Dầu rẻ, ai sợ?

Giá dầu hôm 20-1 đã giảm xuống dưới mức 27 đô/thùng. Tuy giá đã tăng mạnh trở lại trong hai ngày 21 và 22-1 lên tới 32 đô, vẫn chưa rõ dầu đã chạm đáy chưa. Giá dầu rẻ hẳn là liều thuốc kích thích quý báu cho kinh tế thế giới. Nhưng nghĩ kỹ lại thì chắc gì đã vậy. Lợi bất cập hại chăng?

oil3

Cùng với những đợt đổ xô rút tiền ngân hàng và những lần sụp đổ thị trường, các cú sốc dầu có khả năng hiếm hoi khiến yêu quái sổng chuồng. Bắt đầu từ kỳ cấm vận dầu Ả rập năm 1973, thiên hạ đã hiểu rằng những đợt giá dầu đột ngột tăng vọt có sức tàn phá kinh tế khủng khiếp. Trái lại, khi giá dầu giảm vì thừa cung, như vào năm 1986, thì lại rất có lợi cho thế giới. Kinh nghiệm cho thấy giá dầu giảm 10% thì giúp tăng trưởng thêm được 0,1-0,5 điểm phần trăm.

Trong 18 tháng qua giá dầu đã giảm 75%, từ 110 đô/thùng xuống còn dưới $27. Song, lần này chưa chắc có lợi lộc gì. Dù người tiêu dùng được lợi, giới sản xuất đang thua đớn thua đau. Các ảnh hưởng của giá dầu thấp đang lan sang các thị trường tài chính, và có thể làm giảm tâm lý lạc quan của người tiêu dùng. Lợi ích của dầu rẻ mạt có thể vẫn cao hơn tác hại, nhưng các thị trường đã lao dốc quá xa quá nhanh tới nỗi thậm chí giờ đây chẳng ai dám chắc lợi nhiều hơn hại nữa.

Dầu nhìn từ lăng kính kinh tế học mới

Thế giới đang ngụp lặn trong biển dầu. Saudi Arabia đang bơm dầu gần như hết công suất. Thiên hạ chắc mẩm là Saudi Arabia muốn đánh bật những nhà sản xuất dầu với chi phí cao ra khỏi ngành, trong đó có một số hãng khai thác dầu đá phiến bằng phương pháp dập thủy lực đã góp phần tăng sản lượng dầu ở Mỹ từ 5 triệu thùng/ngày vào năm 2008 lên 9 triệu thùng/ngày hiện nay. Saudi Arabia sẽ cũng sẵn sàng cắn răng chịu lỗ nặng để phá Iran, kỳ phùng địch thủ của mình; tuần rồi Iran sắp sửa tái gia nhập thị trường dầu sau khi được bỏ các biện pháp trừng phạt hạt nhân, với sản lượng tiềm năng 3-4 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Saudi Arabia, giới sản xuất đã tỏ ra có sức chịu đựng dẻo dai. Họ đâu muốn đóng giếng dầu của mình để rồi những hãng thăm dò khác hưởng lợi khi giá dầu tăng trở lại. Họ chẳng chịu ngừng khai thác chừng nào giá còn đủ trang trải chi phí hoạt động hàng ngày, trong một số trường hợp chỉ có 15 đô/thùng. Trong khi đó lượng tồn kho dầu ở khối OECD chủ yếu gồm các nước giàu vào tháng 10-2015 ở mức bằng lượng nhập khẩu ròng trong 267 ngày, cao hơn gần 50% so với cách đây 5 năm. Lượng này sẽ tiếp tục tăng lên, đặc biệt nếu cầu giảm nhiều hơn dự kiến ở Trung Quốc và các nước Châu Á còn lại. Dự báo giá dầu khác nào thầy bói mù sờ voi, nhưng chẳng mấy ai nghĩ giá dầu sẽ bắt đầu tăng lại trước năm 2017. Giá hôm 20-7 có thể đã chạm đáy. Có người đang tiên đoán giá còn xuống tới mức cỡ 10 đô.

Ờ thì càng rẻ càng tốt chứ sao, ta hẳn nghĩ vậy. Cứ nhìn các nước nhập khẩu dầu, từ Châu Âu tới Nam Á, thì biết dầu rẻ có lợi cho họ ra sao. Chi phí nhập khẩu dầu của khu vực dùng đồng euro đã giảm tương đương 2% GDP kể từ giữa năm 2014. Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Song, cú lao dốc mới nhất này cũng là điều đáng lo ngại. Nguồn thu từ dầu sút giảm mạnh có thể gây bất ổn chính trị ở những nơi đang ở thế chỉ mành treo chuông, như Venezuela và Vùng Vịnh, và thổi bùng các cuộc đối đầu ở Trung Đông. Dầu rẻ có mặt tích cực đối với môi trường, vì nó làm giảm giá khí đốt trên toàn cầu, nhờ đó dần loại bỏ than, một nhiên liệu bẩn hơn. Nhưng về dài hạn, các nhiên liệu hóa thạch rẻ sẽ làm giảm động cơ muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ý nghĩa kinh tế mới này của dầu là điều đáng lo ngại nhất.

Trong quá khứ dầu rẻ đã đẩy kinh tế thế giới lên vì khi túi tiền có thêm một đồng người tiêu dùng chi xài nhiều giới sản xuất. Ngày nay cách tính đó không còn đơn giản như xưa. Người tiêu dùng ở Mỹ có thể đã tiết kiệm nhiều hơn dự kiến. Giới sản xuất dầu đang thắt lưng buộc bụng, sau khi đã mạnh tay chi tiêu lúc giá dầu còn cao. Sau đợt giảm giá dầu thô gần đây nhất, Nga công bố giảm 10% về chi tiêu công. Ngay cả Saudi Arabia cũng cắt giảm ngân sách để giải quyết mức thâm hụt bằng 15% GDP.

Dầu rẻ cũng có hại cho cầu theo nhiều cách quan trọng. Khi dầu thô có giá trên 100 đô/thùng, hoàn toàn hợp lý khi chi tiền thăm dò ở những nơi xa xôi hẻo lánh, như Bắc Cực, Tây Phi và tận sâu dưới vùng đá muối ngoài khơi Brazil. Khi dầu rớt giá, đầu tư cũng giảm theo. Các dự án trị giá 380 tỉ đô đã bị tạm ngưng. Ở Mỹ chi tiêu cho tài sản cố định trong ngành dầu đã giảm một nửa từ mức cao nhất. Tác hại đã lan tràn: chỉ số PMI (chỉ số nhà quản lý cung ứng vật tư sản xuất) của tháng 12-2015 (ở mức 48,2) cho thấy tình trạng sút giảm nhanh trong toàn ngành sản xuất công nghiệp nhẹ ở Mỹ. Ở Brazil, tác hại của giá dầu đối với công ty dầu quốc doanh càng trầm trọng hơn do có vụ bê bối tham nhũng đã làm tê liệt giới quan chức chính phủ cao cấp nhất.

Sự sụt giảm đầu tư và giá tài sản lại càng tai hại hơn vì nó diễn ra quá nhanh. Khi giá dầu sụp đổ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rất mỏng manh, điều đó có thể dẫn tới nhiều trường hợp vỡ nợ.

Khó mà đánh giá được các tác động lây lan tài chính khả dĩ. Phần lớn trong mức gia tăng 650 tỉ đô về nợ doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi kể từ năm 2007 là trong các ngành dầu và thương phẩm (commodity). Dầu đóng vai trò quan trọng ở những thị trường mới nổi có nguy cơ gặp khó khăn. Do GDP giảm, chính phủ Nga rất có thể sẽ gặp khủng hoảng ngân sách trong vòng vài tháng. Với lạm phát trên 140%, Venezuela đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế.

Những nước sản xuất dầu cũng có nguy cơ bước vào một chu kỳ tương tự, có thể nhẹ hơn, của tăng trưởng thấp hơn, đồng tiền sụt giá, lạm phát do giá nhập khẩu tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Các ngân hàng trung ương ở Colombia và Mexico đã tăng lãi suất hồi tháng 12-2015. Nigeria đang áp dụng hạn mức sử dụng đô-la trong một nỗ lực cuống cuồng (có lẽ đã tuyệt vọng) nhằm vực dậy đồng tiền của mình.

Các nước giàu cũng gặp căng thẳng. Lợi suất của các trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao đã tăng từ khoảng 6,5% vào giữa năm 2015 lên tới 9,7% hiện nay. Tâm lý e ngại của giới đầu tư nhanh chóng lây lan từ các hãng năng lượng sang tất cả mọi đối tượng đi vay. Với những “con gấu” (nhà đầu tư với quan điểm cho rằng giá/thị trường sẽ đi xuống) đang rình rập các thị trường cổ phiếu, các chỉ số chứng khoán toàn cầu đang giảm xuống tới mức thấp nhất trong 30 tháng. Giới ngân hàng trung ương ở các nước giàu lo ngại rằng lạm phát thấp triền miên sẽ làm nảy sinh các kỳ vọng về giá bất động hoặc giảm xuống – khiến lãi suất thực tăng lên. Giới hoạch định chính sách cũng bó tay không biết phản ứng ra sao vì lãi suất hiện đã thấp gần bằng không nên không thể giảm nữa.

Tận dụng tối đa

Giá dầu giảm có lợi cho khối người ở Ấn Độ và Trung Quốc. Giá rẻ khiến các nền kinh tế lệ thuộc vào dầu như Saudi Arabia và Venezuela có lý do cấp bách để chấp nhận cải tổ. Giá rẻ giúp các nước nhập khẩu dầu, như Hàn Quốc, có cơ hội bãi bỏ các loại trợ cấp năng lượng lãng phí – hoặc tăng lạm phát và giảm thâm hụt bằng cách tăng thuế. Nhưng cú sốc dầu này xảy ra lúc nền kinh tế thế giới vẫn đang đương đầu với hậu quả của khủng hoảng tài chính. Ta có thể nghĩ rằng chẳng còn lúc nào tốt hơn để vực dậy. Thực ra, thế giới vẫn có thể bị một yêu quái dầu đang rình rập hạ gục.

Khương An lược dịch

Nguồn: Who’s afraid of cheap oil?, The Economist, 23-1-2016.

(Bài đã đăng trên TBKTSG Online, 23-1-2016)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *