
Năm 2016 có lẽ là năm Brazil lập nhiều kỷ lục. Nhưng ngoài vinh dự đăng cai Thế vận hội Mùa hè đầu tiên ở Nam Mỹ, chẳng ai màng kỷ lục như cuộc suy thoái lâu nhất trong một thế kỷ, vụ tham nhũng lớn nhất lịch sử, và lãnh đạo mất lòng dân nhất trong ký ức gần đây. Sau thập niên đầu của thế kỷ 21 gần như trơn tru thuận lợi, Brazil đụng đâu hỏng đó trong thập niên thứ nhì. Brazil đã quen với khủng hoảng. Nhưng hiếm khi các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và y tế ập xuống cùng lúc như hiện nay.
Tổng thống Dilma Rousself hiện bị nghi có dính líu tới đại án tham nhũng. Hôm 4-3, người tiền nhiệm của bà, Luiz Inacio Lula da Silva, thường gọi là Lula, bị bắt để thẩm vấn về cùng vụ án đó. Vụ tạm giam ngắn ngủi và sau đó truy tố cựu tổng thống 70 tuổi, sáng lập viên Đảng Công nhân hiện đang cầm quyền, gây rúng động một nước mà xưa nay kẻ quyền thế không bị trừng phạt. (Sau khi đấu tranh chống chế độ quân sự đòi dân chủ cho Brazil, Lula là anh hùng của người nghèo nhờ các chính sách phúc lợi, và biểu tượng cho tương lai đầy hứa hẹn của Brazil.)
Thêm vào đó, Brazil đang chật vật ứng phó với virus Zika vốn lành tính nay đang gây kinh hoàng vì có thể gây teo não. Bộ Y tế khẳng định 641 ca nhiễm Zika bẩm sinh và đang điều tra 4.222 ca nghi nhiễm. Chưa có vắc-xin cho Zika, chưa có cách chữa trị cho trẻ sơ sinh và gần như chưa ai hiểu làm sao loại virus đã được biết tới mấy chục năm nay lại gây bệnh như vậy.
Trong chiến dịch điều tra Lava Jato (Rửa Xe), nhiều hãng lớn trong ngành công chánh và xây dựng bị cáo buộc đã hối lộ hàng tỷ đô-la để thắng thầu các hợp đồng của công ty dầu khí quốc doanh Petrobas. Cơ quan công tố cáo buộc rằng một phần tiền hối lộ được chuyển cho các chính khách – ban đầu vụ án này chỉ liên quan tới Đảng Công nhân cầm quyền, nhưng hiện nay tất cả các đảng lớn đều có chính khách bị truy tố hoặc điều tra.
Lava Jato bắt đầu vào tháng 8-2014, sau khi Paulo Roberto Costa, một cựu giám đốc cấp thấp ở Petrobas, bị bắt về tội ăn hối lộ và chấp nhận một thỏa thuận nhận tội để được giảm án. Costa khai ra tên của rất nhiều người. Vụ án thuộc quyền xử lý của thẩm phán liên bang Sergio Moro ở bang miền nam Parana, vì đó là nơi người hối lộ Costa rửa tiền lần đầu tiên.
Thẩm phán Moro nổi danh như cồn nhờ sự can đảm và tính chính trực của mình. Ông bị giới trung thành cho là ông trả thù đảng của họ. Nay ông đứng đầu một cuộc điều tra phức tạp chưa từng thấy trong lịch sử Brazil về quy mô lẫn mức độ không khoan nhượng đối với những nhân vật có thế lực.
Lula bị cáo buộc giấu các khoản tiền nhận khả nghi và quà của các hãng xây dựng, trong đó có một căn hộ sang trọng cạnh bãi biển và một trang trại do một hãng xây dựng và bạn bè đứng tên để che giấu tài sản. Ông đã phủ nhận các cáo buộc này, và nói chúng chỉ nhằm làm mất danh dự của ông.
Ngoài những cáo buộc về Lula, chính quyền đau đầu với tin Delcídio do Amaral, cựu lãnh tụ Đảng Công nhân ở Thượng viện, đang thương lượng với cơ quan công tố một thỏa thuận nhận tội để được giảm án. Thỏa thuận này có các cáo buộc rằng Rousseff cố gắng dùng vị thế của mình để ngăn cản cuộc điều tra Petrobas. Nếu được chứng minh, những lời buộc tội này có thể khiến bà càng nhanh mất chức.
Phe đối lập đang tìm cách phế truất Rousseff bằng hai cách: quốc hội luận tội, và Tòa Bầu cử Tối cao (TSE) bãi bỏ kết quả bầu cử và tước quyền tổng thống của bà. Theo cách thứ nhất, một ủy ban quốc hội sẽ phải soạn báo cáo để Hạ viện bỏ phiếu. Nếu Hạ viện thông qua đề xuất luận tội với 2/3 số phiếu, Thượng viện sẽ bắt đầu quá trình luận tội chính thức kéo dài trong 180 ngày. Rousseff sẽ bị đình chỉnh trong thời gian Thượng viện tranh luận, và phó tổng thống Michel Temer sẽ tiếp quản. Bà chỉ bị luận tội khi Thượng viện thông qua với tỷ lệ đa số 2/3.
Quy trình luận tội xoay quanh cáo buộc về việc chính phủ vay mượn bất hợp pháp từ các ngân hàng liên bang để trang trải cho thâm hụt ngân sách năm 2014 trong nhiệm kỳ đầu của Rousseff. Còn việc tước quyền tổng thống thông qua TSE liên quan tới cáo buộc bà dùng tiền tham nhũng để tài trợ cho chiến dịch tái cử năm 2014. Luận tội là một quy trình chính trị, còn việc tước quyền là quy trình tư pháp mà có thể phải do Tòa án Tối cao quyết định.
Biến động chính trị như dầu đổ thêm vào ngọn lửa khủng hoảng kinh tế. Từ vị thế thị trường được giới đầu tư quốc tế ưu ái nhất trong các nền kinh tế mới trỗi dậy (tăng trưởng 7,5% vào năm 2010, năm cuối cùng trong 8 năm cầm quyền của Lula), Brazil trượt dài, và hiện đang vật vã với cuộc suy thoái trầm trọng nhất trong 25 năm. Năm 2015, GDP giảm 3,8%, và dự báo năm nay sẽ lại giảm. GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn 8% so với ở quý tư 2014; GDP bình quân đầu người có thể giảm 1/5 kể từ đỉnh điểm vào năm 2010. Hai hãng đánh giá tín dụng đã đánh tụt hạng nợ của Brazil xuống loại rủi ro cao.
Bất cứ quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát (ở mức 2 chữ số) và tỷ lệ ủng hộ tổng thống (12% sau khi có lúc xuống chỉ còn 1 chữ số) khó phân biệt với nhau thì đúng là lắm vấn nạn trầm trọng. Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng liên tục, nhanh chóng xóa đi những lợi ích xã hội được tích lũy trong hai nhiệm kỳ của Lula. Lãi suất cơ bản hiện nay 14,25% hoàn toàn trái ngược với tình hình lãi suất âm ở nhiều nước hiện nay. Chẳng mấy ai tin rằng chính phủ suy yếu của Rousseff có khả năng thực hiện những cải cách cần để cứu vãn nền kinh tế.
Brazil là nạn nhân của chính sự sung túc dư dả trong thời kỳ giá các thương phẩm (commodity) tăng chóng mặt. Dưới thời Lula, vòi sữa ngân sách dồi dào được mở để đương đầu với khủng hoảng tài chính năm 2009, nhưng sau đó chính phủ quên khóa bớt lại. Chính phủ kích cầu tiêu dùng bằng cách tăng cường tín dụng của ngân hàng quốc doanh và giữ giá ở mức thấp. Nhờ đó, Lula rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ 83%, và Rousseff thắng cử vào năm 2010 và 2014. Nhưng Brazil chẳng còn bao nhiêu tài lực để chống chọi vào cuối chu kỳ bùng nổ giá thương phẩm.
Giá của các thương phẩm Brazil như dầu, quặng sắt và đậu nành giảm mạnh: chỉ số thương phẩm Brazil do ngân hàng Credit Suisse tổng hợp đã giảm 41% so với mức cao nhất vào năm 2011. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đã bị ảnh hưởng nặng do thương phẩm sụt giá, nhưng Brazil dính đòn nặng hơn do các nhược điểm về cơ cấu như năng suất thấp và chi tiêu công vung tay quá trán, thiếu định hướng. Bất kể những cáo buộc để luận tội Rousseff có đúng hay không, tội lỗi lớn nhất của bà là đã không giải quyết những vấn đề đó trong nhiệm kỳ đầu, khi bà còn thế lực chính trị để xoay chuyển. Trái lại, nhiệm kỳ đó đầy những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lỏng lẻo, liên miên can thiệp kinh tế vi mô và hoạch định chính sách kiểu sáng nắng chiều mưa làm phình to ngân sách, làm tăng lạm phát và giảm lòng tin.
Tuy thành tích Rousseff chẳng sáng giá gì, một số vấn nạn bắt nguồn từ một thành tựu vĩ đại của Brazil: Hiến pháp 1988 khởi đầu nền dân chủ sau khi chế độ quân sự độc tài chấm dứt năm 1985. Hiến pháp 1988 tạo ra quả bom ngân sách nổ chậm với những phúc lợi, hưu bổng và lương công chức không thể duy trì lâu dài. Muốn thay đổi các chi tiêu này thì hiến pháp phải được tu chính với tỷ lệ phiếu 3/5 ở lưỡng viện quốc hội.
Hiến pháp dài lê thê cố nhồi nhét vô số quyền chính trị, xã hội và kinh tế mà những người soạn thảo có thể nghĩ ra, trong đó có những quyền rất cụ thể như tuần làm việc 44 giờ, tuổi nghỉ hưu 65 cho nam và 60 cho nữ. Hiến pháp quy định sức mua của phúc lợi phải được bảo đảm, nên ngân sách oằn lưng với gánh nặng chi tiêu công. Lương công chức, hưu bổng và phúc lợi xã hội chiếm tới 74% chi tiêu, một phần lớn trong các khoản này được tính trượt giá theo các công thức về lương tối thiểu. Năm nay lương tối thiểu tăng 11,7% dù kinh tế suy thoái. Theo luật, công chức không thể bị sa thải hoặc giảm lương.
Từ khi hiến pháp đó ra đời, chi tiêu chính phủ đã tăng từ 20% GDP trong thập niên 1980 lên tới 35% hiện nay – bằng với mức của một nhà nước phúc lợi ở Châu Âu nhưng với các dịch vụ công và hiệu quả của một nước đang phát triển. Khoảng 90% ngân sách liên bang được phân bổ theo quy định của hiến pháp hoặc luật. Năm ngoái, nhà nước Brazil cấp phúc lợi cho 79 triệu người trong tổng dân số 200 triệu. Chỉ riêng hưu bổng được hiến pháp bảo vệ hiện nay ngốn hết 11,6% GDP, tỷ lệ cao hơn ở Nhật nơi có công dân già hơn nhiều. Tới năm 2014 chính phủ có thâm hụt cơ bản (tức là trước khi trả lãi vay) 32,5 tỷ real (13,9 tỷ đô-la).
Nợ của Brazil hiện khoảng 67% GDP, thấp hơn mức ở các nước đã phát triển, nhưng cao hơn nhiều so với mức trung bình 40% của các thị trường mới trỗi dậy. Theo phân tích của ngân hàng Barclays, nợ công dự kiến lên tới 93% GDP vào năm 2019. Tỷ lệ này có vẻ như vẫn ổn nếu so với 197% ở Hy Lạp hay 246% ở Nhật. Nhưng đó là các nước giàu, còn Brazil chẳng giàu. Nếu tính theo tỷ lệ trên của cải quốc gia, nợ công của Brazil cao hơn của Nhật và gần gấp đôi Hy Lạp.
Tài chính công của Brazil đang cần tái cấu trúc. Có lẽ chưa thể nhờ tới sự hỗ trợ từ bên ngoài như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nên Brazil trước mắt phải tự tìm ra giải pháp cho mình. Song, tâm trạng bất an bao trùm toàn quốc do chưa biết thậm chí có ai lèo lái quốc gia hay không khi Thế vận hội khai mạc vào tháng 8 năm nay. Tổng thống Rousself đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Phó tổng thống cũng bị điều tra trong vụ này. Hôm 3-3, chủ tịch Hạ viện, người xếp thứ ba trong danh sách kế vị, đã được Tòa án Tối cao ra lệnh phải ra tòa về những tội danh liên quan tới vụ án tham nhũng. Nhân vật xếp thứ tư, chủ tịch Thượng viện, cũng đang bị điều tra.

Tâm trạng bất mãn cùng cực đối với tổng thống Rousseff được thể hiện rõ hôm 13-3 khi hàng triệu người xuống đường ở nhiều thành phố đòi luận tội bà và tống giam Lula. Quy mô rầm rộ của những cuộc biểu tình có thể gây thêm áp lực khiến các đối tác trong liên minh của Rousseff không ủng hộ đảng của bà nữa.
Song, cả Lula và Rousseff đều được cho là sẽ không dễ dàng đầu hàng. Sau khi bị bắt giữ, Lula kêu gọi giới ủng hộ ông xuống đường. Rousseff, một cựu du kích Marxist từng bị chính quyền quân sự độc tài tra tấn, cũng không phải người dễ bị uy hiếp. Hôm 16-3, Rousseff mời Lula làm chánh văn phòng tổng thống với lý do tận dụng uy tín, quan hệ và năng lực chính trị của “lãnh tụ lớn nhất của quốc gia” để giúp giải quyết khủng hoảng. Nhưng giới chỉ trích cho rằng động thái này nhằm để Lula tránh vòng lao lý vì chỉ có Tòa án Tối cao mới có quyền xét xử thành viên nội các và nghị sĩ.
Chỉ vài giờ sau khi có thông báo Lula được bổ nhiệm, thẩm phán Moro bất ngờ công bố băng ghi âm các cuộc điện thoại giữa Lula và nhiều quan chức cao cấp, trong đó có Rousseff. Moro cho rằng các băng ghi âm này cho thấy họ có ý định o ép các quan chức tư pháp theo hướng có lợi cho Lula.

Hôm 17-3, tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Lula, Rousseff gọi việc đặt máy nghe lén này là phi pháp, và việc công bố nội dung là vượt quá giới hạn của một nhà nước dân chủ. Nhưng Moro so sánh tình huống này với một phán quyết năm 1974 của Tòa án Tối cao Mỹ về xì căng đan Watergate khiến tổng thống Nixon từ chức: “Ngay cả người quyền lực nhất của nền cộng hòa cũng không có đặc quyền tuyệt đối là được bảo vệ các thông tin liên lạc của mình.”
Cũng hôm 17-3, chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, kẻ thù không đội trời chung của Rousseff, đã lập ủy ban cân nhắc xem có tiến hành luận tội tổng thống hay không. Cunha nói tiến trình này sẽ mất 45 ngày, với vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Ủy ban được bầu chọn ở Hạ viện có 65 thành viên từ tất cả các đảng, và gần như chia đều giữa hai phe ủng hộ và chống Rousseff, nhưng dự kiến nhiều người ủng hộ sẽ sang phe chống vì bà đang tứ bề thọ địch.
Phần lớn các thể chế chính trị ở Brazil đang chống lại bà. Hôm 17-3, chỉ số Bovespa của thị trường chứng khoán Sao Paulo tăng gần 7%, mức cao nhất của một ngày trong bảy năm qua; giới đầu tư quốc tế suy đoán rằng Rousseff có thể bị phế truất.
Hôm 16-3, Đảng Cộng hòa Brazil quyết định rời khỏi liên minh của tổng thống Rousseff, khiến bà mất đi 22 phiếu của phe trung dung. Đảng Tiến bộ, với 55 nghị sĩ, cũng có thể làm tương tự. Đáng lo ngại hơn cho tổng thống Rousseff là đối tác liên minh lớn nhất của bà, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) do phó tổng thống Michel Temer đứng đầu, cũng có thể rời liên minh; đảng này sẽ có quyết định vào ngày 29-3.
Nhiều nhân vật quan trọng của PMDB đã tuyên bố họ ủng hộ luận tội tổng thống. Thủ đô Brasília đang râm ran bàn tán khả năng có một chính phủ đoàn kết quốc gia do Temer đứng đầu, mà có thể bao gồm Đảng Dân chủ Xã hội Brazil trung hữu của cựu tổng thống Fernando Henrique Cardoso (dù không bao gồm chính Cardoso).
Tổng thống Rousseff đang ngày càng ít cơ hội giành được sự ủng hộ của 172 trong 513 dân biểu liên bang – con số cần để ngăn cản Hạ viện đưa đề xuất luận tội lên Thượng viện xét xử. Thượng viện cũng tỏ ra đối nghịch với tổng thống. Chủ tịch Renan Calheiros được biết đã nói rằng Thượng viện có thể chấp nhận cân nhắc bất cứ đề xuất luận tội nào do Hạ viện đưa lên. Điều này có thể diễn ra vào giữa tháng 4. Khi đó tổng thống phải rời khỏi chức vụ trong 180 ngày trong khi Thượng viện tranh luận, và phó tổng thống Temer sẽ tạm nắm quyền. Nếu Thượng viện quyết định luận tội Rousseff, Temer có thể sẽ nắm quyền cho tới kỳ bầu cử sắp tới vào năm 2018.
Về lý thuyết, giá trị của các bằng chứng chống lại tổng thống Rousseff mới quyết định số phận của bà ở quốc hội. Trên thực tế, các cảm xúc chính trị sẽ đóng vai trò quan trọng. Một cuộc thăm dò dư luận cách đây vài tuần cho thấy 68% người dân Brazil ủng hộ luận tội. Hồi đầu tháng 3, có tới 3,6 triệu người (con số kỷ lục) tuần hành kêu gọi tổng thống Rousseff từ chức.
Trong một nền dân chủ thực sự, chỉ có hệ thống tư pháp hoặc cử tri, chứ không phải các chính khách muốn luận tội bà vì mục đích riêng, mới nên có quyền quyết định số phận của tổng thống. Nhưng việc Rousseff bổ nhiệm Lula khác nào nỗ lực trắng trợn ngầm cản trở tiến trình công lý. (Hôm 18-3, một thẩm phán tối cao pháp viện đã không chấp nhận việc bổ nhiệm Lula.) Cho dù đó có thể không phải là ý định của bà, tác động của nó có thể là như vậy. Đây là thời khắc mà tổng thống ưu tiên cho các lợi ích hẹp hòi của đảng của bà hơn chế độ pháp trị. Do vậy bà khó còn đủ tư cách làm tổng thống.
Cách bà rời khỏi phủ tổng thống là điều rất quan trọng. Do thiếu bằng chứng phạm tội, khó có cơ sở để luận tội tổng thống Rousseff. Tiến trình luận tội bà tại quốc hội dựa trên những cáo buộc chưa được chứng minh về việc bà sử dụng mánh lới kế toán gian xảo để giấu mức độ thực sự của thâm hụt ngân sách vào năm 2015. Đây có vẻ là cái cớ để phế truất một tổng thống không được lòng dân. Chủ tịch ủy ban luận tội đề xuất rằng các nghị sĩ đang tranh luận về số phận của tổng thống Rousseff nên lắng nghe ý kiến của quần chúng đang xuống đường biểu tình. Nhưng ý tưởng này nếu được áp dụng thì sẽ tạo ra một tiền lệ đáng lo ngại. Các nền dân chủ đại diện không lên chịu sự chi phối của các cuộc biểu tình và thăm dò dư luận.
Có 3 cách để phế truất tổng thống Rousseff dựa trên các cơ sở hợp pháp và chính danh hơn. Cách thứ nhất là chứng minh rằng bà đã cản trở cuộc điều tra vụ Petrobras, như một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Công nhân của chính bà tố cáo. Những cáo buộc đó hiện nay có thể là cơ sở cho đề xuất luận tội thứ nhì, nhưng cho tới nay những cáo buộc này chưa được chứng minh, và bị bà bác bỏ; việc Rousseff cố gắng che chắn để Lula không bị truy tố có thể tạo thêm căn cứ để luận tội. Cách thứ nhì là tòa án bầu cử của Brazil quyết định tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới. Tòa án này có thể làm như vậy nếu phán quyết rằng chiến dịch tái cử của bà vào năm 2014 sử dụng tiền hối lộ thông qua các quản lý của công ty quốc doanh Petrobras. Nhưng cuộc điều tra này sẽ kéo dài rất lâu. Cách nhanh nhất và tốt nhất để Rousseff rời khỏi phủ tổng thống là bà từ chức khi bị đẩy ra.
Sự ra đi của bà sẽ giúp cho Brazil có cơ hội làm lại từ đầu. Nhưng bản thân sự từ chứccủa tổng thống sẽ không giải quyết được nhiều vấn nạn nền tảng của Brazil. Vị trí của bà ban đầu sẽ được tiếp quản bởi phó tổng thống Michel Temer, lãnh tụ Đảng Phong trào Dân chủ Brazil. Ông có thể đứng đầu một chính phủ liên minh có bao gồm các đảng đối lập, mà lý thuyết có thể thực hiện được những cải tổ ngân sách cần để bình ổn định kinh tế và xóa bỏ thâm hụt ngân sách gần bằng 11% GDP.
Đáng buồn là đảng PMDB của Temer cũng lún sâu không kém Đảng Công nhân trong vụ xì căng đan Petrobras. Chỉ có một phần sáu dân chúng Brazil nghĩ rằng một chính phủ do Temer đứng đầu là có ích. Âu cũng là dễ hiểu. Sáu nghị sĩ thuộc đảng PMDB đang bị điều tra trong vụ này, trong đó có chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha (bản thân ông này hồi đầu tháng 3 đã bị tối cao pháp viện truy tố về tội tham nhũng).
Nhiều chính khách có khả năng tham gia một chính phủ liên minh, trong đó có một số người thuộc phe đối lập, bị dân chúng coi là đại diện của một tầng lớp thống trị đầy tai tiếng. Trong số 594 nghị sĩ Quốc hội, 352 người (gần 60%) đang bị cáo buộc nhiều tội hình sự, từ gian lận bầu cử tới sát nhân. Một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ giúp cho cơ khi có cơ hội giao phó những cuộc cải tổ cho một vị lãnh đạo mới. Nhưng ngay cả như vậy vẫn còn cơ quan lập pháp thối nát cho tới năm 2019.
Cơ quan tư pháp cũng có nhiều câu hỏi phải trả lời. Các thẩm phán đáng được khen ngợi vì đã buộc các doanh nhân và chính khách uy quyền phải chịu trách nhiệm giải trình, nhưng họ đã gây phương hại cho chính nghĩa của mình vì đã coi thường các chuẩn mực pháp luật. Ví dụ mới nhất là quyết định của thẩm phán Moro công bố băng ghi âm những cuộc điện thoại giữa Lula và các cộng sự của ông, trong đó có Rousseff. Phần lớn những nhà luật học tin rằng chỉ có tối cao pháp viện mới có quyền tiết lộ những cuộc đối thoại mà một trong những bên tham gia có quyền miễn trừ hợp pháp, ví dụ như tổng thống. Đêm nay không biện minh cho nhận định của giới ủng hộ chính phủ rằng các thẩm phán đang dàn dựng một cú đảo chính. Nhưng nó giúp cho các nghi phạm công vụ điều tra Lava Jato dễ dàng chuyển hướng chú ý từ những sai phạm của chính họ xem những sai lầm của những người muốn bắt tội họ.
Cuộc chiến của các đảng phái và các nhân vật ở Brazi che khuất một số bài học quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng này. Cả vụ xì căng đan Petrobras lẫn cuộc suy thoái kinh tế đều bắt nguồn từ những luật lệ và tập quán sai lầm đã có từ mấy chục năm qua. Muốn đưa Brazil thoát khỏi đống hỗn độn này thi công phải có thay đổi toàn diện: kiểm soát chi tiêu công, trong đó có hưu bổng; cải tổ triệt để những luật lệ thuế và lao động làm giảm tăng trưởng kinh tế; và cải tổ một hệ thống chính trị hiện đang khuyến khích tham nhũng và làm suy yếu các đảng phái chính trị.
Những việc này không thể bị trì hoãn hơn nữa. Những người đang hò hét “Fora Dilma!” (Dilma hãy ra đi!) trên đường phố có thể tuyên bố thắng lợi nếu bà bị phế truất. Nhưng để cho chính Brazil chiến thắng thì đó mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình hồi sinh chắc chắn sẽ mất nhiều năm.
(Bài tổng hợp, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 30/3/2016)
© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
2 thoughts on “Brazil: Họa vô đơn chí”