Biên giới Canada-Mỹ: thanh bình nhưng không yên tĩnh

Dấu chân của người vượt biên từ Noyes, Minnesota, qua biên giới Canada ở Emerson, Manitoba. (Ảnh: Ian Willms/The Globe And Mail)

Trong vài tháng qua, gần như tuần nào cũng có tin tức về những người tị nạn bất chấp giá lạnh cuốc bộ hàng dặm đường, băng qua những cánh đồng tuyết ngập tới thắt lưng để vượt biên trái phép từ Mỹ sang Canada. Dòng người tí tách nhưng đều đặn này đang là phép thử cho cam kết của chính phủ Canada mở rộng cửa đón tiếp người tị nạn giữa lúc chính phủ cũng phải trả lời dân chúng về các quan ngại an ninh, đồng thời giữ gìn mối quan hệ tế nhị với Mỹ.

Mất mạng cũng đi

Số người xin tị nạn tại Canada từ khắp các quốc gia đạt mức kỷ lục 36.867 vào năm 2008, và giảm dần trong những năm sau đó. Tính tới ngày 13/2 năm nay, Canada nhận được hồ sơ xin tị nạn của 3.802 người, trong đó có những người vượt biên trái phép.

Hơn 7.000 người xin tị nạn đã vào Canada trong năm 2016 qua các cửa khẩu trên đất liền từ Mỹ, tăng 63% so với năm trước, theo Cục Biên giới Canada (CBSA). Hơn 2.000 người đã vào Canada “bằng cách bất thường” trong cùng thời kỳ đó, mà không được phép chính thức, ví dụ băng qua những vùng không có biên phòng canh gác.

Trong 9 tháng đầu tài khóa 2016-17, 430 người xin tị nạn đã vượt qua biên giới Manitoba bằng cách bất thường, tăng lên từ con số 340 của toàn năm trước đó, theo CBSA. Ở Quebec, 1.280 người xin tị nạn đã vào bằng cách bất thường từ tháng 4-2016 tới tháng 1-2017, gấp 3 lần mức tổng cộng của năm trước. Ở British Columbia và Yukon, 652 người đã vào Canada bằng cách bất thường trong năm 2016, cao hơn gấp đôi so với năm trước.

Seidu Mohammed, một người tị nạn 24 tuổi từ Ghana, bị cắt bỏ ngón tay vì bỏng lạnh hồi đầu tháng 2/2017. (Ảnh: Nick Iwanyshyn/Maclean’s)

Ngày càng nhiều người liều mình vượt biên sau khi láng giềng phương nam của Canada có tân tổng thống quyết khép cánh cửa nhập cư. Những sắc lệnh hành pháp mới của Donald Trump nhằm trục xuất hàng triệu di dân bất hợp pháp, cộng với việc tạm ngưng chương trình tiếp nhận người tị nạn, đột ngột khiến thêm rất nhiều người muốn tìm một nước có chính sách tiếp nhận nồng hậu hơn, và họ có thể thấy Canada là phương án tốt nhất cho mình.

Tin tức về những vụ vượt biên trái phép giữa trời lạnh âm vài chục độ C này luôn đi kèm nhiều chuyện đau lòng như những người bị mất ngón tay hoặc ngón chân vì bỏng lạnh. Abdikheir Ahmed, một di dân Somali ở thủ phủ Winnipeg của tỉnh Manitoba và chuyên giúp làm hồ sơ tị nạn, nói, “Họ sẽ chạy sang Canada, bất kể họ có mất mạng khi băng qua thời tiết lạnh giá hay không.”

Dấu tích bỏng lạnh trên chân Seidu Mohammed. (Ảnh: Nick Iwanyshyn/Maclean’s)

Số lượng ngày càng tăng các vụ vượt biên trái phép này dẫn tới cảm nhận rằng nhà nước không kiểm soát được biên giới. Và điều này càng có hiệu ứng lan truyền: người ta càng rỉ tai nhau rằng lỗ hổng trong một hiệp định giữa Canada và Mỹ có lợi cho họ, lại càng có nhiều người liều mình vượt biên. Theo giới đấu tranh vì người tị nạn, phần lớn những người này sẽ nhập cảnh ở các cửa khẩu chính thức, nếu Canada không có chính sách từ chối quá nhiều người khi họ vào bằng đường thông thường.

Biên giới rò rỉ vì lỗ hổng luật pháp

Theo quy định của Hiệp định Nước Thứ ba An toàn năm 2004, người xin tị nạn phải nộp đơn ở nước mà họ đặt chân đến đầu tiên, trừ một số trường hợp miễn trừ. (Mỹ là quốc gia duy nhất mà Canada ký hiệp định nước thứ ba an toàn như vậy; chính phủ Canada giải thích rằng một phần là vì Mỹ đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhân quyền.) Mỗi nước sẽ không chấp nhận người xin tị nạn từ nước kia.

Hiệp định này được ký kết sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, khi Mỹ vô cùng lo ngại về an ninh biên giới. Bằng hiệp định này, Canada và Mỹ muốn bớt bận tâm tới biên giới giữa hai nước, mà dành sức lực cho việc sàng lọc người tị nạn tới từ những nước khác.

Người vượt biên trái phép cuốc bộ tới Hemmingford, Quebec. (Ảnh: Martin Tremblay/La Presse)

Vì hiệp định này được đưa ra áp dụng ở Canada như một nghị định thi hành, chứ không phải một đạo luật riêng, các biện pháp trong đó không được tranh luận nhiều tại nghị viện. Các dân biểu trong ủy ban di trú của Hạ viện đã tổ chức nhiều buổi điều trần về hiệp định này vào cuối năm 2002, và các buổi điều trần này lập tức bộc lộ một số vấn đề mà chính phủ hiện nay đang gặp phải.

Đơn cử như một lỗ hổng kỳ lạ trong hiệp định này: chỉ có những người xin tị nạn nhập cảnh Canada một cách hợp pháp qua một cửa khẩu chính thức mới có nguy cơ bị trả về Mỹ. Những người băng qua đồng trống hoặc khu vực không có biên phòng canh gác, như ở Quebec và Manitoba, hai tỉnh đau đầu vì số người vượt biên trái phép từ Mỹ tăng mạnh gần đây, thì không nằm trong phạm vi của Hiệp định, và có quyền nộp đơn xin tị nạn ngay lúc họ bị bắt ở Canada.

Giới đấu tranh vì người tị nạn, ví dụ như tổ chức Ân xá Quốc tế, và Judith Kumin, cựu đại diện của Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) ở Canada, lúc đó đã cảnh báo rằng lỗ hổng đó sẽ khuyến khích người muốn tị nạn tìm những cách nguy hiểm hơn để vượt biên giới. Lúc đó giới chức Bộ Quốc tịch và Di trú Canada cũng thừa nhận khả năng này, nhưng không nói rõ sẽ xử lý ra sao.

Chính phủ Canada nay phải trả lời câu hỏi hóc búa liệu Mỹ có còn là nơi nương náu an toàn cho người tị nạn. Đó là nguyên tắc nền tảng của hiệp định về các nước an toàn. Hiện nay nhiều giới ở Canada cho rằng Mỹ không còn xứng nữa, vì người tị nạn ở Mỹ có nguy cơ bị giam giữ, chia ly với gia đình, và bị trục xuất tức khắc.

Một nhóm gồm 235 học giả pháp luật Canada đã kêu gọi chính phủ liên bang chấm dứt hiệp định nước thứ ba an toàn. Một báo cáo gần đây của Trung tâm Di trú và Tị nạn Harvard cho rằng Mỹ không còn được xem là một nước “an toàn” cho người tị nạn.

Các đảng đối lập phản ứng mạnh mẽ theo những hướng khác nhau. Đảng Bảo thủ,đảng đối lập chính thức tại Hạ viện, đòi phải tuân thủ hiệp định và lập tức trả hết những người vượt biên trái phép về lại Mỹ. Đảng Tân Dân chủ, đảng xếp thứ ba tại Hạ viện, yêu cầu nhận hết. Chính phủ do Đảng Tự do nắm quyền đang cố gắng tìm đường lối trung dung giữa hai quan điểm này. Bộ trưởng Di trú Ahmed Hussen đã không tán thành những lời kêu gọi tu chính Hiệp định Nước Thứ ba An toàn.

Tấm ảnh không bằng ngàn lời

Giữa lúc nhiều nước phương Tây đã và đang cân nhắc khép bớt cánh cửa nhập cư do các trào lưu dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, cánh cửa mở rộng của Canada đã khiến tạp chí The Economist, Anh, hồi cuối năm 2016 đã đi một bài dài tán tụng Canada là “thành trì cuối cùng của chủ nghĩa tự do”.

Một gia đình từ Somalia được cảnh sát liên bang Canada (RCMP) giúp tại biên giới Canada-Mỹ gần Hemmingford, Quebec, hôm 17/2/2017. (Ảnh: Paul Chiasson/The Canadian Press)

Trung tuần tháng 2/2017, một tấm ảnh lan truyền mạnh trên các mạng xã hội dường như tái khẳng định Canada là xứ lạnh tình nồng, một đất nước sẵn sàng mở rộng vòng tay chào đón những người đi tìm chốn nương thân mới.

Câu chuyện đi kèm tấm ảnh đó: Khi một chiếc taxi chật ních người từ phía Mỹ tiến tới gần biên giới Canada gần Hemmingford, Quebec, hôm 17/2/2017, các nhân viên biên phòng Mỹ áp tới để chặn họ. Ngay lúc đó cửa xe mở ra và tám người, bốn người lớn và bốn trẻ em, vọt ra và chạy qua phía Canada.

Đợi ở phía bên kia là một số cảnh sát liên bang Canada (RCMP) và một phóng viên ảnh của hãng thông tấn The Canadian Press. Khi nhóm người này cuống cuồng lội tuyết để băng qua phía Canada, một cảnh sát viên tươi cười nhấc một em bé lên. Paul Chiasson chụp được khoảnh khắc đó.

Trên Maclean’s, một tạp chí hàng đầu ở Canada, cây bút Colin Horgan bình luận rằng tấm ảnh tuy đầy ý nghĩa nhưng không bằng ngàn lời, không thể nào thể hiện hết bức tranh rối rắm hiện nay về tình hình biên giới, quan hệ đôi bên, và nhất là về cảm nhận, hay ngộ nhận, về tính cách Canada, về tấm lòng cởi mở nồng hậu của người Canada.

Gương mặt tươi cười của viên cảnh sát nhấc em bé lên có thể chỉ là do anh thở phào nhẹ nhõm vì làm tròn bổn phận của mình: bảo đảm không ai trong số những người đó chết trong lúc vượt biên trái phép. RCMP không thể bắt buộc những người sắp bước chân qua biên giới quay lại. Khi họ đang tiến tới gần biên giới Canada, họ vẫn còn đang trên đất Mỹ, và RCMP không có thẩm quyền. Sau khi đã vượt qua, họ ở trên đất Canada, và RCMP không thể xua đuổi họ trở lại bên kia. RCMP có thể bắt họ và buộc tội vượt biên trái phép, và đôi khi họ ở tù vài tháng – nhưng những người đó vẫn có thể xin tị nạn, và được lưu trú ở Canada trong khi đợi có phiên xử quyết định về hồ sơ tị nạn của mình.

Giữa lúc tấm ảnh đó bay nhanh trên mạng, cũng có một số ý kiến lo ngại về các tác động lớn hơn nếu như những người như nhóm tám người này được phép nhập cư vào Canada, nếu đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận. Như vậy, phải chăng Canada nồng hậu tới mức quá dễ dãi?

Một nghiên cứu mới của Viện McGill về Nghiên cứu Canada (MISC) kết luận người Canada có thể không khoan dung với người tị nạn và di dân như họ nghĩ. So với các nước Châu Âu, mức độ rộng lượng và dễ dãi của người Canada chỉ ở mức trung bình. Do vậy, tâm lý không khoan dung, chống di dân, và chống người tị nạn có thể sẽ tăng lên.

Trong khi khoảng 45% những người được khảo sát phản đối bất cứ chính sách nào chấm dứt hoàn toàn việc nhập cư, chỉ có chưa tới 20% ủng hộ một chính sách như vậy, và gần 35% nói họ không phản đối mà cũng không ủng hộ. Hơn một nửa những người được khảo sát đồng ý với câu “quá nhiều di dân dường như không cảm thấy gắn kết với xã hội Canada”, trong khi hơn hai phần ba người Canada tin rằng di dân nên thay đổi hành vi của họ cho giống người Canada hơn sau khi đã nhập cư.

Michael Donnelly, giáo sư chính trị học tại Đại học Toronto và tác giả cuộc nghiên cứu này, cho rằng những số liệu đó là các dấu hiệu cảnh báo, và nhận định, “Những kết quả này cho thấy một phong trào chống di dân một cách quyết liệt không phải là điều không thể xảy ra.”

Một trong những chủ đề chính của cuộc đua giành chức lãnh tụ Đảng Bảo thủ (tức là người có thể trở thành thủ tướng tương lai nếu đảng giành quyền kiểm soát Hạ viện) là chính sách nhập cư và tị nạn. Chủ đề này được dân biểu và ứng cử viên chức lãnh tụ đảng Kellie Leitch cố tình đặt vào trọng tâm của cuộc đua. Bà Leitch, dân biểu có đường lối dân túy và dân tộc chủ nghĩa kiểu Donald Trump, cổ xúy những hạn chế mới bằng cách buộc người nhập cư phải vượt qua bài kiểm tra “các giá trị Canada”. Tuần rồi, bà Leitch tung ra một video nhấn mạnh đường lối hạn chế di dân và người tị nạn của mình, và có vẻ như video này có số lượng hưởng ứng kha khá, như càng khẳng định những nỗi lo của vị giáo sư nói trên.

Trước khi từ chức giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Leitch, Nick Kouvalis, người điều hành một hãng thăm dò dư luận, tiên đoán rằng các chính sách nhập cư và tị nạn của thủ tướng Justin Trudeau sẽ dẫn tới thất bại của Đảng Tự do trong kỳ tổng tuyển cử vào năm 2019.

Nhưng trước mắt, đảng cầm quyền đang hẳn đang có nhiều nỗi lo khác về biên giới và người tị nạn đồng thời phải đu dây bang giao với một chính quyền mới khó đoán ở Washington. Thủ tướng Trudeau nói chính phủ liên bang rất quan ngại về sự gia tăng số người xin tị nạn. Ông nhấn mạnh nhu cầu cần bảo vệ cả di dân lẫn biên giới của Canada.

Tất nhiên, để chuẩn bị cho cuộc đua năm 2019, đảng của ông trước hết xoa dịu những lo ngại của cư dân các địa phương nửa đêm thức dậy thấy nhiều người băng qua đồng nhà mình. Một trong điểm nóng của vấn đề biên giới hiện nay là thị trấn Emerson, Manitoba, chỉ có dân số 700 người nhưng tuần nào cũng có vài chục người vượt biên từ Mỹ qua đây.

(Bản đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 12/3/2017.)

© 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Biên giới Mỹ-Canada: không còn bỏ ngỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *