Thứ Năm tuần rồi (21/3) là ngày Bộ trưởng Tài chính Jim Flaherty thay mặt chính phủ Canada trình Ngân sách 2013 để Hạ viện tranh luận và thông qua. Hôm thứ Tư, ông đi mua một đôi giày mới, và cánh phóng viên đua nhau chụp hình, quay phim và nhìn giày mà đoán đường hướng của ưu tiên chính sách sắp tới. Như thường lệ, ông khéo léo dùng lần mua sắm này như một cuộc họp báo mini để thông báo sơ lược những nét chính của ngân sách mới.
Chẳng ai rõ truyền thống bộ trưởng tài chính diện giày mới trong ngày trình ngân sách xuất phát từ đâu. Do hệ thống quân chủ lập hiến của Canada giống như của Anh (trên nguyên tắc, nguyên thủ Canada vẫn là Nữ hoàng Anh, có đại diện là Toàn quyền Canada), nên nhiều người cứ ngỡ là bắt chước từ Anh. Thư viện Quốc hội Canada đã cất công tìm hiểu và khẳng định truyền thống ở Anh là bộ trưởng mang theo hộp đựng giấy tờ, và trước đây Canada từng có Bộ trưởng William S. Fielding (nhiệm kỳ 1922-1923) làm theo tập tục này. Diện giày mới có vẻ là tập quán “cây nhà lá vườn”, chỉ mới xuất hiện từ năm 1946.
Qua 67 lần trình ngân sách của các đời bộ trưởng tài chính kể từ đó, Hạ viện đã mục kích nhiều kiểu giày khác nhau, từ giày tây thường lệ tới những kiểu lạ như ủng đi tuyết, giày trượt băng, và giày mukluk (của thổ dân Inuit làm bằng da lông hải cẩu). Báo giới chăm chăm săm soi cách chọn kiểu giày mới hoặc dùng lại giày cũ để tiên đoán những ưu tiên chi tiêu (hoặc cắt giảm chi phí) của ngân sách năm đó. Bộ trưởng hiện nay Jim Flaherty (tại nhiệm từ năm 2006 tới nay) có lẽ hăng hái hơn những người tiền nhiệm trong việc chuyển tải thông điệp chính sách kinh tế tài chính qua đôi giày.
Năm nay, ông mua một đôi giày hiệu Roots, công ty sản xuất và kinh doanh giày dép và quần áo thuần túy Canada. Hành động này của Bộ trưởng Jim Flaherty được xem là để bày tỏ chính phủ ưu tiên hỗ trợ ngành sản xuất và bán lẻ ở Canada. Cũng như vài năm qua, trên giày có in “Action Plan/Plan D’Action” bằng cả hai thứ tiếng chính thức Anh và Pháp, biểu tượng cúa Chương trình Kinh tế Canada nhằm vực dậy nền kinh tế hậu khủng hoảng. Ngoài ra, ông có vẻ thể hiện cách chi tiêu vừa phải, không vung tay quá trán, khi mua giày ở một cửa hàng dạng outlet (bán sỉ giá rẻ, thường là để thanh lý hàng tồn kho và/hoặc hàng hết mốt của nhà sản xuất) chứ không phải một tiệm sang trọng ở thương xá lớn. Một cử chỉ hợp thời trong bối cảnh Bộ Tài chính dự báo tăng trưởng Canada trong năm tài khóa mới chỉ còn 1,6%, giảm xuống từ mức dự báo 2,8% và 1,8% hồi năm ngoái.
Năm ngoái, ông sắm một đôi giày Aldo (một nhãn hiệu Canada) trị giá 110 đô-la, được coi là mua sắm dè sẻn trong thời buổi tăng trưởng khiêm tốn, cần thắt lưng buộc bụng. Năm 2011, thay vì mua giày, ông tặng tiền cho quỹ cứu trợ thảm họa sóng thần và khủng hoảng năng lượng hạt nhân ở Nhật. Lúc đó, ông nhắc lại: “Như vậy phù hợp với một ngân sách cẩn trọng. Chúng ta cần chi tiêu hợp túi tiền.” Năm 2010, sau khi Canada hết suy thoái, và tăng trưởng nhanh hơn, ông hớn hở khoe đôi giày hiệu ECCO trị giá 271,20 đô-la. Năm 2009, trước khi trình ngân sách với những khoản chi tiêu lớn để kích cầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông sắm một đôi giày bảo hộ lao động giá 141,09 đô-la. Năm 2008, khi kinh tế toàn cầu tuột dốc thê thảm, ông đem đôi giày cũ đóng lại đế với giá 56,49 đô-la ở Healthy Feet, một tiệm sửa giày dép nhỏ ở thủ đô Ottawa.
Năm 2007, ông mua cho cậu con trai John 16 tuổi đôi giày trượt băng sản xuất tại Canada với hàm ý khi trình ngân sách, chính phủ thiểu số (như tình hình của Đảng Bảo thủ cầm quyền năm đó) luôn có nguy cơ bị sụp đổ do bị các đảng đối lập bỏ phiếu chống, liên tưởng tới thành ngữ “skating on thin ice” (“trượt trên băng mỏng”, hiểu như “đi trên dây”). Năm nay, ngân sách năm nay có mục ưu tiên giảm thuế nhập khẩu cho giày và trang phục cho môn hockey. (Nhiều năm qua, chính sách bảo hộ giới sản xuất trong nước, chỉ chiếm khoảng 5% thị trường, khiến giá mặt hàng này các mặt hàng này cao hơn 15% so với ở Mỹ.) Dựa vào đó, bỉnh bút John Ivison của tờ báo lớn National Post bình luận rằng Bộ trưởng nên diện giày trượt băng và trang phục thi đấu môn này để hâm nóng nghị trường quá tẻ nhạt trong mấy năm qua (vì chính phủ chiếm đa số ghế trong Hạ viện nên các quyết sách luôn được thông qua). Nghe cũng có lý ở xứ coi hockey là môn thể thao số một.
Tập tục đi giày mới không chỉ có cấp ở liên bang. Bộ trưởng tài chính của chính quyền các tỉnh bang cũng lắm khi bắt chước, với nhiều biến thể thú vị. Một ngày trước khi trình ngân sách của tỉnh bang Saskatchewan năm nay (thứ Tư 20/3), Bộ trưởng Ken Krawetz cố tình tỏ ra chật vật khi phải dùng cái bót để xỏ chân vào giày mới mua. Ông nhắc tới những áp lực ngân sách khi đương đầu với nhiều lựa chọn khó khăn về chi tiêu dành cho những mảng quan trọng như y tế và cơ sở hạ tầng. Để phản đòn, Trent Wotherspoon, nghị sĩ của Đảng Tân Dân chủ đối lập và là người phản biện chính sách tài chính tại nghị viện, mua một đôi giày có đóng đế kim loại (loại dành để nhảy điệu tap dance). Ngụ ý của ông là hy vọng ngân sách lần này tập trung vào thực chất, chứ không chỉ vẫn là trò nói hươu nói vượn, vòng vo tam quốc (“song and dance”).
Khi còn là bộ trưởng tài chính của tỉnh bang Alberta, Stockwell Day (về sau là bộ trưởng an ninh công cộng và bộ trưởng thương mại liên bang) mặc đồ trượt băng và đội mũ bảo hiểm. Kelvin Ng, bộ trưởng của lãnh thổ cực bắc Nunavut diện đôi ủng da tuần lộc khi ông trình ngân sách đầu tiên vào năm 1999. Các bộ trưởng tài chính Joy MacPhail và Paul Ramsey của tỉnh bang British Columbia cũng thường mua giày cũ để phản ánh ngân sách phục vụ nhu cầu của các gia đình tầng lớp lao động, đối tượng cử tri chính của Đảng Tân Dân chủ. Ở tỉnh bang này, năm 2007 Bộ trưởng Carole Taylor diện giày mới màu xanh lá cây khi trình ngân sách với trọng tâm bảo vệ môi trường.
Giới phân tích kinh tế đi xa hơn với kiểu chơi chữ màu sắc trong tiếng Anh. Eric Lascelles, trưởng ban nghiên cứu kinh tế của Công ty Quản lý Tài sản thuộc Ngân hàng Royal Bank of Canada, ví von: “Đôi giày [của bộ trưởng] có thể màu đen, nhưng ngân sách sẽ không như thế”. Ông này vận dụng thành ngữ “in the black”, hiểu theo nghĩa bóng là “có lãi / có thặng dư”. Nhiều năm qua, Canada có thâm hụt ngân sách, và đang giảm dần (từ 55,6 tỉ đô-la trong tài khóa 2009-2010, xuống còn 25,7 tỉ cho 2012-2013, dự kiến 18,7 tỉ cho 2013-2014). Chính phủ đặt mục tiêu xóa thâm hụt và cân bằng ngân sách trước năm 2015 để lấy điểm cho kỳ bầu cử quốc hội sắp tới. Cũng may là chưa ai đề xuất, và ông bộ trưởng cũng chưa cả gan diện giày màu đỏ ra trước Hạ viện. (Theo thông lệ kế toán, số âm viết màu đỏ, nên “in the red” nghĩa là “ bị lỗ / bị thâm hụt”.)
—
(Bài đã đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số 13/2013, ngày 28/3/2013.)
2 thoughts on “Đôi giày và Ngân sách”