Chớp mắt đã chục năm rồi. Chỉ nhớ sáng hôm đó tới trường, thấy nhốn nháo ngay sảnh. Ai cũng dán mắt vô màn hình TV. Kẻ khóc òa, người lặng thinh, nhưng hầu như ai cũng thấy có liên hệ ít nhiều tới tháp đôi đang bị tấn công. Gọi điện ngay cho bà xã đang ở trường bên kia, hẹn gặp nhau lúc ăn trưa, nhưng lòng cứ lo không biết tàu điện ngầm có bị đóng cửa. Rồi cũng đi được. Chiều trường mới dạy trở lại, nhưng vô lớp thầy trò cứ nhìn nhau chứ còn tâm trí đâu …
Cả tháng nay truyền thông năm châu tràn ngập tin bài kỷ niệm 10 năm sự kiện 11 Tháng 9. Lục lọi tài liệu cũ moi được vài bài mình viết (cho báo Việt) hồi kỷ niệm 1 năm.
Một năm sau ngày 11/9
1. Tôi còn nhớ rõ ngày 11/9/2001. Hôm đó là ngày khai giảng của Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Các lớp học bắt đầu từ 9 giờ sáng nhưng đều phải ngừng lại khi mọi người đổ xô ra theo dõi vụ khủng bố trên màn hình lớn ở giữa trường. Tôi quan sát thấy người Mỹ khá giỏi trong việc xử lý tình huống khi có khủng hoảng.
Khi TV chiếu cảnh lần lượt từng tòa tháp đôi đổ sụp, đa số mọi người xúc động đứng chôn chân tại chỗ, và nhiều người kêu khóc thảm thiết vì biết có người thân trong tòa nhà đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bình tĩnh dàn xếp những chuyện tưởng nhỏ nhưng rất hữu ích trong tình cảnh rối ren. Một số giáo sư và sinh viên dọn dẹp ngay một phòng học và mời những ai sup sụp tinh thần vào đó để chuyên gia tâm lý tư vấn xoa dịu. Một nhóm khác tức khắc thành lập tổ công tác khẩn cấp, kêu gọi những ai có kinh nghiệm hay đã được huấn luyện về y tế hay quân sự đăng ký tham gia để ngay trong ngày hôm đó lên đường đi New York hay Washington, D.C., để góp sức vào chiến dịch cứu trợ. Đại diện hội sinh viên nhanh nhẹn liên lạc với công ty vận tải công cộng cho sinh viên đi xe buýt và tàu điện ngầm miễn phí để đến địa điểm hiến máu vừa mới lập nên ở trung tâm thành phố.
2. An ninh là nỗi ám ảnh lớn sau 11/9. Các biện pháp an ninh chỉ tăng đôi chút kể từ khi máy dò kim loại được áp dụng vào năm 1973 (trước đó ta chỉ việc có vé là có thể lên máy bay). Còn hiện nay qua được cửa an ninh là cả một quá trình nhiêu khê. Thông thường mất một giờ cho chuyến bay nội địa, và khoảng 2 đến 3 giờ cho chuyến quốc tế. Có lần tôi đã đọc hết một cuốn sách trong khi lê chân trong hàng dài dặc đợi làm thủ tục an ninh trước khi lên máy bay về Việt Nam. Có lần tôi bị tịch thu một chiếc kéo lỡ để quên trong hành lý xách tay. Một lần khác tôi phải cởi giày để họ kiểm tra. Kỹ đến thế mà cũng lọt sổ. Thỉnh thoảng thiên hạ lại hú hồn khi toàn bộ hành khách phải sơ tán ra khỏi một khu nhà ga của một sân bay lớn vì phát hiện có hành khách mang súng lọt qua cửa an ninh.
Sau 11/9, tôi đã mấy lần đến New York, mỗi lần bằng một phương tiện khác nhau, nhưng kiểm tra an ninh thì chẳng khác gì nhau: rất chặt chẽ, kỹ càng (nhiều khi đến vô lý) và mất nhiều thời gian. Lần gần đây nhất, tôi đi bằng xe buýt (mất khoảng 4 giờ); tưởng thoát cảnh chầu chực qua cửa an ninh nhưng cũng phải mất gần nửa giờ mới lên được xe. Cách đây khoảng 2 tháng, tôi đưa một phái đoàn quan chức cấp cao nước ngoài sau khi thăm và làm việc với trường Harvard ra sân bay Boston đi New York. Cả đoàn bất ngờ và bất bình khi hành lý của từng người bị lục tung để khám xét (chỉ có 3 quan chức cấp cao nhất được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao). Hỏi ra mới biết vừa có quy định là tất cả những ai mua vé một chiều đi New York thì đều bị khám xét hành lý. Đối với hành khách có vé khứ hồi thì chỉ khám xét ngẫu nhiên.
Mất bò mới lo làm chuồng. Dưới góc nhìn của tổng thống Bush, bảo vệ an ninh nội địa là ưu tiên số một. Chỉ trong vòng 1 năm, chi tiêu của chính phủ liên bang cho công tác này sẽ tăng gấp đôi, lên đến hơn 37 tỉ đô-la. Nếu tính luôn cả chi tiêu của chính quyền các tiểu bang và địa phương, và của khu vực tư nhân, tổng cộng khoảng 100 tỉ đã đổ vào hoạt động đảm bảo an ninh trong năm đầu tiên sau 11/9. Những địa điểm xưa nay chẳng ai lo nghĩ đến nhiều – như bể chứa nước, nhà máy điện, đường ống dẫn dầu, cầu và đường hầm – thì nay cần giám sát chặt chẽ. Tại trụ sở Quốc hội Mỹ, những rào chắn thấp bằng bê-tông bao quanh khuôn viên, công chúng không còn tự do đi lại thoải mái, và 25.000 mặt nạ chống hơi độc đã được đặt mua. (Người ta đã quyết định rằng nếu chỉ đặt mua cho 535 nghị sĩ thì chưa đủ. Vì thế trong kế hoạch phòng ngừa bất trắc, họ tính luôn cả các nhân viên và khách du lịch.) Ít lâu sau 11/9, cả thành phố San Francisco hoảng loạn khi FBI khuyến cáo rằng chiếc cầu nổi tiếng Golden Gate có thể là mục tiêu khủng bố.
3. Lần nào đến New York, tôi cũng tranh thủ ghé lại Ground Zero (hiện trường của vụ khủng bố). Tại đó, người ta đã dựng lên một giàn gỗ để khách thập phương xếp hàng nối đuôi nhau lên nhìn cảnh công nhân tất bật dọn dẹp đống đổ nát. Lên đến nơi, tôi cố nhón chân cao giơ máy ảnh bấm cho trọn cảnh. Bỗng nhớ lại mấy tháng trước đó tôi có mặt trong số biết bao khách du lịch lũ lượt lên đến tầng cao nhất của tòa nhà chót ngót để ngắm cảnh thành phố tráng lệ – chợt rùng mình khi thấy chỉ còn một đống tro tàn. Mấy tòa nhà cao tầng xung quanh xám ngoét với nhiều khung cửa cháy xém như càng minh chứng thêm cho tính chất thảm khốc của một ngày kinh khủng.
Hàng rào bao quanh khuôn viên nhà thờ kế bên Ground Zero treo đầy mũ, áo thun, cờ hay thậm chí chỉ là một mảnh vải từ khắp nước Mỹ và khắp thế giới gởi về. Tất cả đều ghi những lời trân trọng để góp phần dịu nỗi đau. Nhiều nhất là những câu như “I love New York” (Tôi yêu New York), “God Bless America” (Chúa phù hộ nước Mỹ), “We will never forget 9/11 ” (Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ngày 11/9), “You are always with us” (Các bạn luôn ở cạnh chúng tôi). Tôi để ý thấy có một lá cờ Pháp với dòng chữ “New York sera toujours New York” (New York vẫn luôn là New York) từ Paris gởi sang. Cũng thấy có nhiều dòng chữ tiếng Ả rập hay nhiều thứ tiếng khác tôi không đọc được nhưng đoán chắc là những câu tưởng niệm hay tôn vinh các nạn nhân, những người lính cứu hỏa và nhân viên cứu hộ đã thiệt mạng ngày hôm đó.
Trên các quầy hàng lưu niệm cạnh đó, nhiều nhất là những tấm hình vẽ hoặc chụp tòa tháp đôi lúc còn lừng lững trên bầu trời New York hay lúc đang bốc cháy, như để giúp du khách lưu giữ chút hình ảnh của tòa nhà từng cao nhất thành phố này. Rời Ground Zero, rảo bước qua khu trung tâm tài chính Wall Street, đến công viên Battery (nơi có bến đón phà ra tham quan tượng Nữ thần Tự do), ta sẽ thấy có một quả cầu thép khổng lồ hình dạng méo mó dựng lên từ những mảnh vỡ của quả cầu nguyên thủy tại Trung tâm Thương mại Thế giới để tưởng niệm các nạn nhân.
Người Mỹ còn có nhiều cách khác nhau để bày tỏ cảm xúc về sự kiện thảm khốc, và sự trân trọng đối với New York và các nạn nhân. TV thỉnh thoảng chiếu cảnh các em thiếu nhi ra trạm xăng tình nguyện rửa xe cho khách để quyên tiền đóng góp cho các quỹ từ thiện. Ca sĩ Bruce Springsteen cất công viết ca khúc The Rising, và lần đầu tiên sau 7 năm chịu vào studio thu nguyên CD cùng tên với những bài hát đậm màu tưởng niệm tấn thảm kịch. Các trường đại học liên tục tổ chức các hội thảo chuyên đề, các buổi nói chuyện về chống khủng bố, về tác động kinh tế xã hội, về chiến lược hồi phục … Chừng hai tháng sau sự kiện bi thảm, trường tôi tổ chức một ngày gọi là Firefighters’ Day để mời các nhân viên cứu hỏa ở New York đến kể chuyện cứu hộ, và họ còn được tham gia vào các diễn đàn thảo luận góp ý kiến cho chính phủ về chuyện tái thiết New York.
Hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị Viện hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Điện ảnh cho phép New York tổ chức một số tiết mục trong lễ trao giải Oscar 2003 (cùng với lễ chính ở Los Angeles) để tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công cuộc khôi phục thành phố. Tuần rồi, Ủy ban Olympic Quốc gia Mỹ công bố New York và San Francisco lọt vào chung kết để chọ thành phố đại diện Mỹ nộp đơn xin đăng cai Thế vận hội 2012. Thời gian này vào nhà sách, ta sẽ thấy có cả một gian riêng trưng bày sách về 11/9: từ sách về al-Queda và âm mưu khủng bố đến sách hướng dẫn khắc phục tâm lý đau thương và sách ảnh lưu niệm New York. Năm nay, giới truyền thông cũng sẽ có những hoạt động rầm rộ để kỷ niệm 11/9. Tuần báo U.S. News & World Report ra một số kỷ niệm dày đến 100 trang. Đài truyền hình NBC sẽ có chương trình dài 6 giờ, còn chương trình của đài ABC dài đến 14 giờ. Đài CBS sẽ có cuộc phỏng vấn độc quyền với tổng thống Bush.
Hai tuần trước ngày kỷ niệm một năm ngày 11/9, giới kinh doanh Mỹ dường như đã thống nhất với nhau rằng tốt hơn là giảm bớt quảng cáo vào ngày hôm đó. Họ muốn tránh bị xem là lợi dụng ngày đặc biệt đó để vụ lợi. Trong số những doanh nghiệp lớn chấp nhận bỏ bớt quảng cáo trên truyền hình, radio, và báo chí có những tên tuổi lớn như Coca-Cola, General Motors, đài chiếu phim truyện HBO của hãng AOL Time Warner, chi nhánh Bắc Mỹ của hãng ô tô Nissan. Nhìn chung, người ta xem đó là ngày để tưởng nhớ và trân trọng, chứ không phải để thương mại hóa. Phần lớn những công ty vẫn quảng cáo vào ngày 11/9 năm nay, chẳng hạn như Ford Motor và Procter & Gamble, thì sẽ tránh không đưa quảng cáo vào những chương trình có liên quan đến hoạt động kỷ niệm sự kiện khủng bố.
Việc hạn chế quảng cáo không chỉ dừng lại ở các phương tiện truyền thống như TV, radio và báo chí. Ví dụ, hãng Sears sẽ ngưng các cuộc điện thoại tiếp thị từ xa, và thậm chí ngưng cả các cuộc gọi đòi nợ quá hạn. Kênh tin tức của đài Fox sẽ hoàn toàn không có quảng cáo trong ngày 11/9, còn đài CNN sẽ giảm bớt rất nhiều những phút giải lao để quảng cáo. Việc cắt giảm quảng cáo (trong một số trường hợp có thể kéo dài đến tận 15/9) ước tính sẽ khiến các công ty truyền thông mất khoảng 300 triệu đô-la. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp tài trợ để bù đắp phần nào. Hãng Boeing sẽ tài trợ cho một buổi biểu diễn nhạc để tưởng niệm chiếu trên đài NBC. Sở giao dịch chứng khoán New York đang bàn với đài CNN để tài trợ phần nào cho chương trình của đài này. Hãng Nextel năm ngoái đã tài trợ cho đài CBS chiếu cuốn băng về cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, và năm nay sẽ tài trợ để phát lại.
4. Người Mỹ thường tự hào về quyền tự do ngôn luận của mình. Thế mà, chỉ ít lâu sau 11/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer khuyến cáo rằng người Mỹ giờ đây “phải giữ mồm giữ miệng, và cẩn thận trong hành động”. Chỉ mới tuần trước, khi máy bay vừa cất cánh, một thanh niên dại dột khoác lác với người ngồi cạnh rằng buôn lậu vũ khí vào Florida dễ hơn vào Nam Mỹ; thế là phi hành đoàn quyết định quay trở lại sân bay và tống anh chàng ra khỏi máy bay.
Giáo dục là một ngành xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Các trường đại học có nguồn thu rất lớn từ việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài. Sau 11/9, do yêu cầu của INS (Cơ quan quản lý nhập cảnh và nhập tịch), các trường phải thắt chặt chính sách chiêu mộ sinh viên ngoại quốc. Vì thế, nguồn thu đó giảm đáng kể, nhất là khi bớt đi rất nhiều số sinh viên từ những nước Trung Đông giàu có. Ngành giáo dục còn bị ảnh hưởng về nhiều phương diện khác. Những đại học lớn nổi tiếng có tư tưởng tự do (liberal) như Harvard và M.I.T. phân vân giữa hai con đường: mở rộng hay khép kín cánh cửa học thuật. Một ví dụ: tại những đại học này đang có cuộc tranh luận chưa ngã ngũ về việc nên mở cửa thư viện và phòng thí nghiệm cho mọi người thoải mái ra vào hay phải tăng cường lắp đặt các thiết bị an ninh và camera theo dõi.
Khoảng một tháng sau 11/9, nhật báo Boston Globe đăng bài tường thuật Đại học Harvard cung cấp dữ liệu về tài chính của một số sinh viên gốc Ả rập cho các nhân viên điều tra của FBI. Thế là dấy lên một làn sóng sinh viên phản đối việc tiết lộ thông tin cá nhân tuy lãnh đạo nhà trường phủ nhận. Thực ra, sau vụ khủng bố, những chuyện như thế đã được chính phủ Mỹ bật đèn xanh dù bị nhiều người xem là vi phạm quyền riêng tư.
Chính quyền Mỹ mở rộng quyền hạn của cơ quan thực thi pháp luật trong việc bắt bớ, điều tra và truy tố. Quốc hội tạo điệu kiện thuận lợi hơn trong việc khám xét, gài máy nghe lén điện thoại, và thu thập các hồ sơ điện tử của các cá nhân. Bộ trưởng tư pháp John Ashcroft chấp thuận trao cho các nhân viên FBI thêm nhiều quyền hạn mới để kiểm soát Internet, các nhà thờ Hồi giáo, các cuộc mít-tinh, và những nơi trước đây từng bị hạn chế trong cuộc săn tìm những kẻ khủng bố.
Nhưng hồi tháng 7 vừa rồi, dư luận xôn xao khi Bộ tư pháp có kế hoạch yêu cầu khoảng 1 triệu nhân viên đưa thư, công nhân sửa chữa điện nước và những công nhân khác có thể vào nhà riêng của người dân trình báo những hoạt động đáng nghi cho chính quyền. Nhưng một cuộc thăm dò dư luận Gallup hồi tháng 6 cho thấy 4/5 dân Mỹ chấp nhận từ bỏ một số quyền tự do cá nhân để được đảm bảo an ninh tốt hơn. Bộ tư pháp quá tập trung vào việc chống khủng bố nên lơ là một số hoạt động khác như săn lùng các tay trùm ma túy hay trùm lừa đảo. Có một số tù nhân muốn hợp tác với FBI để phá một âm mưu lừa đảo ngân hàng 50 triệu đô-la. Trước đây, FBI có lẽ đã chộp lấy cơ hội này, nhưng bây giờ câu trả lời thường là: “Hãy đợi khi nào chúng tôi rảnh”.
5. Sự kiện 11/9 được so sánh với những biến cố lớn khác trong lịch sử Mỹ như vụ Trân Châu Cảng và vụ ám sát tổng thống Kennedy. Nhưng tác động xã hội của 11/9 thì quả là vô tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ người ta đặt nhiều câu hỏi đến thế về tính chất đa văn hóa đa chủng tộc (melting-pot) của Mỹ. Tuy nhiên, xét về một số phương diện, cuộc sống người Mỹ không thay đổi nhiều lắm. Mấy người bạn người châu Âu của tôi cho biết ngay sau 11/9 họ có gọi điện về quê nhà và được biết bên đó người ta đóng cửa quán xá, ngoài đường vắng tanh. Nhưng ở đây, nhịp sống bình thường mau chóng trở lại. Người ta vẫn có thể đi siêu thị Wal-Mart, còn tàu điện ngầm vẫn đông dù phấp phỏng lo sợ sẽ là mục tiêu tiếp theo. Dù nhà trường cho phép những sinh viên và giáo viên nào cảm thấy chưa qua nổi cơn sốc thì có thể nghỉ ở nhà, ngay ngày hôm sau các lớp học vẫn đông đúc như thường. Được biết, sau 11/9 ngành giải phẫu thẩm mỹ lại làm ăn phát đạt. Nhiều người, nhất là những người trong độ tuổi 50 – 60, đổ xô đi lột da mặt hay nâng ngực. Biết đâu họ nhận ra cuộc sống ngắn ngủi và cần phải tận hưởng khi còn có thể. Biết đâu họ nghĩ rằng nhỡ có chuyện gì bất trắc xảy ra thì lúc về với Chúa, họ cũng có một gương mặt bảnh bao để trình diện.
Boston, Massachusetts, 1/9/2002.
Nguồn: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 5/9/2002
Người Mỹ tưởng nhớ ngày 11/9 như thế nào
1. Bên này, lúc rảnh tôi thường la cà ở những tiệm sách. Nếu không đủ tiền mua sách mới thì vẫn có nơi yên tĩnh để đọc tại chỗ (tiệm sách thường tử tế bố trí bàn ghế đầy đủ để khách ngồi đọc). Thú nhất là lục tìm ở khu sách hạ giá, nhiều khi tìm được những cuốn rất ưng ý với giá rẻ bất ngờ. Mấy tuần gần đây, tôi để ý thấy các tiệm sách lớn ở đây như Harvard Coop, Borders, Barnes & Noble, và Wordsworth đều có một gian lớn ngay ở lối vào trưng bày toàn sách mới liên quan đến 11/9.
Theo ước tính của tuần báo Publishers Weekly, có khoảng 65 đến 150 đầu sách được xuất bản nhân dịp kỷ niệm một năm 11/9. Đó là chưa kể hàng chục cuốn khác về chủ đề này ấn hành năm ngoái. Sách thì đủ loại đề tài từ nghiên cứu lịch sử nguồn gốc hoạt động khủng bố hiện tại đến sách ảnh về những tấm chăn được dệt với cảm hứng lấy từ Trung tâm Thương mại Thế giới; từ những câu chuyện kể tỉ mỉ về nỗ lực hồi phục tại hiện trường đổ nát đến những chiêm nghiệm đa dạng về tương lai của quyền tự do dân sự trong thời kỳ hậu 11/9.
Có sách về các nạn nhân, nhân viên cứu hộ, những người sống sót và những kẻ khủng bố. Có sách về những thất bại của tình báo Mỹ, về những hành động anh hùng của Sở cứu hỏa New York. Có sách về phản ứng của giới văn nghệ sĩ trước sự kiện thảm khốc đó. Có sách nghiên cứu các hậu quả chính trị, tôn giáo, tâm lý, công nghệ và môi trường của các cuộc khủng bố. Nhiều cơ quan báo chí lớn cũng đã ra sách về 11/9. Riêng tờ The New York Times đã xuất bản 2 cuốn sách của các phóng viên tin và ảnh, cùng với ít nhất 4 cuốn khác của các nhân viên riêng rẽ của tòa báo. Tuần báo U.S. News & World Report ra một số kỷ niệm dày đến 100 trang. Đài truyền hình CBS tập hợp những tin tức, hình ảnh đã phát in thành một cuốn khá đầy đủ (có kèm DVD) về những điều chứng kiến về ngày kinh khủng đó. Không chỉ bàn về 11/9, các ấn phẩm còn bao gồm sách ảnh về lịch sử Trung tâm Thương mại Thế giới, tuyển tập thơ văn về New York, sách bỏ túi về cờ Mỹ, sách ghi lại những lời truyền cảm hứng của cựu thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani.
Thị trường các sản phẩm liên quan đến 11/9 không chỉ dừng lại ở sách báo. Phải nói là người Mỹ rất giỏi trong việc khai thác một sự kiện. Người ta tận dụng mọi hình thức có thể truyền đạt thông điệp về ngày thảm khốc và bày tỏ lòng yêu nước. Có thể đó là chiếc áo thun hay cái mũ in hình tòa tháp đôi hoặc dòng chữ “I love New York” (Tôi yêu New York). Có thể đó là miếng đệm lót con chuột vi tính có in hình cờ Mỹ. Có thể đó là chiếc khuy cài áo có in hình nhân viên cứu hỏa lăn xả giữa hiện trường máu lửa.
Sự tràn ngập của ấn phẩm về ngày 11/9 nêu lên những câu hỏi quan trọng về cách người Mỹ tưởng nhớ quá khứ. Đâu là ranh giới giữa lưu giữ ký ức lịch sử – để bảo đảm rằng tinh thần “chúng ta sẽ không bao giờ quên” giống như những tấm băng rôn treo xung quanh hiện trường vụ khủng bố – và trục lợi từ một sự kiện bi thảm, giữa tưởng nhớ và khai thác người đã khuất? Liệu đọc sách hay xem hình ảnh về ngày 11/9 có khơi lại những vết thương cũ hay giúp người Mỹ nguôi ngoai nỗi mất mát?
2. Các cơ quan truyền thông cũng sẽ không bỏ lỡ cơ hội 11/9. Từ mấy tháng trước, họ rục rịch chuẩn bị, sôi nổi nhất và khó nhất là chạy đua săn lùng và thuyết phục những người có liên quan đến ngày thảm khốc đó chịu tham gia chương trình của họ. Được biết, vào ngày 11/9 năm nay, đài NBC sẽ phát các cuộc phỏng vấn giữa Tom Brokaw, một trong những cây đại thụ của truyền hình Mỹ, với những nhân viên điều khiển không lưu đã theo dõi trên radar khi bọn khủng bố lao máy bay vào tòa tháp đôi. Trên đài CNN, huyền thoại Larry King sẽ phỏng vấn Lisa Beamer, vợ góa của một trong số những hành khách đã dũng cảm chống cự lại bọn không tặc trên chiếc máy bay rơi ở Pennsylvania. Ngoài trả lời phỏng vấn trực tiếp trên CNN, Lisa Beamer còn xuất hiện (qua băng thu phát lại) trên chương trình “Good Morning America” của đài ABC, và chương trình “Today Show” của đài NBC. Đài CBS xoay xở được chương trình béo bở nhất là độc quyền phỏng vấn tổng thống Bush.
Một trong những nhân vật được săn lùng nhiều nhất là cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani, người đã gần như được thánh hóa nhờ lăn xả lãnh đạo và trực tiếp tham gia công cuộc cứu hộ và phục hồi New York sau 11/9. Ông đã nhận được lời mời trả lời phỏng vấn từ hàng trăm báo đài trên khắp thế giới. Nhưng ông vẫn chưa quyết định vì muốn dành thời gian đích thân tham dự lễ tưởng niệm tại New York.
Một nét nổi bật của hoạt động truyền thông vào ngày 11/9 năm nay là bớt quảng cáo. Hai tuần trước ngày kỷ niệm một năm ngày 11/9, giới kinh doanh Mỹ dường như đã thống nhất với nhau rằng tốt hơn là giảm bớt quảng cáo vào ngày hôm đó. Họ muốn tránh bị xem là lợi dụng ngày đặc biệt đó để vụ lợi. Trong số những doanh nghiệp lớn chấp nhận bỏ bớt quảng cáo trên truyền hình, radio, và báo chí có những tên tuổi lớn như Coca-Cola, General Motors, đài chiếu phim truyện HBO của hãng AOL Time Warner, chi nhánh Bắc Mỹ của hãng ô tô Nissan. Nhìn chung, người ta xem đó là ngày để tưởng nhớ và trân trọng, chứ không phải để thương mại hóa. Phần lớn những công ty vẫn quảng cáo vào ngày 11/9 năm nay, chẳng hạn như Ford Motor và Procter & Gamble, thì sẽ tránh không đưa quảng cáo vào những chương trình có liên quan đến hoạt động kỷ niệm sự kiện khủng bố.
Việc hạn chế quảng cáo không chỉ dừng lại ở các phương tiện truyền thống như TV, radio và báo chí. Ví dụ, hãng Sears sẽ ngưng các cuộc điện thoại tiếp thị từ xa, và thậm chí ngưng cả các cuộc gọi đòi nợ quá hạn. Những nhân viên phụ trách các mảng này sẽ được lựa chọn tạm chuyển qua bộ phận khác hoặc được nghỉ phép ngày 11/9. Kênh tin tức của đài Fox sẽ hoàn toàn không có quảng cáo trong ngày 11/9, còn đài CNN sẽ giảm bớt rất nhiều những phút giải lao để quảng cáo. Việc cắt giảm quảng cáo (trong một số trường hợp có thể kéo dài đến tận 15/9) ước tính sẽ khiến các công ty truyền thông mất khoảng 300 triệu đô-la. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp tài trợ để bù đắp phần nào. Hãng Boeing sẽ tài trợ cho một buổi biểu diễn nhạc để tưởng niệm chiếu trên đài NBC. Sở giao dịch chứng khoán New York đang bàn với đài CNN để tài trợ phần nào cho chương trình của đài này. Hãng Nextel năm ngoái đã tài trợ cho đài CBS chiếu cuốn băng về cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, và năm nay sẽ tài trợ để phát lại.
3. Nhiều hoạt động sẽ diễn ra vào ngày 11/9 năm nay, sẽ có diễu hành của các ban kèn túi, sẽ có những phút mặc niệm, người ta cũng sẽ đọc tên của những nạn nhân. Nhưng cái thiếu sẽ là tiếng nói của những lãnh tụ chính trị. Thay vì trình bày những suy nghĩ của chính mình, thống đốc bang New York George Pataki sẽ đọc lại bài phát biểu lừng danh Gettysburg của cố tổng thống Lincoln, thống đốc bang New Jersey James McGreevey sẽ trích đọc Tuyên ngôn độc lập, còn thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg sẽ đọc lại bài Bốn quyền tự do của cựu tổng thống Franklin Roosevelt. Dường như họ quyết định rằng họ không thể tìm được ngôn từ xứng đáng với dịp tưởng niệm này.
Nhiều người trông đợi vào phát biểu của tổng thống Bush. Nhưng với một lịch dày đặc di chuyển như con thoi giữa các địa điểm bị khủng bố là Lầu năm góc ở Washington, D.C., New York và hiện trường rớt máy bay ở Pennsylvania, cùng với lần xuất hiện trên đài truyền hình CBS, chưa biết Bush sẽ để lại được bao nhiêu lời vàng ngọc. Vả lại, cả năm trời vừa qua, người Mỹ đã nghe quá nhàm chán về những chuyện như chống khủng bố, đoàn kết quốc dân, liên minh ma quỷ, ý định đánh Iraq …
Đa số các học giả cho rằng sự kiện 11/9 có ý nghĩa lịch sử tương đương với vụ Trân châu cảng và vụ ám sát tổng thống Kennedy. Chỉ có một điều khác biệt lớn là ở thời đại này, thông tin bùng nổ khiến người ta biết nhiều hơn, bàn tán nhiều hơn, và do vậy ảnh hưởng đối với xã hội cũng lớn hơn. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn chưa thống nhất với nhau về việc có nên biến ngày 11/9 thành một ngày quốc lễ hay không. Theo một cuộc trưng cầu ý kiến của CNN-Time công bố hôm chủ nhật 1/9/2002, chỉ có 44% ủng hộ, còn 51% phản đối, giảm xuống so với tỉ lệ 48-48 hồi tháng 3. Cuộc trưng cầu ý kiến này cũng cho thấy rằng 1/3 cảm thấy bớt an toàn hơn ở các nơi công cộng, và khi đi máy bay sau 11/9. Gần 1/3 cho biết họ lo ngại sẽ có một cuộc tấn công khủng bố xảy ra vào dịp kỷ niệm 11/9. Đa số nghĩ rằng trong vòng 12 tháng tới, nếu có tấn công thì sẽ là dưới hình thức một chiếc xe mang bom hoặc vũ khí sinh học hay hóa học. Hai phần ba cho rằng các cơ quan tình báo của Mỹ đã thất bại trong việc thu thập thông tin về các vụ tấn công.
Trong một cuộc trưng cầu ý kiến người dân thành phố New York do nhật báo New York Daily News thực hiện, 70% nghĩ rằng rất có thể sẽ có khủng bố nữa, nhưng họ cũng cho rằng New York cũng an toàn như bất cứ thành phố nào khác ở Mỹ. Gần 71% cho rằng thành phố New York sẽ mất khoảng từ 3 đến 5 năm để phục hồi lại mức độ thịnh vượng như trước ngày 11/9.
Boston, Massachusetts, 2/9/2002
Nguồn: Tập san Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, TPHCM, tháng 9 / 2002
Bài liên quan: Chữ nghĩa tiếng Anh xung quanh sự kiện 11 / 9
2 thoughts on “Ký ức 11/9”