Xây tường lửa ngăn chặn sự lây lan của khủng hoảng Châu Âu

Barack Obama

Khi lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất họp ở Pháp trong tuần tới, công dân những nước chúng ta sẽ mong đợi chúng ta thể hiện ý thức như trước về mục đích chung đã giúp chúng ta cứu vãn nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính do bao nhiêu năm vô trách nhiệm gây ra.

Nhờ hành động phối hợp mà Nhóm G20 đã thực hiện lúc đó, kinh tế toàn cầu bắt đầu tăng trưởng trở lại. Những nền kinh tế mới trỗi dậy đã hồi phục. Ở Mỹ, chúng tôi đã có 19 tháng liên tiếp tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân và tạo thêm hơn 2,5 triệu việc làm ở khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, bước tiến chưa nhanh lắm và hiện nay sự hồi phục toàn cầu vẫn còn yếu ớt. Hàng trăm triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới. Những xáo trộn về nguồn cung dầu, trận động đất thảm khốc ở Nhật, và cuộc khủng hoảng tài chính của Châu Âu đã góp phần làm kinh tế tăng trưởng chậm.  Những nền kinh tế mới trỗi dậy đã bắt đầu chựng lại. Cầu đang yếu đi trên toàn cầu.

Thách thức của chúng ta đã quá rõ. Chúng ta phải tập trung vào tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng kích thích cầu toàn cầu và tạo việc làm và cơ hội cho người dân chúng ta. Điều này đòi hỏi hành động ở nhiều lĩnh vực. 

Thứ nhất, là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu. Điều duy nhất hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể làm là giúp cho kinh tế toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn để giúp cho kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn. Chính vì thế, ưu tiên cao nhất của tôi là đưa người Mỹ trở lại với việc làm. Đó là lý do tại sao tôi đề xuất Đạo luật Việc làm Mỹ (American Jobs Act), mà những nhà kinh tế độc lập đã cho rằng có thể tạo gần 2 triệu việc làm, kích cầu và tăng mức tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi ký những hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt với Hàn Quốc, Colombia và Panama để tạo việc làm, tạo đà cho chúng tôi tăng gấp đôi xuất khẩu và duy trì tính cạnh tranh của Mỹ.

Đồng thời, chúng tôi đang triển khai thực hiện cắt giảm chi tiêu gần 1.000 tỉ đô-la đã được chấp thuận hồi mùa hè năm nay. Tôi đã đưa ra một kế hoạch toàn diện và cân đối để giảm đáng kể mức thâm hụt của chúng tôi trong vài năm đến theo một cách không cản trở bước hồi phục hiện tại và tạo nền móng cho tăng trưởng trong tương lai.

Thứ hai, khủng hoảng ở Châu Âu phải được giải quyết càng nhanh càng tốt. Tuần này, các đồng minh Châu Âu của chúng tôi đã có bước tiến quan trọng về một chiến lược nhằm khôi phục lòng tin đối với các thị trường tài chính Châu Âu, tạo nền móng thiết yếu để xây dựng.

Với phạm vi của thách thức và mối đe dọa đối với kinh tế toàn cầu, điều quan trọng với tất cả chúng ta là chiến lược này phải được thực hiện thành công – bao gồm xây dựng một tường lửa đáng tin để ngăn chặn không cho cuộc khủng hoảng này lây lan, củng cố các ngân hàng Châu Âu, vạch ra một con đường bền vững cho Hy Lạp và giải quyết các vấn đề cơ cấu ở trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Liên hiệp Châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của Mỹ và là một điểm tựa quan trọng của kinh tế toàn cầu. Tôi tin tưởng rằng Châu Âu có năng lực tài chính và kinh tế để đối đầu với thách thức này, và Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các đối tác Châu Âu của chúng tôi khi họ ra sức giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Thứ ba, mỗi quốc gia phải thực hiện vai trò của mình để bảo đảm tăng trưởng toàn cầu được cân bằng và bền vững để chúng ta tránh trượt vào những tình trạng bất cân bằng trước đây. Với một số nước, điều này có nghĩa là đương đầu với những thách thức tài khóa của chính họ. Với những nước có thặng dư lớn, điều này có nghĩa là tiến hành thêm một số bước để hỗ trợ tăng trưởng. Với những nền kinh tế định hướng xuất khẩu, điều này có nghĩa là tìm cách kích cầu trong nước. Một công cụ quan trọng để đẩy nhanh sự thay đổi này là tỏ ra linh hoạt hơn về tỉ giá hối đoái, trong đó có những tỉ giá theo quy luật thị trường.

Tránh những tình trạng bất cân bằng trước đây cũng nghĩa là xúc tiến những cải cách tài chính mà có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khác. Ở Mỹ, chúng tôi đang thực hiện những cải cách mạnh nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng (Great Depression). Trong khối G20, chúng ta cần bảo đảm rằng các ngân hàng duy trì nguồn vốn mà họ cần để chống chọi với những cú sốc, và cần có giám sát chặt chẽ hơn và tính minh bạch cao hơn để tránh rủi ro quá mức, đặc biệt là với những công cụ tài chính phái sinh.

Cuối cùng, các nước G20 phải tăng cường hợp tác về nhiều loại thách thức toàn cầu ảnh hưởng tới thịnh vượng chung của chúng ta. Chúng ta cần tiến tới thực hiện cam kết của chúng ta về việc dần dần xóa bỏ các trợ cấp cho các loại nhiên liệu hóa thạch và chuyển tiếp sang những nền kinh tế dùng năng lượng sạch trong thế kỷ 21. Khi chúng ta thúc đẩy bước phát triển giúp cho các quốc gia có con đường thoát ra khỏi nghèo đói, chúng ta có thể tập trung vào cơ sở hạ tầng, tài chính và đường lối cai trị tốt giúp khơi nguồn tăng trưởng. Ngay cả khi chúng ta ra sức cứu người gặp nạn hạn hán và nạn đói ở khu vực Sừng Châu Phi, chúng ta cần tiếp tục đầu tư vào an ninh lương thực và năng suất nông nghiệp làm giảm xác suất xảy ra những nạn đói trong tương lai và tăng khả năng tự cung tự cấp của các cộng đồng.

Khi gặp nhau ở Luân Đôn cách đây hai năm, chúng ta đã biết rằng đưa kinh tế toàn cầu trở lại con đường hồi phục sẽ không dễ và không nhanh. Nhưng cùng nhau, chúng ta đã hợp sức tạo ra một cách phản ứng kéo kinh tế toàn cầu khỏi bờ vực thảm họa. Đó là phẩm chất lãnh đạo mà chúng ta đã từng thể hiện. Đó là phẩm chất lãnh đạo mà chúng ta cần hiện nay – để duy trì sự hồi phục kinh tế và đưa người dân trở lại với việc làm, ở những nước chúng ta và trên toàn thế giới.

Tác giả là tổng thống Mỹ.

Bản tiếng Anh: A firewall to stop Europe’s crisis spreading, Financial Times, 27/10/2011 (Bản PDF, nếu không truy cập được)

Bản tiếng Việt: PVLH. Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/29/barackobama-op…financialtimes/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *