Tuần rồi tin Steve Jobs thôi làm sếp Apple chiếm lĩnh tin kinh doanh, nên chỉ có ai theo dõi sát sao thị trường chứng khoán mới để ý Warren Buffet bỏ 5 tỉ đô (tiền lẻ) mua cổ phiếu của ngân hàng đang xuống dốc Bank of America. Đã có nhiều phân tích về vụ này; xin tạm dịch bài viết khá dễ hiểu sau của Bethany McLean trên Slate.com.
Chưa đầy một tuần nhưng vụ Warren Buffet dùng 5 tỉ đô của công ty Berkshire Hathaway đầu tư vào Bank of America (BofA) đã được mổ xẻ, phân tích, ca ngợi, và thậm chí chỉ trích. Đương nhiên chẳng có gì lạ. Mỗi lời mỗi chữ, nhất cử nhất động của Buffet luôn được soi rọi kỹ càng. Thiên hạ mê Buffet một phần chỉ vì ông là một trong những người giàu nhất Mỹ. Nhưng một phần khác là vì thiên hạ nghĩ rằng cách ông làm giàu – thiên tài đầu tư của ông – là điều mà người thường ai cũng bắt chước được. Ta chỉ cần theo dõi và lắng nghe, thế là ta sẽ nắm được phép màu.
Buffett là một trong những nhà đầu tư giỏi nhất trong lịch sử, và ta có thể học được rất nhiều qua những vụ đầu tư trước đây của ông. Nhưng trong số những thương vụ gần đây của Buffett, có một số theo một mô hình khác với các khoản đầu tư của ông trong thập niên 70, 80, và 90. Vụ mua cổ phiếu BofA quả thực là ví dụ điển hình cho thấy tại sao người thường như ta không thể đầu tư giống như Warren Buffett.
Trước hết, Buffett gõ và mở được những cánh cửa mà nhà đầu tư bình thường có nằm mơ cũng không được. Thương vụ này bắt đầu bằng một cuộc điện thoại từ trợ lý của Buffett tới văn phòng Tổng giám đốc BofA Brian Moynihan hôm thứ Tư tuần rồi. Moynihan đương nhiên bốc máy, và Buffett ngỏ ý đầu tư. Một cổ đông BofA bình thường họa may lắm thì cũng chỉ nói chuyện được với trợ lý của trợ lý cho Brian Moynihan.
Thứ đến, thử xem qua cơ cấu của thương vụ này. Đây không phải là một khoản đầu tư bình thường mà trong đó nhà đầu tư mua cổ phiếu phổ thông. Với 5 tỉ đô, Buffet mua được 50.000 cổ phần thuộc loại đặc biệt gọi là “cổ phiếu ưu đãi”, cho ông hưởng cổ tức 6 phần trăm, tức là 300 triệu đô mỗi năm. Thử làm con toán so sánh như sau. Cổ đông giữ cổ phần phổ thông của BofA hưởng cố tức trả hàng quý bằng 1 xu mỗi cổ phần. Nghĩa là nếu giữ 5 tỉ đô cổ phần phổ thông của BofA ở mức giá hiện tại chừng 8 đô /cổ phần, ta được cổ tức chỉ vỏn vẹn 25 triệu đô mỗi năm – chưa bằng một phần mười khoản cổ tức Buffet được hưởng. (Hồi đầu năm nay, BofA xin phép tăng cổ tức, nhưng bị Quỹ Dự trữ Liên bang từ chối.)
BofA có thể mua lại số cổ phần của Buffett bất cứ lúc nào nhưng phải trả chênh lệch cao hơn 5%.
Công bằng mà nói ta có thể hưởng cổ tức cao hơn nếu mua cổ phiếu ưu đãi của BofA. Nhưng ta làm sao có được miếng thơm nhất trong vụ này của Buffet; đó là chứng quyền (warrant). Những chứng quyền này cho Buffet được quyền mua 700 triệu cổ phần BofA ở mức giá 7.14 đô / cổ phần vào bất cứ lúc nào trong vòng 10 năm tới. Chứng quyền thường được phát hành ở mức giá cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu của công ty phát hành, nhưng các chứng quyền của Buffet được phát hành ở mức cao hơn chút đỉnh so với giá BofA lúc đóng cửa giao dịch hôm thứ Tư tuần rồi. Có nhiều cách định giá các chứng quyền này, nhưng phần lớn giới phân tích và quan sát ước tính những chứng quyền của Buffet có giá trị độ chừng 3 tỉ đô. Phải, BofA biếu không Buffet 3 tỉ đô. Người thường như ta đừng hòng vớ được món hời như vậy!
Sau cùng, ta không thể đầu tư như Buffet vì khoản đầu tư của ta, không như của ổng, không phải tự thân nó là thương vụ ăn chắc. Vì Buffet đầu tư, thiên hạ tin theo. Khi vừa có tin ông đầu tư vào BofA, cổ phiếu này lập tức tăng vọt hơn 25%. Giá cổ phiếu lúc đóng cửa giao dịch tăng 9%. Hôm thứ Hai, ngày tăng mạnh của toàn thị trường, giá BofA lúc đóng cửa tăng 20% so với giá trước lúc Buffet mua cổ phiếu hôm Thứ tư tuần rồi. Vào lúc viết bài này, giá Bofa chừng 8.15 đô / cổ phần, nghĩa là giá trị các chứng quyền của ông đã tăng vọt, chí ít cũng nhờ khoản đầu tư của ông. Nếu tiền của ta cũng tự sinh ra tiền như vậy cũng hay chứ.
Cú đầu tư vào BofA không phải là lần đầu tiên Buffett thực hiện một thương vụ như vậy. Một vụ tương tự là lần ông bỏ 5 tỉ đô vào Goldman Sachs lúc cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính. Không phải tình cờ mà thương vụ đó là một cú thắng lớn cho công ty Berkshire Hathaway của Buffett. Goldman trả cho Berkshire hơn 1 tỉ đô cổ tức – hơn 1 triệu đô mỗi ngày – hồi mùa xuân năm nay, Goldman mua lại số cổ phần của Berkshire Hathaway với giá 5,5 tỉ đô. (Buffet vẫn còn nắm giữ các chứng quyền mua cổ phần Goldman ở giá 115 đô / cổ phần, vốn có giá trị cao trước khi thị trường tụt dốc và có thể lại có giá trị cao trước khi các chứng quyền này hết hạn vào năm 2013.) Buffet cũng thương lượng được một vụ mua cổ phần tương tự với General Electric (GE).
Chẳng đáng ngạc nhiên khi thương vụ BofA của Buffet bị chỉ trích tương tự như sau các thương vụ Goldman và GE của ông. Một phần của sự chỉ trích đó là Buffet trục lợi từ bảo lãnh ngầm của người dân đóng thuế hỗ trợ cho tất cả những định chế được xem là quá lớn nên không thể bị sập tiệm (too-big-to-fail), trong đó có Goldman, GE, và BofA. Phần khác của sự chỉ trích là Buffet không còn là một nhà đầu tư xuất chúng, chẳng qua ông là một nhà đầu tư hưởng nhiều đặc quyền để thực hiện những vụ mua bán mà người khác không làm được.
Vế thứ nhất của sự chỉ trích là chính đáng – mặc dù chúng ta cũng đã có thể mua cổ phần trong một định chế tài chính rồi hưởng lợi từ bảo lãnh của dân đóng thuế. Về vế thứ hai của lời chỉ trích, có thể đặt vấn đề cách khác: Buffet giành được quyền hưởng những thương vụ thơm ngon. Suy cho cùng, khi Warren Buffett đầu tư vào một công ty, ông ban cho công ty đó một đặc ân độc nhất vô nhị: mức tín nhiệm của ông. Không một nhà đầu tư bình thường nào – nói đúng ra, không một nhà đầu tư nào khác ở bất cứ đâu – có thể làm đựợc như vậy. Cứ thử nhớ lại chuyện gì đã xảy ra với cổ phiếu BofA sau khi một nhà đầu tư được đề cao tên là Bruce Berkowitz vừa bỏ tiền đầu tư vừa lên tiếng ủng hộ ngân hàng này. Cổ phiếu này tiếp tục trượt dốc. Nói cách khác, nếu Buffet có thể trao cho một công ty một thứ mà không nhà đầu tư bình thường nào có thể, thì có lẽ ông nên được tưởng thưởng khác với những nhà đầu tư bình thường.
Còn nếu điều đó không khiến bạn vui hơn, tôi có một gợi ý khác: Mua vài cổ phần của Berkshire Hathaway.
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Nguồn: Bethany McLean, No, You Can’t Invest Like Warren Buffett, Slate 30/8/2011
Bản tiếng Việt © 2011 Phạm Vũ Lửa Hạ
Chào thầy Hạ, mặc dù thầy có rào trước là bài này dễ hiểu nhưng em vẫn thấy khó hiểu cái chỗ tính toán mấy con số (cái này chắc phải hỏi dân trong ngành).
Về việc dịch thì em xin ý kiến 2 chỗ em thấy vướng:
1. “Trước hết, Buffett đạt thành công mà nhà đầu tư bình thường có nằm mơ cũng không được”. Chữ “thành công” em nghĩ là thầy nhầm vì bản tiếng Anh là “access”: nói chuyện trực tiếp được ngay với CEO của BofA.
2. “Về vế thứ hai của lời chỉ trích, có thể đặt vấn đề cách khác: Buffet giành được quyền hưởng những thương vụ thơm ngon”. Em thấy hơi vướng từ “giành được”, nếu chỉ đọc bản tiếng Việt e không rõ ý tác giả. Hay là mình có thể paraphrase ra luôn là:ổng lặn lội kiếm được chứ hổng phải tự nhiên ai cho.
Mong được thầy đọc và chỉ dạy! (em ngày xưa từng được học thầy và mãi vẫn mong được học thầy). Cám ơn thầy!
Hi Ân,
Cảm ơn em vì đã đọc kỹ và góp ý. It’s always good to have a second reader with keen eyes.
1. Đúng là trông gà hóa cuốc nên dịch sai chỗ đó. My bad! Đã sửa lại thành “Trước hết, Buffett gõ và mở được những cánh cửa mà nhà đầu tư bình thường có nằm mơ cũng không được.”
2. Mình nghĩ chữ “giành được” cũng đã thể hiện ý ông ta cất công để có được cái quyền đó. Paraphrase cũng là phương án.
Ngoài ra, mình nói bài này dễ hiểu vì đúng là vậy, không có nhiều technical details. Hoặc có thể do mình thấy đơn giản do đã quen với nó, from my second career. 🙂
Chào thầy Hạ,
Em cám ơn thầy thật nhiều vì đã đọc và ghi nhận “It’s always good to have a second reader with keen eyes”. Sáng nay lên thấy mấy dòng của thầy vui quá.
Thầy paraphrase cái từ “access” tuyệt vời. Hôm qua em nghĩ mãi chưa xử lý được chỗ đó.
Chắc vui được cả ngày. Sướng như…học trò được thầy khen!