David Pilling
Có bao nhiêu cách để nói ta đã trở lại? Năm 2010, Hillary Clinton dằn mặt Bắc Kinh khi bà tuyên bố Biển Đông, bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trọn vẹn, cũng là một mối quan tâm quan trọng của Mỹ. Cách đây mấy tuần, bà ngoại trưởng cho đăng một bài viết dài trên tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại), trong đó bà diễn giải điều bà gọi là Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Và tuần này, tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu, tổng thống Barack Obama cũng chẳng nói đến điều gì khác hơn. Ông nói: “Mỹ là một cường quốc ở Thái Bình Dương và chúng tôi vẫn còn ở đây”. Thông điệp đã rõ. Nước Mỹ đã trở lại. Tiện thể cũng xin nói là nước Mỹ chưa bao giờ bỏ đi.
Trong bài viết của mình, Ngoại trưởng Clinton giải thích cặn kẽ về hình thức can dự mà bà ủng hộ. “Chúng ta phải tạo ra một trật tự dựa trên luật lệ – một trật tự mở cửa, tự do, minh bạch và công bằng.” Theo bà, nước Mỹ có vị thế độc nhất vô nhị để tạo ra và kiểm soát một trật tự như thế. “Chúng ta là cường quốc duy nhất có mạng lưới những liên minh mạnh trong khu vực, không có tham vọng về lãnh thổ, và thành tích lâu dài về phục vụ lợi ích chung.”
Những lời lẽ đó dành cho tương lai. Nhưng chúng gợi nhớ quá khứ. Sẽ không dễ tái hiện một thời kỳ như sau chiến tranh [thế giới thứ hai], Mỹ không có một đối thủ đáng tin nào cho vai trò của một người trung gian trung thực. Nhật đã bại trận và biến thành hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm của Mỹ. Trung Quốc lúc đó còn nghèo và chết dần chết mòn vì cuộc cách mạng chủ nghĩa Mao của chính họ.
Ngày nay, Trung Quốc đã tỉnh dậy sau giấc ngủ dài. Bây giờ Mỹ có một đối thủ đáng kể, nếu chưa phải là trên toàn cầu, thì chắc chắn cũng là ở Châu Á. Như nhận xét của Lý Hiển Long, thủ tướng Singapore, Châu Á chỉ là một khu vực đối với Mỹ. Trung Quốc xưa nay vẫn ở đây.
Tuần này, hai yếu tố trong chiến lược của Washington hội tụ nhau. Tổng thống Obama khởi xướng Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cái gọi là hiệp ước thương mại thế kỷ 21 nhằm để hợp nhất các vấn đề phi thuế quan, chẳng hạn như bảo vệ tài sản trí tuệ và đấu thầu dự án nhà nước.
Các quan chức thương mại ca ngợi những phẩm chất “thế hệ kế tiếp” của TPP. Nhưng điều đáng nói nhất về TPP là hiệp ước này không bao gồm Trung Quốc, quốc gia giao thương lớn nhất Châu Á. Sở dĩ như vậy có thể là, theo các quan chức Mỹ, do Trung Quốc – với các doanh nghiệp quốc doanh, khuynh hướng ăn cắp bản quyền và chính sách tiền tệ đáng nghi vấn – chưa sẵn sàng tham gia một hiệp định cao cấp như vậy. Nhưng Việt Nam, không phải là mẫu mực của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, là một trong chín nước tham gia đàm phán.
Có thể tha thứ cho Bắc Kinh nếu họ nghĩ rằng TPP giống như một câu lạc bộ mà họ không được mời tham gia. Đó là một yếu tố trong trật tự dựa trên luật lệ mà Ngoại trưởng Clinton đề cập. Những luật lệ đó được đặt ra ở Mỹ. Về lâu dài, để đồng nhất với quan niệm của Robert Zoellick (Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, N.D.) về việc biến Trung Quốc thành một “nước tham gia có trách nhiệm”, ý định có thể là dụ dỗ Trung Quốc tuân theo một bộ luật cao hơn luật lệ thuộc thẩm quyền thực thi của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Yếu tố thứ hai là an ninh. Tuần này ở Hawaii tổng thống Obama đã nói rằng những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng Mỹ theo kế hoạch sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á. Vào thứ Năm, ông sẽ thăm các cơ sở mới ở Darwin dùng làm nơi đóng quân bán thường trực của Thủy quân lục chiến Mỹ ở Úc.
Đặt TPP và các mối quan hệ quân sự song phương mạnh hơn cạnh nhau là ta có được cái gần giống với tầm nhìn của Kevin Rudd, ngoại trưởng và nguyên thủ tướng Úc. Ngoại trưởng Kevin Rudd thường xuyên tìm những cách ràng buộc Mỹ một cách chắc chắn hơn vào kiến trúc thể chế vẫn đang phát triển của Châu Á. Các quốc gia đang lo ngại về sự hưng thịnh của Trung Quốc – chẳng hạn như Việt Nam, Philippines và thậm chí cả Singapore – lặng lẽ hoan nghênh những dấu hiệu này về cam kết mới hồi sinh của Mỹ.
Nhưng có những lực kéo về hướng ngược lại. Khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, dường như thật ngược đời nếu Mỹ dấn thân sâu hơn vào khu vực này. Người Châu Á đã quen với sự hiện diện của Mỹ. Nhưng ta chỉ cần phải tưởng tượng một hàng không mẫu hạm Trung Quốc hớn hở đi ngang qua San Francisco là đủ nhận ra rằng không có gì tất yếu về việc Mỹ – bất luận có phải là một cường quốc Thái Bình Dương hay không – can dự quá sâu vào lãnh thổ Châu Á.
Một thiểu số ở Mỹ lập luận rằng Washington nên nhận ra điềm gở từ Trung Quốc và bắt đầu giảm bớt sự hiện diện của mình. Clyde Prestowitz, viện trưởng Viện Chiến lược Kinh tế có trụ sở ở Washington, là một ví dụ. Ông nói rằng Mỹ đã mất quá nhiều thời gian lo nghĩ về những mục tiêu chiến lược to tát và không dành đủ thời gian nghĩ về chuyện làm cho nền kinh tế của mình vững mạnh.
Một nhân vật tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tuần này đã cố gắng làm điều không tưởng. Susilo Bambang Yudhoyono, tổng thống Indonesia, nói rằng tuy ông hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ, khu vực này hiện nay không nên chịu sự thống lĩnh của một siêu cường quốc duy nhất. Ông nói: “Các trung tâm quyền lực mới đang lớn mạnh nhanh chóng và những mối quan hệ quyền lực đang thay đổi và đang trở nên uyển chuyển hơn”.
Nhiệm vụ của tất cả các quốc gia có liên quan là bảo đảm rằng thế sự mới này không biến thành căng thẳng – hay tệ hơn. Ông đề nghị thiết lập một “thế cân bằng năng động”. Đó là một khái niệm khó. Nhưng có lẽ điều ông muốn nói là thế kỷ này không nên là một Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ, cũng không phải của Trung Quốc. Có thể đó là một ảo tưởng, nhưng tổng thống Yudhoyono muốn một thế kỷ Thái Bình Dương thuộc về tất cả mọi người.
Bản tiếng Anh: How America should adjust to the Pacific century, Financial Times, 16/11/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/18/america-and-pacific-century/
2 thoughts on “Mỹ nên điều chỉnh ra sao với thế kỷ Thái Bình Dương”