Biên giới Mỹ-Canada: không còn bỏ ngỏ

Biên giới phía Bắc không yên tĩnh

Khán phòng của trung tâm văn hóa Haskell có vẽ đường biên giới Canada-Mỹ. Sân khấu nằm ở phần đất Canada.

Tại Thư viện Tự do và Nhà hát Opera Haskell, nằm bắt ngang giữa tỉnh Quebec và tiểu bang Vermont, ta có thể ngồi coi sô diễn với chân này đặt trên đất Canada còn chân kia trên đất Mỹ. Được xây dựng hồi đầu thế kỷ trước, khi cả hai nước còn có biên giới bỏ ngỏ dài nhất thế giới, trung tâm văn hóa này dành cho Derby Line, Vermont, và Stanstead, Quebec. Thủ thư Nancy Rumery cho biết hai thị trấn này là “một cộng đồng chung tình cờ có ranh giới tưởng tượng chia cắt nó”.

Các vụ khủng bố ở Mỹ tháng 9/2001 của Al-Qaeda đã chấm dứt điều đó. Ta vẫn có thể đậu xe ở Canada rồi vượt qua biên giới đi tới cửa trước. Nhưng nay, viên chức Mỹ canh chừng để bảo đảm là ta phải quay trở lại cùng một lối đó. Ở những nơi khác tại hai thị trấn này, đi lại đã bị hạn chế; đường phố thành ngõ cụt vì bị chặn cổng. Dù Derby Line và Stanstead dùng chung hệ thống nước và cống rãnh, và có chung Câu lạc bộ Rotary, chính khách địa phương Brian Smith nói họ không còn là một cộng đồng chung nữa.

Dân địa phương ngại qua biên giới mua sắm, đi lễ nhà thờ hay thăm bạn bè – vì sợ bị bắt và bị phạt, như đã xảy ra với một dược sĩ không khai báo hải quan khi ông qua bên kia mua pizza.

Tình hình xấu đi sau khi tay súng đơn độc Michael Zehaf-Bibeau bắn chết một binh sĩ rồi xông vào tòa nhà quốc hội Canada ở Ottawa hồi tháng trước. Tuy vẫn chưa ai rõ về động cơ của thủ phạm – có thể là kẻ sa cơ thất thế điên loạn, mà cũng có thể là một phần tử cực đoan tôn giáo – Mỹ đang rà soát lại an ninh dọc theo biên giới dài 8.890 km giữa hai nước.

Sau khi gặp ngoại trưởng Canada ở Ottawa sau vụ tấn công đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói khá hoa mỹ nhưng cương quyết về việc cần siết chặt biên giới. Ông tỏ ý tin tưởng rằng hai nước có thể tìm ra cách thay đổi và bổ sung để củng cố an ninh.

Tăng cường an ninh ở biên giới phía bắc, mà gần đây thượng nghị sĩ John McCain cho là “có nhiều lỗ hổng”, có giúp người Mỹ được bảo vệ an toàn hơn trước nạn khủng bố vẫn còn đáng tranh luận. Nhưng dường như giới chính khách khó bỏ được thói quen bài xích Canada. Cả ông McCain lẫn bà Hillary Clinton (hồi năm 2004) đã nhận định (sai lầm) rằng bọn khủng bố của vụ 11/9 đã vào lãnh thổ Mỹ qua đường Canada. Một bài báo trên trang mạng Politico.com hồi tháng rồi (đăng trước vụ tấn công ở Ottawa) chạy tít: “Sợ Canada: mối nguy khủng bố thực sự ở hàng xóm”.

Duy chỉ có điều chắc chắn là những thay đổi sẽ cản trở giao thương giữa hai nước là đối tác thương mại lớn nhất của nhau; và chúng có thể gây căng thẳng thêm cho mối bang giao giữa hai nước láng giềng từng thân thiện với nhau. Nik Nanos, từng làm thăm dò dư luận ở hai nước trong chục năm qua, cho rằng người Canada và người Mỹ vẫn mến nhau, nhưng không còn hứng thú hợp tác nhiều hơn nữa, nhất là về chuyện khủng bố.

Khác với biên giới náo động với Mexico, biên giới phía bắc thường ít được chú ý ở Mỹ. Vấn đề di dân bất hợp pháp là nỗi đau đầu trong quan hệ của Mỹ với Mexico, nhưng không đáng lo trong quan hệ với Canada. Trong 420.789 người, bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ bắt trong năm 2013, 98% là ở mạn tây nam của Mỹ.

Ở phía bắc, súng và ma túy là nỗi lo lớn, theo Jose Acosta, một nhân viên tuần tra Mỹ rành cả hai biên giới và nay làm việc ở gần Abbotsford, tỉnh British Columbia. Ông nói “Ecstasy, ma túy đá và cần sa đi xuống phía nam. Còn di dân bất hợp pháp và súng lậu đi lên hướng bắc đổ vào Canada.” Ông Acosta thường thấy súng và ma túy giấu trong xe hay trên những người đi vào Canada. Nhưng đối với bất cứ ai rành biên giới phía nam [với Mexico], biên giới phía bắc “khá yên tĩnh”.

Tuy nhiên, so sánh với Mexico có thể không thể hiện hết khó khăn của việc cai quản đường biên chạy qua những điểm hẻo lánh như vùng đồi núi của tiểu bang Montana và tỉnh Alberta và bốn hồ thuộc nhóm Đại Hồ (Great Lakes). Kể từ năm 2001 các biện pháp an ninh đã được gia tăng. Có khoảng 2.200 nhân viên Mỹ canh gác biên giới với Canada, con số có vẻ nhỏ nhoi nếu so với 18.600 người cai quản biên giới với Mexico; nhưng trước đây chỉ có 340 vào năm 2001.

Kể từ đó, Mỹ cũng đã tăng thêm máy bay có trang bị dãy cảm biến, máy chụp ảnh nhiệt, máy quay phim theo dõi và máy bay không người lái để canh giữ các vùng hẻo lánh. Aaron Heitke, phó ban tuần tra ở Montana, nói khi ông bắt đầu công việc này cách đây 13 năm, thiết bị chính của ông là ống nhòm. Nay, ngoài vũ khí, ông còn có bộ phát hiện bức xạ, kính nhìn ban đêm và máy chụp ảnh nhiệt. An ninh tuyệt hảo là chuyện không tưởng. Ross Finlayson, một người thích chu du thế giới, đã đi qua vùng hoang dã từ Montana tới Canada trong mùa hè vừa rồi, có mang theo cả hộ chiếu lẫn bình xịt chống gấu. Hóa ra cả hai thứ đều chẳng cần dùng tới.

Canada đã xoa dịu một số mối quan ngại của Mỹ – bằng cách trang bị vũ khí cho 5.685 nhân viên hải quan; đồng ý tham gia tuần tra chung ở vùng Đại Hồ; và góp phần thành lập các đội chuyên trách như tuần duyên, các cơ quan biên giới và cảnh sát từ cả hai nước. Theo một ước tính, Canada chi tiêu thêm 92 tỉ CAD (77 tỉ USD) cho công tác an ninh trong 10 năm sau sự kiện 11/9. Hôm 4/11/2014, Canada công bố một mạng lưới do thám mới trên quy mô lớn, với radar, bộ cảm biến mặt đất, và thiết bị phát hiện bức xạ nhiệt, dọc theo 700 km của biên giới hai nước ở hai tỉnh Ontario và Quebec trước năm 2018.

Mạng lưới này sẽ tập trung vào hơn 100 vùng tội phạm xuyên biên giới “có rủi ro cao”. Biên giới Ontario-Quebec với tiểu bang New York là tuyến đường chính của giới buôn lậu thuốc lá, với lợi nhuận hàng trăm triệu dollar. Hàng chục nhóm tội phạm có tổ chức, lớn có nhỏ có từ các hội mô-tô phi pháp và mafia Ý tới các băng đảng Việt Nam và Trung Quốc, dùng cùng các tuyến đường và cơ sở hạ tầng này để vận chuyển ma túy và di dân lậu sang Mỹ. Ngoài ra còn có nỗi lo là bọn khủng bố có thể thâm nhập qua cùng các con đường này.

Giao thương thiệt hại

Tuy Mỹ nhìn biên giới qua lăng kính an ninh, Canada lại nghĩ tới thương mại song phương trị giá 2 tỉ dollar/ngày. Doanh nghiệp bất kể lớn nhỏ đều kêu ca các thủ tục nghiêm ngặt kìm hãm hoạt động. Chi phí tăng lên khi xe tải phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để qua nhiều lần kiểm tra.

Dù an ninh biên giới không phải là yếu tố duy nhất, tỉ phần của Canada trong thương mại ở Mỹ đã chựng lại kể từ năm 2001. Thương mại Bắc Mỹ tăng gần bốn lần trong 20 năm đầu của Hiệp định NAFTA năm 1994, nhưng chủ yếu là giữa Mỹ và Mexico. (Kim ngạch thương mại của Mỹ với Canada tăng ba lần trong thời gian này, trong khi với Mexico tăng hơn sáu lần.)

Sau vụ nổ súng ở Ottawa, các doanh nghiệp Canada lo ngại sẽ có phản ứng quá đà. Theo ông John Manley, cựu Phó Thủ tướng Canada và nay là chủ tịch Hội đồng CEO Canada, phía Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát biên giới vì xem Canada là một nguồn rủi ro khả dĩ cho Mỹ. Từng là chủ tịch ủy ban chính phủ Canada về giám sát an ninh và chống khủng bố sau vụ 11/9, ông cho biết nhiều nghị sĩ hàng đầu của Mỹ từng nói với ông rằng an ninh quan trọng hơn giao thương.

Một trung tâm mua sắm trên Đảo Cornwall nằm ở phần Canada của Akwesasne, một khu đất dành riêng cho tộc người Mohawk, cho thấy việc thay đổi hệ thống gây tác hại ra sao cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi người Mohawk phản đối việc Canada trang bị vũ khí cho đội ngũ canh gác biên giới, Canada đã dời trạm hải quan lên phần lục địa ở phía bắc. Thế là trung tâm mua sắm này chốn không biết thuộc về ai. Du khách từ Mỹ nay được bảo không được dừng lại cho tới khi họ đến trạm hải quan Canada. Thay đổi này đã khiến cửa hàng thể thao trong trung tâm này thiệt hại 50.000 CAD/năm, và khiến nhiều cửa hàng bỏ trống vì không ai thuê.

Hai nước đã có những nỗ lực định kỳ để giao thương thông thoáng và đi lại dễ dàng: một số thủ tục hải quan cho hàng hóa đã được thực hiện ở nơi xa biên giới, và nhân viên hải quan Mỹ hiện nay làm việc ở một số sân bay Canada. Năm 2011, tổng thống Barack Obama và thủ tướng Stephen Harper khởi xướng rầm rộ chương trình Beyond the Border để bảo đảm an ninh ngoại vi chung. Nhưng các nỗ lực thống nhất các tiêu chuẩn và quy định vẫn còn tản mác. Mỗi lần tái khởi động được tán dương là một sự khởi đầu mới.

Tuy Canada thiết tha, phía bên kia không hồ hởi cho lắm. Sự lạnh nhạt giữa ông Obama và ông Harper cũng chẳng ích gì hơn. Bà Rumery, thủ thư tại trung tâm văn hóa trên biên giới, có thể thấy ác mộng của mình diễn ra: khách phải làm thủ tục hải quan để qua cửa tới chỗ của bà.

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp từ The Economist 8/11/2014, & National Post 4/11/2014.

© 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

1 thought on “Biên giới Mỹ-Canada: không còn bỏ ngỏ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *