Mật danh “Apalachee”: Mỹ do thám EU và Liên Hiệp Quốc ra sao

Tổng thống Mỹ Obama đã hứa rằng các hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) chỉ nhằm mục đích phòng ngừa các vụ tấn công khủng bố. Nhưng các tài liệu mật của NSA mà báo SPIEGEL (Đức) được xem cho thấy người Mỹ có hoạt động do thám đối với Châu Âu, Liên Hiệp Quốc, và các nước khác.

Mật danh “Apalachee”: Mỹ do thám Liên hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc ra sao

Laura Poitras, Marcel Rosenbach Holger Stark

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Trụ sở Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Liên Hiệp Quốc nằm trên đại lộ Third Avenue. (Andrea Renault/ Polaris/ DER SPIEGEL)
Trụ sở Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Liên Hiệp Quốc nằm trên đại lộ Third Avenue. (Andrea Renault/ Polaris/ DER SPIEGEL)

Tòa nhà Liên hiệp Châu Âu (EU) trên đại lộ Third Avenue ở New York là một cao ốc văn phòng với mặt tiền lộng lẫy và tầm nhìn rất đẹp ra sông East River. Chris Matthews, tùy viên báo chí của phái đoàn EU tại Liên Hiệp Quốc, mở cửa phòng đại sứ trên tầng 31, đưa tay chỉ về bàn họp dài và nói: “Đây là nơi tất cả các đại sứ từ 28 nước thành viên của chúng tôi họp lúc 9 giờ sáng thứ Ba hàng tuần”. Đó là nơi Châu Âu tìm cách hình thành chính sách chung về Liên Hiệp Quốc.

Để đánh dấu việc khánh thành các văn phòng mới của phái đoàn EU vào tháng 9/2012, Chủ tịch Ủy ban EU José Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy từ Brussels bay đến dự, và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng có mặt với tư cách khách danh dự. Đối với “cựu” Châu Âu (tài trợ một phần ba ngân sách thường kỳ của Liên Hiệp Quốc), sự kiện này khẳng định tầm quan trọng địa chính trị của Châu Âu.

Đối với Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), tổ chức tình báo có thế lực của Mỹ, động thái này là một thách thức kỹ thuật. Một văn phòng mới nghĩa là tường sơn mới tinh, hệ thống dây điện và cáp nguyên vẹn chưa bị động tới, và các mạng lưới máy điện toán mới lắp đặt – nói cách khác, lắm việc cho các nhân viên NSA. Trong khi người Châu Âu vẫn đang làm quen với các văn phòng mới tráng lệ của mình, nhân viên NSA đã thu thập được sơ đồ mặt bằng của tòa nhà. Bản vẽ do hãng địa ốc Tishman Speyer ở New York thực hiện thể hiện với tỉ lệ chính xác cách bố trí các văn phòng. Các nhân viên tình báo sao chụp phóng to những khu vực đặt máy chủ dữ liệu. Tại NSA, phái bộ Châu Âu gần sông East River được gọi bằng mật danh “Apalachee”.

Các máy chủ của phái bộ EU tại Liên Hiệp Quốc ở New York nằm ở tầng 26. NSA lấy được sơ đồ mặt bằng các văn phòng vào mùa thu 2012.
Các máy chủ của phái bộ EU tại Liên Hiệp Quốc ở New York nằm ở tầng 26. NSA lấy được sơ đồ mặt bằng các văn phòng vào mùa thu 2012.

Các sơ đồ mặt bằng này nằm trong số các tài liệu nội bộ của NSA liên quan đến những hoạt động của cơ quan này nhắm vào EU. Chúng xuất phát từ người tiết lộ bí mật Edward Snowden, và báo SPIEGEL đã được xem chúng. Đối với NSA, các tài liệu này tạo nên cơ sở cho một chiến dịch thu thập thông tin tình báo – nhưng với tổng thống Mỹ Barack Obama, hiện nay chúng đã trở thành một vấn đề chính trị.

Chỉ mới hai tuần trước, Obama hứa với thế giới: “Điều chủ yếu tôi muốn nhấn mạnh là tôi không quan tâm và các nhân viên ở NSA không quan tâm đến chuyện gì khác hơn là bảo đảm rằng (…) chúng tôi có thể ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố”. Obama phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo tổ chức vội vã ở Nhà Trắng hôm 9/8/2013. Ông nói mục đích chủ yếu của chương trình này là “thu thập thông tin trước (…) để chúng tôi có thể thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”. Ông nói thêm: “Chúng tôi không quan tâm đến làm gì khác hơn điều đó”. Sau đó, tổng thống Mỹ bay đi nghỉ hè ở Martha’s Vineyard, đảo ở vùng Đại Tây Dương.

Nhiều chương trinh do thám mới

Sự xuất hiện của Obama trước báo chí là một nỗ lực nhằm biện minh về mặt đạo đức cho công việc của các cơ quan tình báo; nhằm tuyên bố đó là một loại phòng vệ khẩn cấp. Thông điệp của ông quá rõ: Thông tin tình báo chỉ được thu thập vì có khủng bố – và bất cứ điều gì cứu mạng người thì không thể là điều xấu. Kể từ sau các vụ khủng bố 11/9/2001, cách lập luận này đã là cơ sở cho rất nhiều chương trinh do thám mới

Với phát biểu tại Nhà Trắng, Obama hy vọng sẽ giảm bớt áp lực, chủ yếu trong chính trường nội địa. Ở Washington, tổng thống Mỹ hiện đang chịu sự chống đối từ một liên minh khác thường giữa phe Dân chủ cánh tả và phe bảo thủ thiên hướng tự do. Họ nhận được sự ủng hộ của các chính khách kỳ cựu như Hạ nghị sĩ Cộng hòa Jim Sensenbrenner, một trong những kiến trúc sư của Đạo luật Ái Quốc được dùng để mở rộng đáng kể hoạt động do thám sau sự kiện 11/9. Hôm 24/7, một dự luật nhằm hạn chế quyền lực của NSA bị bác bỏ chỉ với tỉ lệ phiếu sát sao 217-205 tại Hạ viện.

Ngay cả những người ủng hộ Obama mạnh mẽ như Hạ nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi, lãnh tụ phe thiểu số trong Hạ viện, hiện nay cũng đặt nghi vấn về công việc của NSA. Pelosi nói những điều bà đọc trên báo “rất đáng phiền lòng”. Mãi đến cuối tuần trước mới có tin tiết lộ rằng NSA đã thu thập trái phép hàng chục ngàn email trong nhiều năm.

Sự xuất hiện trước công chúng của Obama nhằm để trấn an các giới chỉ trích ông. Đồng thời, ông cam kết rằng NSA là một cơ quan trong sạch không dính líu đến bất cứ công việc mờ ám nào. Obama đã hứa về vấn đề này. Chỉ có điều nếu như các tài liệu nội bộ NSA có thể tin được, thì không đúng như ông nói.

Các tài liệu mật (mà báo SPIEGEL đã xem) cho thấy người Mỹ do thám một cách có hệ thống các nước khác và các tổ chức như EU, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) ở Vienna và Liên Hiệp Quốc. Chúng cho thấy cách NSA đã thâm nhập vào mạng máy điện toán nội bộ của người Châu Âu giữa New York và Washington, dùng các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài để lấy thông tin bằng cách can thiệp các kênh liên lạc và nghe lén các cuộc họp từ xa bằng điện thoại video của các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc. Hoạt động do thám này có tầm sâu rộng và có tổ chức – và hoạt động này chẳng mấy hoặc chẳng hề liên quan đến việc chống khủng bố.

Nhắm vào các chính phủ nước ngoài

Trong một bài thuyết trình nội bộ, NSA tóm tắt tầm nhìn vừa mang tính toàn cầu vừa đầy tham vọng đáng sợ: “tính siêu việt thông tin”. Để đạt được thế thống lĩnh toàn cầu này, NSA đã khởi xướng nhiều chương trình đa dạng với những cái tên như “Dancingoasis”, “Oakstar” và “Prism”. Một số chương trình nhằm mục đích phòng ngừa khủng bố, trong khi các chương trình khác nhắm đến các vấn đề khác như buôn vũ khí, buôn lậu ma túy và tội ác có tổ chức. Nhưng cũng có những chương trình khác, như “Blarney” và  “Rampart-T”, phục vụ mục đích khác: hoạt động gián điệp truyền thống nhắm vào các chính phủ nước ngoài.

Blarney đã tồn tại từ thập niên 1970 và thuộc phạm vi của Đạo luật Theo dõi Tình báo Nước ngoài năm 1978. Theo đạo luật này, ít nhất là theo tài liệu của NSA, chương trình này dựa trên sự hợp tác của ít nhất một công ty viễn thông Mỹ cung cấp dịch vụ cho NSA. NSA mô tả các mục tiêu chính của chương trình là “cơ sở ngoại giao, chống khủng bố, chính phủ và nền kinh tế nước ngoài”. Những tài liệu này cũng nói rằng Blarney là một trong “những nguồn thông tin hàng đầu” cho Báo cáo tóm lược hàng ngày dành cho tổng thống, một tài liệu tuyệt mật báo cáo cho tổng thống Mỹ mỗi buổi sáng về các vấn đề tình báo. Khoảng 11.000 mẩu thông tin được biết xuất phát từ Blarney mỗi năm.

Một chương trình không kém cạnh khác của NSA là “Rampart-T”, mà theo NSA đã hoạt động từ năm 1991. Chương trình này đảm trách ‘việc thâm nhập các mục tiêu khó ở hoặc gần tầm lãnh đạo”, tức là các nguyên thủ quốc gia và những trợ lý thân cận nhất của họ.

Thông tin này dành cho “tổng thống và các cố vấn an ninh quốc gia”. Rampart-T nhắm đến khoảng 20 nước, trong đó có Trung Quốc và Nga, và cả các nước Đông Âu.

Gần đây người Mỹ vẽ ra một biểu đồ bí mật xác định những khía cạnh nào của quốc gia nào cần có thông tin tình báo. Phần tổng quan dài 12 trang (soạn hồi tháng Tư) có thang độ ưu tiên từ màu đỏ “1” (mức độ quan tâm cao nhất) đến màu xanh dương “5” (mức độ quan tâm thấp). Các nước như Iran, Bắc Hàn, Trung Quốc và Nga chủ yếu được tô màu đỏ, nghĩa là cần có thêm thông tin về gần như tất cả các mặt.

Nhưng Liên Hiệp Quốc và EU cũng được liệt kê là các mục tiêu tình báo, với những vấn đề ổn định kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, Mỹ cũng chú trọng đến chính sách thương mại và chính sách đối ngoài (đều xếp loại “3”) cũng như an ninh năng lượng, thực phẩm và các đổi mới công nghệ (đều xếp loại “5”).

Rình rập EU

NSA truy cập được vào hệ thống thông tin liên lạc của các phái bộ EU ở Washington và New York. (DPA)
NSA truy cập được vào hệ thống thông tin liên lạc của các phái bộ EU ở Washington và New York. (DPA)

Chuyện do thám EU không chỉ là một điều bất ngờ với phần lớn các nhà ngoại giao Châu Âu, những người cho đến nay cứ ngỡ họ có quan hệ thân thiện với chính phủ Mỹ. Điều đó còn khác thường ở chỗ NSA đã triển khai sử dụng toàn bộ kho công cụ thu thập thông tin tình báo – và dường như đã áp dụng cách này trong nhiều năm qua. Theo một tóm tắt hoạt động hồi tháng 9/2010 được xếp loại “mật”, người Mỹ không chỉ thâm nhập phái bộ EU tại Liên Hiệp Quốc ở New York, mà cả đại sứ quán EU ở Washington, đặt cho tòa nhà ở trung tâm thủ đô Mỹ mật danh “Magothy”.

Theo tài liệu mật này, NSA đã nhắm vào các phái bộ Châu Âu bằng ba cách:

  • Các đại sứ quán ở Washington và New York bị gắn máy nghe lén.
  • Tại đại sứ quán ở New York, các đĩa cứng cũng bị sao chép.
  • Tại Washington, nhân viên NSA cũng gắn thiết bị lấy cắp thông tin vào mạng dây cáp máy điện toán nội bộ.

Việc thâm nhập vào hai đại sứ quán của EU mang lại một ưu thế vô giá cho các kỹ thuật viên ở Fort Meade (tổng hành dinh NSA): bảo đảm cho người Mỹ được truy cập liên tục, ngay cả khi họ tạm thời mất liên lạc với một trong những hệ thống – chẳng hạn vì một đợt nâng cấp kỹ thuật hoặc vì một quản trị viên EU nghĩ là phát hiện virus.

Các đại sứ quán này được kết nối qua một mạng riêng ảo (VPN). Trong một bài thuyết trình nội bộ, các kỹ thuật viên NSA nói: “Nếu không truy cập được một địa điểm, chúng tôi có thể ngay lập tức giành lại được bằng cách hướng VPN sang bên kia và kiếm đường ra. Chúng tôi đã làm như vậy nhiều lần khi bị chặn không vào được Magothy”.

Đặc biệt, các hệ thống dữ liệu của các đại sứ quán EU ở Mỹ được bảo trì bởi các kỹ thuật viên ở Brussels; Washington và New York kết nối với mạng lưới EU rộng lớn hơn. Vẫn chưa rõ NSA có thâm nhập đến tận Brussels hay không. Song, chắc chắn là họ đã có rất nhiều thông tin bên trong từ Brussels, ví dụ như một báo cáo mật hồi năm 2005 liên quan đến chuyến viếng thăm của nhà ngoại giao Mỹ cấp cao Clayland Boyden Gray tại Fort Meade cho thấy.

Gray lúc đó đang chuẩn bị sang Brussels làm đại sứ mới của Mỹ tại EU. Trước khi đi, ông được bộ phận tương ứng của NSA ở Fort Meade mời đến xem kho tàng của họ. Vị đại sứ được báo cáo về các năng lực và hạn chế của NSA trong việc thu thập thông tin liên lạc ở Châu Âu.

Gray được giới thiệu một số báo cáo chọn lọc từ các thông tin đánh cắp được nhờ can thiệp kênh liên lạc và nghe lén liên quan đến ngoại giao, kinh doanh và ngoại thương cùng với thông tin về những nhân vật EU mà ông sẽ tiếp xúc. Theo tài liệu NSA, sau đó vị đại sứ nói đầy thích thú: “Tôi không ngờ mình sẽ nhận được các thông tin chi tiết như vậy. Thật tuyệt. Các bạn ở NSA sẽ là những người bạn mới thân nhất của tôi”.

Ngoài việc thâm nhập EU, người Mỹ cũng rất quan tâm đến thông tin tình báo về Liên Hiệp Quốc và Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA). IAEA được xếp loại màu đỏ “1” về lĩnh vực kiểm soát vũ khí, trong khi trọng tâm ở Liên Hiệp Quốc là chính sách đối ngoại (“2”) cùng với nhân quyền, tội ác chiến tranh, các vấn đề môi trường và nguyên liệu (mỗi vấn đề xếp loại “3”).

NSA có đội nhân viên riêng đóng tại Liên Hiệp Quốc, mỗi chuyên viên giả trang là nhà ngoại giao. Một nhóm bí mật từ Washington thường xuyên đến New York để chuẩn bị tinh thần cho đội nhân viên này trước mỗi phiên họp của Đại Hội đồng.

Nhưng người Mỹ cũng nghe lén bất cứ khi nào có thể trong các hoạt động hàng ngày – và họ đã rất thành công trong việc này trong một thời gian dài, như bộ phận tương ứng của NSA đã hãnh diện báo cáo hồi tháng 6/2012. Trong một báo cáo hiện trạng, họ viết là đã lấy được “quyền truy cập mới vào mạng liên lạc nội bộ Liên Hiệp Quốc”.

Gián điệp rình rập gián điệp

Ngoài ra, các kỹ thuật viên NSA làm việc cho chương trình Blarney đã giải mã được hệ thống hội họp từ xa qua điện thoại (VTC) nội bộ của Liên Hiệp Quốc. Sự kết hợp quyền truy cập mới này vào Liên Hiệp Quốc và mã đã giải được đã dẫn đến “bước cải thiện đáng kể về chất lượng dữ liệu VTC và khả năng giải mã lưu lượng thông tin VTC”. Các nhân viên NSA đã hài lòng nhận định: “Lưu lượng này giúp ta có được VTC nội bộ của Liên Hiệp Quốc. Hết sẩy!” Chỉ trong chưa đầy ba tuần, số lượng thông tin liên lạc bị giải mã đã tăng từ 12 lên đến 458.

Thỉnh thoảng, hoạt động gián điệp này mang màu sắc khác thường chẳng khác nào trong một cuốn tiểu thuyết của John le Carré. Theo một báo cáo nội bộ, NSA phát hiện Trung Quốc rình rập Liên Hiệp Quốc hồi năm 2011. NSA đã thâm nhập được vào hệ thống phòng vệ của đối phương và “khai thác mạng thu thập SIGINT (tình báo tín hiệu) của Trung Quốc, như mô tả trong một tài liệu về cách gián điệp rình rập gián điệp. Dựa trên nguồn này, được biết NSA truy cập được ba báo cáo về “những sự kiện thời sự quan trọng, đáng quan tâm”.

Các tài liệu nội bộ NSA làm theo những chỉ thị từ Bộ Ngoại giao, do Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Hillary Clinton ký vào tháng 7/2009. Với báo cáo 29 trang có tên “Các nhu cầu báo cáo và thu thập: Liên Hiệp Quốc”, Bộ Ngoại giao kêu gọi các nhà ngoại giao của mình thu thập thông tin về những nhân vật chính của Liên Hiệp Quốc.

Theo tài liệu này, các nhà ngoại giao được yêu cầu thu thập số của điện thoại, điện thoại di động, máy nhắn tin và máy fax. Họ cũng được yêu cầu tập hợp các danh mục điện thoại và email, số thẻ tín dụng và số hành khách đi máy bay thường xuyên, danh sách phân công công tác, mật mã truy cập và thậm chí cả dữ liệu sinh trắc.

Khi báo SPIEGEL tường thuật về công điện mật hồi năm 2010, Bộ Ngoại giao cố đánh lạc hướng sự chỉ trích bằng cách nói rằng họ chỉ giúp đỡ các cơ quan khác. Nhưng trên thực tế, như các tài liệu của NSA nay chỉ rõ, chúng là cơ sở cho nhiều hoạt động mờ ám nhắm vào Liên Hiệp Quốc và các nước khác.

Các chuyên gia về Liên Hiệp Quốc từ lâu đã nghi ngờ rằng tổ chức này đã trở thành cái ổ hoạt động cho nhiều cơ quan tình báo. Sau khi rời khỏi nội các của Thủ tướng Tony Blair, cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Quốc tế của Anh Quốc Clare Short đã công nhận rằng trong thời gian trước khi xảy ra Cuộc chiến Iraq năm 2003, bà đã xem các bản ghi lại những cuộc đàm thoại của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó Kofi Annan.

Theo dõi các đối tác

NSA thâm nhập rất sâu vào Liên Hiệp Quốc. (AFP)
NSA thâm nhập rất sâu vào Liên Hiệp Quốc. (AFP)

Phát biểu của bà Short đã gây phản ứng dữ dội vào lúc đó, nhưng nay đã được NSA khẳng định lần đầu tiên. Theo một tài liệu nội bộ, các kết quả tình báo đã có ảnh hưởng quan trọng đến “các chiến thuật đàm phán của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc” liên quan đến Cuộc chiến Iraq. Nhờ các cuộc đàm thoại nghe lén được, được biết NSA đã có thể thông báo cho Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc với mức độ chắc chắn khá cao rằng tỉ lệ đa số cần thiết đã được bảo đảm trước khi cuộc bỏ phiếu về nghị quyết Liên Hiệp Quốc tương ứng được tổ chức.

Theo dõi các đối tác đàm phán mang lại lợi ích cao đến nỗi NSA tiến hành hoạt động này trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng trên sân nhà. Có những đơn vị nghe lén ở 80 đại sứ quán và tổng lãnh sự Mỹ trên khắp thế giới, trong nội bộ gọi là “Dịch vụ thu thập đặc biệt” (SCS) và hoạt động phối hợp với CIA.

Sự hiện diện của những đơn vị gián điệp nằm trong số những bí mật được giữ kín nhất của NSA. Suy cho cùng, các đơn vị này có vị thế chính trị bấp bênh: Hiếm khi nào nước chủ nhà cho phép sử dụng chúng.

Các đội SCS nhỏ này (khẩu hiệu: “Tỉnh táo canh chừng khắp thế giới”) đánh cắp thông tin bằng cách can thiệp vào các kênh liên lạc ở các nước chủ nhà. Các ăng-ten và đĩa cần dùng thường được ngụy trang. Theo tài liệu mà báo SPIEGEL đã xem, những “hệ thống thu thập trá hình” (theo cách gọi nội bộ ở NSA) có thể giấu đằng sau các “lán bảo trì mái” trên các tòa nhà sứ quán. Các hoạt động do thám kỹ thuật tuyệt mật ở các phái bộ ngoại giao như đại sứ quán và tổng lãnh sự thường được gọi trong nội bộ NSA bằng mật danh “Stateroom”.

Các nhóm SCS thường cải trang là các nhà ngoại giao và sứ mệnh thật sự của họ “không được đa số nhân viên ngoại giao biết”. Theo các tài liệu của Snowden, có một chi nhánh SCS như vậy ở Frankfurt, và một chi nhánh khác ở Vienna. Sự hiện diện của các đơn vị nghe lén ở các đại sứ quán và tổng lãnh sự phải được giữ bí mật trong mọi hoàn cảnh, vì như tài liệu nhận xét: Nếu bị tiết lộ, điều này sẽ “gây tổn hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ giữa Mỹ và một chính phủ nước ngoài”.

“Ngươi không được để bị bắt”

Gần như không có ngoại lệ, hoạt động nghe lén điện tử này vi phạm không chỉ quy tắc hành xử ngoại giao, mà cả các hiệp định quốc tế. Công ước về các Đặc quyền và Quyền miễn trừ của Liên Hiệp Quốc năm 1946, cũng như Công ước Vienna về các Quan hệ Ngoại giao năm 1961, từ lâu đã quy định không được sử dụng các phương pháp gián điệp. Hơn nữa, Mỹ và Liên Hiệp Quốc ký một hiệp định năm 1947 cấm tất cả các hoạt động bí mật.

Nhưng ngay cả trong các giới Liên Hiệp Quốc, chút ít hoạt động gián điệp luôn được xem là một tội nhỏ và, theo phát biểu của một số cựu nhân viên chính phủ, người Mỹ chưa bao giờ quan tâm nhiều đến các hiệp định. Nhưng điều này có thể thay đổi với những tiết lộ về việc Mỹ rình rập EU. Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói: “Mỹ đã vi phạm điều răn thứ 11 trong nghề của chúng tôi: Ngươi không được để bị bắt”.

Vụ xì căng đan gián điệp này đã làm căng thẳng các mối quan hệ giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương hơn bất cứ vấn đề chính sách an ninh nào khác trong lịch sử gần đây. Hoạt động gián điệp này là “không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã kịch liệt phản đối sau khi có tiết lộ đại sứ quán Pháp ở Washington cũng nằm trong danh sách bị do thám. Ủy viên Châu Âu về Tư pháp Viviane Reding giận dữ nói: “Chúng tôi không thể đàm phán về một thị trường rộng lớn xuyên Đại Tây Dương nếu chỉ cần có chút xíu nghi ngờ rằng các đối tác của mình đang rình rập văn phòng của trưởng ban đàm phán của chúng tôi”.

Ngay cả một chính khách bảo thủ như chủ tịch Ủy ban Đối ngoại ở Nghị viện Châu Âu tại Brussels, Elmar Brok – đảng viên Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) bảo thủ của thủ tướng Đức Angela Merkel – cũng nói đến “sự mất lòng tin đáng kể”. Các nghị sĩ khác đe dọa gây áp lực với Mỹ bằng cách đình chỉ các đàm phán về một hiệp định thương mại tự do, và một phái đoàn EU đã đến Washington và chất vấn người Mỹ về những cáo buộc này.

Trong sạch?

Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu trở lại vào tháng 9. Phép thử quan trọng sẽ là liệu chính phủ Mỹ có sẵn sàng ký hiệp định không do thám với EU tương tự như hiệp định đang được đàm phán với chính phủ Đức – và trong đó hai đối tác ký kết cam kết không do thám lẫn nhau.

Một hiệp định như vậy hẳn nhiên cũng có thể bị vi phạm nhưng ít ra cũng bảo vệ được chút ít cho Châu Âu. Đối với Mỹ, điều đó có nghĩa là từ bỏ những cách nhìn bên trong đặc quyền về EU. Vẫn chưa rõ chính quyền Obama có sẵn sàng thực hiện điều này hay không, dù tổng thống Mỹ đã trịnh trọng phát biểu rằng việc do thám chỉ tập trung vào việc chống khủng bố. Một phán ngôn viên của Nhà Trắng nói với báo SPIEGEL rằng chính phủ Mỹ sẽ phúc đáp lại những cáo buộc đó “thông qua các kênh ngoại giao”, và nói thêm: “Chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài giống như bất cứ quốc gia nào khác”.

Hôm thứ Hai tuần trước, thang máy dừng ở tầng 26 của tòa nhà EU trên đại lộ Third Avenue ở New York. Tùy viên báo chí Matthews dẫn đường đi qua khu vực làm việc của phái đoàn, nằm ở vị trí trên cao nhìn ra sông East River. Những ai muốn vào khu này đều phải đi qua các điểm kiểm tra gồm một số cửa bằng kính chống đạn. Mỗi cánh cửa chỉ mở ra sau khi cửa vừa đi qua được khóa lại. Bước thêm vài mét nữa, về bên phải, ta thấy phòng máy chủ có đèn đỏ nhấp nháy. Các hệ thống an ninh còn mới và chỉ mới lắp đặt trong vài tuần qua sau khi báo SPIEGEL lần đầu tiên tường thuật về các nỗ lực do thám EU. EU đã tiến hành một cuộc điều tra, khiến các kỹ thuật tìm kiếm các thiết bị cài lén và kiểm tra mạng lưới máy tính.

Vào tháng 9, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power sẽ thăm các văn phòng EU trên đại lộ Third Avenue. Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Âu sẽ nằm trong chương trình nghị sự – và cả vấn đề gián điệp nữa.

Nếu các chuyên gia an ninh Châu Âu biết cách làm đúng, có thể – lần đầu tiên trong một thời gian dài – người Mỹ sẽ không biết gì để lường trước.

Nguồn: Laura Poitras, Marcel Rosenbach and Holger Stark, Codename ‘Apalachee’: How America Spies on Europe and the UN, DER SPIEGEL, 26/8/2013.

Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 28/8 và 4/9/2013.)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *