Trần Quang Thành: “đi chân đất” kiện giúp dân oan

Bên ngoài một xà lim ở huyện Nghi Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, năm 2006 có treo một tấm biển. Bên trong xà lim, Trần Quang Thành không đọc được tấm biển đó vì anh bị mù, nhưng một tù nhân khác cho anh biết đó là bảng nội quy nhà tù, in trên một bích chương. Nhìn qua khung cửa sổ nhỏ trên cửa xà lim, người bạn tù đọc nội quy cho anh nghe: “Theo Nội quy Trại giam Chính thức, những loại người sau đây không thể bị giam giữ: (1) Người mù; (2) Phụ nữ có thai”.

Phi lý nhưng rất thực, khoảnh khắc ngắn ngủi này phản ánh cốt lõi của cuốn hồi ký sinh động mới xuất bản của Trần Quang Thành về trải nghiệm của anh trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền ở Trung Quốc. Anh chỉ mong mỏi một điều duy nhất là Trung Quốc tuân thủ những luật lệ của do chính mình đặt ra, không chỉ cho bản thân anh mà còn cho những người khác là nạn nhân của bất công và bạo tàn. Cái giá phải trả cho việc đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ pháp luật là liên miên bị đánh đập, quản thúc tại gia và tống giam. Không biết bao nhiêu lần Trần Quang Thành thấy chính quyền ở Trung Quốc không tôn trọng chính luật pháp của mình. Đáng nói hơn nữa là cách cai trị tùy tiện của đảng cộng sản và hàng ngàn người thực hiện những ý muốn của đảng. Anh lên án mạnh mẽ chế độ Trung Quốc không phải vì những lỗi lầm trong lịch sử hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của nó, mà vì một điều rất thực tế: không tuân theo luật lệ của chính mình.

chen-bookTrong cuốn hồi ký “Luật sư chân đất: Cuộc đấu tranh của một người mù đòi công lý và tự do ở Trung Quốc” (“The Barefoot Lawyer: A Blind Man’s Fight for Justice and Freedom in China”), Trần Quang Thành kể lại chặng đường đương đầu với giới cầm quyền, từ các cán bộ xã huyện, ban giám hiệu trường học tới các vị tai to mặt lớn của đảng, những người tức giận vì anh cương quyết đòi hỏi luật là luật.

Chứng kiến bất công, quyết tâm đấu tranh từ sớm

Tuy xuất thân hèn mọn, Trần Quang Thành đã trở thành một trong những nhà hoạt động nhân quyền nổi bật nhất ở Trung Quốc. Sinh năm 1971, Trần Quang Thành là con út trong năm người con trai trong một gia đình nghèo đã sống nhiều đời tại làng Đông Sư Cổ ở tỉnh Sơn Đông. Anh bị bệnh lúc mới 5 tháng tuổi và bắt đầu bị mù. Trong hồi ký, anh kể câu chuyện cảm động nhưng đầy cảm hứng về quãng đời lớn lên bị khiếm thị ở nông thôn Trung Quốc. Mắt không sáng nhưng bù lại thính giác và xúc giác của anh rất mạnh. Anh làm diều, trèo cây, bắt chim và bơi sông. Học hành là điều không tưởng, còn cơ hội việc làm cho người mù thường chỉ quanh quẩn ở nghề coi bói hoặc kể chuyện. Phần lớn người mù ít khi rời khỏi khuôn viên nhà mình.

Anh thất học tới lúc gần đôi mươi. Năm 1989, gia đình anh nghe nói về một trường nội trú công lập dành cho người mù ở cách nhà anh khoảng 60 cây số. Trong 12 năm tiếp theo anh học hết phổ thông ở Đại học Y học Cổ truyền Nam Kinh. Ở đó anh chẳng có đủ tiền để mua thức ăn, nên bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng, nhưng rèn luyện được tinh thần tự lực, và quyết tâm chống bất công xã hội.

Cuộc đời hoạt động của Trần Quang Thành bắt đầu từ một chuyện tưởng chừng vặt vãnh. Trong thời gian ra tỉnh học trường dành cho người mù, anh biết rằng Luật bảo vệ người khuyết tật của Trung Quốc quy định người mù được đi xe buýt thành phố miễn phí. Một hôm anh sửng sốt khi bị người soát vé buộc phải trả tiền. Sự phẫn nộ vì tình huống bị ngược đãi này đã thôi thúc anh đấu tranh cho người khuyết tật, trước tiên tại trường anh ở tỉnh Sơn Đông, rồi sau ở tầm quốc gia.

Từ đó anh bắt đầu những cuộc đấu tranh dai dẳng chống lại các quyết định bất chấp luật pháp và tùy tiện của chính quyền. Anh tự học về luật liên quan tới người khuyết tật, làm đơn thỉnh nguyện chính quyền ở Bắc Kinh thực thi luật nghiêm ngặt hơn, và dùng báo giới để thu hút sự chú ý tới các trường hợp vi phạm. Anh làm “luật sư chân đất”, tức là một người không được đào tạo chính quy về luật và không có giấy phép hành nghề chính thức, nhưng thực hiện những công việc giống như một luật sư chính thức (thu thập bằng chứng, chuẩn bị các luận cứ tranh biện …).

Trần Quang Thành đại diện cho dân làng, công nhân, người khuyết tật, và bất cứ ai là nạn nhân của những bất công xã hội đầy rẫy ở Trung Quốc. Ví dụ, khi người dân bắt đầu bị bệnh hoặc chết do uống nước bị một nhà máy giấy ở thượng nguồn làng anh gây ô nhiễm, anh vạch mặt các quan chức tham những đã bị chủ nhà máy hối lộ để phớt lờ các quy định quản lý môi trường. Vụ kiện đầu tiên của anh với tư cách “luật sư chân đất” là một vụ kiện tập thể nhân danh những dân làng khuyết tật bị cán bộ thu thuế đánh đập. Anh viết rằng nhà nước “chưa bao giờ ủng hộ các luật sư chân đất, mà thực ra tích cực trừng trị họ.”

Dự án giúp dân oan lớn nhất của anh là bảo vệ những nạn nhân của chính sách một con tàn nhẫn của Trung Quốc: phụ nữ bị buộc phá thai hay triệt sản (chỉ riêng ở thành phố Lâm Nghi của anh đã có khoảng 130.000 trường hợp), bị phạt nặng, bị giam, tra tấn và đôi khi thiệt mạng. Anh gọi kiểu thực thi tàn bạo chính sách một con là “những việc ác không lời nào tả nổi”.

Nghe những câu chuyện đau lòng của những cặp vợ chồng tìm tới nhờ anh giúp đỡ, anh nói anh cảm nhận được những vết thương của họ trong chính tâm hồn anh. Những câu chuyện dân oan bị hành hạ tàn bạo như vậy cứ tưởng chỉ đọc thấy trong một cuốn sách về Cách mạng Văn hóa, nhưng lại là chuyện ngay thời nay. Anh viết: “Những câu chuyện của họ khẳng định niềm tin của tôi là Cách mạng Văn hóa chưa bao giờ chấm dứt – nó chỉ chuyển hóa mà thôi.”

Trần Quang Thành và gia đình lúc ở tỉnh Sơn Đông. (AP)
Trần Quang Thành và gia đình lúc ở tỉnh Sơn Đông. (AP)

Anh cùng vợ, Viên Vĩ Tĩnh, đi khắp các vùng nông thôn để ghi lại những trường hợp lạm quyền của cơ quan kế hoạch hóa gia đình ở địa phương, và họ đệ đơn kiện tập thể đối với các cơ quan này. Chính vợ chồng anh đã quyết định thách thức chính sách một con, và bị chính quyền phạt hàng chục ngàn nhân dân tệ – tương đương với thu nhập nhiều năm của một nông dân trung bình ở Trung Quốc. Anh hoãn đóng phạt, nói là anh phải vay mượn. Chính quyền bỏ cuộc, nhưng anh bị cấm rời khỏi nơi cư trú.

Chính quyền thẳng tay trừng trị

Giới lãnh đạo Trung Cộng quảng bá hình ảnh ổn định và nhiều thành tựu lớn lao, và quả thực Trung Quốc đã trở thành một siêu cường quốc kinh tế. Nhưng quả là đáng nể khi biết tiếng nói đơn độc của Trần Quang Thành đã có thể làm rúng động nhà nước. Sau khi tờ Washington Post đăng bài về hoạt động của anh vào năm 2005, chính quyền Trung Quốc bắt đầu chiến dịch trừng phạt không ngừng nghỉ.

Nhằm ép buộc anh từ bỏ hoạt động nhân quyền, công an Trung Cộng không từ một thủ đoạn nào, từ theo dõi, đánh đập, tới đe dọa buộc trường đại học rút lại bằng của anh. Cuối cùng, vào năm 2006 chúng bắt anh vì những tội do chúng bịa ra và bỏ tù anh bốn năm. Tiếp sau đó là hai năm quản thúc tại gia bắt đầu; anh bị cách ly với thân nhân và không được liên hệ với thế giới bên ngoài.

Công an mặc thường phục theo dõi lối vào làng Đông Sư Cổ. (AFP)
Công an mặc thường phục theo dõi lối vào làng Đông Sư Cổ. (AFP)

Có thời gian, Trần Quang Thành và gia đình gần như bị giữ như con tin ngay tại nhà của mình trong vòng kềm tỏa của hàng chục kẻ canh gác họ suốt 24 giờ mỗi ngày, lắp camera theo dõi và thiết bị phá sóng điện thoại quanh làng, thuê thiếu niên nhà nông canh chừng, dựng đèn an ninh dọc những bức tường quanh khu nhà của gia đình, dùng tấm kim loại che cửa sổ, cắt điện vào nhà, cho người xông vào nhà lục soát. Trần Quang Thành không được phép đi thăm người anh hấp hối hay viếng mộ anh. Anh kể: “Nhà tôi trở thành ngục tù giam tôi.”

Trung Cộng thường trừng phạt những người chỉ trích chính quyền bằng cách uy hiếp thân nhân. Gia đình của Trần Quang Thành không phải là ngoại lệ: vợ anh bị đánh đập, con gái anh bị cấm đi học, và một người cháu trai bị bỏ tù.

Một cán bộ đảng đặc biệt ác hiểm tên là Trương Kiện nhiều lần dẫn những đám du côn tới lục soát tan tành nhà cửa và đánh đập vào năm 2011, trong khi anh đang bị quản thúc tại gia. Một hôm, khi tên họ Trương xông vào đòi Trần Quang Thành giao nộp chiếc điện thoại di động anh thường dùng để liên lạc với bạn bè bên ngoài, anh hỏi hắn làm vậy thì sao đúng luật. Tên họ Trương đáp: “Tụi tao cóc cần pháp luật – tụi tao muốn làm gì thì làm. Mày làm được gì hả?” Hắn đánh đập tàn nhẫn vợ anh, để cô “đau đớn co quắp trên nền đất, khóc thút thít”, cô bị rạn xương trên hốc mắt và gãy xương sườn, nằm trên sân đất. Tên họ Trương bước tới và lại đá cô. “Đây không phải là ý của tụi tao – lệnh từ trên xuống.”

Chính quyền cố uy hiếp một người mù thậm chí chẳng thấy được là một lính gác vào nhà mình có mặc quân phục hay không. Một người trong bọn họ nói với anh: “Tụi tao dồn mày vào chân tường. Tụi tao muốn mày và cả gia đình mày đau khổ, không có đường tiến tới, không có cách để sống, không còn cách tiếp tục. Đó là chuyện tụi tao đang làm.”

Một số thân nhân và bạn bè thân thuộc khuyên anh từ bỏ hoạt động đấu tranh. Anh viết: “Tôi đau xót trước nỗi đau mà gia đình tôi phải chịu đựng. Nhưng lúc đó tôi một mực tin rằng – và bây giờ tôi vẫn tin – nếu ta cúi đầu trước Đảng Cộng sản, chẳng mấy chốc đảng sẽ bắt quỳ xuống, nằm xuống, rồi sẽ đạp lên thân thể quằn quại của ta cho tới khi chúng tiêu diệt ta.”

Khi tình thế của anh ngày càng căng thẳng, Trần Quang Thành liên lạc với những người Trung Quốc khác, và những người nước ngoài ủng hộ chính nghĩa của anh, nhờ đó các bằng chứng của anh được phổ biến trên toàn thế giới. Anh cho biết hành động của những người bên ngoài – trong đó có những bản tin của ký giả tờ Washington Post Philip Pan, người về sau viết về Trần Quang Thành trong cuốn “Thoát khỏi bóng Mao Trạch Đông” (“Out of Mao’s Shadow”) xuất bản năm 2008 – đã có ảnh hưởng quan trọng tới số phận của anh. Trần Quang Thành dùng những điện thoại di động giấu không cho lính canh thấy để quay video và gởi tin nhắn. Đã xuất hiện phong trào người ta đăng lên mạng những tấm ảnh mang kính đen giống như anh. Anh viết: “Sức mạnh của những cử chỉ đơn giản nhưng hữu hiệu như vậy, mà đảng không cách nào trấn áp được, nói sao cũng không thể nào nói quá.”

Cuộc đào thoát ngoạn mục

Tinh thần chiến đấu của Trần Quang Thành dường như không bao giờ suy suyển. Cuộc đào thoát của anh khỏi cảnh quản thúc tại gia vào tháng 4/2012 ly kỳ như một phim hành động Hollywood. Anh kể chỉ có vợ anh biết kế hoạch bỏ trốn; đến như mẹ anh cũng không được biết vì anh sợ nguy hiểm. Trong mấy giờ liền giữa ban ngày ban mặt, anh tự thân trèo từ tường nhà này sang nhà khác, ráng nén cơn đau vì bị gãy một bàn chân. Khi màn đêm buông xuống, anh bỏ chạy dưới những ngọn đèn mà bọn giam lỏng anh đã dựng lên. Khi anh ra khỏi làng, bà con và bạn bè giúp anh tới Bắc Kinh, và một trong số họ thuyết phục anh vào lánh nạn ở Đại sứ quán Mỹ.

Trần Quang Thành nói chuyện với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke tại Đại sứ quán Mỹ. (AP)
Trần Quang Thành nói chuyện với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke tại Đại sứ quán Mỹ. (AP)

Sự việc này gây căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trong một thời gian. Phía Mỹ đã khổ công đàm phán và thỏa thuận được với chính quyền Trung Quốc là anh ở lại Trung Quốc và được phép học đại học. Giới ngoại giao Mỹ thất vọng khi anh bày tỏ quyết tâm sang Mỹ vì không tin tưởng chính quyền Trung Quốc. Hai bên lại đàm phán từ đầu. Đây là sự cố bẽ bàng đối với ngoại trưởng Hillary Clinton, lúc đó đang thăm Bắc Kinh.

Trần Quang Thành bất bình về tính thực dụng của mối bang giao của Mỹ với Trung Quốc. Anh nói anh từng hết mực tin rằng Mỹ có “cả sự quyết tâm và sức mạnh để bảo vệ quyền của con người trước các lợi ích của một chế độ độc tài”. Anh tin rằng giới chức Mỹ muốn anh rời khỏi đại sứ quán càng sớm càng tốt để tránh gây phương hại mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Anh cho rằng họ cố gắng thuyết phục anh chấp nhận một kế hoạch dựa trên những lời bảo đảm khó tin của Trung Quốc rằng anh sẽ không còn bị trừng trị. Anh viết: “Khi đàm phán với một chính quyền nằm trong tay bọn du đãng, một đất nước thường xuyên cổ xúy cho dân chủ, tự do và nhân quyền phổ quát lại chỉ biết nhượng bộ.”

Nhưng Mỹ đã thuyết phục được Trung Quốc để anh ra đi. Đây là sự xuống nước của giới chức Trung Quốc; được biết họ tức giận tới nỗi muốn gọi anh là kẻ phản quốc. Nhiều nhà bất đồng trước đây đã sang được Mỹ, nhưng kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chưa có ai được phía Mỹ công khai giúp đỡ như vậy. Ngày 19/5/2012, anh cùng vợ và hai con đáp máy bay rời Bắc Kinh sang Mỹ.

Trần Quang Thành không hề nói rõ động lực nào thôi thúc anh trở thành tiếng nói đại diện cho người không có tiếng nói ở Trung Quốc. Thỉnh thoảng anh có nhắc tới “trời”, và anh vẫn giữ các truyền thống Trung Hoa như viếng và cầu nguyện ở mộ tổ tiên. Anh không nhắc tới Chúa hay tôn giáo. Song, những nghĩa cử của anh thể hiện rất rõ lòng tin của anh ở tính thiêng liêng của sự sống và lòng bác ái bao la dành cho người bệnh, người khuyết tật, và những sinh linh chưa kịp ra đời. Phần lớn cuộc đời mình, Trần Quang Thành sống trong cảnh tối tăm, nhưng quả thực tỏa một nguồn sáng rọi vào đêm trường Trung Cộng.


Hôm 3/4/2015, nhật báo National Post, Canada, đăng cuộc phỏng vấn của ký giả Nicole Thompson với Trần Quang Thành về cuốn hồi ký mới của anh.

Hỏi: Chuyện là người khuyết tật lớn lên ở Trung Quốc có ảnh hưởng ra sao tới nhân sinh quan của anh?

Đáp: Nó có tác động tới cuộc đời tôi, nhân sinh quan của tôi, nhưng tôi không muốn tình trạng khuyết tật của mình có tác động tiêu cực. Có thể nói là tôi nhìn thế giới theo một cách khác với người khỏe mạnh, lành lặn.

Hỏi: Khác ra sao?

Đáp: Nhiều trẻ em khuyết tật lớn lên ở Trung Quốc an phận khuyết tật của mình. Chúng không thể đạt được những mục tiêu giống như những người lành lặn. Tôi đã không muốn tình trạng khuyết tật này ảnh hưởng tới tôi theo hướng tiêu cực. Tôi phấn đấu vì các mục tiêu của mình. Có thể tôi sẽ đạt tới đích chậm hơn những người khác và theo những cách khác, nhưng tôi sẽ đạt tới đó.

Hỏi: Anh bắt đầu hoạt động ra sao?

Đáp: Ban đầu, đó chỉ là một phản ứng tự nhiên – tôi thấy có bất công, và khi người ta tìm tới tôi, tôi muốn giúp đỡ. Về sau, tôi nhận thấy nhiều chuyện như vậy do cơ chế gây ra nên tôi cố gắng giải quyết vấn đề này. Người khuyết tật được hưởng một số đặc quyền, ví dụ giảm thuế. Nhưng ở Trung Quốc, trên thực tế, những luật lệ đó hiếm khi được thực thi đúng cách. Quyền của họ thường bị xâm phạm. Tôi bắt đầu giúp họ, rồi tôi giúp những người khác, như công nhân và nông dân, theo những cách khác. Trong những việc tôi giúp là giải quyết vấn đề vi phạm phổ biến trong “kế hoạch hóa gia đình” ở vùng của tôi. Tại tỉnh Sơn Đông, 600.000 người bị bắt, và khoảng 130.000 bị buộc phải phá thai hoặc triệt sản.

Hỏi: Người ở phương Tây biết về chính sách một con, nhưng chúng tôi không bàn về chuyện chính sách này được thực hiện như thế nào. Theo anh thì tại sao?

Đáp: Vì Trung Quốc công khai về chính sách này. Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thị cho tất cả các ban ngành liên quan, từ công an tới viện kiểm sát, không can dự vào chuyện thực thi. Họ biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng họ cứ để mặc nó. Tất cả những chuyện bê bối này không được phép kể lại. Vì vậy, tuy vi phạm nhân quyền nhân danh kế hoạch hóa gia đình là chuyện phổ biến – nó diễn ra ở mọi làng xã ở Trung Quốc – người dân chẳng có cơ hội nào kể lại những câu chuyện bị đối xử bất công của họ. Chính vì vậy thế giới bên ngoài chẳng biết gì.

Hỏi: Sau nhiều năm ở tù, anh đã bỏ trốn vào đại sứ quán Mỹ. Anh có cảm giác ra sao khi anh mới đến?

Đáp: Tôi rất vui, nhẹ nhõm, và phấn khởi. Tôi thấy rằng Mỹ là một quốc gia quá hùng mạnh, và họ bàn về nhân quyền, họ quan tâm về nhân quyền. Không chỉ là lời nói, mà họ thực sự hành động. Nên lúc đó tôi nghĩ họ sẽ thực sự làm mọi cách trong khả năng của họ để giúp tôi.

Hỏi: Rồi tình hình bắt đầu thay đổi?

Đáp: Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rõ là biến cố đó không nên gây tác hại cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Hỏi: Anh nghĩ tại sao không ai ủng hộ anh?

Đáp: Tôi sẽ không gọi đó là ủng hộ tôi, tôi muốn nói là ủng hộ các giá trị căn bản của Mỹ. Tôi bực mình, tôi ngạc nhiên. Tôi muốn nói rằng những quan điểm như vậy không đại diện cho người Mỹ. Điều đó không thay đổi quan điểm của tôi về nước Mỹ về căn bản. Nhưng tôi hiểu nay tình hình phức tạp, và tôi cần hiểu nước Mỹ hơn.

Hỏi: Trong sách, anh cho rằng Hillary Clinton quan tâm tới chuyện gầy dựng mối quan hệ của bà với chính phủ Trung Quốc hơn chuyện giúp đỡ anh. Trong cuốn sách của bà, bà nói rằng bà đã làm việc với anh từ lúc bà bước xuống máy bay. Anh nghĩ sự khác biệt này xuất phát từ đâu?

Đáp: Tôi đã mô tả càng trung thực càng tốt về những gì chính tôi đã trải qua. Trong cuốn sách của bà, bà mô tả nhiều việc diễn ra trước khi [bà tới Trung Quốc]. Bà đã không có mặt ở đó và hẳn nhiên đã nghe nhiều điều do người khác nói lại.

Hỏi: Anh có cảm thấy bà Clinton lợi dụng câu chuyện của anh để có lợi cho chính bà?

Đáp: Xin lỗi, tôi không biết. Chị nên đi hỏi bà ấy.

Hỏi: Trong thế giới lý tưởng của anh, Mỹ phát triển mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào?

Đáp: Tôi mong chính phủ Mỹ sát cánh với nhân dân Trung Quốc, chứ không chỉ chơi với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi hy vọng Mỹ sẽ bảo vệ những giá trị căn bản của mình về nhân quyền.

Hỏi: Anh có nhắn nhủ gì tới những người vẫn đang đấu tranh với Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Đáp: Tôi muốn bảo họ tiếp tục đấu tranh, rằng chừng nào chúng ta còn cầm tay nhau chung sức chiến đấu, chúng ta sẽ đạt tới một ngày mà Trung Quốc có tự do, tôn trọng nhân quyền và luật Khổng giáo.

Hỏi: Lúc anh đang còn ở giữa cuộc chiến đấu đó, điều gì đã khiến anh tiếp tục?

Đáp: Tôi có niềm tin căn bản ở bản chất con người. Tôi tin nhân loại tử tế, và con người sẵn sàng đấu tranh vì công lý. Và những người như vậy rốt cuộc sẽ chiến thắng. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu thiện ắt sẽ thắng tà.

Khương An

Tổng hợp từ, The Washington Post 6/3/2015, The Economist 14/3/2015, Wall Street Journal 15/3/2015, và National Post 4/4/2015.

(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 8/4/2015.)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Luật sư chân đất & Luật sư đi giày

1 thought on “Trần Quang Thành: “đi chân đất” kiện giúp dân oan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *