Các đảng cộng sản & bầu cử ở Canada

communists-newCanada sắp tổ chức bầu cử dân biểu Hạ viện liên bang vào ngày 19/10. Nhân đây kể chuyện các đảng cực tả (tức các đảng cộng sản) tham gia kỳ bầu cử này.

Tuy các nền dân chủ thực thụ chấp nhận đa đảng, trên thực tế chỉ có vài đảng chủ lưu (mainstream), còn lại là các đảng ngoài lề, chỉ góp mặt cho vui, gọi là fringe parties (chữ fringe vừa nghĩa là ‘đường viền trang trí’, vừa nghĩa là ‘ngoài lề’). Mỗi kỳ bầu cử có tới vài chục đảng ngoài lề như vậy tham gia. Các đảng chủ lưu được báo chí & thiên hạ quan tâm tới nhiều, chớ mấy trự ngoài lề kia thi thoảng được nhắc tới, nhưng không phải trong mục tin tức chính trị nghiêm túc, mà là kiểu tin … tức cười.

Ở Canada, hai đảng chủ lưu có truyền thống lâu đời là Đảng Bảo thủ (nắm quyền mấy kỳ liên tiếp, gần đây nhất là chính phủ đa số) và Đảng Tự do (từng nhiều lần cầm quyền), gần đây còn nổi lên Đảng Tân Dân chủ NDP (chưa bao giờ cầm quyền, nhưng kỳ vừa rồi bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai, trở thành đảng đối lập chính thức). Ngoài ba đảng này, trong Hạ viện còn có Đảng Người Quebec (4 ghế) & Đảng Xanh (1 ghế), nhưng hai đảng này không đủ 12 ghế để là đảng được công nhận chính thức (official/recognized party), nên không được hưởng các đặc quyền như được chất vấn chính phủ trong Giờ Chất vấn (Question Period) vào mỗi buổi họp Hạ viện, hay được tài trợ cho nghiên cứu.

Các đảng ngoài lề ở Canada cũng đông như quân Nguyên, có những đảng nghe cái tên là đã tức cười như Đảng Cần sa (Marijuana Party), Đảng Cướp biển Canada (Pirate Party of Canada), Đảng Tê giác (Rhinoceros Party, đòi quốc hữu hóa các công ty dầu). Đáng nói là có tới hai đảng cộng sản, mà không hạp nhau, giành giựt phiếu của một thiểu số cực tả không đáng kể. (Tuy Đảng NDP thường bị xem là có chủ trương thiên tả, gần với xã hội chủ nghĩa, nhưng đảng này cũng đủ khôn để xích gần vô gần ở giữa, chủ trương có phần centrist.)

Tức cười nhứt là mấy chục năm qua hai đảng cộng sản này luôn tranh cử ở khu vực trung tâm của thủ đô Ottawa (chắc để lấy chút tiếng với non sông dù non sông chẳng đoái hoài), ở một đất nước mà chính phủ thiên tả cuối cùng đã đi tong cách đây mấy chục năm, và hiện nay đất nước này đang chuẩn bị xây Đài Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản ở kế bên Quốc hội và Tối cao Pháp viện (ngay chính khu vực bầu cử mà hai đảng cực tả có ứng cử viên).

Đảng Cộng sản Canada (Communist Party of Canada) thành lập năm 1921 (sớm hơn ĐCS Việt Nam), có trụ sở ở Toronto. Đảng thứ nhì là Đảng Marxist-Leninist Canada ra đời trong thập niên 1960, có trụ sở ở Montreal. Đảng này ban đầu có tên chính thức là Đảng Cộng sản Canada, Marxist-Leninist (Communist Party of Canada, Marxist-Leninist), nhưng để cử tri khỏi nhầm lẫn với đảng kia trên lá phiếu, Cơ quan Bầu cử Canada yêu cầu phải đổi thành Đảng Marxist-Leninist như hiện nay. Tuy sinh sau đẻ muộn, Đảng Marxist-Leninist thường giành được nhiều phiếu hơn trong những kỳ bầu cử gần đây. Hai đảng này nhất quyết không chịu liên minh với nhau.

Thời “hoàng kim” của phe cộng sản Canada là hồi đầu thế kỷ 20. Các đảng cộng sản chiếm được tới 20.140 phiếu trong kỳ bầu cử năm 1935, và trong thập niên 1940 thậm chí có được vài dân biểu trong Hạ viện và các nghị viện ở cấp tỉnh. Nhưng hồi đó do cái tên Đảng Cộng sản bị cấm, nên các dân biểu đó được bầu từ Đảng Lao động Tiến bộ (Labor-Progressive Party).

Sau đây là kết quả của các đảng cộng sản trong mấy kỳ bầu cử gần đây:

2011
Marxist-Leninist Party: 10.160
Communist Party: 2.925
Tổng số phiếu của phe cực tả: 13.085

2008
Marxist-Leninist Party: 8.565
Communist Party: 3.572
Tổng số phiếu của phe cực tả: 12.137

2006
Marxist-Leninist Party: 8.980
Communist Party: 3.022
Tổng số phiếu của phe cực tả: 12.002

2004
Marxist-Leninist Party: 8.696
Communist Party: 4.426
Tổng số phiếu của phe cực tả: 13.122

(Nguồn)

Chú thích hình: Logo của Communist Party of Canada (trái), và logo của Marxist-Leninist Party of Canada (phải, có tới hai kiểu viết tắt tiếng Anh MLPC và tiếng Pháp PMLC)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *