Canada: thành trì cuối cùng của chủ nghĩa tự do ở phương Tây

Chủ trương mở cửa của Canada là sự tương phản đáng mừng so với những gì đang diễn ra ở các nước giàu khác, nơi mà tâm lý phẫn nộ về vấn đề nhập cư đã góp phần đưa tới kết quả bỏ phiếu chấp nhận Vương quốc Liên hiệp Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU), tới sự vươn lên của Donald Trump, và tới sự trỗi dậy của các đảng dân túy trên toàn Châu Âu. Tạp chí The Economist, Anh, vừa có bài phân tích chi tiết, ca ngợi mô hình của Canada, xem đó là tấm gương để thế giới noi theo.

Canada: thành trì cuối cùng của chủ nghĩa tự do ở phương Tây

Người khác chắc ai “cũng muốn đánh đổi mọi thứ để được đổi chỗ với quý vị”; Dwight MacAuley, trưởng ban lễ tân của tỉnh bang Manitoba, phát biểu như vậy với thính giả của mình. Chẳng ai phản đối. Trong một hội trường đông nghẹt tại một ga xe lửa cả trăm tuổi của Winnipeg, 86 di dân từ 31 quốc gia sắp trở thành công dân của đất nước được ông MacAuley mô tả là một trong “những quốc gia vĩ đại nhất, tự do nhất, và thịnh vượng nhất từng có trên cõi đời này”. Đàn ông có người đội khăn trùm đầu turban, đàn bà có người quấn khăn trùm đầu hijab, họ hát quốc ca “O Canada” và đọc lời tuyên thệ nhập tịch bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Một dân biểu địa phương, Robert-Falcon Ouellette thuộc Bộ lạc thổ dân Red Pheasant (Chim công Đỏ), đánh trống một bản nhạc danh dự. Một cảnh sát viên hoàng gia liên bang RCMP mặc sắc phục đỏ đứng nghiêm; sau đó anh đứng chụp hình với những công dân Canada mới.

2015-21_immigration-targetsKhoảng 2.000 lễ nhập tịch như vậy diễn ra trên toàn quốc mỗi năm. Di dân mới tiếp tục đổ tới. Canada nhận 321.000 di dân trong năm tính tới tháng 6 năm 2016, gần 1% dân số; thông thường khoảng 80% trong số đó sẽ trở thành công dân. Canada đang cân nhắc tăng lên 450.000 di dân [mỗi năm] trước năm 2020. Một phần năm dân số Canada sinh ở nước ngoài, gần gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ.

Sự tiếp đón nồng hậu cũng đáng nể chẳng kém số lượng di dân được nhận. Di dân được khuyến khích giữ văn hóa của họ. Các trường công lập ở Winnipeg có những lớp được dạy bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ukraine cũng như tiếng Pháp và tiếng Cree [của thổ dân ở miền trung Canada]. Đền thờ Hồi giáo Trung tâm của thành phố nằm trên đường Ellice Avenue chỉ cách Hội Hindu Manitoba vài dãy phố. Cách đó chỉ một quãng ngắn là nhà hàng Juliana Pizza & Restaurant có bán “thức ăn Hy Lạp/Jamaica”.

Chủ trương cởi mở của Canada không có gì mới, nhưng bỗng nhiên được thế giới chú ý. Ai sẽ giương cao ngọn đuốc của chủ trương mở cửa ở phương Tây? Chắc chắn không phải là tổng thống sắp tới của Mỹ. Donald Trump, ứng cử viên thích gây thù oán của Đảng Cộng hòa, đòi dựng tường dọc biên giới với Mexico và xé bỏ các hiệp định thương mại. Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ có cơ may thắng cử vào ngày 8-11, sẽ chủ trương tốt hơn về nhập cư, nhưng bà đã rút lại sự ủng hộ đối với các hiệp định thương mại đầy tham vọng như TPP. Lo ngại về di dân và toàn cầu hóa, Vương quốc Liên hiệp Anh đã bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên hiệp Châu Âu (EU). Thủ tướng Angela Merkel đã mở tung cửa nước Đức đón nhận người tị nạn, nhưng rồi gặp nhiều bất lợi chính trị. Marine Le Pen, một nhà dân túy cánh hữu, có nhiều cơ hội thắng vòng đầu tiên trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm tới. Trong bối cảnh đáng buồn với đầy những người muốn xây tường chắn, đóng sập cửa và rút cầu không cho người ngoài vào, Canada là một ngoại lệ đáng mừng.

Và chủ trương cởi mở của Canada có một khuôn mặt mới hấp dẫn: Justin Trudeau sẽ kỷ niệm năm đầu tiên làm thủ tướng vào ngày 4 tháng 11. Thủ tướng Trudeau xuất phát từ tầng lớp thượng lưu của Canada — ông là con trai của một cựu thủ tướng [Pierre Trudeau] — nhưng không bị khinh miệt vì điều đó. Tính tình vui vẻ của cựu giáo viên trung học và thầy dạy snowboarding (trượt tuyết bằng ván) này đã đóng vai trò lớn trong thắng lợi của Đảng Tự do trước Stephen Harper, một thủ tướng nghiêm nghị thuộc Đảng Bảo thủ đã cầm quyền ở Canada trong gần 10 năm.

Trong những mảng mà cựu thủ tướng Harper có chủ trương tự do, ví dụ như thương mại, thủ tướng Trudeau duy trì [tư tưởng tự do đó] với những chính sách của mình. Trong những mảng mà Đảng Bảo thủ siết chặt, Đảng Tự do nới lỏng. Thủ tướng Trudeau đang nắm bắt cơ hội từ lãi suất thấp để tăng đầu tư về cơ sở hạ tầng. Ông sẽ bỏ quy định buộc người Mexico phải có thị thực để vào Canada mà ông Harper đã đặt ra, và có kế hoạch hợp pháp hóa cần sa hút chơi. Cựu thủ tướng Harper gần như là một người phản bác vấn đề biến đổi khí hậu; hồi tháng 10 thủ tướng Trudeau tuyên bố rằng ông sẽ định giá cho khí thải carbon. Một tháng sau khi nhậm chức, ông tới Phi trường Quốc tế Pearson của Toronto để đón tiếp một số trong 32.737 người tị nạn Syria đã được nhận kể từ ông lên nắm quyền.

“Thủ tướng thích selfie” (Ảnh: Reuters)
“Thủ tướng thích selfie” (Ảnh: Reuters)

Giới chỉ trích ông Trudeau trong nước — tới nay chỉ là thiểu số — dè bỉu ông là “Thủ tướng thích chụp hình tự sướng” (“Prime Minister Selfie”) vì liên tục chụp hình chung với người ái mộ và các nhân vật nổi tiếng, đôi khi (dù không phải trong hình trên) cởi trần. Đối với những người có tư tưởng tự do ở Châu Âu và Mỹ, ông là người bảo vệ các giá trị đang bị đả phá và đất nước của ông là một nơi nương náu với nhiều nét quyến rũ. “Thế giới cần nhiều Canada hơn”; Bono, nhà hoạt động và ca sĩ chính của nhóm U2, đã nói vậy hồi tháng 9. Khi tới thủ đô Ottawa gần đây, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói bà hy vọng các chính sách kích thích kinh tế của Canada sẽ được “lan truyền rộng rãi”. Sau các thắng lợi của Donald Trump trong các vòng sơ bộ “Ngày thứ Ba trọng đại” [Super Tuesday, ngày 1-3-2016, ngày diễn ra bầu cử sơ bộ ở nhiều bang, N.D.],  lượng tìm kiếm “Làm sao di cư sang Canada” trên Google đã tăng vọt ở Mỹ.

Canada không tránh được những nỗi căng thẳng đang khiến các nước giàu khác lo ngại. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí The Economist, thủ tướng Trudeau nói, “Tất cả các áp lực và nỗi lo âu mà người ta đang cảm nhận trên toàn thế giới cũng có ở đây.” Nhưng Canada dường như đang đối phó với chúng theo cách ít hoảng loạn hơn. Sở dĩ như vậy một phần là nhờ lịch sử. Sau khi Anh giành quyền kiểm soát Quebec từ Pháp vào năm 1763, các thần dân nói tiếng Pháp mới của Anh kháng cự việc đồng hóa. Các sắc dân bản xứ của Canada cũng vậy: người Inuit [ở phương bắc], các bộ lạc thổ dân được gọi là First Nations [các dân tộc đầu tiên] và người Métis lai [lai giữa thổ dân và người định cư từ Châu Âu]. Sự kháng cự như vậy đôi khi vấp phải sự đàn áp và bạo tàn, và Canada từng đối xử tàn ác các sắc dân bản xứ trong một số thời kỳ và ở một số nơi. Nhưng như Peter Russell, một sử gia người Canada, nhận định trong một cuốn sách sắp xuất bản (“Canada’s Odyssey: A Country Based on Incomplete Conquests” [Hành trình phiêu lưu của Canada: Một quốc gia dự trên những cuộc chinh phục dang dở], University of Toronto Press, 2016), “những cuộc chinh phục dang dở” của những lãnh chúa của Canada đã buộc họ phải có thói quen thích nghi mà những thói quen này đã định hình quốc gia này kể từ đó. Ông nói, “Tính đa dạng là giá trị quốc gia đặc thù của chúng tôi.”

Ý thích có tính chọn lọc nhưng chiết trung của Canada về di dân cũng có lịch sử lâu đời. Clifford Sifton, bộ trưởng nội vụ vào đầu thế kỷ 20, muốn thu hút nông dân từ Ukraine, Đức, và Trung Âu hơn là di dân từ Vương quốc Anh. Hình mẫu lý tưởng của ông là “một nông dân vạm vỡ mặc áo khoác da cừu” với “một bà vợ mập mạp và nửa tá con”. Điều này không có nghĩa là Canada luôn mở rộng vòng tay chào đón. Thủ tướng Trudeau cho biết Canada “đã từ chối người tị nạn người Punjab và người Do Thái” trong thế kỷ 20; 100 năm trước di dân Trung Quốc đã phải đóng thuế thân. Nhưng tới giữa thế kỷ 20 Canada đã đón nhận di dân không phải từ Châu Âu với số lượng lớn và năm 1962 Canada đã bỏ hết mọi tiêu chí về sắc tộc cho di dân. Năm năm sau, Canada áp dụng hệ thống chấm điểm những người muốn nhập cư dựa trên các tiêu chí như kỹ năng, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và khả năng nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Cũng như với con người, Canada mở cửa với hàng hóa. Thiên hướng trao đổi mậu dịch của Canada bắt đầu vào đầu thế kỷ 17, khi những thương lái lông thú người Pháp lập các cơ sở ở vùng nay là Nova Scotia và Quebec. Thủ tướng Trudeau nói, “Chúng tôi xưa nay luôn dựa vào thương mại với thế giới. Vì vậy một lập luận chống thương mại thực sự chẳng đi tới đâu ở Canada ngay từ đầu.” Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu chiếm 65% GDP của Canada, hơn gấp đôi so với tỷ lệ trong nền kinh tế Mỹ. Gần ba phần tư hoạt động thương mại của Canada là với Mỹ.

Thói quen mở cửa này đã không khiến Canada tránh được các tổn thất của nó. Số việc làm hãng xưởng đã giảm từ gần 2 triệu vào năm 2000 xuống còn 1,5 triệu vào năm 2015, trong đó có một số công việc đó chuyển sang Mexico — đối tác của Canada, cùng với Mỹ, trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vùng tây nam Ontario và bán đảo Niagara cũng điêu đứng trong cảnh suy tàn công nghiệp như những vùng suy sụp ở Pennsylvania và Michigan.

Tinh thần khoan dung của quốc gia cũng không thu phục được tất cả. Ông Harper có hơi hướm bài Hồi giáo: trong chiến dịch tranh cử [năm 2015] ông đòi phụ nữ phải bỏ mạng che mặt trong lễ nhập tịch. Kellie Leitch, một dân biểu liên bang đang tranh cử để kế nhiệm ông làm lãnh tụ Đảng Bảo thủ, muốn sàng lọc di dân để loại trừ “các giá trị phi Canada”. Tâm lý bất bình đối với người mua từ Trung Quốc đang khiến giá nhà ở Vancouver tăng vọt có thể đượm vẻ kỳ thị chủng tộc.

Những vấn đề về bản sắc vô cùng phức tạp ở Quebec, nơi Đảng Người Quebec (Parti Québécois) đã đề xuất lệnh cấm trang phục trùm kín toàn thân burqa đối với những người muốn dùng dịch vụ công. Tỉnh bang nói tiếng Pháp này thích chủ trương “hội nhập văn hóa” (“interculturalism”) hơn là chủ trương “đa văn hóa” (“multiculturalism”) của khối nói tiếng Anh, xem ngôn ngữ và văn hóa của mình là cơ sở cho bản sắc của mình. Philippe Couillard, thủ hiến thuộc Đảng Tự do của Quebec, so sánh cái cốt lõi đó với thân cây, từ đó các bản sắc khác có thể mọc ra như cành cây. Đối với khối nói tiếng Anh của Canada, thống lĩnh bên trong Canada nhưng lu mờ trước Mỹ, bản thân sự đa dạng văn hóa là thân cây.

Tuy còn một số nghi ngại, khoảng 80% dân Canada nghĩ rằng di dân có lợi cho nền kinh tế, theo một khảo sát mới đây của hãng thăm dò dư luận Environics Institute. Do lực lượng lao động đang lão hóa, niềm tin đó có thể càng củng cố: như thủ tướng John Diefenbaker nhận định năm vào năm 1957, “Canada phải tăng dân số hoặc sẽ tàn lụi”. Điều này đặc biệt đúng với các tỉnh bang vùng Đại Tây Dương [gồm New Brunswick, Prince Edward Island, Nova Scotia, và Newfoundland and Labrador, N.D.], nơi số người Canada chết nhiều hơn số người mới ra đời, và độ tuổi trung vị cao hơn những nơi khác của Canada gần 5 năm. Nova Scotia, tỉnh bang đã nhận 200 người tị nạn năm ngoái, đã nhận hơn 1.100 người Syria. Brian Doherty, bản thân ông là di dân từ Bắc Ireland, thuê bốn người làm cho các quán bar của ông ở Halifax, thủ phủ của tỉnh bang này. Ông nói, “Họ là tài sản ròng cho nền kinh tế, và tin tôi đi, ở xứ này chúng tôi cần thêm nhiều người như họ.”

Hai yếu tố có liên quan củng cố tâm lý ủng hộ di dân. Thứ nhất là địa lý. Người tị nạn không đổ tới với số lượng hàng trăm ngàn trên những chiếc xuồng quá tải; trẻ em bần cùng không lẻn qua biên giới phía nam. Nạn nhập cư lậu, vấn đề khiến ông Trump và giới ủng hộ ông điên tiết, “hầu như chẳng thấy” ở Canada, theo Jack Jedwab thuộc Viện Các Bản sắc và Di cư Canada ở Montreal.

Thứ hai là chính sách. Hệ thống chấm điểm của Canada giúp cho chính phủ có cách chấp nhận chỉ loại người mà chính phủ nghĩ là đất nước cần. Khả năng quản lý nhập cư như vậy tạo dựng được sự ủng hộ của công chúng. Theo ông Jedwab, di dân có xác suất có bằng đại học cao gấp hai so với người sinh tại Canada. Người tị nạn cũng phải vượt qua nhiều sàng lọc. Những người Syria mà thủ tướng Trudeau chào đón đã phải được giới chức Canada kiểm tra với kiểu sàng lọc thái quá mà chính ông Trump có thể cũng ủng hộ.

Không có gì trong những điều này bảo đảm di dân sẽ thành công tại quê hương mới. Di dân gặp khó khăn, nhất là trong những năm đầu tại Canada, dù con cái của họ sẽ thành đạt hơn. Họ có thu nhập thấp hơn người bản xứ, trừ phi họ từ Châu Âu hoặc các nước nói tiếng Anh như Ấn Độ. Hãng sở có xác suất phỏng vấn những người xin việc có tên nghe có vẻ tiếng Anh nhiều hơn những người có tên ngoại quốc, theo một thí nghiệm ở Toronto. Bằng cấp nước ngoài có thể không được công nhận. Nhưng hệ thống chấm điểm giúp cho giới chính khách có cách ít ra là có vẻ như đang giải quyết những vấn đề như vậy. Cựu thủ tướng Harper đưa ra hệ thống “Nhập cư Nhanh” (“Express Entry”), qua đó những đương đơn có giấy mời làm việc được tăng điểm đáng kể.

Một lý do khác khiến người Canada không lo ngại về vấn đề nhập cư là họ ít cảm thấy bất an hơn. So với Mỹ, những người bị thiệt ít khốn khổ hơn và người được lợi ít chảnh chọe hơn. Giống như ở các nước giàu khác, tình trạng bất bình đẳng thu nhập đã tăng kể từ đầu thập niên 1980, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với ở Mỹ. Nạn nghèo đói đã giảm mạnh kể từ giữa thập niên 1990. Những người thu nhập thấp — tầng lớp ủng hộ chính của ông Trump ở Mỹ — ở Canada ít có khả năng chết hơn; điều này cho thấy họ ít khốn cùng hơn. Năm 2007, những người trong nhóm một phần năm có thu nhập thấp nhất chết sớm hơn 4,7 năm so với những người trong nhóm một phần năm có thu nhập cao nhất. Ở Mỹ, mức chênh lệch này là 12,1 năm.

Mỹ có chi tiêu tính theo tỷ lệ trên GDP cho các chương trình xã hội cao hơn Canada, Canada hào phóng hơn với các chi tiêu đóng vai trò an sinh xã hội. Phúc lợi thất nghiệp thay thế thu nhập bị mất với tỷ lệ cao hơn ở Mỹ. Chăm sóc y tế phổ quát “tạo sự khác biệt rất lớn trong việc tạo ra mức an sinh công cộng cao”, theo bộ trưởng ngoại thương Chrystia Freeland.

Mặc dù giai đoạn bùng nổ giá thương phẩm, và kết quả là đồng tiền tăng giá, gây khó khăn cho các hãng sản xuất, nó rút ngắn cuộc suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra. Nó cũng tạo ra nhiều việc làm trả lương khá cao cho người lao động có kỹ năng thấp và vừa, chủ yếu ở miền tây Canada. Điều này đã hạn chế tình trạng bất bình đẳng khi nó đang tăng lên ở những nơi khác, theo nhận định của của France St-Hilaire thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập Viện Nghiên cứu Chính sách Công. Nay giá thương phẩm đã giảm và nền kinh tế đã giảm tốc, bà băn khoăn liệu tình trạng bất bình đẳng có tăng lên trở lại.

Cho dù tình trạng bất bình đẳng có tăng lại, giới thượng lưu của Canada ít bị rủa xả hơn ở những nơi khác. Những ngân hàng được nhà nước quản lý chặt chẽ và có lợi nhuận đều đặn đến phát chán ở Canada không làm sụp đổ hệ thống tài chính vào năm 2008 và không yêu cầu nhà nước bảo lãnh giải cứu. Giới chủ trương bảo thủ ở nước này gần như ít đòi giảm thuế và giảm quy mô của nhà nước quyết liệt hơn Đảng Cộng hòa ở Mỹ, dù ông Harper là một ngoại lệ. Bà bộ trưởng Freeland, dân biểu đại diện cho khu vực cử tri Rosedale-University, nơi có một trong những khu giàu nhất nước, nói “Tầng lớp một phần trăm của chúng tôi hiểu điều đó.”

Ông Trudeau thừa nhận những nỗi lo kinh tế của đất nước —“Chưa có đủ tăng trưởng, và mức tăng trưởng đã có chưa mang lại lợi ích cho đa số người dân Canada”— nhưng đã vận động tranh cử bằng các giải pháp, chứ không phải bằng các bung xung hù dọa. Từ lúc cầm quyền, câu trả lời của ông trước hết là tái phân phối thu nhập trên quy mô khiêm tốn. Ông tăng thuế đối với nhóm thu nhập 1% cao nhất để góp phần trang trải cho việc giảm thuế cho tầng lớp trung lưu. Ngân sách năm nay quy định một phúc lợi trẻ em phổ quát phải dựa trên khả năng tài chính của gia đình, phân phối thu nhập từ người giàu sang nhóm 90% dưới cùng.

Lời hứa gây ấn tượng nhất của ông Trudeau — và là lời hứa làm chao đảo và đẩy Đảng Tân Dân chủ (NDP) xa hơn sang cánh tả — là sẽ bỏ mục tiêu cân bằng ngân sách của ông Harper. Thay vì vậy, chính phủ dự định chịu thâm hụt 1,5% GDP trong năm nay và có kế hoạch chi tiêu 90 tỷ đô-la Canada (45 tỷ đô-la Mỹ) trong 10 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng rất cần cho Canada. Mức chi tiêu thêm này sẽ kích thích nền kinh tế trì trệ, với mức tăng tương đương 0,2% GDP trong năm tài khóa này. Như ông Trudeau thừa nhận, ông có thể linh hoạt vận dụng như vậy là nhờ những người tiền nhiệm chi tiêu cẩn trọng và để lại nợ liên bang chỉ ở mức 32,5% GDP. Nhưng nếu việc chi tiêu khôn ngoan tăng mức tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, những chính phủ về sau sẽ có l‎ý do để tới lượt họ cảm ơn ông Trudeau.

Barack Obama đã có những hoài bão tương tự về đầu tư cho tương lai; khác với Obama, ông Trudeau không phải đương đầu với cơ quan lập pháp có tính chống đối. Ông cũng không phải dập tắt những kẻ mị dân để cổ xúy các hiệp định thương mại. Ông đã đấu tranh quyết liệt để cứu “hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện” (CETA) với EU, mà đã được ông Harper thương lượng. Canada tham gia đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác, và mặc dù ông Trudeau đã không cam kết là sẽ phê chuẩn nó, người ta cho rằng ông sẽ ủng hộ nó. Hồi tháng 9, ông tuyên bố rằng Canada sẽ cân nhắc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Ông Trudeau đã tìm cách xoa dịu những nghi ngại về thương mại bằng điều đã nhanh chóng trở thành một hoạt động tiêu biểu của chính phủ của ông: liên tục tham vấn. Bà Freeland tự hào đã tổ chức một trong những cuộc đối thoại chính thức đầu tiên của một bộ trưởng thương mại với các cộng đồng thổ dân. Nhưng còn nhiều vấn đề mà chỉ tham vấn không thôi thì không thể giải quyết được. Trong những vấn đề đó có mức tăng năng suất thấp và thành quả không có gì ấn tượng về sáng tạo. Lãi suất thấp đã đẩy giá nhà và nợ tiêu dùng lên các mức cao đáng lo ngại. Ngoài việc khẳng định ông sẽ xây thêm đường sá và siết chặt quy định về bảo hiểm cho vay thế chấp để mua nhà (mortgage), tới nay ông Trudeau vẫn chưa cho biết ông sẽ xử l‎ý những vấn đề như vậy ra sao.

Bất luận ông làm gì, ông sẽ làm phật ý nhiều người. Thông báo về một mức giá quốc gia cho khí thải carbon đã khiến một số người ở các tỉnh bang nhiều năng lượng phẫn nộ; việc phê chuẩn một đường ống dẫn khí đốt hóa lỏng khiến các cử tri ủng hộ môi trường lo ngại. Ông sẽ phải mặc cả vất vả với các tỉnh bang nhiều nợ nần về mức phân bổ ngân sách liên bang để trang trải chi phí y tế đang tăng của họ. Nói cách khác, ông Trudeau sắp chịu cảnh hao mòn uy tín chính trị thường thấy.

Tuy nhiên, điều này quan trọng với ông hơn là với vị thế của Canada. Với sự pha trộn thuần chất Canada đáng ngưỡng mộ giữa tính khiêm nhường cá nhân với niềm kiêu hãnh quốc gia, ông Trudeau cho rằng tính ổn định của quốc gia không phải là nhờ “bất cứ chính phủ cụ thể nào”. Nó xuất phát từ chính người dân Canada. Nếu như ông Harper tái đắc cử năm ngoái, Canada hẳn cũng vẫn mở cửa thương mại (dù có thể ít thiết tha k‎ý kết hiệp định với Trung Quốc hơn) và vẫn chào đón di dân mới (dù ông Harper hẳn sẽ không nhận quá nhiều người tị nạn Syria). Những tán dương kiểu siêu sao nhạc rock hẳn đã ít hơn, nhưng mô hình Canada hẳn vẫn trường tồn.

Người Canada không xem sự cởi mở của mình là chuyện đương nhiên phải có. Một vụ khủng bố nghiêm trọng trên lãnh thổ Canada, hoặc một cuộc suy thoái trầm trọng, vẫn có thể làm tổn hại giấc mơ đó. Canada đã gặp những vụ khủng bố “sói lẻ bầy”, ví như một vụ tấn công vào nghị viện năm 2014, và nhiều âm mưu lớn hơn đã bị phát hiện. Nhưng chưa có vụ giết người hàng loạt như vụ xảy ra tại nhà hát Bataclan ở Paris. Jodi Giesbrecht, trưởng phòng nghiên cứu của Bảo tàng Nhân quyền Canada ở Winnipeg, nói, “Chúng tôi không nên có cảm giác tự mãn ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ làm chuyện này’.” Họ cũng không nghĩ đó là mô hình cho mọi nước. “Những gì có tác dụng ở Canada có thể không có tác dụng ở nơi khác”; đó là cảnh báo của Michael Ignatieff, một cựu lãnh tụ Đảng Tự do đã thất bại khi tranh cử để thành thủ tướng và hiện đang điều hành Đại học Trung Âu ở Budapest. “Nhiều nước trên thế giới nắm phải tay bài khó chơi hơn.” Nhưng cảnh tượng của một thành công liên tục của một quốc gia chủ trương tự do có thể khiến những tay bài khó đó dễ chơi hơn một chút.

Phạm Vũ Lửa Hạ tổng hợp và dịch từ The last liberals, và Liberty moves north,The Economist, 29-10-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 2/11/2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

3 thoughts on “Canada: thành trì cuối cùng của chủ nghĩa tự do ở phương Tây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *