Bitcoin bùng nổ: Liệu loại tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới sẽ thịnh hay suy?

Yuri Takhteyev  Mariana Mota Prado

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

bitcoin“Bitcoin” có thể không phải là từ tiêu biểu nhất trong năm 2013, nhưng chắc chắn có vị trí nổi bật trong các danh sách đề cử. Trước đây chỉ được giới chuyên môn thực thụ biết đến, loại tiền mã hóa bí ẩn này gần như ngày nào cũng là chuyện thời sự. Đại loại là chuyện kiểu như “của từ trên trời rơi xuống” hoặc “cầm vàng mà để vàng rơi”: một sinh viên Na Uy phát hiện rằng 5.600 đồng bitcoin anh mua với giá 24 đô-la hồi năm 2009 nay trị giá 700.000 đô-la; một anh chàng người Anh lỡ dại vứt bỏ một ổ cứng chứa các chìa khóa số hóa cho số lượng bitcoin trị giá hơn 6 triệu đô-la. Có khi là những chuyện tội ác: các trang mạng qua đó người mua nặc danh có thể dùng bitcoin để mua ma túy hay thậm chí góp tiền chung để có thể ám sát các nhân vật có tiếng. Rồi cũng có những chuyện tập trung vào các nỗ lực quản lý Bitcoin, từ chuyện tuyên bố loại tiền này hoàn toàn phi pháp (Thái Lan) đến ủng hộ cả hai tay (Thụy Sĩ).

Sao lại nổi đình nổi đám đến vậy? Chủ yếu là do tính chất hoàn toàn mới lạ và các biến động giá kinh khủng của Bitcoin (từ mức dưới 20 đô-la mỗi bitcoin vào đầu năm 2013 đến điểm đỉnh 1.203 đô-la hồi tháng 12 đến mức khoảng 925 đô-la hiện nay). Nhưng trên hết thảy, sở dĩ như vậy là do Bitcoin là một ý tưởng khác thường – một ý tưởng với những hệ quả mà không ai có thể tiên liệu trọn vẹn. Tiền đề nền tảng của Bitcoin là các hệ thống tiền tệ không cần một chính quyền trung ương. Thay vì thế, Bitcoin dựa trên thuật toán thông minh để bảo đảm rằng tất cả mọi người chơi đúng luật. Ít nhất là trên lý thuyết, không ai có thể kiểm soát Bitcoin. Và như vậy hẳn nhiên nghĩa là không ai có thể bảo người sử dụng Bitcoin nên hay không nên xài tiền của mình vào việc gì – cả lợi lẫn hại. Do vậy các cơ quan quản lý vấp phải những câu hỏi khó: Họ có nên cố gắng kiểm soát Bitcoin? Liệu họ có kiểm soát được không?

Nếu chuyện này nghe quen quen, thì cũng phải thôi. Thế giới đã đụng phải chính những câu hỏi này vào thời kỳ đầu của Internet. Tất nhiên chưa ai biết liệu Bitcoin sẽ [suy] như AOL hay [thịnh] như Google. Tuy nhiên, cách phản ứng của chính phủ các nước đối với loại tiền tệ này có thể thay đổi mãi mãi tài chính toàn cầu.

Giá thị trường của Bitcoin (đơn vị: đô-la Mỹ) từ lúc khởi đầu đến nay (Nguồn: Blockchain.info)
Giá thị trường của Bitcoin (đơn vị: đô-la Mỹ) từ lúc khởi đầu đến nay. Nguồn: Blockchain.info
Số lượng lưu hành và giá tăng đã làm tăng vọt tổng giá trị thị trường của Bitcoin (tính bằng số bitcoin lưu hành nhân với giá thị trường tại thời điểm đó, đơn vị: tỉ đô-la Mỹ). Nguồn: Blockchain.info, các số đo lấy vào ngày 1 và 15 mỗi tháng.
Số lượng lưu hành và giá tăng đã làm tăng vọt tổng giá trị thị trường của Bitcoin (tính bằng số bitcoin lưu hành nhân với giá thị trường tại thời điểm đó, đơn vị: tỉ đô-la Mỹ). Nguồn: Blockchain.info, các số đo lấy vào ngày 1 và 15 mỗi tháng.

Cách thức vận hành

Bitcoin đôi khi được gọi là tiền ảo. Nhưng một cách ví von rõ hơn là so sánh với tiền đá Rai, loại tiền tệ xưa kia được dùng ở đảo Yap thuộc quần đảo Micronesia [ở Châu Đại Dương]. Người Yap dùng những phiến đá lớn hình tròn, có đường kính tới 12 bộ [3,66 m], để thanh toán cho các giao dịch lớn. Tuy nhiên, do khó di chuyển, những phiến đá Rai thường để nguyên tại chỗ. Người nào dùng phiến đá của mình để thanh toán cho người khác chỉ việc công khai tuyên bố chuyển nhượng quyền sở hữu phiến đá đó. Theo một nhà nhân học, có lần một phiến đá lớn rơi xuống biển trên đường tới đảo. Thay vì tiếc vì mất đá, người dân trên đảo tiếp tục chấp nhận phiến đá đó là một hình thức thanh toán hợp lệ, dù chẳng ai còn thấy nó nữa.

Bitcoin vận hành giống như những đồng tiền đá Rai ẩn dưới đáy biển. Hệ thống này phân bổ các đơn vị giá trị, gọi là bitcoin. Giống như một phiến đá nằm dưới lòng đại dương, một bitcoin không có mục đích sử dụng nào khác ngoài làm hình thức thanh toán. Ta không thể sờ hay thấy nó. Nhưng nó có giá trị vì thiên hạ đồng ý là nó có giá trị và vì nó có số lượng hữu hạn. Hiện nay có khoảng 12 triệu bitcoin đang lưu hành. Con số đó chỉ có thể tăng khoảng 25.000 bitcoin mỗi tuần. Người sử dụng hy vọng rằng tính khan hiếm được bảo đảm này sẽ giúp bitcoin giữ được giá trị của chúng.

Tất cả mọi hình thức tiền đều đòi hỏi loại tiền tệ đó có nguồn cung hạn chế. Đôi khi cung được hạn chế do tự nhiên – trên thế giới chỉ có số vàng hữu hạn. Có những lúc ta tin cậy một cơ quan thẩm quyền nào đó bảo đảm hạn chế cung tiền. Ví dụ, thế giới trông cậy vào Washington để phát hành số lượng hữu hạn đô-la Mỹ và trừng phạt những ai làm tiền giả. Trong trường hợp Bitcoin, không cần có một thể chế tập trung nào đứng sau hỗ trợ. Đó chẳng phải là một công ty hay hiệp hội. Không một bên nào theo dõi các số dư tài khoản – những người tham gia cùng nhau làm việc đó, với sự hỗ trợ của thuật toán thông minh. Hệ thống này dựa trên một bài nghiên cứu công bố năm 2008 dưới bút danh Satoshi Nakamoto, và một phần mềm do Nakamoto công bố năm 2009. (Đây là phần mềm dạng nguồn mở – bất cứ ai cũng có thể kiểm tra và sửa đổi.) Không ai biết Nakamoto là ai, hay thậm chí có bao nhiêu nhân vật Nakamoto. Và không một ai, kể cả Nakamoto, có quyền kiểm soát trọn vẹn. Hệ thống này tiến triển theo các quy luật được xác định trong bài nghiên cứu của Nakamoto, với một số sửa đổi hiếm hoi được áp dụng qua sự đồng thuận của những người sử dụng. Do không có sự kiểm soát tập trung nên khó quản lý nhà nước đối với Bitcoin – và như vậy là đúng ý đồ.

Số lượng 12 triệu bitcoin hiện có được phân phối giữa các tài khoản cá nhân. Giống như người Yap và tiền đá Rai, các chủ tài khoản không thực sự nắm giữ đồng bitcoin nào. Thay vì thế, ai cũng biết mỗi tài khoản có bao nhiêu bitcoin, dựa trên lịch sử công khai của các lần chuyển nhượng. Để chuyển nhượng bitcoin, ta chỉ việc thông báo về lần nhượng đó, nêu tên tài khoản mới. Sau khi thông báo này được khẳng định, các đồng bitcoin này được hiểu là thuộc về tài khoản mới. Mặc dù tất cả các giao dịch Bitcoin đều công khai, danh tánh của các chủ tài khoản không công khai. Thiên hạ chỉ biết các số tài khoản liên quan trong mỗi giao dịch. Điều này dẫn tới hai thách thức.

Thách thức thứ nhất dễ hiểu: Làm sao ta biết một thông báo được đúng chủ tài khoản đó đưa ra nếu ta không biết chủ tài khoản đó là ai? Bitcoin giải quyết vấn đề đầu tiên này bằng chữ ký số hóa (digital signature), một kỹ thuật lâu đời đã có từ thập niên 1970. Mỗi số tài khoản công khai có một chìa khóa đối ứng bí mật (secret matching key) – về cơ bản là một con số dài có thể được đưa vào một công thức toán học để tạo ra một mã khẳng định (confirmation code). Phép toán nền tảng của hệ thống này cho phép những người khác xác thực mã khẳng định mà không cần biết chìa khóa bí mật. (Tuy nhiên, nếu lỡ mất chìa khóa bí mật, như đã xảy ra với anh chàng người Anh kém may mắn nói trên, thì chủ tài khoản không còn chuyển nhượng được các bitcoin của mình được nữa. Nói cách khác, chủ tài khoản trên nguyên tắc vẫn còn số bitcoin đó, nhưng không bao giờ có thể xài chúng được.)

Thách thức thứ hai tinh vi hơn: Làm sao ta ngăn chặn không để một người nào đó lường gạt hệ thống bằng cách giả mạo nhãn thời gian (time stamp) trên các thông báo chuyển nhượng của mình? Một người sử dụng có thể ban đầu thông báo chuyển nhượng 5 bitcoin sang tài khoản của một người sử dụng thứ hai để đổi lấy 5.000 đô-la, rồi sau đó thông báo mình đã chuyển nhượng toàn bộ số bitcoin của mình sang một tài khoản thứ ba vào ngày hôm trước. Như vậy, người sử dụng thứ hai bị lừa phải trả tiền để mua bitcoin từ một tài khoản nay đã trống rỗng. Vấn đề xác thực thời gian đúng của một thông báo mà không cần sự hỗ trợ của một người/cơ quan giám sát được tín nhiệm đã thách thức giới khoa học điện toán trong nhiều năm qua. Nếu một số máy điện toán ghi nhận đã thấy một thông báo ngày hôm qua nhưng một số máy khác thì không, ta nên tin máy nào? Bài nghiên cứu của Nakamoto cuối cùng đã giải được câu đố này bằng một cách kết hợp thông minh giữa kỹ thuật và kinh tế học.

Các thông báo giao dịch bitcoin được ghi nhận trong những cái gọi là block (khối), mỗi block chứa phần ghi nhận các giao dịch diễn ra trong quãng thời gian khoảng chừng 10 phút. Mỗi block kết thúc với một bài toán. Block kế tiếp phải bắt đầu bằng lời giải bài toán đó thì mới được xem là hợp lệ. Chuỗi các bài toán hình thành từ đó tạo nên lịch sử chính thức của tất cả mọi giao dịch.

Ai cũng có thể cố gắng giải một bài toán. Chúng được thiết kế sao cho một máy điện toán dùng một chương trình đơn giản có thể tìm ra câu trả lời, nhưng chỉ bằng cách dùng cách thử và sai nhiều lần. Độ khó của các bài toán này được điều chỉnh một cách tự động để cứ khoảng 10 phút sẽ có người trúng số –tức là đã “khai thác / đào” (mining) thành công một block – bất kể có bao nhiêu máy điện toán tham gia cuộc chơi. Những người cho máy của mình tham gia cuộc chơi này được gọi là người khai thác (miner). Người khai thác nào may mắn là người đầu tiên giải được bài toán của block trước đó sẽ nhận được phần thưởng, hiện nay ở mức 25 bitcoin, có trị giá hơn 20.000 đô-la một chút. Số 25 bitcoin này được tạo mới hoàn toàn, như vậy tổng số bitcoin cứ 10 phút tăng thêm 25.

Bất cứ ai giải được bài toán cũng đảm nhận việc tạo ra block kế tiếp, bao gồm phần ghi nhận bất cứ khoản chuyển nhượng nào đã được thông báo trong khi các máy tính của những người khai thác đang tìm lời giải cho bài toán đó. Một số thông báo chuyển nhượng này sẽ có một khoản lệ phí giao dịch nhỏ tùy chọn – đó là khoản thưởng của người chuyển nhượng trả cho người khai thác chịu ghi nhận giao dịch đó. (Người khai thác có thể bỏ qua các giao dịch. Khoản tiền thưởng này giúp bảo đảm tính cần mẫn.) Block mới xác định bài toán mới mà block kế tiếp sẽ giải. Và chu trình này bắt đầu trở lại.

Hệ thống này khiến vô cùng khó giả tạo lịch sử các giao dịch: để muốn giả tạo, kẻ gian lận cần phải tạo ra một lịch sử khác gồm những cặp bài toàn-lời giải, cứ mười phút một cặp. Như vậy đòi hỏi phải có năng lực tính toán (computing power) khủng khiếp. Ngay cả các trung tâm dữ liệu của Google cũng chẳng làm nổi.

Công dụng ra sao?

Nhiều nơi đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Nhiều nơi đã chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Bitcoin có nhiều công dụng chính đáng. Nó tạo ra một phương thức thanh toán đơn giản và an toàn: người trả kiểm soát trọn vẹn số tiền được chuyển nhượng và thời điểm chuyển nhượng, vì vậy không việc gì phải lo ngại về những khoản thanh toán trái phép hay nạn ăn cắp thông tin danh tánh. Trong năm ngoái, nhiều công ty – trong đó có Overstock.com, Newegg, và gần đây nhất là TigerDirect – đã thông báo họ sẽ bắt đầu chấp nhận cho thanh toán bằng bitcoin. Việc áp dụng Bitcoin rộng rãi hơn có thể giúp giảm vấn đề gian lận khiến các hãng buôn thiệt hại hàng tỉ đô-la mỗi năm.

Cơ cấu minh bạch và phi tập trung hóa của Bitcoin cũng giúp các đấu thủ mới gia nhập thế giới tập trung hóa cao độ và phức tạp của các hình thức thanh toán điện tử, và cho phép họ làm được những việc mà lẽ ra đã rất khó thực hiện. Ví dụ, một số công ty bắt đầu dùng Bitcoin cho dịch vụ kiều hối, qua mặt những hãng lớn truyền thống và cung cấp dịch vụ với lệ phí chỉ bằng một phần nhỏ so với mức phí của các công ty như Western Union. (Số tiền gởi về các nước đang phát triển có thể lên tới hàng trăm tỉ đô-la.)

Tuy nhiên Bitcoin không chỉ toàn những tác động tích cực. Bitcoin hứa hẹn bảo đảm nặc danh nên loại tiền này rất hấp dẫn đối với các giao dịch phi pháp.

Một ví dụ nổi tiếng về chuyện này là Silk Road (Con đường Tơ lụa), một chợ trực tuyến đã hoạt động từ năm 2011 để mua bán ma túy và thẻ tín dụng ăn cắp. Bị cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đóng trong thời gian ngắn vào năm 2013 (để rồi hoạt động trở lại một tháng sau đó), Silk Road được báo chí để ý vì công khai coi thường pháp luật. Tuy nhiên, với lượng giao dịch phi pháp trị giá chỉ già một triệu đô-la mỗi tháng, Silk Road chỉ đại diện cho một loại hình phạm tội tương đối cỏn con. Bitcoin cũng có thể trở thành một công cụ rửa tiền quy mô lớn. Nói cách khác, nó có thể được dùng cho các giao dịch tự thân chúng không phải là phi pháp mà là giúp che giấu nguồn gốc của tiền thu được qua các hoạt động phi pháp. Nếu Bitcoin quả thực có thể thực hiện được lời hứa của mình, các nỗ lực quốc tế nhằm loại trừ tội ác và tham nhũng quy mô lớn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thử xem một kế hoạch tham nhũng lớn tiêu biểu: Một công ty muốn hối lộ 10 triệu đô-la cho một quan chức dân cử để “thắng thầu” một hợp đồng trị giá gấp 50 lần. Cả hai bên muốn làm vụ này, nhưng làm sao thanh toán được? Khó mà cầm giao đủ 10 triệu đô-la tiền mặt mà không lộ liễu (hơn 90 kg tiền giấy 100 đô-la). Chuyển tài khoản số tiền đó cũng đầy rủi ro. Trong những năm gần đây, nhiều chính quyền đã bắt đầu yêu cầu các định chế tài chính theo dõi các hoạt động của các thân chủ và báo động cho nhà chức trách về bất cứ hoạt động nào khả nghi. Quy định quản lý nhà nước như vậy thường bắt buộc theo dõi đặc biệt sát sao đối với những người thuộc diện có nguy cơ [phạm pháp] cao như các quan chức dân cử đương nhiệm hoặc tiền nhiệm. Những người tham gia rửa tiền thường biết rằng tất cả các giao dịch của họ có thể bị theo dõi sát sao.

Giải pháp thiết thực nhất hiện nay là gởi tiền thông qua các kênh doanh nghiệp, quỹ tín thác, hoặc các pháp nhân phi vụ lợi. Công ty đút lót lập một công ty trá hình ở hải ngoại, rồi công ty trá hình này chuyển khoản vào một quỹ tín thác có người thụ hưởng là người có quan hệ với quan chức đó (thân nhân hoặc bạn). Những kế hoạch như vậy quả thực có thể khiến giới điều tra bó tay, nhưng ngay cả chúng cũng trở nên ngày càng đầy rủi ro do việc tăng cường quy định quản lý quốc tế về chống rửa tiền và chống tham nhũng.

Bitcoin hứa hẹn là một giải pháp dường như vô đối: nếu một công ty muốn hối lộ có thể mua được số bitcoin trị giá 10 triệu đô-la, công ty đó có thể chuyển nhượng số bitcoin này từ tài khoản nặc danh của mình sang tài khoản thuộc quyền kiểm soát của quan chức nhận hối lộ. Chẳng ai biết số tiền đó đi đâu. Ngay cả công ty đưa hối lộ cũng không thể chứng minh rằng tài khoản mà mình chuyển bitcoin vào là của quan chức đó. Và miễn là quan chức đó cẩn thận, số tiền hối lộ này sẽ không bao giờ bị chính phủ tịch thu, hay bị ăn cắp.

Trên thực tế, dĩ nhiên dùng bitcoin cho những khoản hối lộ lớn như vậy không phải là chuyện dễ. Một trở ngại là lượng giao dịch tương đối nhỏ hoán đổi giữa đô-la và bitcoin; như vậy nghĩa là bất cứ ai muốn thanh toán một khoản lớn có thể khó thực hiện được nếu không ảnh hưởng bất lợi đến tỉ giá hối đoái. Do các giao dịch Bitcoin được công khai, nên chỉ cần phân tích thật khéo là có thể để lộ danh tánh của những người sử dụng không có những biện pháp cẩn trọng để che giấu tông tích của mình. Bitcoin cũng không thể bảo vệ người sử dụng tránh được các công cụ cảnh sát truyền thống, như người chỉ điểm hay các chiến dịch ngầm cài người để phá án. Cuối cùng, sự biến động của tỉ giá hối đoái giữa đô-la và bitcoin vẫn là một trở ngại lớn: chỉ trong vòng ba tháng qua, giá trị của một bitcoin đã dao động giữa 200 và 1.200 đô-la Mỹ. (Tất nhiên những biến động đó cũng khiến khó dùng Bitcoin cho nhiều hoạt động chính đáng.) Tuy nhiên, những vấn đề như vậy có thể hóa ra đơn giản hơn nhiều so với những vấn đề mà các phương thức rửa tiền khác gây ra. Và chúng có thể lắng dần khi Bitcoin được dùng nhiều hơn. Khi có nhiều người dùng loại tiền tệ này hơn, giá có thể sẽ ổn định hơn và việc đổi số lượng lớn sẽ ít khó khăn hơn.

Lợi hay hại?

Do Bitcoin có thể có đủ mặt lợi và hại, xem ra cũng nên tính chuyện quản lý nó. Nhưng liệu có quản lý được không? Cơ cấu phi tập trung hóa của Bitcoin khiến khó giám sát. Chính phủ không thể ra lệnh cho Bitcoin đánh dấu những giao dịch khả nghi, vì nó không phải là một pháp nhân mà là một mạng lưới những người tham gia, nhiều người trong đó nặc danh. Dĩ nhiên, trước đây người ta cũng nói vậy về Internet, nhưng ngày nay, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều có các quy tắc ứng xử trực tuyến. Và mặc dù thiên hạ thỉnh thoảng thoát khi phạm luật trên mạng, họ thường bị bắt khi vi phạm. Tương tự, có nhiều cách để chính phủ các nước đối phó với Bitcoin. Những biện pháp này sẽ ngăn chặn được mọi trường hợp sai phạm, nhưng sẽ khiến mỗi trường hợp càng khó xảy ra hơn.

Cách tiếp cận thô sơ nhất là cấm hẳn việc sử dụng Bitcoin và các hệ thống tương tự. (Ví dụ, ngân hàng trung ương của Iceland và của Thái Lan đã tuyên bố việc sử dụng phần mềm Bitcoin là phi pháp ở các nước đó, dù cả hai nước dường như đều chưa sẵn sàng thực thi lệnh cấm này.) Xem phần mềm Bitcoin là một công cụ phi pháp và trừng phạt những người sử dụng hoặc sở hữu nó sẽ ngăn cản nhiều người sử dụng. Đương nhiên có thể ta chẳng bao giờ bị bắt, nhưng hầu hết mọi người không liều lĩnh chấp nhận rủi ro đó. Nhược điểm hẳn nhiên là điều này cũng có thể xóa sạch bất kỳ lợi ích tiềm năng nào của những công dụng hợp pháp của Bitcoin, chẳng hạn như tính an toàn và lệ phí thấp. Suy cho cùng, tiền giấy cũng là một công cụ chủ chốt của việc rửa tiền, nhưng chính phủ các nước đâu có cấm nó, vì nhận ra nhiều tiện lợi của tiền giấy.

Một hình thức cấm nhẹ hơn sẽ là cho phép sử dụng cá nhân nhưng cấm các định chế tài chính tham gia các giao dịch Bitcoin, như Trung Quốc đã làm hồi tháng 12/2013. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc dùng Bitcoin cho hoạt động phạm tội nhỏ hơn, nhưng sẽ ảnh hưởng nặng đến các âm mưu trên quy mô lớn. Nhưng điều này cũng lại xóa sạch nhiều lợi ích của loại tiền tệ này. Cũng nên nhớ rằng không một cơ quan quản lý nào có thể kiểm soát trọn vẹn ngành tài chính toàn cầu hiện nay. Nếu Mỹ cấm các ngân hàng Mỹ tham gia giao dịch bitcoin, các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ vui mừng đón nhận thêm số khách hàng đó. Và nếu Mỹ xoay xở thế nào mà ép buộc Thụy Sĩ vào khuôn phép của cùng chế độ quản lý, thì các nước khác sẽ đang đứng đợi sẵn để giành phần.

Một giải pháp khác là theo dõi sát sao các giao dịch Bitcoin. Các định chế tài chính có thể được yêu cầu ghi lại tất cả các giao dịch liên quan đến Bitcoin và báo cáo bất cứ điều gì khả nghi. Vì chuỗi các lần chuyển nhượng Bitcoin bên trong mạng lưới này được công khai, việc giám sát các điểm cuối của hệ thống này (nơi các bitcoin được chuyển đổi thành tiền truyền thống, hàng hóa hay dịch vụ) có thể giúp tìm ra mối liên hệ giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Ví dụ, hồi tháng 3/2013, chính phủ Mỹ thông báo rằng bất kỳ định chế tài chính nào phát hành hay đổi các loại tiền ảo sẽ phải tuân theo các quy định về giám sát và báo cáo giống như các định chế tài chính thông thường. Và chính phủ Mỹ gần đây đã cho thấy họ nghiêm túc về chuyện bảo đảm thực thi luật lệ. Những quy định quản lý như vậy có thể khá công hiệu trong việc ngăn chặn rửa tiền. Khổ nỗi là chúng cũng có thể gây phương hại đến một số công dụng chính đáng [của Bitcoin]: các công ty nhỏ có thể thiếu nguồn lực để thực hiện việc theo dõi theo quy định, nhường thị trường lại cho các định chế lớn vốn ít mặn mà với việc theo đuổi các giải pháp có tính sáng tạo dựa trên Bitcoin.

Một cách tiếp cận tinh vi hơn là chính phủ phối hợp với những đấu thủ Bitcoin lớn. Dù Bitcoin được thiết kế với ý đồ hoàn toàn phi tập trung hóa, trên thực tế, phần lớn các giao dịch hiện nay chỉ thực hiện qua một số ít tài khoản. Đóng các tài khoản này có thể là điều vô ích vì các tài khoản mới sẽ chiếm chỗ của chúng. Tuy nhiên, phối hợp với các tài khoản này có thể có tác dụng. Do muốn duy trì vị thế hiện tại, các đấu thủ lớn có thể đồng ý tự quản lý hơn là khư khư giữ lập trường và chấp nhận nguy cơ gặp phải phản ứng nặng tay hơn của nhà chức trách. Việc tự quản lý như vậy có thể bao gồm sửa đổi giao thức Bitcoin để giảm tính nặc danh.

Ý nghĩa?

Bất kể số phận Bitcoin ra sao, cần nhớ rằng đây chỉ là loại đầu tiên (và nổi tiếng nhất) trong nhiều loại tiền mã hóa được phân phối hiện có. Còn nhiều loại khác từ Dogecoin, loại tiền mã hóa với điểm khác biệt đáng chú ý nhất so với Bitcoin là có logo khác thường với hình một chú chó, đến Zerocoin, loại tiền hứa hẹn có mức độ nặc danh cao hơn nhiều. Chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều loại nữa trong những tháng và năm sắp tới.

Các loại tiền mã hóa có thể sẽ tìm ra những công dụng khác nhau. Những loại nào chấp nhận mức độ giám sát cao hơn (có thể là qua một hình thức tự quản lý nào đó) có thể trở thành chính thống. Những loại khiến việc giám sát vô cùng khó khăn có thể là loại tiền ảo lý tưởng cho các hoạt động thực sự phi pháp nhưng vì vậy sẽ bị đẩy ra khỏi dòng chính thống. Và nhiều loại tiền ảo khác nhau hoạt động giữa hai thái cực này có thể xuất hiện trên thị trường.

Hiện nay, không ai biết Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác sẽ mang lại kết quả gì. Tình hình hiện nay gợi nhớ thời kỳ ban đầu của Internet, khi người ta có kỳ vọng đủ kiểu về công nghệ mới này, từ thái độ hết sức nghi ngờ đến những mơ ước vô cùng viển vông. Các loại tiền mã hóa có thể sẽ vẫn tồn tại, dù hai chục năm nữa chúng có thể có diện mạo rất khác hiện nay. Trong thế giới tiền mã hóa, Bitcoin có thể thể tương đương với CompuServe hay AOL trong thế giới Internet – có tính cách mạng vào thời đại của mình, để rồi bị lãng quên khi một công nghệ tốt hơn xuất hiện. Hoặc nó thể trở nên giống như Amazon.com, khai thác tối đa lợi thế người đi trước và thống lĩnh ngành trong nhiều năm. Các loại tiền mã hóa có lẽ sẽ không mang lại cảm giác sung sướng vì được tự do, phá bỏ xiềng xích như một số người ủng hộ hứa hẹn – nhưng nếu phớt lờ chúng, không chừng ta lại thiệt.

Nguồn: Yuri Takhteyev and Mariana Mota Prado, Bitcoin Goes Boom, Foreign Affairs, 30/1/2014.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 5/2/2014.)

Bài liên quan: Newsweek tiết lộ danh tánh cha đẻ Bitcoin

4 thoughts on “Bitcoin bùng nổ: Liệu loại tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới sẽ thịnh hay suy?

Trả lời giai01 Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *