1.
Bữa nọ, lúc đi ăn trưa phải cuốc bộ qua bãi đậu xe. Đang đi thì thấy một chàng vịt trời loài Canada goose (hình bên) cứ chằm chằm nhìn, chực mổ vô chân mình. Giả lơ bước tiếp, nhưng vẫn chưa được tha. Chàng cứ đi theo, thò cái cổ dài đe dọa. Nhìn kỹ, té ra gần đó có gốc cây, một nàng vịt đang nằm nghỉ. Chắc chàng vịt muốn bảo vệ người yêu nên không muốn cho mình tới gần. Định giơ chân quất một cái cho chàng bớt hung hăng, may mà kiềm lại được vì nghe tiếng bước chân của một người khác ở phía sau. Lỡ mình đá chàng, người kia rút điện thoại gọi 911, cảnh sát ập tới là ôm bụng đói vô đồn, chờ người nhà bảo lãnh ra.
Dù có thực tình thương yêu động vật hay không, dân xứ này đã nhiễm vô máu thói cẩn thận này. Cẩn thận từ trong nhà (nếu có nuôi chó mèo thì cho ăn uống tắm rửa đầy đủ, lúc đi chơi xa mà không mang theo được thì phải thuê người trông coi hoặc mướn khách sạn cho chúng ở …) ra tới ngoài đường (thấy chim sà xuống ăn bánh vụn thì chớ dại xua đuổi làm trò mua vui cho con trẻ, không được rượt đuổi và đe dọa thú hoang, đang lái xe có gấp gáp cỡ nào cũng dừng lại chờ đàn vịt/ngỗng lững thững băng qua đường …). Sáng sáng lái xe đi làm vẫn thường nghe radio tường thuật những chuyện tích cực bảo vệ động vật. Bữa thì nghe cả một đội xe cảnh sát được huy động để cứu một chú khuyển chẳng hiểu sao sổng ra khỏi xe nhà rồi chạy lông rông trên xa lộ. Hôm thì nghe có người báo cảnh sát phá cửa giải thoát cho con chó bị nhốt trong xe giữa lúc nóng như thiêu đốt trong khi chủ xe mãi tung tăng mua sắm trong thương xá; tất nhiên chủ xe bị phạt tội tàn ác với thú vật (animal cruelty). Có hôm một chú nai không biết sao lang thang đi lạc vô thành phố, bị xe cán trọng thương, nằm thoi thóp giữa ngã tư. Báo hại lực lượng cảnh sát, cứu hỏa phải vời chuyên gia của sở thú và hội bảo vệ động vật tới để bàn cách xử lý: cứu sống hay kết liễu sao cho êm ái nhất.
Canada đã có luật bảo vệ động vật từ năm 1892, nằm trong Bộ luật Hình sự, và chỉ mới tu chính vài lần. Ngoài luật liên bang, từng tỉnh bang cũng ban hành luật riêng, mỗi lần ban hành, tỉnh bang nào cũng khoe là nghiêm ngặt nhất Canada. Nhưng vẫn chưa làm hài lòng giới hoạt động bảo vệ quyền của động vật, cứ chê là lạc hậu, thua xa các nước Châu Âu, Úc và New Zealand. Nói gì thì nói, người dân cũng hiểu chớ dại nặng tay nặng chân với động vật, dù là nuôi kiểng ở nhà hay thú hoang. Bằng không, dính tội hình sự và bị phạt nặng.
Ví dụ, tỉnh bang Ontario ban hành Đạo luật Phúc lợi Động vật có hiệu lực từ ngày 1/3/2009 với án tù tối đa 2 năm, mức phạt tối đa 60.000 đô-la, và người vi phạm có thể bị cấm suốt đời không được sở hữu động vật. Ở tỉnh bang British Columbia, sau vụ thảm sát 100 con chó kéo xe trượt tuyết ở Whistler vào tháng 4/2010 khiến thế giới bàng hoàng, vào tháng 4/2011 chính quyền đã tu chính Luật Chống Tàn ác với Động vật, nâng mức phạt tối đa từ 10.000 lên 75.000 đô-la, và án tù tối đa từ 6 tháng lên 24 tháng. Chính quyền cấp đô thị đôi khi cũng có quy định riêng về hành vi ngược đãi động vật, cho cảnh sát và/hoặc đơn vị có chức năng bảo vệ động vật phạt tại chỗ (không cần ra tòa) với mức phạt từ vài trăm tới vài ngàn, tùy địa phương.
2.
Raccoon là nỗi đau đầu thường trực của dân thành thị có nhà với vườn cây, gần công viên hay rừng. Khi trời ấm lên cũng là lúc các đồng chí này lộng hành. Ban đêm chúng thường mò vô lục lọi thùng rác tìm đồ ăn. Sáng ra, chủ nhà chỉ còn biết ngao ngán nhìn bãi chiến trường lộn xộn, hôi hám, rồi lặng lẽ đi dọn. Giận tới cỡ nào cũng phải nén lòng tìm cách “kiên cố hóa” thùng rác, chứ chẳng ai dám đặt bẫy hay rình đập cho chúng kinh hoàng mà lảng xa. Nhà mình thì lấy thùng nhỏ bỏ vô thùng lớn, đậy nắp thật kín, dùng một thanh sắt có êtô đặt trên nắp rồi khóa chặt vô cột ăng-ten, để chắc ăn còn lấy một miếng bê-tông chặn trên nắp thùng. Sau bao phen chửi đổng bọn giặc raccoon, ông hàng xóm đành đóng một cái lô cốt bằng gỗ, có cửa và chốt khóa để cất thùng rác. Hồi hè năm ngoái, một ông người Việt ở Toronto bị bắt vì bị tố cáo tấn công mấy mẹ con raccoon trong vườn. Số là ông hết chịu nổi gia đình raccoon sinh sống và phá tan tành khu vườn nhà ông, nên lấy xẻng cuốc ra đâm và đe dọa chúng. Ai dè hàng xóm thấy được, gọi điện báo cảnh sát. Ông bị buộc tội tàn ác với thú vật và sở hữu vũ khí nguy hiểm. Cũng may là về sau ông được tha vì được cứu xét hoàn cảnh đặc biệt.
Ngăn ngừa đám giặc này (không chỉ raccoon, mà còn có chồn hôi skunk và sóc) trong vườn đã khó, nhưng nếu chúng bành trướng, kéo vô cư ngụ đâu đó trong nhà mình càng khó đuổi ra hơn. Vài năm trước, có cặp sóc tự nhiên xây tổ ấm trong đầu hồi nóc nhà mình. Đuổi năm lần bảy lượt chẳng được, đành phải tốn vài trăm bạc thuê dịch vụ phòng chống thú hoang & sâu bọ (pest control) chuyên nghiệp. Họ cử nhân viên tới nghiên cứu rồi ra phương án đuổi sóc. Đầu tiên, họ làm cửa một chiều để sóc có đường ra nhưng không thể chui vô trở lại. Sau mấy hôm vẫn không thành, có lẽ cặp sóc tinh ranh tìm được đường khác lẻn vô. Sau đó là phương án đặt bẫy, nhưng là bẫy sống vì luật không cho phép bẫy giết chết động vật. Nhân viên phải tuân thủ luật lệ về xử lý mấy đồng chí này, chứ không tùy tiện đem vứt vô rừng. Luật quy định nếu đưa động vật đi chỗ khác thì cũng không được quá xa vài cây số để lỡ các em có muốn quay về chốn cũ (chữ chính thức là habitat = môi trường sống) thì dễ dàng hồi hương. Vậy mà cũng chưa xong; tuần sau sóc lại mò về. May mà còn bảo hành (6 tháng) nên ới nhân viên trở lại. Lần này họ đóng lưới thép bịt luôn cho chắc ăn. Và sóc một đi không trở lại. Chủ nhà thở phào.
Anh Hạ cho phép em dẫn trích dẫn link đến bài viết của anh nhé, vì đây là một bài thú vị về chủ đề động vật. Xin cám ơn anh. (Em muốn liên lạc và xin phép anh qua email riêng nhưng không tìm thấy trên blog này, nên đành viết ở phần Comment)
Ok.