Khi ta tìm kiếm trên Google, hóng hớt buôn chuyện trên Facebook, trò chuyện với người thân qua Skype, sai vặt Siri trên iPhone …, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, AI) đang từ từ len lỏi vào đời sống thường nhật mà ta lắm khi chẳng hay biết. AI đang thay đổi không chỉ cách con người dùng máy tính và điện thoại thông minh mà cả cách tương tác với thực tế đời sống.
Hiện nay AI làm được những việc coi như không tưởng hoặc quá tham vọng cách đây năm năm: dịch tự động, thắng con người trong một số trò chơi mà không cần lập trình trước, lập chiến lược giao dịch trong thị trường tài chính, vận chuyển vật dụng y tế và thuốc men trong bệnh viện nhi mà không va vào trẻ em chạy loanh quanh, điều chỉnh nhiệt và luồng hơi trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ, phân loại hồ sơ luật theo mức độ bảo mật, chọn ảnh phù hợp để quảng cáo cho mướn nhà sao cho được giá nhất, nhận diện 1.000 hình ảnh chính xác hơn con người, chọn đúng lời chua cho hình ảnh và trả lời được câu hỏi về hình ảnh sau khi nghiên cứu chúng …
Khi máy đào sâu học rộng
Năm 2015 được hãng tin Bloomberg gọi là năm đột phá của AI. Sau hơn nửa thập niên có những bước tiến đáng kể nhưng thầm lặng, AI đột ngột đình đám trở lại khi các hãng công nghệ hàng đầu đua nhau đẩy mạnh hoạt động của các phòng nghiên cứu AI của riêng mình và công bố phần lớn kết quả để cộng đồng học thuật từ đó phát triển thêm.
Giữa năm ngoái, nhóm nghiên cứu ở Google lên trang bìa tập san khoa học uy tín Nature nhờ một hệ thống biết tự học và chơi thuần thục các trò chơi điện tử Atari thời 1980 mà không cần lập trình trước. Facebook tìm ra cách để máy tính mô tả hình ảnh cho người mù. Microsoft tung ra công nghệ tức khắc dịch lời trò chuyện qua Skype giữa hai người bất đồng ngôn ngữ. IBM chọn AI là một trong những mảng có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất của hãng. Đầu tháng 1-2016, Apple dấn bước thêm trên con đường phát triển AI khi mua Emotient, hãng khởi nghiệp có công nghệ đọc cảm xúc của con người bằng cách phân tích nét mặt. (Apple chưa tiết lộ mục đích của thương vụ này, nhưng công nghệ này có những ứng dụng giúp bác sĩ lý giải những dấu hiệu đau đớn của những bệnh nhân không biểu đạt được, hoặc để các hãng bán lẻ theo dõi cảm xúc qua nét mặt của khách hàng khi rảo qua các quầy hàng trong tiệm.)
Năm qua chứng kiến đà phát triển nhanh chóng của công nghệ deep learning (học sâu), nói nôm na là những hệ thống dựa trên phân tích dữ liệu lớn đa tầng để máy tự học, rút kinh nghiệm và ngày càng hoàn thiện. Hiện nay tại nhiều hãng công nghệ lớn, các mạng thần kinh (hệ thống phần cứng và phần mềm mô phỏng não người và hệ thần kinh) phân tích những lượng khổng lồ các hình ảnh kỹ thuật số và từ đó học cách nhận diện vật thể, từ ngữ, và cả khuôn mặt người. Ví dụ, nếu được nạp đủ lượng hình ảnh mèo, mạng thần kinh có thể biết cách nhận diện mèo. Người chơi mạng xã hội hẳn nhớ thỉnh thoảng xuất hiện các trò kiểu như đưa ảnh để máy đoán tuổi nhân vật trong hình.
Tại Google, mạng thần kinh giúp ta tìm được ngay những người, nơi chốn và sự vật cụ thể ẩn sâu trong muôn trùng thế giới mạng, hoặc giúp nhận ra giọng nói khi ra lệnh cho điện thoại Android. Trên Facebook, deep learning giúp nhận diện khuôn mặt người quen khi ta đưa ảnh lên dòng thời gian của mình. Twitter dùng nó để phát hiện nội dung khiêu dâm để người dùng có thể chặn. Còn Baidu dùng để đưa quảng cáo tới đúng đối tượng, và phát hiện phần mềm độc hại.
Nhất thể siêu trí tuệ
Tiềm năng lợi ích lớn lao của AI là quá rõ, nhưng cũng nhiều người lo ngại về một tương lai máy móc qua mặt con người. Với trí tuệ siêu đẳng tới nỗi phân tích được mã di truyền của con người trong tích tắc, một cỗ máy nhân từ nếu chưa sớm tìm được bí quyết trường sinh bất tử thì chí ít cũng giúp ta không còn lo đau lưng nhức cổ. Nhưng nếu như cỗ máy không nhân từ thì sao?
Trong cuốn sách năm 2005 “Sự nhất thể sắp cận kề”, nhà tương lai học Ray Kurzweil dự báo rằng bước phát triển vũ bão của AI sẽ dẫn tới sự nhất thể về công nghệ (technological singularity) khi máy móc thông tuệ hơn con người. Trong cuốn sách năm 2014 “Siêu trí tuệ”, triết gia Nick Bostrom, viện trưởng Viện Tương lai Nhân loại tại Đại học Oxford, làm một thí nghiệm tư duy dẫn tới nhiều tranh luận về tương lai của AI.
Giả dụ có một hệ thống AI siêu thông minh đủ năng lực tự vận hành một xưởng sản xuất kẹp giấy. Rồi với năng lực tự học hỏi và sáng tạo của mình, hệ thống này quyết định tạo ra các máy sản xuất kẹp giấy mới hiệu quả hơn cho tới khi tất cả mọi thứ nó tóm được đều biến thành kẹp giấy. Tình huống tưởng tượng này được nêu ra để minh họa các hiểm họa khôn lường khi AI phát triển vượt bậc, trở nên thông minh hơn chính con người. (Song, chính Nick Bostrom cũng nghĩ rằng siêu trí tuệ có thể giúp loài người giải quyết những vấn đề như bệnh tật, nghèo đói và hủy hoại môi trường, và giúp con người có cuộc sống lý thú hơn.)
Nhiều người, trong đó có những nhân vật có ảnh hưởng trong khoa học kỹ thuật, lo ngại rằng lúc có nhất thể siêu trí tuệ là thời khắc tận thế. Cuối năm 2014, nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking nói với đài BBC rằng “sự phát triển AI trọn vẹn có thể báo hiệu sự cáo chung của nhân loại”. Ông cho rằng con người không thể cạnh tranh với một trí tuệ nhân tạo biết tự tái thiết kế và có được trí thông minh ăn đứt con người.
Tại một hội thảo hồi tháng 10-2014 ở MIT, nhà tiên phong công nghệ và doanh nhân Elon Musk nói việc phát triển AI giống như “gọi quỷ hiện hồn”. Sau khi đọc “Siêu trí tuệ”, Musk bỏ ra 10 triệu đô lập Viện Tương lai Sự sống để góp phần giảm thiểu các rủi ro sinh tồn của nhân loại có thể nảy sinh do việc phát triển AI có trình độ như con người. Trong cuộc trao đổi “Hỏi tôi gì cũng được” (AMA) trên mạng Reddit hồi tháng 1-2015, Bill Gates nhận định rằng ban đầu máy móc có thể làm được nhiều việc cho con người và chưa phải là siêu thông minh, nhưng sau vài chục năm trí tuệ đó sẽ đủ mạnh để khiến nhân loại lo ngại.
Hồi tháng 1-2015, Stuart Russell thảo và là người đầu tiên ký thư ngỏ kêu gọi giới nghiên cứu không chỉ nên đạt được AI siêu việt, mà còn phải bảo đảm AI có lợi cho con người, và các giá trị AI phải phù hợp với các giá trị của nhân loại. Vị giáo sư điện toán 53 tuổi và sáng lập viên Trung tâm Các Hệ thống thông minh ở Đại học California ở Berkeley từ lâu đã bận tâm về sức mạnh và các mối nguy của những cỗ máy biết suy nghĩ. Ông là tác giả của hơn công trình nghiên cứu về AI, và đồng tác giả của sách giáo khoa kinh điển “Trí tuệ nhân tạo: Cách tiếp cận hiện đại” (cùng với Peter Norvig, giám đốc nghiên cứu của Google).
Hàng ngàn người đã ký thư này, trong đó có các nhà nghiên cứu AI ở Google, Facebook, Microsoft và các hãng công nghệ lớn khác, cùng với những nhà khoa học máy tính, nhà vật lý, và triết gia trên khắp thế giới. Tới cuối tháng 3, khoảng 300 nhóm nghiên cứu đã nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu về các ứng dụng AI có lợi cho con người với nguồn quỹ do Elon Musk, người ký thứ 37, đóng góp.
Nhiều nhà nghiên cứu AI chê những thảo luận này là chỉ để gây hoang mang quá đáng. Có người nhận xét khá chí lý là máy thông minh có cỡ nào cũng do con người lập trình nên. Phát triển AI cũng như dạy con trẻ, ăn thua là ta dạy nó cái gì. Nhưng các triển vọng lớn lao của deep learning đã khiến một số người lo ngại về nhất thể siêu trí tuệ; biết đâu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.
Trong một cuốn sách năm 2015 về chuyện đi tìm điểm tương đồng giữa con người và robot, John Markoff trích lời của kỹ sư phần mềm Brad Templeton: “Người máy sẽ thực sự tự động khi ta bảo nó đi làm việc thì nó lại quyết định ra biển chơi.” Nếu điều đó thực sự xảy ra, con người chắc chỉ còn biết ngửa mặt than: “Trí khôn của ta đâu?”
(Đây là bản đầy đủ của bài đã đăng trên TBKTSG Xuân Bính Thân 2016.)
© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
1 thought on “Trí khôn của ta đâu?”