Hiệu ứng “kẻ ngoài cuộc” của Trung Quốc

Cảnh báo của người dịch:  Bài viết này có đường dẫn tới một đoạn video tai nạn giao thông đau lòng xảy ra với bé Duyệt Duyệt (Yue Yue, 悦悦),  chiều 13/10/2011 tại Hoàng Kỳ, Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông.  Đừng bấm vào link nếu bạn thấy không chịu nổi hình ảnh nhẫn tâm, đặc biệt nếu có trẻ em bên cạnh. 

Evan Osnos

china-hit-and-run_opt.jpg

Đoạn video lấy từ camera an ninh này đáng ra có thể tránh được.   Tôi xin mạn phép tóm lược những cảnh ghê rợn: một bé gái hai tuổi đang chập chững bước qua con đường trong một khu chợ ở thành phố Phật Sơn ở miền nam Trung Quốc thì bị một chiếc xe minivan màu trắng húc ngã.  Tài xế dừng lại, ước lượng tình hình, rồi chạy tiếp, bánh xe sau bên phải cán qua người bé một lần nữa.  Trong nhiều phút sau đó, bé nằm trên mặt đường, bị thêm một tài xế khác cán qua, và bị hơn cả chục người khác đi ngang qua (tổng cộng 18 người cả đi bộ lẫn chạy xe – ND) mà chẳng thèm ngó ngàng tới, trong đó có một phụ nữ dẫn một đứa bé.  Cuối cùng một bà nhặt rác dừng lại và đưa bé vào chỗ an toàn. 

Kể từ khi đoạn video này được phát trên truyền hình Trung Quốc hồi tuần rồi, câu chuyện về bé gái 2 tuổi Duyệt Duyệt – và nhiều người lớn nhẫn tâm bỏ mặc bé – đã làm sửng sốt độc giả Trung Quốc và làm bùng nổ một cuộc tranh luận về thực trạng đạo đức của đời sống đương đại ở đây.  Trong một cuộc điện thoại với phóng viên, tên tài xế gây tai nạn cũng chẳng ăn năn, lại nói: “Nếu nó chết, có thể tôi chỉ đền chừng hai chục ngàn nguyên (3.125 đô-la).  Nhưng nếu nó bị thương, tôi có thể tốn hàng trăm ngàn nguyên”

Những bức ảnh bé Duyệt Duyệt, được biết não đã ngừng hoạt động, nằm trên giường bệnh viện đã được đăng trên nhiều trang nhất, và mạng internet tràn ngập những lời bình hoang mang: “Chuyện gì xảy ra với xã hội chúng ta? Tôi thấy cảnh này mà lòng thắt lại” một người bình trên Vi Bác (Weibo, 微博), mạng xã hội Trung Quốc tương đương với Twitter.

Rủi thay, câu chuyện này chỉ khác ở mức độ.  Những vấn đề được bàn cãi ở đây – tình người, đạo đức, và luật pháp – chẳng có gì lạ đối với những công dân Trung Quốc đang loay hoay xác định con đường mà đất nước họ sẽ đi. Báo chí Trung Quốc thường xuyên đưa tin bài về những hành động thờ ơ lãnh cảm không tin nổi.  Hồi tháng trước có vụ một ông cụ 88 tuổi trượt té trong chợ rau rồi chết khi chẳng có ai giúp ông trong 90 phút trước khi xe cứu thương tới.  Năm tháng trước đây là vụ người qua kẻ lại ở một sân bay Thượng Hải chỉ trơ mắt nhìn mà không làm gì sau khi một thanh niên Trung Quốc 23 tuổi đâm mẹ hắn chín lần giữa thanh thiên bạch nhật.  (Đó là chưa kể tới một chuyên mục thường kỳ dành cho hạng doanh nhân cố tình bỏ những thứ độc hại vào thực phẩm.)

Thường có thể lý giải nhanh bằng hai lý do: Một, tốc độ của chuyển biến kinh tế và cạnh tranh đã khiến người ta vứt bỏ những nền tảng đạo đức của họ; và hai, việc ý thức hệ chính trị không còn là một sức mạnh có ý nghĩa trong cuộc sống người dân đã mở ra một khoảng trống tâm linh, hay như họ nói trong tiếng Hoa là “khủng hoảng lòng tin”.

Cả hai đều đúng trong chừng mực nào đó, nhưng có phải xã hội Trung Quốc mục rữa hơn nơi khác?  Vì báo chí chưa bao giờ tính có bao nhiêu trẻ em được cứu, những thước đo đó không hoàn chỉnh.  Nhưng Trung Quốc không đơn độc trong việc nhận diện sự xuống cấp đạo đức là một sản phẩm phụ của sự đô thị hóa và phát triển kinh tế; nhiều thế hệ các nhà tâm lý xã hội Mỹ đã được học về vụ Kitty Genovese năm 1964.  Kitty Genovese bị giết tại một đoạn phố đông người ở khu Kew Gardens khi cô kêu cứu mà không có ai ra giúp.  Vụ này đã trở thành một ẩn dụ về sự suy đồi đạo đức. (Đến nay có biết bao phiên bản đính chính không chính thức về phiên bản ban đầu cho rằng Genovese bị đa số hàng xóm làm ngơ, nhiều đến nỗi vụ Genovese đã sinh ra một tiểu ngành hoàn toàn riêng biệt về tác động của truyền thông.)

Ở Trung Quốc, câu chuyện đáng buồn của bé Duyệt Duyệt phần nào có thể truy nguồn gốc tới điều mà một số người gọi là “Hiệu ứng Bành Vũ“. Đó là nhắc tới vụ xảy ra năm 2006: một bà lão ở Nam Kinh bị té và về sau kiện một anh tên là Bành Vũ đã giúp bà.  Bà nói là anh xô ngã bà, và thắng kiện số tiền bằng nhân dân tệ tương đương với gần bảy ngàn đô-la.  Câu chuyện cẩn trọng đó ít nhiều đã đi vào tâm trí của dân thường khắp nơi.  Khi tờ Nhân Dân Nhật báo thực hiện một cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng với câu hỏi có nên giúp một người cao niên bị té trên đường phố, hơn 80% trả lời là họ sẽ không ra tay giúp vì sợ bị đổ tội hay bắt đền thiệt hại.

Thay đổi suy nghĩ đó sẽ còn mất nhiều thời gian.  Nhưng Trung Quốc có thể bắt đầu bây giờ bằng cách áp dụng luật lệ bảo vệ người tốt bụng muốn làm phúc.  Hãy gọi đó là Luật Duyệt Duyệt.

Bản tiếng Anh: China’s Bystander Effect, The New Yorker, 18/10/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/19/china-bystander-effect

1 thought on “Hiệu ứng “kẻ ngoài cuộc” của Trung Quốc

  1. Thực sự bị sốc khi xem clip này
    Có một nguyên nhân mà tội ác lên ngôi đó là khi người tốt không hành động?
    Trung Quốc là trung tâm lớn của đạo Phật.Nơi mà giáo lý từ bi,bác ái được giao giảng rộng khắp.Nhưng đỉnh điểm của giáo lý đó là sự thoả hiệp, cam chịu và chấp nhận tội ác như một lẽ đương nhiên, chỉ mong thu gọn vào miền cực lạc của riêng mình,hay vào cõi Nhiếp Bàn xa xôi .Đến lúc này giáo lý đó lại bị sập bẫy của chính mình.ÔI bi kịch thay
    Có một tác giả đã ví tội ác bây giờ không giải thích nổi.Thời hoang dã người ta còn giải thích nổi tại sao lại thế?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *