Bên trong thế giới bí mật của giới quản lý của cải

Họ hiểu về thân chủ của mình hơn chính vợ của thân chủ. Họ trung thành khi chứng kiến hành vi đáng trách. Họ là bộ não đằng sau các mưu chước tránh thuế khéo léo nhất. Và chưa bao giờ họ đông đảo như hiện nay.

Nhà giàu giấu tài sản ra sao: bên trong thế giới bí mật của giới quản lý của cải

Brooke Harrington

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Du thuyền sang trọng neo đậu tại cảng Monte Carlo ở Monaco. (Ảnh: Graeme Robertson / The Guardian)
Du thuyền sang trọng neo đậu tại cảng Monte Carlo ở Monaco. (Ảnh: Graeme Robertson / The Guardian)

Dòng họ Pritzker là một trong những dòng họ giàu nhất ở Mỹ. Tài sản của họ lên tới 15 tỷ đô-la, được nắm giữ trong 60 công ty và 2.500 quỹ tín thác, dùng các cấu trúc và chiến lược mà tạp chí Forbes – thường là tờ báo cổ vũ giới thượng lưu giàu có – mô tả với ẩn ý khinh bỉ khác thường là “mờ ám … được lập để cản trở sự thẩm tra của người ngoài – và giỏi lợi dụng các lỗ hổng trong luật thuế.”

Cấu trúc nắm giữ tài sản phức tạp này không phải do chính dòng họ Pritzker tạo ra, mà do các luật sư, kế toán viên, chuyên gia thuế và cố vấn đầu tư của dòng họ này. Về mặt này, dòng họ Pritzker cũng chẳng khác gì hàng chục ngàn dòng họ và cá nhân siêu giàu trên thế giới sử dụng dịch vụ của giới quản lý của cải. Những chuyên gia này không chỉ giúp tài sản tránh thuế mà còn, theo nhận xét của một bài nghiên cứu, phục vụ mục đích “che giấu những sự tập trung quyền lực kinh tế”, dùng các công cụ khiến khó, nếu không nói là không thể, nhận diện các chủ nhân thực thụ của tài sản.

Công việc của giới quản lý của cải xưa nay đã được một số chuyên gia hàng đầu trong ngành mô tả là cách bảo vệ trước những hành động cướp bóc của “những nhà nước tịch thu sung công”. Phần lớn hoạt động hành nghề hàng ngày của những chuyên gia này diễn ra trong một vùng xám về đạo đức – một lĩnh vực hoạt động về chính thức thì hợp pháp nhưng về xã hội thì không chính đáng. Điều này bao gồm việc sử dụng các quỹ tín thác, các công ty hải ngoại và các công cụ tương tự để giúp thân chủ tránh đóng thuế, tránh trả nợ cho chủ nợ, hay tránh trả tiền cấp dưỡng cho vợ/chồng cũ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và những tin tức như Hồ sơ Panama, các thủ đoạn này – trong đó nhiều thủ đoạn được các công ty sử dụng để tránh thuế và luật lệ – đang khi

Các nhà hoạt động ở Berlin đội mũ Panama để phản đối việc trốn thuế sau khi Hồ sơ Panama được công bố. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Các nhà hoạt động ở Berlin đội mũ Panama để phản đối việc trốn thuế sau khi Hồ sơ Panama được công bố. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

ến công luận ngày càng chú ý và lên án.

Nghề này – có tổ chức đại diện chính là Hội Chuyên viên hành nghề Quỹ tín thác và Di sản (STEP) có trụ sở ở London, Anh – đã bị chỉ mặt điểm tên phê phán ở nhiều nước bởi các cơ quan nhà nước quan ngại về nạn tránh thuế, rửa tiền, và tình trạng bất bình đẳng tài sản ngày càng tăng trên thế giới. Trong tuyên bố Seoul năm 2006, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đặc biệt nhắc tới vai trò của “các hãng luật và kế toán, các hãng tư vấn thuế và các tổ chức tài chính khác” trong việc giúp các công ty và cá nhân tìm ra những cách lách các luật quốc tế. Năm 2003, thượng nghị sĩ nay đã về hưu Carl Levin thuộc Đảng Dân chủ đã phàn nàn với một tiểu ban ở Thượng viện Mỹ về các cấu trúc nắm giữ tài sản do giới quản lý của cải tạo ra để che giấu tài sản của thân chủ của họ: “Phần lớn phức tạp tới nỗi chúng là kiểu mưu chước ‘Làm Mờ Mắt’. Những người bày ra các mưu chước này muốn dùng tính phức tạp của chúng để tránh bị suy xét và tránh búa rìu dư luận.”

Khi của cải trên thế giới đã tăng lên tới mức kỷ lục trong những năm gần đây – tới mức ước tính 241 ngàn tỷ đô-la – sự bất bình đẳng cũng tăng lên, với 0,7% dân số toàn cầu sở hữu 41% tài sản. Ước tính giới giới quản lý của cải đã chuyển hướng dòng chảy của của cải tư hữu trị giá lên tới 21 ngàn tỷ đô-la, khiến thất thu thuế khoảng 200 tỷ đô-la trên toàn cầu mỗi năm. Như vậy, những chuyên gia này đưa tài sản ra khỏi những nước muốn đánh thuế và quản lý chúng, tạo nên một hình thức tư bản mà, giống như chủ nhân của chúng, có tính chất xuyên quốc gia và vô cùng lưu động. Muốn làm được vậy thì phải tạo ra không chỉ các cấu trúc nắm giữ tài sản và tránh thuế mà cả một khối các tổ chức xuyên quốc gia mới mà vượt ra ngoài phạm vi của bất cứ quy trình kiểm soát và cân bằng có tính dân chủ nào. Do vậy, sự vươn lên của giới siêu giàu và ngành quản lý của cải đang tạo ra một giới thượng lưu ngày càng không được quản lý và không thể quản lý được.

***

Giới giàu có và quyền thế khét tiếng là khó nghiên cứu. Trong lĩnh vực này, việc quản lý của cải có những khó khăn cụ thể, vì nghề này dựa vào tính bí mật và tuân theo bộ quy tắc ứng xử đòi hỏi giữ bí mật tuyệt đối.

Là một nhà xã hội học có ý định tìm hiểu thế giới của nghề quản lý của cải, tôi bắt đầu nghiên cứu của mình bằng cách đi học trở lại. Vào tháng 11-2007, tôi ghi danh học một chương trình đào tạo quản lý của cải hai năm. Mục tiêu của tôi là lấy được chứng chỉ hiện nay là tiêu chuẩn toàn cầu được công nhận cho người hành nghề này: chứng chỉ Hoạch định Quỹ tín thác và Di sản (TEP). Để lấy được chứng chỉ này, bạn cần phải thi đậu năm môn học về các lĩnh vực chủ yếu của trình độ chuyên môn: luật quỹ tín thác, luật công ty, đầu tư, tài chính, và kế toán.

Từ năm 2008 tới năm 2015, tôi đã thực hiện 65 cuộc phỏng vấn với các nhà quản lý của cải ở 18 nước, trong đó có Thụy Sỹ, Hong Kong, Singapore, Mauritius, và các nước phụ thuộc và lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh như Guernsey, Jersey, quần đảo British Virgin Islands và quần đảo Cayman Islands. Tôi cũng đã thực hiện các cuộc phỏng vấn ở các trung tâm tài chính mới hơn, đặc biệt là những trung tâm phục vụ cho số của cải ngày càng tăng của Châu Á, chẳng hạn như Seychelles.

Chỉ sau khi các phát hiện của tôi bắt đầu được công bố, khoảng sáu năm sau khi bắt đầu dự án này, thì mới có người đối xử với tôi với thái độ thù địch rõ rệt. Tháng 8-2013, tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn đã sắp đặt trước ở quần đảo British Virgin Islands với một ông da trắng người Anh trạc lục tuần, một chuyên gia ngân hàng học hành bài bản. Ông chào tôi bằng cách nói rằng ông đã đọc hai bài nghiên cứu mới xuất bản của tôi, và thấy nghiên cứu của tôi “thiên tả” và “phê phán những điều ngành [quản lý của cải] và người giàu đang làm”. Ông nói thêm rằng cộng đồng quản lý của cải ở quần đảo này đều thắc mắc tôi đang làm gì ở đây. Tuy ông lịch sự trả lời các câu hỏi phỏng vấn của tôi, ông chẳng buông tha chủ đề về “nghị trình” của tôi. Cuối buổi phỏng vấn, ông khoanh tay, dựa lưng vào ghế và bày tỏ sự bất bình của ông về chuyện giới quản lý của cải và các thân chủ của họ đã bị “phỉ báng” là “vô đạo đức vì không đóng nhiều thuế như một số người nghĩ họ nên đóng”. Ông nói thêm rằng một nhà quản lý của cải địa phương đã từng đề nghị rằng tôi “nên bị tống khỏi đảo này”.

Tôi sửng sốt vì phát biểu này tới nỗi tôi chỉ biết cảm ơn ông ta đã dành thời gian, bắt tay ông, rồi trở lại quầy rượu ở khách sạn của tôi để làm một ly. Lúc đó tôi không biết về một tiền lệ: chỉ mới hai năm trước, đảo Jersey, xứ tránh thuế thuộc quần đảo Channel Islands của Vương quốc Liên hiệp Anh, đã bắt giữ, trục xuất rồi cuối cùng cấm cửa một ký giả của tạp chí Newsweek vì đã điều tra những phát biểu về hoạt động bất hợp pháp ở đó. Dù câu chuyện đó không có liên hệ gì với các dịch vụ tài chính, người ta nghĩ rằng nó sẽ gây tiếng xấu cho đảo này, có nguy cơ ảnh hưởng tới danh tiếng của đảo này là một nơi yên tĩnh, ngoài tầm chú ý để giới thượng lưu cất tài sản của mình. Đáng nói là giới chức tài chính địa phương có quan hệ sâu rộng tới nỗi họ có thể cấm được ký giả đó không nhập cảnh trở lại không chỉ Jersey mà cả Vương quốc Liên hiệp Anh, chấm hết.

Nhờ biết tới câu chuyện đó, tôi nhìn nhận cuộc đối thoại với chuyên gia ngân hàng ở British Virgin theo một góc nhìn mới. Nó không chỉ nhấn mạnh cách mà nghề quản lý của cải có thể gây ảnh hưởng với chính quyền, ít nhất là ở hải ngoại; mà nó còn cho thấy rõ giá trị của phương pháp nghiên cứu bằng thâm nhập thực tế. Nếu tôi đã cố gắng tiếp cận ngành quản lý của cải như một kẻ ngoài cuộc – giống như ký giả của Newsweek – cuộc nghiên cứu này có lẽ đã chẳng bao giờ khởi sự được.

***

Những mối dây gắn kết mà những nhà quản lý của cải tạo dựng với thân chủ của họ quả là khác thường. Trước hết, chúng tồn tại rất lâu dài. Học giả pháp luật John Langbein từng mô tả công việc quản lý của cải là “những mối quan hệ có thời gian lâu dài và bất định, thường tính bằng nhiều đời”.

Giống như một bác sĩ hay luật sư riêng của gia đình, một nhà quản lý của cải được biết riêng những thông tin hết sức nhạy cảm. Tuy nhiên, khác với những nghề khác, các chi tiết riêng tư này không hạn chế trong một khía cạnh trong đời tư của thân chủ. James, người hành nghề ở London, giải thích rằng các thân chủ “phải chọn người mà họ muốn biết hết mọi thứ về họ: những chuyện tình đồng tính nữ của mẹ, chứng nghiện ma túy của anh trai, những người tình bị phụ bác đột nhiên xộc vào phòng”.

Công việc của nhà quản lý của cải là bảo vệ tiền của của thân chủ khỏi rủi ro: việc này không chỉ bảo gồm tránh các khoản đầu tư thất bát mà cả các khả năng khác, như những người thừa kế hoang phí tán gia bại sản hay những thân nhân có các bí mật đáng hổ thẹn mà có thể khiến họ dễ bị tống tiền. Eleanor, một người Mỹ hành nghề ở Thụy Sỹ, nói: “Cứ như là kẻ nhìn trộm … thân chủ phải lột trần trước mặt ta.”

Elaine, một nhà quản lý của cải hành nghề ở Dubai, nói: “Những thân chủ này, họ kể với ta nhiều bí mật, những điều mà họ sẽ chẳng bao giờ kể với chuyên gia ngân hàng của họ. Họ là bạn tâm giao của ta. Ta được tin tưởng hết sức – ta phải giữ bí mật tuyệt đối. Một thân chủ nói với tôi, ‘Tôi muốn để tiền lại cho bạn gái của tôi, nhưng tôi không muốn vợ tôi biết.’”

Giới siêu giàu thường hết sức nghi ngờ về động cơ của những người xung quanh họ. Robert, người hành nghề ở Guernsey, nói với tôi: “Những người có nhiều tiền có thể đa nghi và cô lập. Họ tin rằng ai gặp họ cũng cố tìm cách lợi dụng họ.”

Thường sự ngờ vực này có cơ sở. Nhiều chuyên gia mà tôi đã phỏng vấn đồng ý rằng những người nhiều tiền lắm của thường trở thành mục tiêu của những kẻ bất lương. Như Mark, một nhà quản lý của cải người Anh hành nghề ở Dubai nhận xét, “Người ta muốn bịp họ, lừa gạt họ, cướp họ, bắt cóc họ.” Hơn nữa, những mối nguy này có thể xuất phát không chỉ từ người dưng mà còn từ các chính phủ và thậm chí từ những người thân thiết nhất với họ.

James, người hành nghề ở London, chuyên về bảo vệ các thân chủ cao niên tránh bị thân nhân lợi dụng. Ông nói với tôi: “Tôi có làm việc với một số gia đình phức tạp … Công việc tựu trung là chỗ nương tựa cho người đó và là người mà họ có thể trông cậy, thường hơn cả cách mà người đó có thể trông cậy vào người ruột thịt của họ, vì chúng tôi không có cơ hội được thừa kế tài sản của họ.”

Tâm lý hoang tưởng mà của cải có thể gây ra cho cách cư xử trong gia đình không phải là chuyện mới. Theo sử gia Scott L Waugh, tư liệu ở Anh vào thế kỷ 13 ghi các vụ kiện cáo trong giới quý tộc trong đó các vụ xét xử được đánh dấu bằng “sự ngờ vực lan tràn của những con sói trong gia đình tranh giành thừa kế”.

Một số nhà quản lý của cải so sánh vai trò của họ với vai trò của một giáo sĩ hay bạn tâm giao. Sherman ở British Virgin Islands nói: “Chúng tôi hơi giống consigliere (cố vấn) trong Bố Già.” Đối với các thân chủ, nhiều người trong số họ bị bao quanh bởi những người thừa kế nôn nóng và những kẻ ba phải, cơ hội được giải bày về những vấn đề của họ với một người kín đáo và trung thực tự thân nó là một dịch vụ có giá trị. Marian, người hành nghề ở Los Angeles, nói với tôi: “Chồng cũ của tôi luôn nói, ‘Cô ấy làm công tác xã hội cho giới nhà giàu.’”

Đôi khi, sau khi một thân chủ chết, một nhà quản lý của cải phải thông báo về kế hoạch thừa kế của thân chủ cho những người có thể thừa kế và giải quyết bất cứ xung đột gia đình nào có thể xảy ra. Trong những trường hợp khác, họ có thể phải đóng vai thám tử điều tra, cố gắng kết nối những đầu mối về các khía cạnh của tài sản của thân chủ đã bị giữ bí mật với mọi người. Alistair, người hành nghề ở Cayman Islands, kể chuyện làm việc với một “gia đình giàu có ở Jamaica” trong đó “người cha chết, nhưng đã không cho bất cứ ai biết toàn bộ chuyện tài chính của mình. Không một ai biết tất cả mọi thứ mà ông ta có và cất ở đâu. Ông nói cho mỗi người trong gia đình và một vài người bạn thân tín biết chỉ những chi tiết nhỏ, nhưng không kể hết mọi chuyện. Và nay, ba năm sau khi ông chết, chúng tôi vẫn đang đi tìm các tài sản của ông.”

***

Xác định xem liệu một nhà quản lý của cải có đáng được họ tín nhiệm hay không là một mối quan tâm quan trọng của các thân chủ thượng lưu. Nhiều người trong nghề đã nói với tôi rằng họ đã được yêu cầu thực hiện những hành động phụng sự khác thường trong các giai đoạn ban đầu khi mới có quan hệ với một thân chủ mới, chỉ để chứng minh rằng họ đủ sức đảm nhận công việc này. Ví dụ, Eleanor kể với tôi về một người đã gọi điện tới văn phòng của cô ở Geneva và bảo cô: “Tôi đang ở bên ngoài một nhà ở London và mới bị mất vòng đeo tay – Tôi cần cô tìm nó.” Nói cách khác, thân chủ yêu cầu của tìm một món nữ trang thất lạc bên ngoài một tòa nhà không được nêu tên ở một nước khác. Bằng cách nào đó Eleanor cũng làm được chuyện này, tính thù lao cho giờ công của mình, và có được một thân chủ trung thành trong mấy chục năm tiếp theo. Mark, người hành nghề ở Dubai, nói: “Những người rất giàu có sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ siêu đặc biệt theo nhu cầu cá nhân – giống như bộ complet đặt may riêng.”

David, một nhà quản lý của cải người Anh sắp sửa kết thúc một sự nghiệp 40 năm ở Hong Kong, kể một chuyện hết sức lý thú: “Có lần tôi được một thân chủ gọi điện từ Osaka và nói rằng ‘Tôi đang ngồi đối diện với ông Owagi, ông này không nói được tiếng Anh, nhưng chúng tôi đang cúi đầu chào nhau. Ông ta vừa nói với tôi qua một phiên dịch rằng ông ta cần một ngàn miếng cá hồi hun khói trước thứ Ba, và tôi trông cậy anh kiếm được chúng.’ Tôi đáp , ‘Tôi là người quản lý của cải cho ông, chứ đâu phải người bán cá của ông.’ Rồi thân chủ nói: “Ờ, hôm nay anh là người bán cá.” Vậy là tôi phải gọi điện cho một người bạn có quen biết với một anh chàng làm cho hãng Unilever và quản lý nhà máy cá hồi ở Scotland. Và giám đốc nhà máy đó đã giúp thu xếp vụ đó.”

Thỉnh thoảng, những nhà quản lý của cả có thể phải nói không với thân chủ của mình vì những lý do pháp lý. Bruce, người hành nghề ở Geneva, kể lại một vụ như vậy: “Tôi có một thân chủ Ả Rập yêu cầu tôi gửi cho ông ta $100.000 từ ngân quỹ công ty để ông mua một chiếc Ferrari. Tôi phải nói không, và ông ta hỏi, ‘Anh nói không nghĩa là sao?’ Tôi đáp, ‘Đây là một công ty, ông là một cổ đông, vậy có phải ông đang yêu cầu chia lãi?’ Tôi phải chỉ dẫn cho ông biết nên dùng thuật ngữ nào cho đúng, và nói, ‘Ông vui lòng xóa những email ông gởi cho tôi yêu cầu rút tiền để mua xe Ferrari.’”

***

(Còn tiếp: Kỳ cuối.)

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 19/10/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

1 thought on “Bên trong thế giới bí mật của giới quản lý của cải

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *