Chủ nghĩa tư bản thân hữu: khi “nhất thân nhì thế” lên ngôi

Phạm Vũ Lửa Hạ

Hai mươi năm qua là thời kỳ hoàng kim của giới tư bản thân hữu, những đại gia trong các ngành mà quan hệ thân cận với nhà nước là một phần của cuộc chơi. Đà tăng vùn vụt của giá thương phẩm (commodities) và bất động sản cũng làm thăng hoa giá trị của những giấy phép khai khoáng ở Trung Quốc, hoặc xây cao ốc văn phòng ở São Paulo. Phổ tần số vô tuyến cho ngành viễn thông được chính quyền Ấn Độ ban phát giúp nhiều người sáng mở mắt thức dậy bỗng thành tỷ phú. Những bảo đảm ngầm của nhà nước giúp Wall Street và nhiều giới khác vớ bở khi giúp huy động vốn để mở sòng bạc…

Mưu cầu đặc lợi

Nhìn từ lăng kính kinh tế học, chủ nghĩa tư bản thân hữu là hành vi “mưu cầu đặc lợi” (“rent-seeking”). Đây là thuật ngữ được giới kinh tế học dùng khi chủ nhân của một tư liệu sản xuất (đất đai, lao động, máy móc, vốn) kiếm được nhiều lợi nhuận hơn mức hợp lý trong một thị trường cạnh tranh tự do. Hành vi trục lợi này chỉ chăm chăm giành cho được miếng lớn hơn trong cái bánh hiện có, chứ không nỗ lực làm ra cái bánh lớn hơn. Độc quyền, cartel và vận động hành lang là những cách phổ biến để hưởng đặc lợi. Những ngành dễ bị trục lợi thường có nhiều tương tác với nhà nước, hoặc được nhà nước quản lý, cấp giấy phép: ví dụ viễn thông, khai khoáng, bất động sản, xây dựng và quốc phòng. Tuy có thể liên quan tới tham nhũng, hành vi mưu cầu đặc lợi thường là hợp pháp.

Sự câu kết trong giới tư bản thân hữu không phải là chuyện mới. Từ ngàn xưa đã có chuyện thương gia cầu cạnh ơn huệ của triều đình. Một đặc trưng của hệ thống kinh tế trọng thương phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ 16 tới cuối thế kỷ 18 là nhà nước cấp độc quyền và giấy xác nhận đặc quyền cho những thương gia có quan hệ thân cận với các quan trong triều. Ngoài ra còn có các đặc quyền về thuế cho một số thương gia, hạn chế cạnh tranh bằng hạn ngạch và thuế quan, vua chúa trực tiếp trợ cấp cho một số ngành, và các hội ngành nghề phối hợp với nhà nước để hạn chế gia nhập ngành nghề và bóp nghẹt phát triển công nghệ.

Ngày nay, chủ nghĩa tư bản thân hữu, mang nhiều sắc thái khác nhau từ giật dây gây ảnh hưởng tới hối lộ. Chủ nghĩa tư bản thân hữu phần lớn là hợp pháp, nhưng luôn không công bằng. Nó làm giảm niềm tin ở nhà nước, phân bổ sai lầm các nguồn lực trong nền kinh tế, và cản đường đi tới thịnh vượng của đất nước và của những doanh nhân thực thụ.

Bản thân thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 để mô tả cách vận hành của nền kinh tế Philippines trong chế độ Marcos. Thuật ngữ này được dùng rất nhiều trong những cách lý giải cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, nhất là vai trò của các quyết định của nhà nước thiên vị các doanh nhân “thân hữu” (nhiều người trong đó là thân nhân) của giới lãnh đạo, ví dụ tổng thống Suharto của Indonesia.

Chris Edwards, trưởng ban nghiên cứu chính sách thuế ở viện nghiên cứu Cato Institute, cho rằng có ba loại tư bản thân hữu: chi tiêu trực tiếp của nhà nước (như trợ cấp nông nghiệp); miễn giảm thuế cho một số ít, không có căn cứ; và các lợi thế nhờ luật lệ và quy định quản lý nhà nước. Một số ví dụ điển hình ở Mỹ gần đây là chương trình giải cứu các ngân hàng lớn bằng cách mua lại các tài sản xấu (TARP), và trợ cấp cho năng lượng sạch. Theo tạp chí Reason, các hoạt động của Export-Import Bank, ngân hàng chuyên tài trợ ngoại thương của Mỹ, chủ yếu làm lợi cho một số ít tập đoàn lớn, và nguồn vốn quốc tế của ngân hàng này thường dành cho các doanh nghiệp nhà nước như Pemex của Mexico hoặc Air Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Nhìn chung, chủ nghĩa tư bản thân hữu phá vỡ các cơ chế trao đổi của thị trường tự do trong khuôn khổ quyền sở hữu tài sản và chế độ pháp trị. Trọng tâm không còn nằm ở những cá nhân và doanh nghiệp làm giàu bằng cách tự do sáng tạo và cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng ở mức giá cạnh tranh. Thay vì vậy, ăn nên làm ra là nhờ biết khai thác quyền lực của nhà nước để đánh lận sao cho có lợi cho mình. Nhìn bề ngoài, đặc tính “thuận mua vừa bán” của kinh tế thị trường vẫn còn đó, nhưng các quy tắc và thể chế cơ bản của nó từ từ bị phá hoại bởi các doanh nghiệp tìm cách để được nhà nước ưu ái. Ưu ái thì đủ kiểu: trợ cấp, độc quyền, giao hợp đồng không qua đấu thầu, kiểm soát giá, ưu đãi thuế, bảo hộ, cấp vốn giải cứu, cấp tín dụng quốc doanh với lãi suất thấp hơn thị trường … Bởi vậy, ở Mỹ, tư bản thân hữu còn được gọi là “phúc lợi dành cho doanh nghiệp” (corporate welfare), hoặc nói kiểu toạc móng heo hơn là “[nhà nước] chọn người thắng kẻ thua” (picking winners and losers).

Vài năm trước, David Pilling, nguyên trưởng ban Châu Á của báo Financial Times, nhận định rằng tuy hai nước rất chênh lệch về quy mô kinh tế và mức thu nhập bình quân đầu người, khó mà bỏ qua những nét tương đồng về hình thái tư bản thân hữu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông cho rằng Việt Nam đã đi thẳng từ chế độ tập thể sang chủ nghĩa tư bản thân hữu, bỏ qua các giai đoạn ở giữa. Ông nhắc tới một số ví dụ điển hình như Vinashin với số nợ lên tới 4,4 tỷ đô-la, và bầu Kiên, một trong những đồng sáng lập viên ACB. Theo ông, những vụ bê bối gần đây cho thấy tham nhũng, nhóm lợi ích và sự lãng phí nguồn lực đã ăn sâu trong hệ thống; nếu những người đã hưởng quá nhiều lợi lộc từ hệ thống đó không có động cơ phá bỏ nó, tiến bộ kinh tế Việt Nam sẽ đáng thất vọng.

Hồi tháng 2-2016, trong một bài viết cho Hoover Institution, Jonathan Macey, giáo sư luật ở Đại học Yale, những người hưởng lợi chính của chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam là Đảng Cộng sản và các cán bộ. Theo ông, chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam có ở cả hai cấp độ vi mô lẫn vĩ mô. Cấp độ vi mô là những biểu hiện của tham nhũng thường có tính cá nhân, không hệ thống như bổ nhiệm, tuyển dụng hay tuyển sinh dựa trên quan hệ và lý lịch, chứ không phải căn cứ vào tài năng. Cấp độ vĩ mô là những biểu hiện của tham nhũng có tính hệ thống, ưu đãi cho một số nhóm cụ thể. Một ví dụ điển hình là chỉ tuyển dụng đảng viên, thân nhân và bằng hữu của họ cho các chức vụ trong bộ máy nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước.

Chỉ số tư bản thân hữu

Năm 2014, tạp chí The Economist (Anh) lập chỉ số về tư bản thân hữu để kiểm chứng xem có phải thế giới đang trải qua một thời kỳ mới của những “robber baron” (tạm dịch là “đại gia ăn cướp”, dùng để chỉ những nhà đại tư bản trong thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ vào cuối thế kỷ 19). Đáng buồn là chỉ số này cho thấy kể từ khi tiến trình toàn cầu hóa cất cánh trong thập niên 1990, của cải của giới tỷ phú trong những ngành thường có quan hệ thân hữu mật thiết với chính quyền, như sòng bạc, dầu khí và xây dựng, đã tăng vọt. Tài sản của giới tư bản thân hữu tính theo tỷ lệ so với GDP toàn cầu và với tổng của cải của giới tỷ phú đã tăng mạnh. Trên toàn thế giới, tài sản của các đại gia trong các ngành tư bản thân hữu tăng 385% trong thời kỳ 2004-2014, lên tới 2.000 tỷ đô-la, tức 1/3 tổng của cải của các tỷ phú; phần lớn là ở các thị trường mới trỗi dậy.

crony-index-2016

Chỉ số của The Economist dựa trên nghiên cứu của Ruchir Sharma ở hãng Quản lý Đầu tư Morgan Stanley, và Aditi Gandhi và Michael Walton ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Delhi, và nhiều người khác. Chỉ số này dùng số liệu về tài sản của giới tỷ phú từ các bảng xếp hạng của tạp chí Forbes. Mỗi tỷ phú được xác định có phải là tư bản “thân hữu” hay không, dựa trên ngành mà người đó làm ăn nhiều nhất. Các quốc gia được so sánh về tổng của cải tư bản thân hữu tính theo % GDP; bảng xếp hạng gồm 22 nền kinh tế: 5 nước giàu nhất, 10 nước mới trỗi dậy lớn nhất có số liệu đáng tin cậy, và một số nước chọn lọc khác mà ở đó chủ nghĩa tư bản thân hữu là một vấn nạn. Chỉ số này không nhằm phản ánh các hình thức tham nhũng lặt vặt phổ biến ở nhiều nước như đút lót để giải quyết nhanh hay tránh bị phạt vi phạm giao thông.

crony-industriesCác nước đang phát triển chiếm khoảng 43% GDP toàn cầu, nhưng tới 65% của cải “thân hữu”. Các nước giàu có nhiều tỷ phú nhưng ít nhà tư bản thân hữu hơn; chỉ có 14% của cải của giới tỷ phú xuất phát từ các ngành nhiều đặc lợi. Đức là nước “trong sạch” nhất, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ trong của cải của giới tỷ phú nước này xuất phát từ các ngành “thân hữu”. Trong số các nước lớn, Nga vẫn tệ nhất, phản ánh nạn tham nhũng và sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Ukraine và Malaysia tiếp tục có kết quả tệ hại. Ở cả hai nước này, chủ nghĩa thân hữu đã dẫn tới tình trạng bất ổn chính trị. Ở Singapore mà lót tay quan chức thì bị còng tay ngay. Nhưng thị quốc này có kết quả kém vì là trung tâm giao thương của các nước láng giềng sôi động hơn, và các gia tộc kinh doanh bất động sản và ngân hàng.

Ấn Độ dường như đang đi đúng hướng. Năm 2008, của cải “thân hữu” lên tới 18% GDP, ngang hàng với Nga. Hiện nay, mức đó chỉ còn 3%, tương tự như Úc. Giá thương phẩm rớt mạnh đã xóa sổ nhiều đại gia trong ngành khai khoáng còn sơ khai của nước này. Chính phủ Ấn Độ đã mạnh tay xử l‎ý tham nhũng, và ngân hàng trung ương đã yêu cầu các ngân hàng quốc doanh ngừng cấp cho các đại gia những khoản tín dụng “thơm tho”. Phần lớn của cải của giới tỷ phú Ấn Độ hiện nay từ các ngành như dược phẩm, xe, và hàng tiêu dùng.

Xét về giá trị tuyệt đối, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) hiện nay là nơi tập trung của cải “thân hữu” lớn nhất thế giới, ở mức 360 tỷ đô-la. Thái độ phê phán của Tập Cận Bình đối với nạn cờ bạc đã tác hại nặng nề tới các đại gia sòng bạc ở Macau. Phần lớn của cải của đại gia năng lượng L‎ý Hà Quân đã bốc hơi. Nhưng trong các ngành nhiều đặc lợi đã xuất hiện các tỷ phú mới trước đây không ai biết, như Vương Kiện Lâm của tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda), người tự xưng là giàu hơn L‎ý Gia Thành, doanh nhân hàng đầu của Hong Kong.

Tuy vậy, khi tính theo % GDP, Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) chỉ xếp thứ 11. Trường hợp Trung Quốc cho thấy hai nhược điểm lớn trong phương pháp của The Economist. Chỉ số này chỉ tính những người công bố của cải trên một tỷ đô-la. Có nhiều nhà tư bản thân hữu nghèo hơn, và ở Trung Quốc một nhà tư bản thân hữu khôn ngoan không phô trương. Và cách phân loại các ngành khá sơ sài. Ở Châu Âu, những doanh nghiệp có tương tác với nhà nước có lẽ là trong sạch, trong khi đó ở Trung Quốc đại lục, giới tỷ phú ở mọi ngành đều phải trông cậy ân huệ của đảng. Nếu như toàn bộ của cải của giới tỷ phú ở Trung Quốc được xếp vào loại trục lợi, nước này sẽ xếp hạng 5.

Trong chỉ số tư bản thân hữu của The Economist, công nghệ được giả định là ngành tương đối không bị nhà nước can thiệp, và do vậy ít bị trục lợi hơn. Nhưng giả định đó đang bị thực tế hiện nay thử thách. Alphabet, công ty mẹ của Google, đã trở thành một trong những hãng vận động hành lang lớn nhất ở Washington và thường xuyên thương lượng ở Châu Âu về các quy định chống độc quyền và thuế. Uber vướng vào nhiều tranh chấp về quản l‎ý nhà nước trên khắp thế giới. Jack Ma, sếp của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba ở Trung Quốc, được nhà nước bảo hộ tránh cạnh tranh nước ngoài, và hiện nay phần lớn của cải của ông là nhờ cổ phần trong Ant Financial, một hãng thanh toán trực thuộc trị giá 60 tỷ đô-la, mà những nhà đầu tư bên ngoài lớn nhất là quỹ đầu tư quốc gia và quỹ bảo hiểm xã hội của Trung Quốc. Nếu công nghệ được phân loại là ngành “thân hữu”, của cải có được nhờ đặc lợi sẽ cao hơn và tăng đều đặn ở các nước phương Tây.

Cuộc chiến trên toàn cầu

Thế hệ vàng mới của tư bản thân hữu dường như đang tứ bề thọ địch. Ở London, đại gia Vijay Mallya đang gắng tránh bị trục xuất về Ấn Độ khi chính quyền Ấn Độ điều tra đế chế sụp đổ của ông. Năm ngoái ở São Paulo, các sếp ở Odebrecht, hãng xây dựng lớn nhất Brazil, bị bắt và đưa về một tòa án ở thành phố miền nam Curitiba, nơi đang điều tra các vụ làm ăn tham nhũng với tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras. Vụ bê bối này dính líu tới nhiều chính khách của nhiều đảng, trong đó có Đảng Công nhân cầm quyền, và góp phần tăng áp lực với bà Dilma Rousseff, người đã bị phế truất trong thời gian bị quốc hội điều tra để luận tội về những cáo buộc khác.

Quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia (do thủ tướng Najib Razak lập năm 2009 để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà) đang bị điều tra tham nhũng trên toàn cầu; hôm 20-7-2016, FBI thông báo Mỹ đã tịch thu các tài sản có giá trị trên 1 tỷ đô-la bị cho là có liên quan tới những khoản biển thủ từ quỹ 1MDB. Ở Philippines, chính khách lập dị Rodrigo Duterte đã đắc cử tổng thống hồi tháng 5 một phần là nhờ công chúng hy vọng ông sẽ tấn công một hệ thống chính trị đã cho phép chủ nghĩa tư bản thân hữu sinh sôi nảy nở. Tại Trung Quốc, sếp của các doanh nghiệp quốc doanh lẫn tư nhân nay thường xuyên bị thẩm vấn trong chiến dịch đả hổ của Tập Cận Bình (tuy báo chí nước ngoài cho rằng ông không động tới gia quyến của mình). Trên toàn cầu, hồ sơ Panama đã tiết lộ những thủ thuật cất giấu tài sản của các đại gia.

Do vậy, chỉ số năm 2016 cho thấy tài sản của giới tỷ phú tư bản thân hữu giảm xuống còn 1,75 ngàn tỷ đô-la, giảm 16% từ năm 2014. Ở các nước giàu, tài sản của giới tư bản thân hữu khá ổn định, bằng khoảng 1,5% GDP. Ở các nước mới trỗi dậy, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 4% GDP, từ mức cao nhất 7% vào năm 2008. Và của cải đang dần rời xa các ngành thân hữu và chuyển sang các ngành sạch sẽ hơn như hàng tiêu dùng.

Hiện nay giới tư bản thân hữu có vẻ đang lùi bước. Một lý do là thương phẩm rớt giá thảm hại. Một lý do khác là trào lưu phản đối của tầng lớp trung lưu. Các vụ bê bối tham nhũng khiến chính phủ ở Brazil và Malaysia ngồi trên lửa. Ở những nước khác, áp lực xuất phát từ trên xuống. Narendra Modi, thủ tướng chủ trương cải cách của Ấn Độ, đang cố mở rộng cửa để buộc nền kinh tế có phần khép kín của nước nhà đón nhận trận cuồng phong cạnh tranh. Tập Cận Bình đang cố gắng loại trừ tham nhũng vì xem đó là mối nguy lớn cho chế độ độc đảng ở Trung Quốc.

Tuy vậy, còn quá sớm để nói rằng thời kỳ tư bản thân hữu này đã chấm dứt — và không chỉ vì nước Mỹ có thể có tổng thống mới là tỷ phú với nhiều thương vụ trong các ngành “thân hữu” như bất động sản và sòng bạc (Donald Trump đứng thứ 104 trong bảng xếp hạng cá nhân về tư bản thân hữu.)

Tổn thất xã hội

Tư bản thân hữu gây ra nhiều tác hại đáng kể về cả kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế, tư bản thân hữu cản trở tăng trưởng bằng sáng tạo và cạnh tranh, và làm giảm đáng kể hiệu quả vì dẫn tới nhiều luật lệ và quy định quản lý chỉ phục vụ một số giới. Ngoài ra, các dàn xếp thân hữu thiếu minh bạch, nên khó mà đánh giá đúng chi phí thực của các hoạt động kinh tế khác nhau. Ví dụ, ngành công nghiệp ethanol ở bang Iowa, Mỹ, liệu có lãi hay không khi những trợ cấp được giới lập pháp Iowa thông qua bị bãi bỏ? Liệu các trợ cấp ethanol này có khiến nhiều người Iowa mờ mắt, không thấy được lợi thế cạnh tranh thực sự của bang mình?

Về chính trị, tác hại dễ thấy nhất là sự bất công khi các chính khách và quan chức chính phủ dùng quyền lực nhà nước để trao các đặc quyền hợp pháp cho những nhóm cụ thể để đổi lại sự ủng hộ chính trị và tài chính của họ. Những chế độ bán độc tài như Indonesia thời Suharto dùng các dàn xếp thân hữu để bảo đảm được giới kinh doanh ủng hộ lâu dài. Nhờ đó, một mối quan hệ mật thiết hình thành giữa chế độ Suharto và phần lớn cộng đồng kinh doanh Indonesia mà không thể phá vỡ, cho tới khi cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 buộc Suharto từ chức.

Một bất công khác là các nguồn lực dùng để trang trải cho các dàn xếp thân hữu lại xuất phát từ những người không được hưởng các ưu đãi đó. Trong cuốn “The Price of Inequality” (Cái giá của sự bất bình đẳng), nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nhận định rằng chủ nghĩa tư bản thân hữu tạo điều kiện phát sinh một hình thức bất bình đẳng thu nhập không thể chấp nhận được do những người lắm thân nhiều thế chiếm lấy phần nhiều hơn người khác trong số của cải hiện có, thay vì tạo ra của cải mới bằng chính công sức của họ.

Nhà kinh tế học người Mỹ Mancur Olson từng nói rằng dân chủ trước sau gì cũng sẽ dẫn tới tình trạng này: chính trị chỉ là cuộc đấu đá tranh giành giữa các nhóm lợi ích để vơ vét những đặc lợi từ nền kinh tế. Trong cuốn This Town, Mark Leibovich, phóng viên chính trị quốc gia của New York Times, ước tính rằng 42% hạ nghị sĩ và 50% thượng nghị sĩ Mỹ sau khi về hưu ở lại Washington D.C. để làm nhà vận động hành lang. Năm 2012, nhà kinh tế học người Ý Luigi Zingales nhận xét rằng bảy trong số 10 hạt giàu nhất ở Mỹ nằm ở các vùng ngoại ô của Washington D.C., “nơi không sản xuất ra gì khác ngoài luật lệ”.

Năm 2015, Committee for Economic Development (CED, Ủy ban Phát triển Kinh tế), một tổ chức nghiên cứu chính sách công độc lập do giới quản lý doanh nghiệp Mỹ lập ra, công bố báo cáo “Chủ nghĩa tư bản thân hữu: Những mối quan hệ không lành mạnh giữa doanh nghiệp và nhà nước”. Theo đó, chi phí tăng vọt của các chiến dịch tranh cử, cộng với ảnh hưởng ngày càng tăng của giới vận động hành lang đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Các tác giả báo cáo đó nêu nhiều ví dụ về sự kém hiệu quả do ảnh hưởng của của giới vận động hành lang. Một ví dụ điển hình là chương trình trợ cấp liên bang dành cho ngành sản xuất đường mà CED ước tính gây thiệt hại gần 4 tỷ đô-la/năm cho người tiêu dùng. CED trích dẫn phân tích của Heritage Foundation cho thấy tuy sản lượng mía đường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị sản lượng cây trồng ở Mỹ, ngành sản xuất đường chiếm hơn 1/3 trong toàn bộ hoạt động vận động hành lang của ngành nông nghiệp Mỹ từ năm 2002 tới năm 2011. Các ủy ban hành động chính trị (PAC) có liên quan tới các công ty đường đóng góp tài chính cho các chiến dịch tranh cử nhiều hơn những nhà vận động hành lang cho tất cả các ngành nông nghiệp khác ở Mỹ cộng lại. CED cũng trích dẫn một nghiên cứu của Sunlight Foundation; kết quả phân tích 200 doanh nghiệp cho thấy từ năm 2007 tới năm 2010, những công ty chi mạnh cho vận động hành lang đóng thuế liên bang với thuế suất hiệu dụng thấp hơn những công ty không chi.

Biết bắt đầu từ đâu?

Trong nỗ lực chống tư bản thân hữu, khó khăn lớn nhất thường là biết bắt đầu từ đâu. Rất cần có những tòa án hữu hiệu, các cơ quan quản lý nhà nước công bằng, và chấm dứt việc tài trợ chính trị mờ ám. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng phải qua nhiều thế hệ mới đạt được.

Vì vậy, the The Economist, chính phủ các nước nên tập trung vào bốn cách nhanh hơn. Thứ nhất, hết sức cẩn trọng khi các nguồn lực công chuyển sang tay tư nhân. Những đợt tư hữu hóa sai lầm đã đẻ ra những nhà tư bản quả đầu ở Nga. Mexico đang mở cửa ngành dầu khí độc quyền. Saudi Arabia có kế hoạch cho tập đoàn dầu khí quốc doanh Saudi Aramco lên sàn chứng khoán, với triển vọng trở thành công ty đại chúng trị giá 2 ngàn tỷ đô-la, lớn gấp 4 lần Apple và 5 lần ExxonMobil. Và nhiều nước đang phát triển muốn giải bài toán tăng trưởng thấp như Trung Quốc, Brazil, và Ấn Độ có thể cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để huy động vốn và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Nếu những đợt bán cổ phần này không công bằng, một thế hệ tư bản thân hữu mới sẽ ra đời.

Thứ hai, chính phủ phải kiềm chế các ngân hàng quốc doanh. Trong thập niên qua, tình trạng cấp tín dụng quốc doanh ồ ạt ở Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đã làm giàu cho những đại gia nhiều thân thế, đồng thời dựng nên hàng núi nợ xấu. Thay vì chống lưng các ngân hàng này, chính phủ nên cải cổ cách điều hành chúng.

Biện pháp thứ ba là khiến giới tư sản thân hữu khó trữ tiền của ở nước ngoài hơn. Thế giới giàu có hơn nhờ những dòng vốn lưu chuyển toàn cầu, nhưng chúng cũng giúp cho giới tư sản thân hữu cất giấu tài sản ở những nơi tránh thuế. Buộc đăng ký công khai danh tánh người thụ hưởng đằng sau các quỹ tín thác và những công ty trá hình sẽ tạo được rào cản đó. Vấn đề này đã được bàn trong hội nghị thượng đỉnh chống tham nhũng tại London hồi tháng 5 năm nay.

Cuối cùng, chuẩn bị tinh thần là chủ nghĩa tư bản thân hữu sẽ thay đổi để thích nghi. Sự bùng nổ công nghiệp vô đối của Trung Quốc sẽ không lặp lại; đã qua rồi cái thời kiếm được bạc tỷ nhờ nhập quặng sắt từ Ấn Độ về Trung Quốc. Công nghệ có thể là trận địa mới của tư bản thân hữu. Công nghệ là mảnh đất màu mỡ để trục lợi: lợi nhuận khổng lồ, và độc quyền xuất hiện tự nhiên. Nhà nước không nên gắng quản l‎ý chi ly cặn kẽ các hãng công nghệ, mà nên tích cực thúc đẩy cạnh tranh và minh bạch.

(Tổng hợp.)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

2 thoughts on “Chủ nghĩa tư bản thân hữu: khi “nhất thân nhì thế” lên ngôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *