Trung Quốc chật vật giữ đúng lề thẳng lối

Kathrin Hille, Bắc Kinh

Vỡ bong bóng bất động sản, lạm phát tăng vọt, bất ổn xã hội ngày càng nhiều và các diễn đàn trực tuyến xôn xao bàn tán những vấn đề này hàng ngày; chừng đó hẳn cũng đã khiến các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc canh cánh bao nỗi lo khi họ tham dự hội nghị họp kín hàng năm để bàn chính sách trong tháng này.

Cuộc họp lần này của ban chấp hành trung ương đảng lại càng quan trọng hơn bởi vì hội nghị này dự kiến sẽ chuẩn bị và xác lập chương trình nghị sự cho đại hội sẽ nhóm họp năm tới, khi đó đảng viên phải quyết định về thế hệ lãnh đạo kế tiếp.

Bộn bề bao nỗi như vậy, nhưng họ lại chọn bàn về văn hóa. Dài không dưới 17.368 chữ, nghị quyết được ban chấp hành trung ương thông qua nêu toàn chân lý như “Văn hóa là huyết mạch của một quốc gia và ngôi nhà tâm linh của nhân dân.”

Nhưng những ngôn từ dông dài nghe cao siêu huyền bí như vậy thực ra là một bản tóm tắt ý thức hệ của mục tiêu chính sách quan trọng nhất của đảng: tự kiểm soát mình. 

Sau 33 năm cải cách kinh tế, quốc gia này đã thay đổi không còn ai nhận ra, từ một xã hội xác xơ vì đói nghèo, hướng nội, chủ yếu nông thôn, bị những chiến dịch chính trị ác hiểm tàn phá suốt mấy chục năm, sang một xã hội tăng trưởng nhanh, toàn cầu hóa, đô thị hóa nhanh chóng, luôn khao khát nhiều hơn nữa. Bất chấp sự biến chuyển căn bản từ một hệ thống cộng sản sang một hệ thống dường như siêu tư bản, đảng vẫn cứ gọi hệ thống đó là chủ nghĩa xã hội, và chỉ vì một lý do duy nhất: không ai được thách thức sự độc chiếm quyền lực của đảng. 

Trong phần lớn ba thập niên qua, điều đó chẳng thành vấn đề. Công thức chính của đảng là bảo đảm sao cho đủ đa số những nhóm xã hội có kinh tế khấm khá hơn hoặc hy vọng rằng sắp khấm khá. Mặc dù số lượng và tần suất của những cuộc biểu tình phản đối đã tăng lên từ lâu, đại đa số dân chúng có quan điểm thực dụng là dù sao Đảng Cộng sản đang làm khá tốt và đất nước đang đi đúng đường.

Điều đó đang thay đổi. Đặc biệt là ở những thành phố lớn nhất Trung Quốc, tâm trạng người dân đã xấu đi nhanh chóng trong năm qua vì giá bất động sản tăng ngất ngưỡng khiến nhiều người thành thị cảm thấy họ đang bị đánh bật ra khỏi chỗ lẽ ra họ xứng đáng có trong tầng lớp trung lưu và nhiều người trẻ tuổi mới ra trường chật vật kiếm sống với đồng lương khởi đầu chỉ cao hơn chút đỉnh so với lương của công nhân nhập cư.

Tâm lý bất mãn đã bộc lộ tuôn trào trong những lời bình bực dọc trên những mạng xã hội đang bùng nổ của Trung Quốc giúp cho người dân có nhiều tự do ngôn luận hơn trước. Vụ tai nạn tàu cao tốc làm chết 40 người hồi tháng Bảy đã khơi nguồn cho người dùng Internet đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có nên thực sự chạy đua quá nhanh như vậy, và đất nước đang tiến về đâu. Nhiều người xem tai họa đó là một biểu tượng để cảnh báo rằng xã hội của họ đã lạc lối. 

Sự thiếu lòng tin và đức tin vững chắc này, và việc công dân sẵn sàng bày tỏ tâm trạng rối bời của họ, là điều khiến đảng lo âu. “Ở một số vùng, có sự suy đồi đạo đức và thiếu lòng tin, nhân sinh quan và giá trị của một số công dân bị xuyên tạc méo mó, có nhu cầu cấp bách phải chỉ đạo lối suy nghĩ của xã hội bằng hệ thống giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi,” ban chấp hành trung ương nhận định trong nghị quyết công bố hồi tuần trước. “[Chúng ta phải] nâng cao các kỹ năng định hướng dư luận và hết sức cần thiết tăng cường và cải thiện những biện pháp kiểm soát Internet của chúng ta.”

Ban chấp hành trung ương nhận ra rằng chỉ có những doanh nghiệp truyền thông và văn hóa hấp dẫn được thị hiếu của công chúng và hoạt động theo lối thương mại – chứ không phải những bộ máy tuyên truyền Mao-ít – mới có tính thuyết phục và đáng tin.

Trong thập niên vừa qua, Hồ Cẩm Đào, chủ tịch nước và tổng bí thư đảng, đã tái cơ cấu những tập đoàn truyền thông quốc doanh và thuộc sở hữu của đảng. Trong nhiều trường hợp, mảng biên tập được tách ra khỏi mảng kinh doanh. Một số tập đoàn, chẳng hạn như Truyền hình Hồ Nam, đài tỉnh thành công nhất về mặt thương mại, được phép chuyển bộ phận thương mại thành công ty đại chúng. 

Nhưng nỗi lo của đảng về việc không kiểm soát nổi truyền thông lâu nay đã kìm hãm những cải cách này. Xét từ nghị quyết mới nhất, điều đó khó mà thay đổi. Đảng nói rằng những doanh nghiệp văn hóa hoạt động theo lối thương mại và năng động sẽ được xây dựng, nhưng đồng thời nhất quyết khẳng định rằng những doanh nghiệp đó phải luôn luôn đi theo con đường “đúng đắn”, do đảng vạch ra.

Điều đó rõ ràng không thể thực hiện được. Đó là một nhiệm vụ bất khả thi, cũng giống như nhiệm vụ to tát hơn mà đảng đang đối mặt: biến đổi Trung Quốc thành một nước giàu có, đa nguyên, hiện đại nhưng mãi mãi bảo tồn chế độ độc tài cộng sản.

Bản tiếng Anh: China struggles to stay on the right path, Financial Times, 31/10/2011 (Bản PDF, nếu không truy cập được)

Bản tiếng Việt: PVLH. Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/01/china/

2 thoughts on “Trung Quốc chật vật giữ đúng lề thẳng lối

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *