Một biến cố khó gọi tên
Vụ Nhật tấn công hạm đội Mỹ ngày 7/12/1941 được ghi nhớ bằng địa danh Pearl Harbor (Trân Châu Cảng). Ngày đẫm máu nhất (17/12/1862) trong cuộc nội chiến Mỹ cũng được ghi vào sách sử bằng địa danh nơi diễn ra đánh Antietam creek (tên con lạch đổ vào sông Potomac thuộc tiểu bang Maryland) dù người miền Nam gọi trận này bằng tên thị trấn Sharpburg ở gần đó. Vụ ám sát một tổng thống lừng lẫy thì được gọi theo tên của nạn nhân: the Kennedy assassination.
Thế nhưng đến nay người ta vẫn chưa biết gọi tên biến cố ngày 11/9/2001 như thế nào cho hợp lý. Vì cuộc tấn công xảy ra ở cả hai thành phố New York và Washington, D.C., nên không thể dùng chung một địa danh, mà cách gọi tắt theo tên hai ngọn tháp đôi của World Trade Center, hay Lầu Năm Góc như the twin towers destruction hay the bombing of the Pentagon thì cũng không ổn. (Vả lại, có thả bom đâu mà gọi là bombing).
Có vẻ chữ nghĩa từ sự kiện năm 1941 vẫn còn ảnh hưởng nhiều. Trong bản thảo đầu tiên của kiến nghị trình lên Quốc hội yêu cầu chấp thuận tuyên chiến, tổng thống Franklin Roosevelt bắt đầu bằng: “Yesterday, December 7, 1941, a date which will live in world history”. Trong bản thảo thứ hai, ông gạch bỏ world history và thay bằng từ infamy. Dù tính từ infamous rất phổ biến, danh từ infamy lại ít được dùng. Với nghĩa chính là evil fame / shameful repute / notorious disgrace (nỗi ô nhục), danh từ này còn hàm ý tính chất kinh hoàng và thảm khốc của thời chiến. Có lẽ vì thế mà nhiều báo đài gọi sự kiện 11/9 là the day of infamy.
Attack (hay Assault) on America là cụm từ thường được dùng, nhất là trong các bản tin truyền hình, nhưng lại có nghĩa chung chung quá, vì Trân Châu Cảng cũng là một vụ tấn công vào Mỹ. Cụm từ terrorist massacre là chính xác vì massacre nghĩa là indiscriminate killing of large numbers (tàn sát); tuy nhiên, nó chưa được dùng phổ biến. Gọi là the recent tragic event (sự kiện bi thảm gần đây) thì nghe có vẻ vô thưởng vô phạt quá, còn the catastrophe in New York and Washington bị chê là dài quá.
Hiện nay, người ta tạm thời thống nhất dùng mốc thời gian. Cũng giống như vụ Trân Châu Cảng thỉnh thoảng được gọi là Dec. 7, nhiều nhà báo đã bắt đầu dùng cách viết như ever since Sept. 11. Kiểu này còn được giản lược theo cách viết ngày của Mỹ là 9/11, ví dụ như quỹ cứu trợ người khốn khó của một tờ báo lớn được gọi là The New York Times 9/11 Neediest Fund. (Lưu ý đây cũng là một cách chơi chữ theo số điện thoại khẩn cấp ở Mỹ: 911.) Chỉ e rằng về lâu dài, cách dùng theo mốc thời gian sẽ bị mai một, cũng như Dec. 7 dần dà bị thay thế bởi Pearl Harbor.
Điểm mặt thủ phạm
Bọn không tặc được gọi là hijackers. Từ đặc Mỹ này không rõ nguồn gốc từ đâu, nhưng lần đầu tiên được dùng vào năm 1912 trong cụm từ to kick up high jack với nghĩa là to cause a disturbance (quậy phá, gây náo loạn). Mười năm sau, một cuốn sách về người vô gia cư dùng từ hi-jacking với nghĩa robbing men at night when sleeping in the jungles. Trong thập niên 1960, khi bọn khủng bố bắt đầu hoành hành trên các chuyến bay, động từ to skyjack được đặt ra, nhưng dần dần ít được dùng.
Bọn khủng bố này được liệt vào nhóm suicide bombers (những kẻ đánh bom cảm tử). Cụm từ này được dùng trong một bản tin của hãng Associated Press vào năm 1981 do phóng viên Tom Baldwin đưa từ Li-băng về vụ một chiếc xe chứa đầy chất nổ lao vào sứ quán Iraq. Một tuần sau sự kiện 11/9, nhà báo Al Hunt của tờ The Wall Street Journal viết rằng chính sách về hàng không bị đảo lộn bởi kamikaze fanatics (những kẻ cuồng tín cảm tử). Kamikazetrong tiếng Nhật có nghĩa là thần phong (divine wind), dùng để chỉ một cơn bão đã thổi bay một hạm đội của quân Mông Cổ xâm lược hồi thế kỷ 13. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, từ này dùng để chỉ những phi công cảm tử của Nhật lái máy bay lao thẳng vào tàu chiến của địch.
Nghi phạm hàng đầu (leading / prime suspect) là Osama bin Laden. Chữ bin (có nghĩa là “con trai của”) không được viết hoa, dù người phương Tây vẫn viết hoa chữ Ben của tiếng Hebrew với cùng nghĩa. Đây chỉ là thói quen chứ không phải chuyện yêu ghét. Cũng như những tên trùm tội phạm được gán cho một biệt danh như vice overlord, fugitive financier, hay drug kingpin, bin Laden được gọi là terrorist mastermind (tên đầu sỏ khủng bố). Hắn lập ra tổ chức tên là al-Qaeda, nghĩa là “căn cứ” trong tiếng Ả rập. Ở Afghanistan, bin Laden được che chở bởi đảng tôn giáo đang cầm quyền Taliban, vốn xuất thân từ một phong trào sinh viên (trong tiếng Ả rập talib nghĩa là sinh viên). Trong văn viết tiếng Anh, “the Taliban” dùng như danh từ riêng số nhiều.
Ngay sau khi xảy ra biến cố, Tổng thống George W. Bush tuyên bố là sẽ không phân biệt giữa những kẻ thực hiện vụ khủng bố và những kẻ chứa chấp chúng (those who harbor them). Ngày hôm sau, ông dùng lại từ harbor nhưng dưới dạng danh từ một cách sáng tạo trong câu: “This is an enemy that thinks its harbors are safe, but they won’t be safe forever.” Vậy là nghĩa của danh từ này được mở rộng từ “place of shelter / haven / port” thành “place where evildoers think they are out reach of punishment”.
Chiến dịch chống khủng bố
Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ đổi tên chiến dịch chống khủng bố từ Operation Infinite Justice thành Operation Enduring Freedom, nhiều người đã e-mail và fax đến báo New York Times phản đối từ enduring. Họ cho rằng ngoài nghĩa persevering (kiên trì, bền vững), enduring có thể bị hiểu nhầm thành tolerating (cam chịu, dung thứ). Không hẳn như thế.
Theo nhà từ vựng học Fred Mish, tổng biên tập của từ điển tiếng Anh Merriam-Webster, một động từ có thể có nhiều nghĩa, nhưng không phải tất cả những nghĩa đó đều chuyển hết qua dạng phân từ. Nội động từ to endure có gốc từ tiếng La tinh là durus (= hard), mang nghĩa là to last (kéo dài) hoặc to remain firm under adversity(vững vàng vượt qua gian nguy). Nhưng ngoại động từ to endure lại có nghĩa là to suffer / tolerate / countenance (cam chịu). Vậy sự khác biệt đó có được chuyển tiếp khi động từ này thêm –ing để thành phân từ? Không. Enduring hầu như luôn được dùng với nghĩa lasting / permanent (lâu dài, trường tồn) ví như trong “enduring friendship”; thỉnh thoảng với nghĩa durable (bền) như trong “an enduring substance”; chỉ họa hoằn lắm mới mang nghĩa tolerating như trong “Enduring personal attacks, he carried on.”
Fred Mish suy đoán có lẽ trong trường hợp này enduring được dùng với nghĩa phổ biến nhất là lasting. Quả vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld giải thích: “Enduring nghĩa là đây không phải một giải pháp nóng vội, ăn xổi (a quick fix).” Tổng thống George W. Bush cũng phản ánh suy nghĩ này trong một buổi nói chuyện mang tính động viên tinh thần (pep talk) với C.I.A.: “We are on a mission to make sure that freedom is enduring.”
Cũng về chuyện chống khủng bố, hầu hết các phương tiện truyền thông dùng từ anti-terrorism. Nhưng có người cắc cớ hỏi nên dùng anti-terrorism hay counter-terrorism, vì các từ điển tiếng Anh ít khi nêu rõ sự khác biệt giữa hai tiếp đầu ngữ anti- và counter-. May quá, từ điển thuật ngữ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ phân biệt rất rõ ràng. Anti-terrorism được định nghĩa là “chống khủng bố bằng các biện pháp mang tính phòng thủ / phòng vệ” (defensive measures used to reduce the vulnerability of individual and proterty to terrorist acts, to include limited reponse and containment by local military forces). Còn counter-terrorism được định nghĩa là “chống khủng bố bằng các biện pháp mang tính công kích / tấn công” (offensive measures taken to prevent, deter and respond to terrorism). Như vậy người yêu chuộng hòa bình sẽ dùng từ anti-terrorism, còn phe hiếu chiến sẽ dùng counter-terrorism. Thế nhưng, sau khi Mỹ và Anh oanh tạc Afghanistan, vẫn chưa thấy người ta dùng từ counter-terrorism.
Uốn lưỡi bảy lần
Các chính khách Mỹ có vẻ khoái dùng từ crusade khi chuẩn bị tung ra những chiến dịch lớn. Trước ngày quân đồng minh đổ bộ lên Pháp để giải phóng châu Âu trong chiến tranh thế giới thứ hai, tướng Eisenhower phát biểu trước binh lính: “You are about to embark upon a great crusade.” Tổng thống Thomas Jefferson đã từng tung ra “a crusade against ignorance”; tổng thống Theodore Roosevelt kêu gọi đồng bào “spend and be spent in an endless crusade”; còn tổng thống Franklin D. Roosevelt tại hội nghị đảng Dân chủ năm 1932 đã nói về “a crusade to restore America to its own people.”
Tiếp nối truyền thống đó, tổng thống George W. Bush ứng khẩu: “This crusade, this war on terrorism, is going to take a while.” Nhưng lối tu từ này đã gặp nhiều chỉ trích. Số là từ crusade (cuộc thập tự chinh) có nguồn gốc tôn giáo. Từ này được đặt ra hồi thế kỷ 11 để chỉ cuộc viễn chinh đầu tiên của đoàn quân Ki tô giáo từ châu Âu được cử đi giành lại Vùng đất thánh (Holy Land, tức Palestine) từ tay các tín đồ của Muhammad. Rõ ràng trong bối cảnh đầy tế nhị như hiện nay, khi mà Osama bin Laden và đồng bọn đang cố gắng khuếch trương jihad (cuộc thánh chiến), khi mà chính phủ Mỹ luôn nêu rõ chủ trương là tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, chứ không phải chống Hồi giáo, từ crusade quả là nghe không lọt lỗ tai, dễ làm mất lòng bá tánh (politically incorrect).
Bài phát biểu quan trọng của Bush trước Quốc hội vào ngày 20/9 được đánh giá là hay, khéo dùng từ. Thủ tướng Anh Tony Blair có mặt trong cử tọa hôm đó chắc hài lòng khi nghe Bush nói: “We will not tire, we will not falter, and we will not fail”; có lẽ vì thấy Mỹ quyết tâm diệt khủng bố, cũng có lẽ câu này mang âm hưởng lời văn của một vị lãnh tụ Anh thời trước. Trong bài phát biểu phát sóng sang Mỹ vào ngày 9/12/1941, Winston Churchill nói: “We shall not fail or falter; we shall not weaken or tire … Give us the tools, and we will finish the job.” Lưu ý cách ông thủ tướng Anh dùng shall để nhấn mạnh sự quyết tâm, còn will để chỉ thì tương lai trước từ finish được nhấn mạnh. Còn Bush thì dùng văn phong Mỹ với will, và nhấn mạnh những từ tire, falter và fail. Tuy có liên tưởng đến vụ Trân Châu Cảng trước đây, nhưng có lẽ để tranh thủ đồng minh Nhật, Bush dùng từ surprise attack (vụ tấn công bất ngờ) chứ không phải sneak attack (vụ tấn công lén lút) như xưa nay người Mỹ vẫn nói.
Boston, Massachusets, 16 / 10 / 2001
(Bản rút gọn của bài này đăng mấy kỳ trên chuyên mục học tiếng Anh cúa Saigon Times Daily.)
Bài liên quan:
Có vẻ như sau hơn 10 năm, 9/11 vẫn còn được dùng để chỉ sự kiện này.