“Bầu không khí khủng bố” mới ở Trung Quốc (Kỳ cuối)

Orville Schell

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Kỳ 1)

Ngoài việc điều tra tham nhũng và các vi phạm “kỷ luật Đảng”, CCDI có một nhiệm vụ mờ ám hơn: “tạo được ảnh hưởng uy hiếp” đối với hành động sai trái, như lời mô tả trên trang mạng của ủy ban ngày vào năm 2014. Nói cách khác, ủy ban này mong “giết gà để dọa khỉ” (sát kê cảnh hầu, xiaji jinghou, 殺雞儆猴), theo cách nói của ngạn ngữ xưa, với hy vọng ngăn chặn những người có thể sai phạm. Ủy ban này thậm chí mở một trang mạng mới và tung ra ứng dụng điện thoại thông minh để những người mật báo về hành động sai trái có thể tải lên những bức ảnh và video có thể buộc tội về những quan chức bị bắt quả tang vi phạm các quy định mới về hạn chế chi tiêu hoặc thậm chí đang mây mưa.

Như thể bộ phận điều tra của chính CCDI, Phòng Kỷ luật Kiểm tra Giám sát (Kỷ kiểm giám sát thất, Jijian jianchashi, 紀檢監察室), chưa đủ sức đáp ứng tham vọng của cuộc thanh trừng của Tập Cận Bình, hiện nay Đảng cũng hồi sinh cơ quan thứ hai, Nhóm Theo dõi Kiểm tra Trung ương (CIPG, tuần thị tổ, xunshizu,巡視組). Cơ quan này ban đầu được thành lập vào năm 2003 để điều tra “những cán bộ hàng đầu” mà CCDI có thể đã che chở do quan hệ gia đình và bạn hữu. Với mỗi nhóm do một quan chức cấp bộ đã về hưu đứng đầu và báo cáo lên “Nhóm Lãnh đạo Công tác Kiểm tra Trung ương” của Trung ương Đảng, CIPG đã nhanh chóng trở thành một đơn vị điều tra quan trọng và được nể sợ bên trong bộ máy an ninh vốn đã đồ sộ của Trung Quốc. Dù về lý thuyết cơ quan này báo cáo trực tiếp lên Trung ương Đảng, giống như CCDI, những hoạt động hàng ngày của cơ quan này chịu sự chỉ đạo của Vương Kỳ Sơn, khiến ông trở thành ông trùm của những ông trùm của các đơn vị điều tra bí mật ở Trung Quốc.

Khi một “hổ hay ruồi” bị một trong hai cơ quan điều tra này nghi ngờ, nghi can có thể bị bắt giữ cho một tiến trình gọi là song quy (shuanggui, 雙規), nghĩa là họ tự đưa mình tới chịu điều tra vào thời điểm và tại nơi được chỉ định, nhưng chỉ do CCDI quy định. Họ bị biệt giam – thường có nhiều “người bảo vệ hộ tống” canh gác suốt ngày đêm để đề phòng nghi can tự sát – chỉ có những giới hạn mơ hồ về thời gian một nghi can có thể bị giam giữ và không có quy định gì về bảo thân (habeas corpus), quyền được có luật sư đại diện, hay kháng cáo. Theo học giả Li Ling, mục tiêu của song quy là “phá hủy hệ thống phòng vệ tâm lý của người bị giam để họ sẽ ‘chịu khai’”. Dù một số biện pháp cải cách gần đây đã được thực hiện, trong quá khứ việc ép cung và hành hạ thể xác, thậm chí tra tấn và gây chết người, không phải là không phổ biến. Vì bất cứ cuộc điều tra nào cũng có những suy đoán chắc chắn là nghi can có phạm tội, song quy thường vừa là bản án vừa là quy trình thu thập bằng chứng. Khỏi cần phải nói là hiếm khi các cán bộ quan chức đứng tim vì sợ như khi biết tin họ, hoặc “đơn vị công tác” (danwei, 單位) của họ nằm trong danh sách xử lý của CCDI.

Một nhà tư vấn doanh nghiệp mê sử nói với tôi: “Chiến dịch chống tham nhũng của CCDI khiến ta rùng mình nhớ lại những kiểu đàn áp tàn bạo do Đông Xưởng thực hiện thời nhà Minh.” Cô nhắc tới một thời kỳ trong lịch sử triều đình đại diện cho cao trào của chế độ chuyên quyền Trung Hoa. Nhưng phần lớn người Trung Quốc được biết từ sử sách, văn chương và kịch nghệ, đặc trưng của nhà Minh là nạn chia rẽ bè phái, mưu đồ thâm độc, nghi kỵ, uy hiếp, anh em giết nhau, và tàn nhẫn bất chấp pháp luật. Không tin ai và nhìn đâu cũng sợ có kẻ mưu phản, [Minh Thành Tổ] Vĩnh Lạc Đế (Yongle Emperor, 永樂帝, trị vì từ năm 1402 tới năm 1424) tìm cách bảo vệ ngai vàng bằng một mạng lưới theo dõi và gián điệp nội bộ tinh vi.

Giống như Tập Cận Bình, khi Minh Thành Tổ nghĩ rằng bộ máy an ninh hiện có của ông, Cẩm Y Vệ (jinyiwei, 錦衣衛), không đủ sức đảm trách việc bảo vệ vương triều tránh bị lật đổ, ông đã lập “Đông Xưởng” (dongchang, 東廠) khét tiếng và giao quyền lãnh đạo nó cho các thái giám trung thành. Tại đây có lưu trữ các hồ sơ bí mật về tất cả các quan trong triều, giống hệt như hệ thống “đáng án” (dangan, 檔案) giữ hồ sơ về người Trung Quốc hiện nay. Với lịch sử đầy rẫy những trường hợp ép cung, tra tấn, và ám sát rùng rợn, bộ máy an ninh nhà Minh đã trở thành một “thế lực hiểm ác đằng sau ngai vàng”, theo sử gia Shih-shan Henry Tsai, “một bộ máy mật vụ tàn ác có quyền lực vươn rộng như con bạch tuộc khổng lồ, chạm tới mọi ngóc ngách của đế chế”.

Tuy nhiên, triều đình nhà Minh gieo rắc quá nhiều nghi kỵ tới nỗi các hoàng đế về sau thậm chí không tin “Đông Xưởng” nên lập “Tây Xưởng” (xichang, 西廠), cũng lại là một cơ quan an ninh nằm ngoài các kênh quan lại thông thường. Sự nở rộ các cơ quan an ninh trong thời Tập Cận Bình hiện nay gợi lại ký ức bất an về tổ chức tiền thân thời nhà Minh này.

Đi chệch khỏi đường lối “lãnh đạo kiểu tập thể đồng thuận” đã giúp phân biệt Trung Quốc từ sau thời kỳ cai trị bức của Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình không chỉ tái thâu tóm quyền lực, Mà cũng như các hoàng đế nhà Minh phế bỏ chức tể tướng, ông gạt ra bên lề chức vụ thủ tướng thời hiện đại. Thay vì thế, ông đã lập một loạt các “tiểu tổ lãnh đạo” (lingdao xiaozu, 領導小組) mới và tự phong cho mình là người đứng đầu các tiểu tổ quan trọng nhất (đảm trách những lĩnh vực như tái tổ chức quân sự, tin tặc trực tuyến, cải cách kinh tế, quyền trên biển, vân vân). Không chỉ là đệ nhất đồng chí Tập Cận Bình đã trở thành “hạch tâm” (hexin, 核心) của Đảng, như cách tung hô trang trọng hiện nay của các bộ máy tuyên truyền của Đảng. Như một nhân vật văn hóa nổi tiếng Trung Quốc gần đây than vãn ở chỗ riêng tư: “Giới lãnh đạo của chúng tôi giờ đây đã có một ‘tính cách độc tài’(ducaide xingge, 獨裁的性格) khó xóa nhòa.”

Dù cuộc chiến chống tham nhũng của Tập Cận Bình rất được lòng dân thường – một cuộc nghiên cứu năm 2014 của Đại học Harvard cho thấy ông có tỉ lệ ủng hộ cao nhất trong số các lãnh đạo trên thế giới – nó đã có tác động uy khiếp không thể chối cãi đối với bất cứ ai mong phát biểu trung thực với giới cầm quyền. Và do nó đã biến chuyển từ một chiến dịch chống tham nhũng thành một cuộc thanh trừng các đối thủ chính trị và ý thức hệ sâu rộng hơn nhiều, nhiều người lo sợ rằng Trung Quốc hiện nay đang thụt lùi về một thời kỳ tân chủ nghĩa Mao.

Tập Cận Bình, giữa, gặp đại diện và hậu duệ của các liệt sĩ cách mạng ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, trong chuyến đi dịp Tết Nguyên đán mà cũng bao gồm chuyến hành hương tới Tỉnh Cương Sơn, căn cứ cách mạng đầu tiên của Mao Trạch Đông, tháng 2-2016. (Lan Hongguang/Xinhua/Eyevine/Redux)
Tập Cận Bình, giữa, gặp đại diện và hậu duệ của các liệt sĩ cách mạng ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, trong chuyến đi dịp Tết Nguyên đán mà cũng bao gồm chuyến hành hương tới Tỉnh Cương Sơn, căn cứ cách mạng đầu tiên của Mao Trạch Đông, tháng 2-2016. (Lan Hongguang/Xinhua/Eyevine/Redux)

Những nỗi lo sợ như vậy càng được củng cố khi trong dịp Tết Nguyên Đán, Tập Cận Bình đã có một chuyến hành hương được truyền hình tới Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan, 井岡山), nơi Mao Trạch Đông đã lập căn cứ cách mạng đầu tiên của mình vào năm 1927. Ở đây Tập Cận Bình Được thể hiện một cách trịch thượng là “người hòa đồng với quần chúng”, ngồi ăn chung với nông dân trước một áp-phích trang trọng hình Mao Chủ tịch. Chuyến đi của ông đã tạo nên nhiều bức ảnh, tin tức, bản nhạc pop xun xoe nịnh hót, và video, tất tất đều ca ngợi lòng nhân từ của “Bác Tập” (Tập đại đại, Xi dada, 習大大).

Rồi vào cuối tháng Hai, ông chỉ thị thực hiện một chiến dịch giáo dục xã hội chủ nghĩa kéo dài cả năm, đặc biệt dành cho những đồng chí có thể đang “lung lay niềm tin về chủ nghĩa cộng sản”. Ông đặc biệt đề nghị nghiên cứu kỹ tiểu luận “Các phương pháp công tác cho các ủy ban Đảng” của Mao Trạch Đông năm 1949.

Chuyện “Tư tưởng Mao Trạch Đông” vốn đã thống lĩnh Cách mạng Văn hóa sẽ có dịp tái xuất ở Trung Quốc đã từ lâu dường như là điều vừa bất khả vừa không được hoan nghênh. Nay khi Trung Quốc đang trượt lùi không thể tránh khỏi trở lại một bầu không khí chính trị gợi nhớ tới Mao Trạch Đông trong những năm 1970 hơn là Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980, ngày càng có nhiều trí thức Trung Quốc ám chỉ tới những giai đoạn kinh hoàng của lịch sử Trung Quốc như Cách mạng Văn hóa và triều đại nhà Minh. Và ngày càng có nhiều những người trong số họ cũng đang cố gắng neo đậu tài chính an toàn ở nước ngoài bằng cách tìm chỗ cất giữ tài sản ở hải ngoại, nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên về việc Trung Quốc thất thoát ngoại tệ, với khoảng 1.000 tỷ đô được cho là đã bỏ xứ ra đi chỉ riêng trong năm ngoái.

Khi Đặng Tiểu Bình, người đã hai lần bị thanh trừng, trở lại nắm quyền vào năm 1978 để vạch ra một nghị định cải cách đầy tham vọng cho phép Trung Quốc thời kỳ hậu Mao Trạch Đông được tự do nhiều hơn về cả đời sống kinh tế lẫn chính trị, thiên hạ đã thở phào nhẹ nhõm. Và trong thập niên tương đối bao dung sau đó, trước khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn năm 1989, người ta đã có thể tưởng tượng rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng không chỉ có định hướng thị trường hơn, cởi mở chính trị hơn, và chấp nhận chế độ pháp trị, mà còn hội nhập nhiều hơn với thế giới. Tâm trạng lạc quan như vậy càng được củng cố bằng những quan niệm như “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc về sau được hô hào trong thời Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, kể từ khi Tập Cận Bình nhậm chức, những hy vọng lạc quan như vậy về một đất nước Trung Quốc dần dần biến chuyển để từ bỏ quá khứ Leninist của mình đã ngày càng trở nên xa vời. Thật vậy, trong những tuần gần đây, ngay lúc “Lưỡng Hội” (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, và Đại hội hiệp thương chính trị nhân dân) hàng năm của Trung Quốc đang được tổ chức ở Bắc Kinh, những nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm kiểm soát kỷ cương Đảng chặt chẽ hơn và kiểm duyệt báo chí đã bắt đầu khiến dân chúng phản đối với những mức độ đáng ngạc nhiên, trong đó có một loạt những chỉ cách công khai chưa từng thấy được đăng tải trên Internet về các chính sách và quyền lực của ông. Ví dụ, một bức thư ngỏ của phóng viên Tân Hoa Xã Chu Phương (Zhou Fang, 周方) phê phán cơ quan kiểm duyệt về những vi phạm “thô bạo” và “quá đáng” của họ về quyền tự do ngôn luận trên mạng. Chu Phương viết: “Dưới sự quản lý thô bạo của giới kiểm soát Internet, ngôn luận trên mạng đã bị kiềm chế đáng kể Và quyền tự do ngôn luận của công chúng đã bị vi phạm tới mức quá đáng.”

Bức thư của Chu Phương đã lan nhanh như đám cháy rừng trước khi bị cơ quan kiểm duyệt rút xuống. Một bức thư trên mạng khác xuất hiện trên trang mạng tin tức “Vô giới” (Wujie, 无界), tên tiếng Anh là Watching) có liên quan tới chính quyền. Bức thư này có chữ ký của một nhóm nặc danh tự xưng là “các đảng viên cộng sản trung thành”, và không chỉ tố cáo Tập Cận Bình khởi xướng “nạn sùng bái cá nhân”, mà còn công khai kêu gọi ông từ chức. Thư tuyên bố: “ đồng chí không có năng lực dẫn dắt Đảng và đất nước hướng tới tương lai.”

Kiểu lãnh đạo độc đoán trong nước và thái độ hiếu chiến ở nước ngoài của ông là điều đáng ngại vì chúng khiến cho Trung Quốc ngày càng khó có cơ hội thành công trong việc cải cách nền kinh tế của mình – nền kinh tế mới hiện nay toàn thế giới đang phụ thuộc vào. Đồng thời, vì chúng dường như chắc chắn sẽ khiến Đảng phụ thuộc hơn vào chủ nghĩa dân tộc và tính bài ngoại, Các chính sách của Tập Cận Bình cũng dường như tất yếu sẽ khiến Bắc Kinh không thể viết lại các mối quan hệ Căng thẳng với các nước láng giềng xung quanh các vùng biển Nam Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) và Đông Hoa. Cuối cùng, vì những chính sách như vậy cũng xuất phát từ một cách nhìn nghi kỵ về thế giới dân chủ, chúng khiến cho Trung Quốc hết sức khó hợp tác hữu hiệu với các nước như Mỹ về những lĩnh vực các bên cùng quan tâm như chống khủng bố, biến đổi khí hậu, các bệnh dịch, và phổ biến hạt nhân.

Bất luận chuyện gì sẽ xảy ra, Trung Quốc đang trải qua một thay đổi thụt lùi mà sẽ đòi hỏi tất cả mọi người, doanh nghiệp, và quốc gia có quan hệ với Trung Quốc phải tái đánh giá triệt để về việc Trung Quốc có muốn hội nhập với phần còn lại của thế giới.

Nguồn: Orville Schell, Crackdown in China: Worse and Worse, The New York of Books, 21-4-2016

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 13/4/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Trung Cộng mạnh tay săn “cọp tham nhũng”, cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang khốn đốn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *