Bàn tay ma quỷ của Trung Quốc ở Châu Phi

Yuriko Koike

TOKYO – Khi Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Libya cố gắng thành lập một chính phủ hiệu quả cho một đất nước mới giải phóng, sự thật về những gì đã diễn ra dưới chế độ của Đại tá Muammar el-Qaddafi đang bắt đầu lộ ra ánh sáng.  Nhiều kho báu đã được phát hiện từ những dinh thự Tripoli nay trống toang sau khi chủ nhân vội vã trốn chạy, và chuyện đã xảy ra với những người bị tra tấn, bị sát hại, và bị mất tích đang bắt đầu được tiết lộ.

Một số bí mật ngoại giao bẩn thỉu nhất của Qaddafi cũng bị phơi trần.  Hôm 2/9/2011, tờ báo Canada The Globe and Mail đăng bài tường thuật những cuộc thương thảo gần đây giữa chế độ Qaddafi đang khốn đốn với những công ty vũ khí Trung Quốc có quan hệ trực tiếp với chính phủ Trung Quốc về những hợp đồng trị giá 200 triệu đô-la.

Những hợp đồng đó là sự vi phạm trắng trợn lệnh cấm vận vũ trang được thiết lập theo Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc 1970, mà Trung Quốc đã chuẩn y.   Nhà cầm quyền Trung Quốc đã bác bỏ tính hiệu lực của những hợp đồng mua bán vũ khí bí mật đó, và nhất mực khẳng định rằng chính phủ không ủy quyền cho họ.  Nhưng một báo cáo công cán đã nêu rõ là các quan chức an ninh của Qaddafi họp với ba công ty sản xuất vũ khí của Trung Quốc: Công ty Công nghiệp Bắc Phương (Norinco), Công ty Xuất Nhập khẩu Máy Chính xác Quốc gia Trung Quốc (CPMIC), và Công ty Xuất Nhập khẩu Trung Quốc Tân Hưng.  Chương trình nghị sự bao gồm không chỉ những kho dự trữ vũ khí hiện có của những công ty này, mà còn có cả lời hứa của những công ty Trung Quốc về việc cung cấp thêm vũ khí nếu được yêu cầu.

Chuyện Qaddafi cầu cạnh Trung Quốc trong lúc tuyệt vọng có phần đáng ngạc nhiên.  Dù gì đi nữa, hắn đã phản ứng trước những hoạt động ngày càng tăng của Trung Quốc ở Châu Phi – mà các quan chức của hắn cho là “tàn dư của chủ nghĩa đế quốc” – bằng cách tiếp đón một cuộc viếng thăm chính thức hồi năm 2006 của Trần Thủy Biển, lúc đó là tổng thống của Đài Loan.  Khi phiến quân tăng cường áp lực, hy vọng cuối cùng của Qaddafi trong việc duy trì quyền lực lại là Trung Quốc, vì thế nỗi lo sợ về ảnh hưởng của Trung Quốc bị gạt qua một bên.

Trong mấy chục năm, Qaddafi hành xử như thể hắn là “Vua trong số những Vua Châu Phi” (như bộ máy tuyên truyền của hắn xưng tụng), dùng doanh thu dầu lửa dồi dào của đất nước hắn để viện trợ cho các nước láng giềng.  Hắn đã công bố khoản đầu tư 97 tỉ đô-la để “giải phóng Châu Phi khỏi Phương Tây”.   Tổng thống Compaoré của Burkina Faso (ban đầu bị đồn đoán có thể là chốn lưu vong của Qaddafi) đã được huấn luyện quân sự ở Libya trong thập niên 1980 trước khi lên nắm quyền sau một cuộc đảo chánh.  Tổng thống Idriss Déby của Chad cũng đã tiến hành thay đổi chính trị năm 1990 với sự hậu thuẫn của Qaddafi.  Tổng thống Mahamadou Issoufou của Niger (hiện đang là chứa chấp Saadi, con trai thứ ba của Qaddafi) đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Ba vừa rồi nhờ hỗ trợ tài chính của Qaddafi.

Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc trở thành một rào cản cho các tham vọng Châu Phi của Qaddafi, và Trung Quốc cản bước hắn bằng cách bắt chước những phương pháp của hắn: mua sự ủng hộ của những nhà độc tài bằng vũ khí và tài chính.  Từ năm 2000, Trung Quốc đã tích cực ve vãn các quốc gia độc tài và không ổn định của Châu Phi với những lời hứa viện trợ và không chịu ủng hộ những biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốcáp dụng với họ.  Thực vậy, Trung Quốc đã hồ hởi giao du với những nước Châu Phi mà Châu Âu và Mỹ không muốn dính líu, do có cấm vận.

Nay dường như đã rõ: các biện pháp cấm vận quốc tế là cánh cửa qua đó Trung Quốc ùa vào tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của Châu Phi cho những ngành công nghiệp khát nguyên liệu của mình.   Ví dụ, thay vì có nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Sudan, như một thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên làm, việc Trung Quốc dính líu quá sâu vào Sudan, bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng dầu lửa và vũ khí, thực sự đã kéo dài cuộc xung đột Darfur.  Một bức thư gởi chính quyền Trung Quốc có chữ ký của nhiều hạ nghị sĩ Mỹ, và một bản báo cáo của Ân Xá Quốc tế tuyên bố rằng Trung Quốc xuất khẩu vũ khí sang Sudan là vi phạm các nghị quyết Liên Hiệp Quốc.   Steven Spielberg, đạo diễn đoạt giải Oscar, đã làm bẽ mặt Trung Quốc khi từ chức cố vấn cho Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 vì họ ủng hộ chính quyền ở Khartoum; ông gọi sự kiện ở Trung Quốc là “Thế Vận Hội diệt chủng”.

Khi Qaddafi bận đánh nhau hồi mùa hè năm nay, mười bang ở miền nam Sudan tách ra tuyên bố độc lập để trở thành quốc gia thứ 54 trên lục địa Châu Phi.  Khoảng 80% sản lượng dầu 490.000 thùng/ngày của Sudan tập trung ở Nam Sudan.  Năm 2010, Trung Quốc nhập khoảng phân nửa sản lượng này, ước chừng 250.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 5% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc.  Do trước đây ủng hộ chính phủ trung ương tàn bạo ở Khartoum, Trung Quốc hiện đang cuống cuồng cố gắng hàn gán quan hệ với Nam Sudan để có thể tiếp tục khai thác trữ lượng dầu của quốc gia mới này.

Cũng như Sudan, Angola, nước sản xuất dầu lớn thứ nhì của Châu Phi, đã trải qua mấy chục năm xung đột liên tục.  Nước này bị Liên Hiệp Quốc cấm vận tới năm 2002.  Tuy nhiên, trong những năm cùng khổ của Angola, Trung Quốc tài trợ cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn để đổi lấy dầu.  Ngày nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu Angola  lớn thứ nhì (Mỹ, nhảy vào cuộc sau khi hết cấm vận, là nước nhập khẩu nhiều nhất).  Thực vậy, Angola sản xuất nhiều dầu cho Trung Quốc hơn Ả Rập Saudi, và nhiều khi có tới 100.000 công nhân Trung Quốc làm việc trong những dự án cơ sở hạ tầng Angola.

Trung Quốc đã chọn một con đường đầy rủi ro – phớt lờ nhân quyền và vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc – nhằm chiếm được những tài nguyên năng lượng và tài nguyên khác cần để duy trì tốc độc tăng trưởng kinh tế nhanh của họ.  Đó là một lựa chọn không xứng với một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, mà cũng không chứng tỏ Trung Quốc sẵn sàng trở thành một nước tham gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Việc Trung Quốc sẵn lòng vũ trang và che chở cho các nhà độc tài Châu Phi, thậm chí bất chấp những lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, làm giảm giá trị lời tuyên bố “hòa bình quật khởi” (peaceful rise, 和平崛起)  của họ.  Với trò hai mang của Trung Quốc ở Libya, thế giới hiện nay nên xác định xem liệu đó có phải là một quốc gia tuân thủ luật lệ quốc tế chỉ khi có lợi cho mình.

Yuriko Koike, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhật, là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Đảng Dân chủ Tự do.

Nguồn: China’s African Mischief, Project Syndicate, 28/9/2011

Bản tiếng Việt © 2013  Phạm Vũ Lửa Hạ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *