Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ”

Tác giả: Dương Kế Thằng (楊繼繩)

Người dịch: Bùi Xuân Bách, Phạm Nguyên Trường, Phạm Vũ Lửa Hạ

Nguồn: Tạp chí “Trung Hoa đương đại” (2010), số 19 (66), tháng 9, trang 755-776). Bản tiếng Anh.

Lời giới thiệu của bản tiếng Anh

Dưới đây là “Lời nói đầu” của tác phẩm Bia mộ (Mubei – 墓碑). Bộ sách hai tập dầy này của Dương Kế Thằng là công trình nghiên cứu điều tra nhiều năm về nạn đói khủng khiếp ở Trung Quốc. Tai họa này đã làm chết khoảng 36 triệu người [theo Frank Dikötter, Mao’s Great Famine: The History of China’s Most Devastating Catastrophe, 1958-62. Walker & Company, 2010, thì số người chết là 45 triệu] từ cuối thập niên 1950 đến đầu những năm 1960. Cuốn sách được xuất bản ở Hương Cảng năm 2008 [chỉ tính đến 2010, cuốn sách đã được tái bản thêm sáu lần nữa] và ngay lập tức bị cấm lưu hành tại đại lục. Con số nạn nhân là chưa từng có và tới giờ cũng vẫn là lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc và thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố gắng che giấu thực tiễn ghê rợn này bằng cách giữ kín những thông tin chủ yếu, quy vào loại tối mật và đổ lỗi cho những lí do khác, như đã thể hiện trong việc dùng uyển ngữ “Nạn đói lớn ba năm”, “Ba năm thiên tai” (Tam niên đại cơ hoang – 三年大饑荒 hoặc Tam niên tự nhiên tai hại – 三年自然災害) để chỉ giai đoạn này. Dương Kế Thằng là nhà kinh tế, nhà báo và biên tập viên của Tân Hoa Xã. Ông đã dành hơn hai chục năm để thu thập dữ kiện từ các kho lưu trữ quốc gia lẫn địa phương và phỏng vấn những người sống sót, nhân chứng và các quan chức. Kết quả là một bản báo cáo đầy đủ, có sức thuyết phục mạnh mẽ về tính vô nhân đạo đến cùng cực [của Mao và tập thể lãnh đạo Trung Quốc] và lòng dũng cảm phi thường [của tác giả]. Tác phẩm có thể sánh ngang với những nghiên cứu của Aleksandr Solzhenitsyn về Gulag Xô-viết [hệ thống ngục tù của Liên Xô] và của Robert Conquest về lịch sử nạn đói ở Liên Xô do chính sách tập thể hóa của Stalin. Bia mộ bao trùm cả nhiều địa phương khác biệt lẫn trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, nhằm giải thích động lực của thảm họa do những chính sách và việc áp dụng chúng vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Mao, gây ra. Trong số những chính sách này thì nguyên do chính là sự độc quyền của nhà nước trong việc mua bán ngũ cốc, quyền lực của các quan chức trong việc cướp đoạt thóc gạo từ nhà dân, những nhà ăn tập thể cưỡng bức đã “áp đặt chuyên chính vô sản lên cái dạ dày của mỗi cá nhân”, và việc tập thể hóa toàn diện, triệt để, đã làm cho nông dân không còn phương tiện nào để tự cứu mình nữa.

Mặc dù nhận được báo cáo về nạn đói lan rộng và nạn ăn thịt người, Mao vẫn khăng khăng cố bám vào những thành tích giả tạo do các địa phương báo cáo lên, và đả kích những người đã dám nói ra sự thật [cụ thể là vụ Hội nghị Lư Sơn, thanh trừng Bành Đức Hoài (Nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng), Hoàng Khắc Thành (Tổng Tham mưu trưởng), Châu Tiểu Châu (Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam)…], chụp mũ cho họ là phản cách mạng, do đó nạn đói lại càng trầm trọng và kéo dài thêm hai năm nữa. Trên cơ sở đó, Dương đã quy trách nhiệm tối hậu về cái chết của ba mươi sáu triệu dân cho hệ thống chính trị Trung Quốc. Bia mộ là một tác phẩm vĩ đại mà tác giả dự định làm đài tưởng niệm cho người cha của mình (cái chết vì đói của ông đã được miêu tả với những tình tiết đau lòng dưới đây) và cho tất cả ba mươi sáu triệu nạn nhân vô tội. Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân mình, Dương Kế Thằng đã cố gắng chấm dứt “chứng quên lãng do những người cầm quyền cố ý gây ra”. Trong quá trình đó ông đã rọi sáng vào việc “Đường lên thiên đàng”, mà một hệ thống chính trị đưa ra cho nhân dân Trung Quốc, đã biến thành “Đường tới diệt vong” như thế nào. Một việc làm trước đây chưa từng có. Dương Kế Thằng đã cô đọng và cập nhật bản thảo tiếng Trung để chuẩn bị cho việc xuất bản bằng các thứ tiếng khác. “Lời nói đầu” dưới đây là một phần của bản dịch tiếng Anh hiện đang được thực hiện.

Mời đọc trọn bản dịch tiếng Việt đăng trên blog pro&contra của nhà văn Phạm Thị Hoài. (Kì 1kì 2kì 3, và toàn bộ bản dịch trong bản PDF hoặc ebook: bản Mobi, ePub)

2 thoughts on “Nền chính trị hại dân của Mao trong thời kì Đại Nhảy vọt ở Trung Quốc: Lời nói đầu cho cuốn “Bia mộ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *