Andy Coghlan và Debora MacKenzie
Trong khi những cuộc biểu tình lan khắp thế giới trong tuần này để phản đối thế lực của giới tài chính, khoa học có thể đã khẳng định nỗi sợ lớn nhất của những người biểu tình. Một phân tích mối quan hệ giữa 43.000 công ty xuyên quốc gia đã nhận diện được một nhóm tương đối nhỏ gồm những công ty, chủ yếu là ngân hàng, có quyền lực áp đảo đối với nền kinh tế toàn cầu.
Những giả định của cuộc nghiên cứu này đã gặp một số chỉ trích, nhưng các chuyên gia phân tích các hệ thống phức tạp được Tạp chí New Scientist hỏi cho rằng đó là một nỗ lực độc nhất vô nhị nhằm tìm hiểu xem ai kiểm soát nền kinh tế toàn cầu. Theo họ, nếu phân tích sâu hơn nữa thì có thể góp phần xác định những cách làm cho kinh tế tư bản toàn cầu ổn định hơn.
Ý tưởng cho rằng một vài ngân hàng kiểm soát phần lớn kinh tế toàn cầu có thể chẳng có gì mới mẻ đối với phong trào Chiếm đóng Wall Street ở New York và những người biểu tình ở nơi khác. Nhưng cuộc nghiên cứu của ba nhà lý thuyết các hệ thống phức tạp tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich là công trình đầu tiên vượt ra khỏi khuôn khổ ý thức hệ để dùng bằng chứng thực nghiệm xác định một mạng lưới quyền lực như vậy. Công trình này kết hợp toán học từ lâu được dùng để lập mô hình các hệ thống tự nhiên với dữ liệu doanh nghiệp toàn diện để vẽ bản đồ quyền sở hữu trong những công ty xuyên quốc gia.
“Thực tế rất phức tạp, chúng ta phải tách ra khỏi giáo điều, dù đó là thuyết âm mưu hay thị trường tự do,” James Glattfelder nói. “Phân tích của chúng tôi dựa vào thực tế.”
Những cuộc nghiên cứu trước đây đã phát hiện rằng một vài công ty xuyên quốc gia sở hữu phần lớn kinh tế thế giới, nhưng các nghiên cứu đó chỉ bao gồm một số ít các công ty và bỏ qua những quyền sở hữu gián tiếp, vì thế không thể nói điều này đã ảnh hưởng ra sao tới kinh tế toàn cầu – ví dụ liệu nó sẽ làm tăng hay giảm tính ổn định.
Nhóm nghiên cứu Zurich có thể làm được điều đó. Từ cơ sở dữ liệu Orbis 2007 với 37 triệu công ty và nhà đầu tư khắp thế giới, nhóm nghiên cứu đã trích ra cả thảy 43.060 công ty xuyên quốc gia và những khoản sở hữu cổ phần liên kết các công ty này với nhau. Rồi họ xây dựng một mô hình trong đó các công ty kiểm soát những công ty khác qua các mạng lưới sở hữu cổ phần, kết hợp với doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi công ty, để phác thảo cấu trúc của quyền lực kinh tế.
Công trình này, sẽ được đăng trong PLoS One, tiết lộ một cốt lõi gồm 1.318 công ty với quan hệ sở hữu đan chéo nhau (xem hình). Trong số 1.318 công ty này, mỗi công ty có quan hệ với ít nhất hai công ty khác, và trung bình có quan hệ với 20 công ty. Ngoài ra, mặc dù họ chiếm 20% doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu, 1.318 công ty này với số cổ phần của mình nếu tính gộp chung thì dường như chiếm sở hữu đa số những công ty thượng hạng (blue-chip) và sản xuất công nghiệp lớn của thế giới – nền kinh tế “thực” – đại diện cho thêm 60% nữa của doanh thu toàn cầu.
Khi tìm hiểu sâu hơn về mạng lưới sở hữu, nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng phần lớn mạng lưới đó có nguồn gốc từ một “siêu thực thể” gồm 147 công ty quan hệ còn khắng khít hơn – toàn bộ quyền sở hữu của họ nằm trong tay của những công ty thành viên khác trong siêu thực thể này – kiểm soát 40% tổng số của cải trong mạng lưới này. Glattfelder nói, “Trên thực tế, chưa tới 1% trong số các công ty này kiểm soát 40% toàn mạng lưới.” Phần lớn là các định chế tài chính. Trong số 20 công ty hàng đầu có Barclays Bank, JPMorgan Chase & Co, và Goldman Sachs Group.
John Driffill, một chuyên gia kinh tế vĩ mô ở Đại học London, cho rằng giá trị của phân tích này không chỉ là để xem liệu có phải một số ít người kiểm soát kinh tế toàn cầu, mà còn để rút ra những bài học về ổn định kinh tế.
Theo nhóm nghiên cứu Zurich, sự tập trung quyền lực tự thân nó không tốt hay xấu, nhưng những quan hệ đan xen khắng khít có thể tốt hay xấu. Như thế giới đã rút ra bài học năm 2008, những mạng lưới như vậy có thể không ổn định. “Nếu một [công ty] lâm nạn, điều này sẽ lan truyền,” Glattfelder nói.
George Sugihara thuộc Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California, một chuyên gia các hệ thống phức tạp và cố vấn cho Deutsche Bank, tán thành, “Thật đáng lo khi thấy mọi sự có liên hệ chồng chéo như vậy.”
Yaneer Bar-Yam, viện trưởng Viện Các Hệ thống Phức tạp New England (NECSI), cảnh báo rằng phân tích này giả định quyền sở hữu đồng nghĩa với quyền kiểm soát, điều này không phải luôn đúng. Phần lớn cổ phần công ty thuộc sở hữu của các công ty quản lý đầu tư, và các công ty quản lý đầu tư này có thể hoặc không kiểm soát hoạt động của những công ty mà họ sở hữu một phần. Theo ông, tác động của điều này đối với hành vi của hệ thống này cần được phân tích thêm.
Điều quan trọng là, bằng cách xác định kiến trúc của quyền lực kinh tế toàn cầu, phân tích này có thể giúp nó ổn định hơn. Qua phát hiện những khía cạnh dễ bị tổn thương của hệ thống, các nhà kinh tế học có thể đề xuất những biện pháp ngăn không cho các trường hợp sụp đổ trong tương lai lan truyền trong khắp nền kinh tế. Theo Glattfelder, chúng ta có thể cần những luật lệ chống độc quyền toàn cầu, mà hiện nay chỉ có ở cấp quốc gia, để hạn chế sự liên kết quá mức giữa các công ty xuyên quốc gia. Sugihara cho rằng phân tích này cho thấy một giải pháp khả dĩ: các công ty nên bị đánh thuế cho tính liên kết đan chéo quá mức để giảm bớt rủi ro này.
Một phát hiện có thể không đồng điệu với những tuyên bố của những người biểu tình: siêu thực thể này không phải là kết quả có chủ đích của một âm mưu thống trị thế giới. Sugihara nói, “Những cấu trúc này thường thấy trong tự nhiên.”
Những ai mới gia nhập một mạng lưới thường thích gắn kết với những thành viên có nhiều liên kết. Các công ty xuyên quốc gia mua cổ phần của nhau vì các lý do kinh doanh, chứ không phải để thống trị thế giới. Theo Dan Braha của Viện NECSI, nếu tính liên kết tụ thành cụm, thì của cải cũng vậy: trong các mô hình tương tự, dòng tiền chảy về phía những thành viên có nhiều liên kết nhất. Theo Sugihara, cuộc nghiên cứu của nhóm Zurich “là bằng chứng vững chắc cho thấy những quy tắc đơn giản chi phối các công ty xuyên quốc gia tự động làm nảy sinh những nhóm có liên kết nhiều.” Hay như Braha nhận định: phong trào Chiếm đóng Wall Street tuyên bố rằng 1% thiên hạ nắm giữ phần lớn của cải; tuyên bố này phản ánh một giai đoạn hợp lý của nền kinh tế tự tổ chức.”
Vì thế, siêu thực thể có thể không xuất phát từ âm mưu. Theo nhóm nghiên cứu Zurich, câu hỏi thực sự là liệu siêu thực thể đó có thể áp dụng quyền lực chính trị đồng bộ hay không. Theo Driffill, con số 147 công ty thì quá nhiều để có thể cấu kết với nhau. Braha nghĩ rằng họ sẽ cạnh tranh trên thị trường nhưng hành động cùng nhau vì những lợi ích chung. Cản trở không cho thay đổi cấu trúc mạng lưới đó có thể là một trong những lợi ích chung như vậy.
50 công ty hàng đầu trong số 147 công ty siêu liên kết
1. Barclays plc
2. Capital Group Companies Inc
3. FMR Corporation
4. AXA
5. State Street Corporation
6. JP Morgan Chase & Co
7. Legal & General Group plc
8. Vanguard Group Inc
9. UBS AG
10. Merrill Lynch & Co Inc
11. Wellington Management Co LLP
12. Deutsche Bank AG
13. Franklin Resources Inc
14. Credit Suisse Group
15. Walton Enterprises LLC
16. Bank of New York Mellon Corp
17. Natixis
18. Goldman Sachs Group Inc
19. T Rowe Price Group Inc
20. Legg Mason Inc
21. Morgan Stanley
22. Mitsubishi UFJ Financial Group Inc
23. Northern Trust Corporation
24. Société Générale
25. Bank of America Corporation
26. Lloyds TSB Group plc
27. Invesco plc
28. Allianz SE 29. TIAA
30. Old Mutual Public Limited Company
31. Aviva plc
32. Schroders plc
33. Dodge & Cox
34. Lehman Brothers Holdings Inc*
35. Sun Life Financial Inc
36. Standard Life plc
37. CNCE
38. Nomura Holdings Inc
39. The Depository Trust Company
40. Massachusetts Mutual Life Insurance
41. ING Groep NV
42. Brandes Investment Partners LP
43. Unicredito Italiano SPA
44. Deposit Insurance Corporation of Japan
45. Vereniging Aegon
46. BNP Paribas
47. Affiliated Managers Group Inc
48. Resona Holdings Inc
49. Capital Group International Inc
50. China Petrochemical Group Company
* Lehman vẫn còn trong dữ liệu 2007 được dùng
Bản tiếng Anh: Revealed – the capitalist network that runs the world, New Scientist, 24/10/2011
Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/26/capitalist_network/