Chiến dịch “Săn Cáo” có thể làm sứt mẻ chữ tín Trung Quốc cần để ký hiệp ước dẫn độ với Canada
Nathan Vander Klippe
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Họ là những công an chìm của Trung Quốc hiện đại, những người giỏi ngoại ngữ sẵn sàng gồng mình chịu đói khát và cả dịch bệnh như Ebola để truy bắt các đối tượng bị truy nã ở những phương trời xa xôi.
Các điều tra viên của chiến dịch chống tội phạm tham nhũng của Trung Quốc trên toàn cầu, gọi là Săn Cáo, không từ một thủ đoạn hay mánh lới nào khi săn lùng những doanh nhân và công chức bị nhà nước Trung Quốc cáo buộc làm giàu bằng đồng tiền bất chính. Họ tới nhiều nước với các lý do giả mạo, dựa vào thân nhân, và tung vô số tin nhắn điện thoại di động để dụ dỗ và đe dọa các nghi phạm, toàn nhân danh làm công tác chống tội phạm của Đảng Cộng sản.
Nhưng khi Trung Quốc đẩy chiến dịch Săn Cáo sâu vào những nước bị họ cáo buộc là chứa chấp những kẻ có tội, Trung Quốc đã gây nhức đầu cho những nước lâm vào thế lưỡng nan vừa muốn tống khứ những người cất giấu tiền của phi pháp vừa lo ngại về hệ thống tư pháp của Trung Quốc.
Trong số những kẻ đào tẩu năm ngoái bị Trung Quốc đưa vào danh sách 100 người bị truy nã hàng đầu, 26 người được cho là đang ở Canada, khiến Ottawa trực tiếp đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề này.
Nay, sau khi Canada đồng ý bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về một hiệp định dẫn độ, lại dấy lên những câu hỏi cấp bách liệu các quốc gia phương Tây có nên hợp tác với một nhà nước chuyên quyền có lực lượng cảnh sát mà theo quan điểm của Bộ An ninh Công cộng Canada là có tra tấn và thực hiện các vụ sát hại không qua xét xử tư pháp.
Tuần rồi, thủ tướng Justin Trudeau biện hộ về mối bang giao với Trung Quốc, nói rằng “Canada có những tiêu chuẩn rất cao về các hiệp ước dẫn độ” và “một quy trình rất, rất nghiêm ngặt phù hợp với các kỳ vọng và giá trị của người dân Canada”.
Nhưng giới luật sư, giới đấu tranh nhân quyền và một người bị cho là đào tẩu từ Trung Quốc cảnh báo rằng việc hợp tác nhiều hơn với chiến dịch Săn Cáo của Trung Quốc có nguy cơ khiến Canada càng sa bẫy trong những cách thức hoạt động gây tranh cãi của mạng lưới truy bắt tội phạm của Trung Quốc trên toàn cầu.
Thông qua các cuộc phỏng vấn, bản ghi các tin nhắn điện thoại di động, tường thuật trên báo chí nhà nước Trung Cộng và hồ sơ tòa án Canada, nhật báo The Globe and Mail đã tổng hợp được một bức tranh chi tiết về cuộc săn lùng khắp các châu lục của Trung Quốc để tìm những người bị họ gọi là kẻ đào tẩu – và những vấn đề có từ lâu nay mà những thủ đoạn của chiến dịch này đã gây ra cho Canada và những nghi phạm buộc phải hồi hương.
Nhắm vào thân nhân
Tham nhũng ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong mấy chục năm tăng trưởng chóng mặt và chính phủ mạnh tay chi tiêu. Theo một nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu Global Financial Integrity, từ năm 2003 tới 2012, khoảng 1,6 ngàn tỷ đôla tiền phi pháp đã chảy ra khỏi Trung Quốc, nhiều hơn bất cứ nước nào. Trong cùng thời kỳ đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ước tính có từ 16.000 tới 18.000 người Trung Quốc tham nhũng bỏ trốn. Chiến dịch săn lùng họ đã trở thành một thành tố quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng trong thời Tập Cận Bình: Chặn được những ngả trốn chạy thì việc xử lý tham nhũng trong nước có hiệu quả hơn.
Hồi tháng 8, Trung Quốc cho biết chiến dịch “Săn Cáo 2016” đã bắt được 409 người “trốn” ở nước ngoài. (Báo chí trong nước của Trung Quốc tường thuật rằng một người trong danh sách tội phạm bị truy nã hàng đầu đã về Trung Quốc từ Canada hôm 22-9). Một chiến dịch khác nhưng tương tự, tên là “Lưới trời”, đã tăng thêm số các ngân hàng và cơ quan chính phủ tham gia cuộc săn lùng này, một hoạt động được xem là kết hợp chiến dịch chống tham nhũng với nỗ lực thanh trừng các đối thủ chính trị.
Lance Gore, một giáo sư Đại học Quốc gia Singapore từng viết về chiến dịch Săn Cáo, nói: “Họ muốn đưa ra thông điệp là dù anh có trốn chạy, chúng tôi vẫn săn đuổi anh. Có những trường hợp họ đàn áp thân nhân [của nghi phạm], hoặc đe dọa họ. Trong một bối cảnh phương Tây, hẳn nhiên điều đó là phi pháp. Nhưng ở Trung Quốc, điều đó được nhà cầm quyền xem là bình thường.”
Trong một cuộc phỏng vấn, một người bị cho là đào tẩu sang Canada kể là bị một người đàn ông lạ liên lạc, và những câu hỏi cho thấy rõ anh ta là cán bộ an ninh Trung Quốc. Người bị Trung Quốc cáo buộc tham nhũng này kể: “Sau khi họ tiếp xúc với tôi, thân nhân của tôi ở Trung Quốc đều gặp rắc rối. Họ bắt đầu nhắm vào thân nhân của tôi.”
Trải nghiệm đó đã khiến người bị cho là kẻ đào tẩu này không dám phát biểu công khai vì sợ các hậu quả có thể xảy ra ở Trung Quốc. Nhật báo The Globe and Mail giữ bí mật các chi tiết có thể tiết lộ danh tánh. Người này nói: “Ban đầu tôi có cảm giác Canada là một nơi công bằng và an toàn. Nay họ đang xúc tiến bàn về một hiệp ước dẫn độ quốc tế, tôi hơi lo ngại.”
Dù gì đi nữa chính quyền Canada từ lâu đã biết tới những vấn đề do các thủ đoạn của Trung Quốc. Từ năm 2000 đã có mật vụ Trung Quốc lén lút nhập cảnh Canada với các lý do giả mạo; gần đây công an Trung Quốc đã tới Canada dưới vỏ bọc du khách, theo tường thuật nhật báo The Globe and Mail cách đây hai tuần. Cảnh sát hoàng gia liên bang RCMP và Nha Tình báo An ninh Canada (CSIS) đều đã tiến hành điều tra.
Trong chuyến thăm Canada tuần rồi, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói không hề biết gì những chuyến đi lén lút của cảnh sát Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt luật quốc tế và các tiêu chí quốc tế, và chúng tôi cũng tôn trọng luật pháp của các nước khác.”
Úc và Mỹ đều đã công khai kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt tập quán này, mà báo chí do nhà nước kiểm soát của chính Trung Quốc đã thừa nhận. Hồi cuối năm ngoái, một bài trên Bắc Kinh Thanh Niên Báo của Đoàn Thanh niên Cộng sản đã mô tả chi tiết “quy trình công tác tổng quát” của cuộc săn lùng người đào tẩu của Trung Quốc: “viện kiểm sát sẽ liên hệ với người đào tẩu, hoặc cử cán bộ sang nước mà người đào tẩu đang ở.” Theo bài báo đó, cơ quan kiểm sát muốn tác động tới “suy nghĩ” của người đó, bằng cách thương lượng “và những cách khác với hy vọng người đó có thể trở về Trung Quốc.”
Những tin nhắn điện thoại do nhật báo The Globe and Mail thu thập được cho thấy Trung Quốc kết hợp sử dụng cả những bài chiêu dụ lẫn những lời đe dọa. Trong các cuộc nói chuyện qua WeChat với gia đình của một người bị cho là đào tẩu đang sống ở Mỹ, một ban kỷ luật của chi bộ đảng địa phương và viện kiểm sát ngỏ ý khoan hồng nếu người phụ nữ đó trở về Trung Quốc, và đề nghị bà ta không hỏi ý kiến luật sư Mỹ.
Một tin nhắn nói rằng “cuộc đời và sự nghiệp” của gia đình của nghi phạm sẽ bị ảnh hưởng nếu bà ta không về nước. Một tin nhắn khác viết: “Tôi không nghĩ là bà muốn [gia đình] của bà bị phá hoại vì hành vi khờ dại của bà”.
Chính quyền Trung Quốc đã đưa thân nhân sang Mỹ để gây áp lực với người phụ nữ này. Giới chức lãnh sự cũng phát đi thông điệp tương tự. Nhưng, theo luật sư di trú Lý Tiến Tiến (Li Jinjin) ở New York, người phụ nữ này “rất cứng rắn, rất cương quyết” và vẫn không chịu trở về. “Bà chẳng tin bất cứ lời nào của giới chức Trung Quốc. Bà biết chẳng thể tin họ. Bà biết họ nói dối hàng ngày.”
Bắc Kinh muốn ký hiệp ước dẫn độ với nhiều nước
Những mật vụ chống tham nhũng đi khắp địa cầu của Trung Quốc đã được báo chí nhà nước tung hô ca ngợi vì sự khôn khéo và tận tâm của họ. Một phái đoàn đã tới Nigeria giữa lúc cao trào của dịch bệnh Ebola, và một người bị sốt cao. Họ tiếp tục công việc khi người đó được chẩn đoán mắc bệnh sốt rét. Năm ngoái, báo chí nhà nước khoe khoang: “Đằng sau những hành trình gian nan đó là những vụ bắt giống hệt như trong phim Hollywood.”
Nhưng Trung Quốc chỉ có thể làm được chừng đó nếu không có sự hợp tác của các nước khác, nên Trung Quốc tích cực vận động ký các hiệp ước dẫn độ, trong đó có với nhiều nền dân chủ phương Tây. Cách đây hai tuần, Pháp đưa một người bị tình nghi biển thủ trở về Trung Quốc, lần đầu tiên từ sau khi Paris phê chuẩn một hiệp ước dẫn độ hồi năm ngoái mà.
Úc cũng đã ký hiệp ước dẫn độ, và có dấu hiệu cho biết sẽ sớm phê chuẩn. Philip Ruddock, cựu bộ trưởng tư pháp Úc và hiện là đặc sứ nhân quyền của Úc, nói rằng “hệ thống tư pháp của Trung Quốc vẫn rất không hoàn hảo”. Nhưng ông hỏi liệu các nước khác có thể tác động để có cải thiện “chỉ bằng cách chê bai họ”.
Ông nói: “Tôi ủng hộ đàm phán. Tôi nghĩ điều đó quan trọng. Dần dà theo thời gian, Trung Quốc sẽ thay đổi thậm chí nhanh hơn chúng ta thấy hiện nay. Và chính đường lối ngoại giao kiểu can dự (engagement) sẽ có lợi.”
Trong một luận án cao học về một hiệp ước khả dĩ giữa Canada với Trung Quốc, John Gibb-Carsley cho rằng một hiệp ước dẫn độ được soạn thảo kỹ càng “có thể nâng cao các tiêu chuẩn của hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc”. Ônh Gibb-Carsley là một luật sư làm việc ở Bộ Tư pháp Canada, nhưng ông nói đó là quan điểm của riêng ông.
Trang Đức Thủy (Zhuang Deshui), phó giám đốc Trung tâm Chính phủ Sạch ở Đại học Bắc Kinh, nói một hiệp ước dẫn độ cũng “sẽ chứng tỏ với thế giới rằng Canada không phải là nơi ẩn náu của giới tham nhũng. Nó sẽ có ích cho hình ảnh quốc gia của Canada.”
Một hiệp ước chính thức cũng có thể áp dụng giám sát nghiêm ngặt đối với các yêu cầu dẫn độ hơn thông lệ hiện nay khi có người bị trục xuất.
Và cho dù một hiệp ước dẫn độ mất nhiều năm để đàm phán, Canada đang thực hiện các biện pháp tức thời hơn. Tuần rồi ở Ottawa, hai bên đã ký một thỏa thuận về việc chia sẻ và trả lại các tài sản bị tịch thu. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đạt được thỏa thuận kiểu này.Từ Hoành (Xu Hong), Vụ trưởng Vụ Hiệp ước và Pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng thỏa thuận này cung cấp “một vũ khí quan trọng cho Trung Quốc để khôi phục hữu hiệu hơn các tài sản quốc hữu bị chuyển đi và củng cố nỗ lực chống tham nhũng trên toàn cầu.”
Các quốc gia khác tỏ vẻ hoài nghi hơn. Mỹ, Vương quốc Liên hiệp Anh và New Zealand đã từ chối ký hiệp ước dẫn độ.
Nhắm mắt làm ngơ khi Trung Quốc không có xét xử đúng quy trình pháp lý?
Những yêu cầu trục xuất người Trung Quốc ở Canada trong nhiều năm qua đã cho thấy nhiều vấn đề.
Năm ngoái, Cục Biên giới Canada (CBSA) đã cố gắng ngăn cản không cho một công an Trung Quốc về hưu di cư tới Canada vì ông ta đã làm việc cho Công an Trung quốc. Trong các lập luận đưa ra trước Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada, Bộ trưởng An toàn Công cộng và Ứng phó Khẩn cấp, người giám sát CBSA, cho rằng cơ quan công an Trung Quốc đã “vi phạm nhân quyền trong một thời gian dài”.
Lập luận đó có trong một quyết định hồi tháng 8-2015. Quyết định đó cũng phát hiện “nhiều bằng chứng” về tra tấn, bắt người bất hợp pháp và giết người không qua xét xử tư pháp của cơ quan công an, và nhận xét rằng công an Trung Quốc “phạm các tội ác chống lại nhân loại”.
Nhưng trong nhiều trường hợp khác, các luật sư của chính phủ Canada trông cậy vào cùng các sở công an đó để lấy bằng chứng. Trong một vụ, cơ quan công tố ở Vancouver mời phó phòng điều tra tội phạm kinh tế của Sở Công an Thượng Hải ra làm chứng chống lại một cựu chuyên viên giao dịch thép bị Trung Quốc cáo buộc lừa đảo.
Một ủy viên Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada viết trong vụ xử đó: “Chỉ vì một nhân chứng là từ một nước chuyên quyền không có nghĩa là bằng chứng của họ tự động không đáng tin cậy.”
Các tòa án Trung Quốc cũng trông cậy quá nhiều vào các bằng chứng dựa vào đồn đoán và nghe theo mệnh lệnh của cảnh sát và giới lãnh đạo Trung Quốc, trong khi các bị cáo trong các vụ án hình sự ít khi được luật sư đại diện pháp lý đầy đủ.
Khi họ chấp nhận bằng chứng từ Trung Quốc, các tổ chức như CBSA “nhắm mắt trước thực tế ở Trung Quốc không có xét xử đúng quy trình pháp lý (due process)”. Đó là nhận xét của luật sư người Canada Lorne Waldman, người đã đại diện cho nhiều người Trung Quốc bị tình nghi đào tẩu ở Canada. Ông nói: “Họ cố tình mù.”
Trong một số vụ, các nhà ngoại giao Canada đã bị các thẩm phán ở Canada trách mắng vì cung cấp cho công an Trung Quốc các chi tiết cá nhân về những người xin tị nạn. CBSA từ chối phúc đáp các câu hỏi [của nhật báo The Globe and Mail] về bằng chứng từ Trung Quốc. Phát ngôn viên Esme Bailey viết rằng “Các bằng chứng trong các vụ từ xa có thể có nhiều hình thức”, ví dụ hồ sơ từ ngân hàng, tòa án, doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo.
Ở Trung Quốc, các chuyên gia pháp lý đã phản bác sự chỉ trích của nước ngoài, cho rằng những chỉ trích đó bị kích động bởi báo chí thiếu thông tin và các luật sư muốn thân chủ tránh bị dẫn độ.
Giáo sư Trang Đức Thủy nói: “Chúng tôi hiện đang xúc tiến cải cách trong toàn hệ thống pháp lý để cải thiện tính độc lập của tòa án trong các phiên xử. Điều này không nên là một lý do chính để từ chối các yêu cầu dẫn độ. Đáng ra nên tùy vào việc hành vi của một nghi phạm có sai trái hay không.”
Một hiệp ước dẫn độ giữa Canada với Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đòi hỏi rằng nghi phạm khi bị đưa về Trung Quốc sẽ không bị tử hình. Hiệp ước đó cũng có thể đòi hỏi Trung Quốc quay phim các cuộc thẩm vấn và phiên xét xử ở tòa án để làm bằng chứng là một nghi phạm không bị ngược đãi, và đòi hỏi phải cho các nhà ngoại giao Canada được gặp các nghi phạm trước khi xét xử.
Bắc Kinh đã cho thấy sẵn sàng chấp nhận các yêu sách như vậy, như đã làm khi Canada trả về nghi phạm buôn lậu Lại Xương Tinh (Lai Changxing), từng bị gọi là kẻ đào tẩu bị truy nã hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên các vấn đề vẫn phức tạp. Trong vụ Lại Xương Tinh, Canada theo dõi cách đối xử ông ta trước khi xét xử, nhưng không còn theo dõi từ sau khi ông bị kết án chung thân. David Matas, luật sư ở Winnipeg từng đại diện cho Lại Xương Tinh, cho rằng các điều kiện trong vụ Lại Xương Tinh không được tôn trọng vì ông hiện không được chăm sóc y tế đúng mức trong tù.
Đó không phải là lần duy nhất những lời hứa của Trung Quốc bị nghi vấn.
Trong một vụ đã diễn ra cách đây hơn một năm, doanh nhân Lý Đông Triết (Li Dongzhe) và em trai Lý Đông Hổ (Li Donghu) bỏ trốn sang Vancouver để tránh những cáo buộc tham nhũng, để rồi phải mất nhiều năm thương lượng với lãnh sự quán Trung Quốc để trở về Trung Quốc.
Sau khi được hứa miệng rằng là ông ta sẽ không phải ở tù một ngày nào, Lý Đông Hổ trở về Trung Quốc. Lý Đông Triết cũng trở về, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc hứa ông sẽ được khoan hồng, và nói rằng gia đình ông có thể có thể lấy lại bất cứ tài sản hợp pháp nào đã bị tịch thu. Thay vì vậy, một tòa án Trung Quốc toàn bộ tài sản của ông Lý và kết án ông tù chung thân. Em trai ông bị kết án 25 năm tù.
Douglas Cannon, luật sư người Canada đại diện cho Lý Đông Triết, nói hai anh em họ Lý đã thử phương pháp hợp tác, và họ đã dính đòn hồi mã thương rất nặng.
Ông đặt câu hỏi: Nếu Canada đàm phán một hiệp ước dẫn độ, thì làm sao Canada có thể dựa vào những lời bảo đảm của Trung Quốc? Ông nói: “Không thể nào tin họ. Và họ đã chứng tỏ như vậy rất nhiều lần.”
Nguồn: The Globe and Mail, 26-9-2016
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 28/9/2016)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ