chỉ về thứ năm, thấp hơn cả Jeb Bush. Như vậy giới chóp bu Đảng Cộng hòa vẫn chưa có bài thuốc giải độc trước việc ông Trump đả phá ý thức hệ bảo thủ và danh tiếng của đảng này; hay đối với ông Cruz, một thượng nghị sĩ siêu bảo thủ đứng đầu nỗ lực cản trở duyệt phân bổ ngân sách để buộc chính phủ liên bang ngừng hoạt động vào năm 2013.

Đảng Dân chủ: kế thừa hay thay đổi?

Giới chóp bu của Đảng Dân chủ cũng bàng hoàng không kém. Ở Iowa, Hillary Clinton, dày dạn kinh nghiệm cả về làm quan lẫn tranh cử cộng với cái họ nổi tiếng của người chồng tổng thống hai nhiệm kỳ, chỉ thắng sít sao (49,9%) trước Bernie Sanders (49,5%), một thượng nghị sĩ kỳ cựu nhưng trước kỳ tranh cử này vẫn ít tiếng tăm. Đây là mức chênh lệch thấp nhất (chỉ chênh nhau một phiếu đại biểu, 22 cho Clinton và 21 cho Sanders) trong một vòng sơ bộ của Đảng Dân chủ tại bang này.

Ông Sanders được giới chóp bu Đảng Dân chủ xem là không thể thắng một kỳ tổng tuyển cử, mà có thể họ có lý do. Ông Sanders hứa chia nhỏ các đại ngân hàng, miễn học phí đại học, đánh thuế thật nặng với người giàu. Ông tự xưng là một người xã hội chủ nghĩa dân chủ; riêng cụm từ “xã hội chủ nghĩa” khiến phần lớn người Mỹ chỉ nghe tới là rùng mình. Vậy mà ông giành được 60,4% số phiếu ở New Hampshire, một trong những thắng lợi lớn nhất tại một vòng sơ bộ của Đảng Dân chủ, và đẩy bà Clinton (38%) vào tình thế khó khăn.

Ông Sanders qua mặt bà Clinton trong gần như mọi nhóm cử tri. Theo các thăm dò dư luận sau khi bỏ phiếu, ông giành hơn 80% số phiếu của giới trẻ. Ông cũng thắng bà Clinton trong các nhóm nam và nữ, sinh viên đã tốt nghiệp và chưa tốt nghiệp, người có súng lẫn người không có súng. Nhóm cử tri duy nhất vẫn trung thành với bà Clinton là người có thu nhập cao (thu nhập gia đình trên 200.000 đô-la) và người từ 65 tuổi trở lên. Cần nhớ là bà Clinton đã thắng vòng sơ bộ ở New Hampshire năm 2008 trước Obama, và đã dẫn 40 điểm ở đó khi bà tuyên bố ra tranh cử hồi năm ngoái.

Sau thất bại ở New Hampshire, bà Clinton thừa nhận bà cần phải cố gắng hơn để chiếm cảm tình của giới trẻ. Nhưng chính lá phiếu của nhóm cử tri gốc Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha và đặc biệt là người da đen nay sẽ là mối lo lớn nhất của bà. Trong kỳ bầu cử năm 2008, người gốc Mỹ Latinh chiếm 15% trong các cử tri Dân chủ tại Nevada, bang đầu tiên ở miền tây bầu cử sơ bộ (vào ngày 20-2). Người Mỹ gốc Phi cho tới nay ủng hộ bà Clinton hơn ông Sanders với tỉ lệ 3:1; nhóm này chiếm tới 55% trong tổng số cử tri Dân chủ ở South Carolina, bang đầu tiên ở miền nam bầu cử sơ bộ (vào ngày 27-2). Miễn là bà Clinton giữ được họ, bà có lẽ sẽ giành được đề cử của đảng mình. Song, thắng lợi áp đảo của ông Sanders khiến điều đó có phần bấp bênh hơn.

Ông có một vài lợi thế lớn ở New Hampshire. Bang này đầy những người da trắng tả khuynh, và kế bên Vermont, bang được ông đại diện ở Washington trong một phần tư thế kỷ. Nhưng kết quả ở đây cũng cho thấy các nhược điểm của bà Clinton hết sức căn bản. Bà tiêu biểu cho tính kế thừa, còn cử tri muốn có thay đổi. Các thăm dò dư luận sau khi bỏ phiếu ở New Hampshire cho thấy 42% cử tri Dân chủ muốn có một tổng thống tả khuynh hơn Barack Obama. Dĩ nhiên họ là một nhóm nữa mà ông Sanders hoàn toàn thu phục. Ông hứa hẹn “một cuộc cách mạng chính trị”; bà Clinton hứa bảo tồn di sản của ông Obama. Chỉ cần biến báo chút xíu, lời hứa đó không hẳn là cầm chắc phần thua; đương kim tổng thống rất được lòng cử tri Dân chủ.

Dù đang trải qua một giai đoạn khó khăn, bà Clinton có cái đầu tỉnh táo, tinh thông tường tận về chính sách, và nhiều kinh nghiệm chính trường. Song, cái khó cho bà là bà thiếu sự khôn lanh, khả năng truyền cảm hứng, và tính cách gần gũi dễ thu phục nhân tâm mà các chính khách kém hơn thường dùng để thay đổi cho thích ứng. Bà có sức thu hút, nhưng theo kiểu máy móc lập trình sẵn. Tới nay ngay cả bằng triển vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở Mỹ bà cũng không giành được cảm tình của nhiều phụ nữ. Con đường của bà càng chông chênh hơn do thiên hạ dai dẳng bàn tán chuyện bà dùng tài khoản thư điện tử cá nhân khi còn là ngoại trưởng, chỉ chực bôi xấu bà là kẻ gian trá. Giới ủng hộ bà lên án rằng cả tiếng xấu và vụ bê bối đó là trò phỉ báng hiểm độc của phe Cộng hòa. Nhưng ấn tượng đó khó phai, và chẳng có mấy lý do để tin rằng cử tri da đen và gốc Mỹ Latinh sẽ không bị chuyện đó ảnh hưởng trong khi ông Sanders sẵn sàng chiêu dụ họ bằng biết bao lời đường mật hứa hẹn làm cách mạng.

Bên phe Cộng hòa, ông Trump có thể rung đùi tự đắc. Ở Iowa, nhà tài phiệt bất động sản đạt kết quả kém hơn so với dự đoán từ khoảng 70 cuộc thăm dò dư luận trước đó. Như vậy nghĩa là sự ủng hộ ông cũng khác người không kém bản thân ông. Những người da trắng thuộc tầng lớp lao động sẵn sàng đổ xô tới dự các buổi vận động của ông để nghe ông nói đùa, sỉ nhục người khác và đưa ra những lời hứa động trời kiểu như dựng “một bức tường đẹp” dọc biên giới với Mexico (và bắt Mexico trả tiền), hứa trục xuất toàn bộ 11 triệu di dân bất hợp pháp, hứa cấm người Hồi giáo vào Mỹ, hứa cứng rắn để buộc Trung Quốc xuống nước, nhưng họ không chịu kéo nhau đi bỏ phiếu.

Ông Trump chẳng thèm làm gì để dẹp mối lo đó. Ông vận động tranh cử ở New Hampshire ít hơn hầu như bất cứ đối thủ nào, chỉ dành 30 ngày ở bang này và chẳng chi bao nhiêu tiền. Phần lớn chi tiêu của ông là tiền xăng máy bay và những cái mũ bóng chày màu đỏ in khẩu hiệu “Make America Great Again” (“Giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại”). Chiến dịch tranh cử của ông trông cứ như một màn dàn dựng ngụy tạo hời hợt chỉ để báo chí tin rằng ông có ý định nghiêm túc. (Thậm chí có thuyết âm mưu cho rằng ông là gián điệp được Đảng Dân chủ cài cắm để phá hoại Đảng Cộng hòa.) Trong khi đó, Jeb Bush dành tới 57 ngày ở bang này; ông và ủy ban hành động chính trị (PAC, tức là tổ chức vận động tài trợ chính trị để gây ảnh hưởng với các cuộc bầu cử và hoạt động lập pháp) ủng hộ ông, Right to Rise, đã chi 30 triệu đô-la cho quảng cáo trên truyền hình ở bang này, chủ yếu để công kích các đối thủ chủ lưu của ông là ông Rubio, ông Kasich và Chris Christie, thống đốc New Jersey.

Đối với giới chóp bu và giàu có của Đảng Cộng hòa, thất bại của ông Rubio là cú sốc lớn hơn cả thắng lợi của ông Trump. Nếu vị thượng nghị sĩ đại diện bang Florida chỉ cần lặp lại kết quả ở Iowa, bằng cách đè bẹp các đối thủ chủ lưu, có lẽ ông đã được tung hô là người đủ sức cản đường ông Trump và ông Cruz – và chiến dịch tranh cử ông rủng rỉnh tiền. Điều đó vẫn có thể xảy ra. Ông Rubio bị coi là còn quá non nớt nên chưa đủ sức làm tổng thống. Một câu nói hớ không đúng lúc trong cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp hôm 6-2 dường như đã khẳng định điều đó: để đáp lại cáo buộc của ông Christie là ông chỉ biết học vẹt và chưa được thử thách qua thực tế ông Rubio lặp lại như máy lời công kích đã tập dượt trước về tổng thống Obama. Tuy nhiên ông vẫn là người thông minh và có sức hấp dẫn – và nếu ông không trở thành đấu thủ giương cao ngọn cờ chủ lưu cho phe Cộng hòa, thì chẳng rõ còn có ai nữa.

Ông Bush có tiền, nhưng, giống như ông Kasich, có vẻ xa lạ với tâm thế của Đảng Cộng hòa hiện nay. Ông Christie chỉ dành được 7% số phiếu ở New Hampshire, và đã bỏ cuộc. Đáng ngại hơn nữa đối với những cây đa cây đề của đảng này là danh tánh của ứng cử viên được cho là chống Trump và chống Cruz, mà sẽ được dành cho khoảng 40% số phiếu sơ bộ, nay có lẽ phải đợi tới sau vòng sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở South Carolina vào ngày 20-2 mới biết được. Như vậy càng tuyệt cho ông Trump và ông Cruz (dành ít thời gian và chi ít tiền ở New Hampshire hơn cả ông Trump). Nay họ có thể tập trung vào tăng cường chiến dịch tranh cử và tích lũy đại biểu.

Trong khi đó, ông Rubio và những người còn lại đấu đá nhau trong một cuộc tranh giành làm suy yếu lẫn nhau. Trong số này có thể chẳng có ai đạt kết quả cực kỳ tốt ở South Carolina. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump bứt tốp hẳn giống như ở New Hampshire, với 36% số phiếu, và ông Cruz ở vị trí thứ nhì vững chắc với 20%. Tất cả các ứng cử viên chủ lưu đều tụt hậu rất xa.

Giới chóp bu của hai đảng cứ mong vòng sơ bộ ở New Hampshire hôm 9-2 sẽ khiến cho cuộc đấu sơ bộ rối rắm trở nên đơn giản hơn. Nhưng các thắng lợi áp đảo của ông Trump và ông Sanders nếu có đơn giản hóa cuộc đấu này thì lại theo một cách hoàn toàn ngoài ý muốn của giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.

(Bài đã đăng trên TBKTSG, số ra ngày 18-2-2016)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *