Lịch sử bí ẩn của nhà tù CIA ở Ba Lan

Adam Goldman

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Vào một ngày lạnh giá đầu năm 2003, hai viên chức cao cấp CIA đến Đại sứ quán Mỹ tại Warsaw, để nhận hai thùng các-tông lớn. Bên trong là những gói tiền mặt có trị giá tổng cộng 15 triệu Mỹ kim được máy bay chở sang từ Đức qua đường thư ngoại giao.

Họ đặt hai cái thùng vào chiếc xe van rồi len lỏi quanh thủ đô Ba Lan cho đến khi đến trụ sở cơ quan tình báo Ba Lan. Đón tiếp họ là Đại tá Andrzej Derlatka, phó giám đốc cơ quan tình báo, và hai nhân viên cấp dưới của ông.

Sau đó, các viên chức Mỹ và Ba Lan này ký kết một thỏa thuận mà trong nhiều tuần trước đó đã cho phép CIA dùng một nhà tù bí mật – một biệt thự hẻo lánh ở vùng hồ Ba Lan – để thẩm vấn các nghi phạm al-Qaeda. Cơ quan tình báo Ba Lan nhận tiền, và CIA có một địa điểm đáng tin cậy cho hoạt động ngầm mới nhất của mình, theo các cựu viên chức CIA phát biểu với điều kiện được giữ kín tên để bàn về chương trình thẩm vấn này, trong đó có các chi tiết trước đây chưa được tường thuật về việc thành lập các “địa điểm đen”, tức các nhà tù bí mật, của CIA.

Nhà tù của CIA ở Ba Lan có lẽ là nơi quan trọng nhất trong tất cả các địa điểm đen do cơ quan này lập ra sau các vụ khủng bố 11/9/2011. Đây là nơi đầu tiên trong ba địa điểm ở Châu Âu giam giữ đợt đầu tiên của những kẻ bị cáo buộc âm mưu gây ra vụ 11/9, và là nơi Khalid Sheik Mohammed, người tự xưng là chủ mưu các vụ tấn công đó, bị tra tấn bằng hình thức bịt mặt dội nước (waterboarding) 183 lần sau khi hắn bị bắt.

Phần lớn chuyện thành lập và hoạt động của nhà tù CIA tại một căn cứ ở một trong những nền dân chủ non trẻ của Trung Âu vẫn còn nằm trong màn bí mật; đó là những vấn đề được chính phủ liệt vào hạng bí mật nhà nước. Nhưng chuyện xảy ra ở Ba Lan cách đây hơn một thập niên tiếp tục còn âm hưởng, và cuộc tranh luận kịch liệt về chương trình thẩm vấn của CIA sắp bùng nổ trở lại.

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ dự định công bố một số phần trong báo cáo thấu đáo dày 6.000 trang về chương trình thẩm vấn, hiệu quả của nó trong việc moi được thông tin tình báo quan trọng và liệu có phải Quốc hội đã bị lừa dối về những khía cạnh của chương trình này.

Cách đối xử các tù nhân cũng tiếp tục là một vấn đề pháp lý trong các phiên tòa quân sự xử Mohammed và những người khác tại [trại giam] Vịnh Guantanamo ở Cuba.

Và hồi tháng 12/2013, Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã nghe điều trần các lập luận cho rằng Ba Lan vi phạm luật quốc tế và tham gia vào việc tra tấn bằng cách cung cấp địa điểm cho đồng minh Mỹ; dự kiến năm nay sẽ có phán quyết.

“Bất chấp những nỗ lực của Ba Lan và Mỹ nhằm che đậy những vi phạm này, Tòa án Nhân quyền Châu Âu hiện nay có cơ hội phá vỡ âm mưu im lặng này và duy trì chế độ pháp trị,” Amrit Singh, luật sư thuộc Sáng kiến Công lý Xã hội Mở (Open Society Justice Initiative) nói. Luật sư này đã thỉnh nguyện lên tòa án này thay mặt cho một tù nhân bị giam giữ ở địa điểm tại Ba Lan.

Cần một địa điểm tốt hơn

Chuyện một biệt thự Ba Lan trở thành địa điểm của một trong những nhà tù khét tiếng nhất trong lịch sử Mỹ bắt đầu ở thành phố Faisalabad, Pakistan, sau khi Zayn al-Abidin Muhammed Hussein, được biết đến nhiều hơn dưới tên Abu Zubaida, bị bắt hồi tháng 3/2002. CIA cần một nơi để cất giấu tù nhân “giá trị cao” đầu tiên của mình, kẻ được cho là có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo al-Qaeda và có thể biết về những âm mưu tiếp theo sau.

Campuchia và Thái Lan ngỏ ý giúp CIA. Campuchia hóa ra bết bát hơn trong hai nơi này. Các viên chức CIA nói với cấp trên rằng địa điểm được đề xuất toàn rắn với rắn. Vì vậy, CIA chở Abu Zubaida bằng máy bay đến Thái Lan, giam hắn ở một địa điểm hẻo lánh cách Bangkok ít nhất một giờ lái xe.

CIA từ chối bình luận, và chính quyền Ba Lan thông qua đại sứ quán ở Washington cũng từ chối. Derlatka, viên chức tình báo Ba Lan, không hồi đáp các tin nhắn yêu cầu bình luận.

Mấy tháng sau khi bắt giam Abu Zubaida, CIA bắt được Abd al-Rahim al-Nashiri, bị tình nghi có liên quan đến một cuộc tấn công của al-Qaeda vào một tàu chiến của Mỹ ở Yemen. Hắn cũng được đưa đến địa điểm ở Thái Lan.

Do triển vọng sẽ giam giữ thêm nhiều nghi phạm bị bắt, CIA cần có một địa điểm tốt hơn. Một cựu viên chức cao cấp CIA nói về cơ sở ở Thái Lan: “Đó chỉ là một trại nuôi gà mà chúng tôi sửa lại.”

CIA-Poland_2CIA liên hệ các cơ quan tình báo nước ngoài. Trưởng đại diện CIA ở Warsaw báo cáo về với tin vui. Cơ quan tình báo Ba Lan, gọi là Agencja Wywiadu, có một căn cứ huấn luyện ở một biệt thự mà CIA có thể dùng ở Stare Kiejkuty, cách Warsaw ba giờ lái xe về phía bắc.

Các quan chức Ba Lan hỏi liệu CIA có thể tân trang cơ sở này. CIA chấp nhận, bỏ ra gần 300.000 Mỹ kim để trang bị máy quay an ninh.

Các phòng ốc không được rộng rãi lắm. Biệt thự hai tầng này có thể giam giữ được một số tù nhân. Một nhà phụ lớn đằng sau nhau cũng được sửa thành một xà lim.

Viên chức CIA đó nhớ lại: “Khá là khắc khổ.”

Còn có một phòng mà ở đó, nếu chịu hợp tác, tù nhân có thể tập thể dục trên xe đạp cố định hoặc dùng máy chạy bộ.

Ngày 5/12/2012, Nashiri và Abu Zubaida được đưa đến Ba Lan và chuyển đến địa điểm này (có mật danh là “Quartz”).

Năm ngày sau, một e-mail gởi cho các nhân viên CIA thông báo rằng chương trình thẩm vấn đã bắt đầu hoạt động, và chịu sự giám sát của Ban Đặc nhiệm của Trung tâm Chống Khủng bố (CTC).

Các viên chức bắt đầu đóng cửa nhà tù ở Thái Lan, xóa sạch mọi dấu vết về sự hiện diện của CIA.

Hàng rào kẽm gai bao quanh một khu vực quân sự ở làng Stare Kiejkuty, Ba Lan (Kacper Pempel/Reuters).
Hàng rào kẽm gai bao quanh một khu vực quân sự ở làng Stare Kiejkuty, Ba Lan (Kacper Pempel/Reuters).

Những cuộc thẩm vấn khắc nghiệt

Theo các cựu viên chức CIA, lãnh đạo CIA chọn Mike Sealy, một viên chức tình báo cao cấp, để điều hành địa điểm đen ở Ba Lan. Ông được gọi là “giám đốc chương trình” và được hướng dẫn về một số “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” đã được hình thành ở CIA và được các luật sư của Bộ Tư Pháp chấp thuận. Những kỹ thuật này có bao gồm tát vào mặt, làm thiếu ngủ và bịt mặt dội nước (waterboarding), tức là kỹ thuật dội nước lên mặt đã bị bịt kín của tù nhân để tạo cảm giác chết đuối.

“Tôi thực sự tin rằng đó là tra tấn.” Năm 2009, tổng thống Obama đã nói như vậy về đòn bịt mặt dội nước.

Ở Poland, Sealy quản lý khoảng 5 hoặc 6 viên chức bảo vệ đặc biệt mà CIA đã phái sang để giữ an ninh. Số chuyên viên phân tích và viên chức thay đổi tùy lúc. Giới chức Ba Lan có thể đến thăm một khu vực chung dùng làm nơi ăn trưa, nhưng họ không được tiếp xúc với các tù nhân.

Chẳng bao lâu sau đã nảy sinh các vấn đề về thực hiện các nghi thức thẩm vấn.

Các viên chức CIA bất đồng về tầm quan trọng của vai trò bị cáo buộc của Nashiri trong vụ đánh bom tàu USS Cole ở Yemen vào năm 2000; vụ tấn công này làm thiệt mạng 17 thủy thủ Mỹ.

“Hắn là một thằng ngu,” một cựu viên chức CIA đã ủng hộ chương trình này nói. “Hắn chẳng biết đọc, chẳng hiểu truyện tranh.”

Các viên chức khác của Ban Đặc nhiệm của Trung tâm Chống Khủng bố (CTC) nghĩ rằng Nashiri là một nhân vật chủ chốt của al-Qaeda và đang giấu thông tin. Sau một cuộc họp căng thẳng vào tháng 12/2002, các quan chức hàng đầu của CIA quyết định họ cần mạnh tay hơn với Nashiri, theo lời kể của hai cựu quan chức tình báo Mỹ.

Họ quyết định cửa một chuyên viên ngôn ngữ CIA đã từng làm việc cho FBI ở New York. Albert El Gamil là người gốc Ai Cập, và thông thạo tiếng Ả Rập, nhưng ông không phải là một thẩm vấn viên được đào tạo bài bản.

Gamil bay sang Ba Lan; ở đó ông bắt Nashiri trải qua một màn mô phỏng xử tử và dí máy khoan vào đầu của Nashiri khi hắn đang bị bịt mắt, theo lời thuật lại của nhiều cựu quan chức CIA. Tổng thanh tra CIA cũng tường trình về những sự kiện này.

Các quan chức hàng đầu của CIA biết về các biến cố này vào tháng 1/2003 sau khi một nhân viên bảo vệ an ninh ở địa điểm này báo động. Sealy và Gamil bị rút khỏi Ba Lan và bị đưa ra khỏi chương trình này, theo nhiều cựu quan chức CIA. Ít lâu sau, họ rời khỏi CIA.

Cả Sealy lẫn Gamil đều từ chối bình luận.

‘Những kết quả tích cực đáng kể’

Vào tháng 3/2003, Khalid Sheik Mohammed bị bắt ở thành phố Rawalpindi, Pakistan, và bị đưa sang Ba Lan. Theo nhiều cựu quan chức CIA, hắn tỏ ra là người khó bị khuất phục, ngay cả khi bị bịt mặt dội nước. Mohammed thường đếm từng giây, từ 20 đến 40, biết rằng trò chết đuối mô phỏng này luôn chấm dứt trong một khoảng thời gian nhất định.

Một quan chức CIA cho biết có lần, Mohammed ngủ trên bàn thực hiện trò này giữa các lần bị bịt mặt dội nước. Những các quan chức CIA nói rằng cuối cùng hắn chịu thua sau khi bị mất ngủ quá nhiều.

Các quan chức CIA khẳng định rằng trong khi ở Ba Lan, Mohammed, vốn là người có cái tôi rất lớn, bắt đầu chịu nói. Hắn thích rao giảng với các viên chức CIA, và họ thường lái các cuộc đối thoại sang những hướng có lợi cho họ. Hắn cũng thích thách đố những người thẩm vấn hắn. Có lần, một nữ viên chức (về sau thiệt mạng ở Afghanistan) hỏi cung Mohammed ở Ba Lan. Bà nói với hắn là bà biết hết mọi điều về hắn và hắn không nên nói dối với bà, hai cựu viên chức CIA kể lại.

Mohammed ngả lưng vào ghế rồi hỏi lại: “Vậy sao bà còn tới đây?”

Các quan chức cho biết Abu Zubaida cũng cung cấp thông tin quan trọng cho những người thẩm vấn. Hắn nhận dạng nhiều người trong các bức ảnh và cung cấp cái mà một quan chức gọi là “hàng trăm mẩu dữ liệu”.

Các quan chức nói Abu Zubaida thậm chí còn sẵn sàng giúp thuyết phục những tù nhân mới khai thông tin. “Thánh Allah biết tôi chỉ là con người và biết rằng tôi sẽ được tha thứ,” một cựu quan chức nhớ hắn đã nói vậy.

Các cựu quan chức CIA đã có can dự trực tiếp vào chương trình này, chẳng hạn như cựu phó giám đốc vận hành của CIA Jose Rodriguez, đã nói rằng các kỹ thuật khắc nghiệt đã mang lại “những kết quả tích cực đáng kể”.

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ dự định phản bác những lời khẳng định như vậy khi báo cáo của ủy ban được công khai. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Đảng Dân chủ, bang California), chủ tịch ủy ban, nói cuộc điều tra của bà “sẽ mô tả chi tiết, dựa trên sự thật về các sử dụng các kỹ thuật thẩm vấn, các điều kiện của nơi giam giữ tù nhân, và thông tin tình báo thu thập được – hoặc không thu thập được – từ chương trình này.”

Rốt cuộc, CIA đã phải rời khỏi Ba Lan, vì lo ngại rằng nếu duy trì một địa điểm quá lâu thì có thể bị lộ.

Tháng 9/2013, địa điểm ở Ba Lan được bỏ trống. CIA phân tán tù nhân sang Romania, Morocco và về sau sang Lithuania. Hòng tìm một giải pháp dài hạn, CIA trả cho Morocco 20 triệu Mỹ kim để xây một nhà tù có mật danh “Bombay” nhưng không bao giờ sử dụng.

Năm 2005, báo The Washington Post tường thuật rằng CIA đã vận hành các nhà tù bí mật ở Đông Âu. Chẳng bao lâu sau tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) xác định các địa điểm ở Ba Lan và Romania, và kể từ đó nhiều quan chức Châu Âu và nhiều bản tin thời sự đã khẳng định sự hiện diện của những địa điểm này.

Trước khi Porter J. Goss rời chức vụ giám đốc CIA vào tháng 5/2006, các nhà tù ở Romania và Lithuania bị đóng cửa. Một số tù nhân được chuyển sang một nhà tù ở Morocco đã được dùng trước đó, còn một số khác được chuyển đến một nhà tù mới của CIA ở Kabul có tên là “Fernando”, nhà tù này thay thế nhà tù có tên “Hầm Muối” (Salt Pit).

Từ những địa điểm này, 14 tù nhân có giá trị được chuyển tới trung tâm giam giữ quân sự Vịnh Guantanamo vào tháng 9/2006. Tổng thống Obama chấm dứt chương trình thẩm vấn này vào năm 2009.

Năm trước đó, cơ quan công tố Ba Lan mở một cuộc điều tra hình sự về chuyện đã xảy ra ở căn cứ huấn luyện đó, Họ cũng lặng lẽ ban hành trát bắt dành cho các quan chức CIA đã đến thăm địa điểm đen đó.

Không rõ liệu các trát bắt đó vẫn còn hiệu lực hay không.

Nguồn: Adam Goldman, The hidden history of the CIA’s prison in Poland, The Washington Post, 23/1/2014.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 12/2/2014.)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *