Từ ngày 30/11 tới 11/12/2015, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu sẽ diễn ra ở Paris. Biến đổi khí hậu đang có những tác động lớn lao đối với nhân loại. Nhưng phong trào hoạt động đấu tranh vì công lý khí hậu có thể sắp có bước đột phá về nhận thức của công chúng, và hiện nay có nhiều diễn biến tích cực về đàm phán khí hậu hơn bao giờ hết trong lịch sử.
Hội nghị Khí hậu Paris: Cơ hội cuối cùng để cứu Trái Đất?
Mark Hertsgaard
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy những xáo trộn nghiêm trọng về khí hậu trên trái đất: Năm 2015 sắp trở thành năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử, Mexico vừa mới thoát trận bão lốc mạnh nhất từng thấy ở Tây Bán cầu, và tiểu bang South Carolina vẫn còn đang hồi phục từ những trận lụt được xem là biến cố thời tiết ngàn-năm-một-thuở thứ sáu của Mỹ kể từ năm 2010. Nhưng đồng thời, nhiều điều đáng mừng và đáng ngạc nhiên đang hội tụ theo chiều hướng tích cực về vấn đề khí hậu. Ở cấp độ quần chúng có mức độ vô tiền khoáng hậu về cách tổ chức, vận động và ủng hộ cho việc giải quyết khủng hoảng khí hậu; một phong trào thực thụ, mà đã xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu thất bại ở Copenhagen năm 2009, đã trưởng thành. Và ở cấp độ chóp bu có sự đồng thuận vô tiền khoáng hậu rằng tình hình thực sự trầm trọng và cần phải có hành động có ý nghĩa nếu không muốn con cháu chúng ta thừa hưởng một địa ngục trần gian.
Câu hỏi liệu tất cả những điều này có mang lại một kết quả thành công ở Paris hay không sẽ được trả lời theo thời gian. Nhưng ít ra có thể đạt được kết quả nào đó. Hiện nay có nhiều dấu hiệu tích cực về đàm phán khí hậu toàn cầu hơn bao giờ hết trong lịch sử. Giới chóp bu chính phủ, công ty và tài chính đang có những phát biểu mà cách đây vài năm không thể tưởng nổi. Và những lời lẽ này không phải là luận điệu tuyên truyền sai lệch về trách nhiệm môi trường; chúng được hậu thuẫn bằng những hành động đang tái định hướng triệt để các chính sách của một số đấu thủ hùng mạnh nhất trên trường quốc tế.
* * *
Bắt đầu là bước đột phá lịch sử của hai vị nguyên thủ của hai siêu cường quốc về biến đổi khí hậu bảy tuần sau khi diễn ra Tuần hành Khí hậu của Nhân dân (People’s Climate March) hồi tháng 9/2014: Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận một nghị trình chung về cắt giảm mức thải các loại khí nhà kính và đẩy nhanh việc phát triển năng lượng sạch. Việc sử dụng than của Trung Quốc hiện đang ở mức cao nhất, và nước này dự định triển khai sử dụng nguồn điện từ gió và các nguồn có thể tái tạo khác đủ để sánh với toàn bộ mạng lưới điện của Mỹ trước năm 2030.
Bước đột phá Mỹ-Trung này là một diễn biến thay đổi cục diện, nhiều nhà quan sát vẫn chưa thấm thía những tác động đầy đủ của nó. Về ngoại giao, nó chấm dứt thế bế tắc giữa Washington và Bắc Kinh mà trong mấy chục năm qua đã là rào cản cho một hiệp định quốc tế, nhờ đó mở rộng cửa cho tin tốt lành từ hội nghị thượng đỉnh Paris. Có lẽ quan trọng hơn nữa chính là thông điệp kinh tế từ thỏa thuận Mỹ-Trung. Khi hai nền kinh tế lớn nhất và hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới cam kết một thời gian biểu cụ thể để cắt giảm khí thải, điều này phát đi một tín hiệu rõ ràng cho giới đầu tư và giới hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Thông điệp này dựa trên kinh tế học căn bản: giảm cung của một hàng hóa – trong trường hợp này là quyền được thải khí carbon gây ô nhiễm – thì giá của hàng hóa đó sẽ tăng.
Chẳng phải tình cờ mà việc định giá carbon – loại cải tổ chính sách khí hậu duy nhất có tác dụng hiện có – nay nhận được sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân có thanh thế trên toàn cầu, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, hai trong số những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của thế giới về biến đổi khí hậu (thủ tướng Angela Merkel của Đức và thống đốc Jerry Brown của California, tiểu bang được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ tám trên thế giới), bốn trong số những ngân hàng lớn nhất thế giới (Citi, Goldman Sachs, Bank of America, và JPMorgan Chase), và thậm chí vài công ty dầu. Giá carbon sẽ cao tới đâu và áp dụng trước thời điểm nào là những vấn đề nan giải. Nhưng ngay cả ExxonMobil cũng cho rằng định giá carbon là điều tất yếu; câu hỏi duy nhất là chính phủ các nước sẽ mất bao lâu để áp dụng giá đó. Tầm ảnh hưởng lớn lao của Tuần hành Khí hậu của Nhân dân khiến ngày đó càng gần hơn – đó là bằng chứng cho thấy việc thu hút công chúng xuống đường tuần hành có thể mang lại kết quả.
Việc định giá carbon sẽ khiến sức mạnh của thị trường có tác động tới các quyết định thường ngày định hình hành vi kinh tế trên toàn thế giới. Một khi người tiêu dùng, nhà sản xuất, và nhà đầu tư bắt đầu trả một số trong những chi phí của việc thải khí carbon gây ô nhiễm, các mức giá sẽ chuyển những lựa chọn của mình tránh các sản phẩm và khoản đầu tư phá hoại khí hậu và chuyển sang các sản phẩm và khoản đầu tư có lợi cho khí hậu – và ở tốc độ nhanh hơn và quy mô lớn hơn thành tựu đạt được của các chính sách nhà nước.
Sự tái định hướng kinh tế sắp diễn ra này phản ánh thêm một sự đoạn tuyệt đáng ngạc nhiên với quá khứ: thiên hạ ngày càng chấp nhận phát hiện khoa học cho thấy rằng khoảng hai phần ba trữ lượng nhiên liệu hóa thạch của trái đất phải được để yên trong lòng đất nếu nhân loại muốn hạn chế sự tăng nhiệt độ ở mức hai độ Celsius, mục tiêu quốc tế hiện nay. Cách đây vài năm, mục tiêu hai phần ba này là yêu sách của giới hoạt động đấu tranh quần chúng; nay nó là quan điểm của cả những vị tai to mặt lớn như tổng thống Mỹ và thống đốc ngân hàng trung ương Vương quốc Anh. Ngay cả nhà kinh tế trưởng của đại tập đoàn dầu khí BP cũng thừa nhận điểm căn bản này. Hôm 13/10, Spencer Dale nói: “Những mối quan ngại về khí thải carbon và biến đổi khí hậu khiến ngày càng khó có khả năng là trữ lượng dầu của thế giới sẽ được khai thác hết.”
Việc để yên phần lớn nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất sẽ có những tác động tài chính long trời lở đất. Nếu không đốt dầu để sử dụng, thì việc gì phải đầu tư hàng tỉ đô để khám phá, khai thác rồi bán ra thị trường? Từ đó nảy sinh nỗi lo ngại về “các tài sản bị mắc cạn”– tức là những khoản đầu tư đã bỏ ra nhưng không thể thu hồi vốn ban đầu, chứ đừng nói gì tới lợi nhuận. Mark Carney, thống đốc ngân hàng trung ương Vương quốc Anh, lâu nay luôn báo động về mối đe dọa này, cảnh báo giới đầu tư rằng họ đối mặt với những khoản thua lỗ “có thể rất lớn” mà thậm chí có thể gây bất ổn cho các thị trường thế giới.
Chẳng nhà đầu tư nào muốn một mình ôm của nợ, và ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn rút lui. Quỹ toàn cầu Hưu bổng Chính phủ trị giá 890 tỉ đô của Na Uy, quỹ đầu tư tài sản quốc gia lớn nhất thế giới, đã thoái hết vốn khỏi các công ty than lớn, loại nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon nhiều nhất. Các quỹ hưu bổng, các chính quyền khu vực, các trường đại học, những nhân vật tiếng tăm, và những nhà đầu tư khác sở hữu số tài sản tổng cộng 2,6 ngàn tỉ đô đã cam kết loại bỏ các khoản đầu tư nhiên liệu hóa thạch ra khỏi danh mục đầu tư của mình, một thắng lợi vang dội của chiến dịch kêu gọi thoái vốn do tổ chức 350.org khởi xướng và được báo The Guardian ủng hộ.
Tất cả những điều này đang nhanh chóng khiến ngành than sắp cáo chung – một báo cáo gần đây kết luận rằng ngành này đang trên đà suy vong “có tính cơ cấu” và “không thể cứu vãn” – và ngành dầu đang chịu áp lực. Lo ngại về các tài sản bị mắc cạn là một lý do khiến Shell Oil Company gần đây rút lui khỏi kế hoạch hết sức tốn kém nhằm khoan dầu ở Bắc Cực – lý do đó và lý do nữa là chiến dịch phản đối rầm rộ của giới hoạt động đấu tranh vì khí hậu, trong đó có việc đưa một đội xuồng kayak cản trở không cho giàn khoan của công ty này rời cảng Seattle.
Điều đó thể hiện một chuyển biến khác: Phong trào đấu tranh vì khí hậu không chỉ đang lớn mạnh, mà còn đang giành được những chiến thắng cụ thể. Đa số báo chí chủ lưu cho rằng Shell rút lui vì giá dầu giảm, và đương nhiên giá dầu có vai trò trong đó. Nhưng thông báo của Shell cũng viện dẫn “môi trường luật lệ liên bang khó lường trước”. “Môi trường luật lệ” đó phụ thuộc vào chính trị, và phong trào đấu tranh vì khí hậu hiện nay rõ ràng đang ảnh hưởng tới cách tính toán của giới lãnh đạo chính trị và các thể chế chính trị.
Áp lực quần chúng đã khiến Hillary Clinton, một chính trị gia chuyên có lập trường lập lờ, phải thể hiện những quan điểm rõ rệt hơn khi bà tranh cử tổng thống Mỹ. Đụng phải những đối thủ chính với các lập trường mạnh mẽ hơn mà giới hoạt động đấu tranh rất thích thú, hồi tháng 8 bà Clinton thông báo là bà phản đối việc khoan dầu ở Bắc Cực. Sau đó bà lên tiếng chống đường ống dẫn dầu Keystone XL, một dự án mà khi còn làm ngoại trưởng bà nói bà “có chiều hướng” ủng hộ.
Cả ba ứng cử viên của Đảng Dân chủ hiện nay đều phản đối Keystone XL và khoan dầu ở Bắc Cực; điều đó cho thấy phong trào đấu tranh vì khí hậu cũng đang định ra tiêu chuẩn cao hơn cho vai trò lãnh đạo thực thụ về vấn đề này. Nay nếu chỉ cam kết chung chung về cắt giảm khí thải và tăng năng lượng tái tạo thì không còn đủ nữa; các ứng cử viên cũng phải ủng hộ mục tiêu hai phần ba bằng cách phản đối những công trình cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới mà nếu được thực hiện thì sẽ thải ra các loại khí giữ nhiệt trong mấy thập niên sắp tới.
Phong trào đấu tranh vì khí hậu cũng có thể sắp đạt được một bước đột phá hệ trọng về nhận thức của công chúng: khắc họa hình ảnh đạo đức của các đại tập đoàn dầu khí tương tự hình ảnh của ngành thuốc lá. Phóng sự điều tra xuất sắc của hai nhóm ký giả – một của Los Angeles Times (với sự giúp đỡ của Trường Cao học Báo chí của Đại học Columbia), và một của InsideClimate News – đã chứng minh rằng, giống như cái tên họ đặt hashtag trên mạng xã hội, “Exxon Knew” (Exxon đã biết). Như tác giả Bill McKibben viết trên tạp chí The Nation, Exxon (nay là ExxonMobil) “tới giữa thập niên 1980 đã biết tất cả những gì cần biết về biến đổi khí hậu – và đã phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu”. Thực vậy, những nhà quản trị cao cấp nhất đã đáp lại những phát hiện của các nhà khoa học của công ty này bằng cách biến Exxon thành tổ chức lớn tiếng nhất và nhà tài trợ lớn nhất trong chuyện phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu, góp phần cản trở hành động ở Washington và trên toàn thế giới.
ExxonMobil đã gọi những bài báo đó là “cố tình gây hiểu lầm” và tìm cách xem thường tác động của chúng bằng giọng điệu kiểu hờn dỗi là việc công ty trước đây phản đối những chính sách khí hậu (bị cho là) kém hiệu quả đã khiến công ty bị các tổ chức hoạt động đấu tranh vì môi trường chỉ trích. R.L. Miller, sáng lập liên của tổ chức phi chính phủ Climate Hawks Vote, nhận xét rằng phát biểu của ExxonMobil giống với các luận điểm của ngành thuốc lá theo kiểu họ gọi các ký giả điều tra là “các tổ chức hoạt động đấu tranh” và giảm nhẹ “vai trò chủ đạo của công ty trong việc tạo ra và truyền bá thông tin khoa học sai lệch”. Bernie Sanders, ứng cử viên Đảng Dân chủ mà những chỉ trích mạnh mẽ của ông về những hành động bất lương của các công ty đã gây rúng động chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch điều tra, với lập luận rằng Exxon “đã nói dối để bảo vệ mô hình kinh doanh của mình khiến hành tinh bị thiệt hại”.
* * *
Hội nghị Paris sẽ phải vượt qua con dốc rất cao, chính vì giới phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu đã cản trở hành động trong thời gian quá lâu. Càng có nhiều khí thải nhà kính tích tụ trong khí quyển, thì nhiệt độ chắc chắn càng gia tăng. Trái đất hiện nay ấm hơn 0,85°C so với trước Cách mạng Công nghiệp. Vì carbon dioxide (CO2) vẫn nằm trong khí quyển mấy chục năm sau khi được thải ra, các mức nhiệt độ toàn cầu chắc chắn sẽ tăng cao thêm nữa – trừ phi nhân loại có thể loại bỏ được khối lượng lớn carbon khỏi khí quyển, như đề cập dưới đây.
Hai độ hay không phải 2 độ, đó là vấn đề. Xét tới những thiệt hại mà mức tăng nhiệt độ 0,85°C hiện nay đang gây ra – ví dụ như những trận bão và đợt hạn hán kỷ lục, giới lãnh đạo chuẩn bị cho cư dân di tản khỏi những hòn đảo Thái Bình Dương tất yếu sẽ biến mất do mực nước biển tăng – chính phủ của nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi hạn chế sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C. Nhưng các chính phủ này đại diện cho những vùng nghèo nhất thế giới, ở Châu Phi, Châu Á, Nam Mỹ. Các cường quốc – trong đó có Mỹ, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu – vẫn cam kết mức 2°C. Hơn nữa, họ đang cảnh báo rằng bất cứ thỏa thuận hợp lý nào ở Paris sẽ thậm chí không đạt được mục tiêu 2°C.
Mâu thuẫn giữa mục tiêu 1,5°C và 2°C minh họa sự phân hóa giàu-nghèo vốn đã ám ảnh các cuộc đàm phán môi trường kể từ Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất năm 1992. Christiana Figueres, bí thư điều hành của Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu, đã nói đùa là bà sẽ chặt đầu bất cứ ký giả nào đưa tin là Hội nghị thượng đỉnh Paris sẽ không đạt được mục tiêu 2°C. Bà cho rằng điều quan trọng là gần như tất cả mọi quốc gia trên thế giới đã chính thức cam kết giảm mức khí thải của họ, một sự khác biệt đáng kể so với Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen năm 2009. Nếu những cam kết của họ cho tới nay tạo ra một “sự chênh lệch về mức khí thải” mà sẽ khiến nhiệt độ tăng ít nhất 2,7°C – một mức đầy tai họa – điều đó chỉ phản ánh thực tế là các hệ thống chính trị và kinh tế của thế giới hiện nay không thể chuyển tiếp nhanh hơn sang các phương án ít carbon. Theo Figueres và những người khác, trong đó có chính quyền Obama, cách để giải quyết vấn đề này là bảo đảm rằng bất cứ thỏa thuận nào ở Paris cũng phải bao gồm các cơ chế để đánh giá tiến bộ sau những khoảng thời gian nhất định, ví dụ 5 năm, và củng cố các cam kết khi cần thiết để đạt mục tiêu 2°C.
Theo những người ủng hộ mục tiêu 1,5°C, lập luận như vậy khác nào kết án tử hình cho hàng triệu người sinh sống ở những nơi đặc biệt dễ bị tổn hại. “Làm sao chúng ta có thể chấp nhận mức độ ấm lên cao hơn gấp đôi so mức hiện nay, với biết bao thiệt hại mà mức độ ấm lên chưa tới 1°C đã gây ra?”. Mary Ann Lucille Sering, giám đốc Ủy ban Biến đổi Khí hậu của Philippines, một nước đã chịu nhiều cơn bão phá kỷ lục trong những năm gần đây, đặt câu hỏi như vậy.
Theo các nghiên cứu độc lập, không phải là không thể đạt được mục tiêu 2°C, hay thậm chí 1,5°C, dù điều đó đòi hỏi phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ở tốc độ chóng mặt. Các mức giảm khí thải “cần phải tăng nhanh trong mấy chục năm tới”; Joeri Rogelj, tác giả chính của một nghiên cứu ít được chú ý đăng trên tập san Nature hồi tháng 5, đã nói như vậy, cho rằng một mục tiêu 1,5°C vẫn có thể khả thi. Thế giới có thể đạt được 100% năng lượng tái tạo cho tất cả mọi người trước năm 2050 (và với chi phí thấp hơn một chút, vì các chi phí lắp đặt điện mặt trời, điện từ sức gió, và các nguồn năng lượng tái tạo khác có thể được bù đắp bằng chi phí vĩnh viễn bằng không cho “nhiên liệu” của chúng), theo một báo cáo mà tổ chức Greenpeace nghiên cứu với Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức. Đúng, Greenpeace là một tổ chức hoạt động đấu tranh, nhưng những nhà phân tích của tổ chức này là những người duy nhất tiên đoán chính xác sự vươn lên ngoạn mục gần đây của điện từ sức gió và điện mặt trời, trong khi những nhà phân tích ở các ngân hàng và các hãng phân tích lớn đã không nhìn ra. Kumi Naidoo, giám đốc điều hành của Greenpeace International, kêu gọi “tất cả những ai nói rằng ‘không thể làm được chuyện đó’ nên đọc báo cáo này và công nhận rằng có thể làm được điều đó, cần phải làm, và điều đó sẽ có lợi cho tất cả mọi người nếu làm được”.
Một nghiên cứu gần đây của Robert Howarth thuộc Đại học Cornell, một chuyên gia hàng đầu lâu năm trong lĩnh vực này, kết luận rằng fracking (khai thác dầu đá phiến với kỹ thuật dập vỡ bằng thủy lực) cũng phải được chấm dứt hoặc thay đổi triệt để. Fracking làm thoát ra methane, một khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2. Tuy nhiên, đáng mừng là methane cũng có phản ứng nhanh hơn, nên việc giảm mức thải khí methane có thể giảm nhiệt độ sớm hơn. Ông Howarth nói với tạp chí The Nation: “Chỉ cần giảm mức thải khí methane và muội khói là chúng ta có thể giữ mức ấm lên của trái đất dưới cái ngưỡng 2 độ.”
Mục tiêu 1,5°C có cái khó: Ngay cả cuộc nghiên cứu của Rogelj và các đồng tác giả kết luận rằng đã quá trễ để ngăn chặn mức gia tăng nhiệt độ 2°C. Nhưng họ cho rằng sự gia tăng này có thể tạm thời nếu nhân loại áp dụng quang hợp và các công cụ “loại trừ carbon” (carbon-negative) khác để chiết xuất CO2 khỏi khí quyển và trữ nó ở nơi nó không thể giữ nhiệt. Trồng và bảo vệ rừng, trồng các loại cây trồng phủ đất, và sản xuất và bón than sinh học (biochar) là những công cụ nổi tiếng nhất cho tới nay. Nhà khoa học khí hậu người Úc Tim Flannery mô tả các công cụ loại trừ carbon rất phong phú trong cuốn sách mới của ông Atmosphere of Hope (Bầu khí quyển của Hy vọng) trong đó có xi măng và nhựa “ăn” carbon. Ông Flannery viết: “Chúng ta phải bắt đầu chuẩn bị nền móng bây giờ [để áp dụng các công cụ như vậy], ngay trong lúc chúng ta có những nỗ lực lớn lao nhằm cắt giảm khí thải.”
* * *
Một xung đột giàu-nghèo nữa ở Paris: Liệu các nước giàu có sẽ thực hiện những lời hứa trước đây là sẽ giúp tài trợ cho các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu? Thỏa thuận Copenhagen buộc các nước giàu có nghĩa vụ cung cấp 100 tỉ đô/năm trước năm 2020 để giúp các nước nghèo chuyển sang các nguồn năng lượng ít carbon và chuẩn bị đương đầu với những tác động mà không thể ngăn chặn được nữa. Và giới chuyên gia dự đoán rằng mức tài trợ cần thiết sẽ sớm tăng lên cao hơn nhiều mức 100 tỉ đô/năm.
Hiện thời, sự chênh lệch về mức khí thải nêu trên được phản ánh bằng sự chênh lệch về tài trợ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nói rằng các nước giàu cấp 62 tỉ đô về viện trợ khí hậu trong năm 2014 và đang có “tiến bộ đáng kể” hướng tới mục tiêu 100 tỉ đô. Những tổ chức hoạt động đấu tranh chống nghèo đói như ActionAid phản bác rằng các con số này dựa trên “kiểu hạch toán tinh ranh”; họ nhận xét rằng phần lớn trong 62 tỉ đô của OECD gồm các khoản cho vay, chứ không phải trợ cấp, cùng với các khoản tín dụng xuất khẩu có lợi cho những công ty ở các nước giàu hơn là cho người dân ở các nước nghèo.
Saleemul Huq, người đứng đầu Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển ở Đại học Độc lập Bangladesh và là người đào tạo những nhà ngoại giao của các nước đang phát triển để tham gia các cuộc đàm phán Liên Hiệp Quốc trước đây, có một phản đối căn bản hơn. Ông Huq chỉ ra rằng nhiều tác động khí hậu đã quá lớn đến nỗi không thể giải quyết được nữa, bất kể có đổ bao nhiêu tiền vào chúng (thử nhớ lại các đảo quốc ở Thái Bình Dương đang chìm mất dần dưới mực nước biển tăng lên). Ông cho rằng điều cần thiết không chỉ là tài trợ để thích nghi với biến đổi khí hậu mà còn cả những khoản mà theo ngôn ngữ Liên Hiệp Quốc là tiền đền bù “tổn thất và thiệt hại”. Tuy nhiên, phần lớn các nước giàu chống chính khái niệm “tổn thất và thiệt hại” này, như thể lo sợ nó sẽ khiến họ bị kiện về những thảm họa khí hậu trong quá khứ và tương lai.
Tin lành tin dữ đủ kiểu trong thời gian trước khi diễn ra hội nghị Paris khiến ông Huq có cảm giác vui buồn lẫn lộn về công cuộc đương đầu với biến đổi khí hậu. Ông hỏi liệu ông có nên “chấp nhận đôi chút tiến bộ khiêm tốn và nói rằng chúng ta đã đạt được gì đó và cứ tiếp tục sô diễn này, như tôi đã làm quá nhiều lần trước đây. Hay tôi nên nói toạc ra rằng Paris không phải là sự khởi đầu mà là sự kết thúc của hơn hai thập niên nỗ lực chưa đúng mức để giải quyết mối đe dọa sinh tồn lớn nhất mà nhân loại từng phải đối mặt?”
Nhưng vẫn chưa biết Paris sẽ mang lại kết quả nào. Và chưa bao giờ trong lịch sử các đàm phán khí hậu quốc tế lại có áp lực quần chúng mạnh mẽ như hiện nay, nhờ sự vươn lên của phong trào đấu tranh đòi công lý về khí hậu. Và chưa bao giờ lại có rất nhiều người trong giới quyền lực thành tâm quyết tâm ngăn ngừa thảm họa này. Bà Figueres của tổ chức Liên Hiệp Quốc nói rằng Paris không được là điểm đến mà là “trạm khởi hành” của một phong trào “để loại trừ carbon rất triệt để” cho nền kinh tế toàn cầu. Ông Jamie Henn, giám đốc chiến lược và truyền thông của tổ chức 350.org nói đơn giản hơn: “Thông điệp phát ra từ Paris nên rõ ràng: Chúng ta sẽ giữ nhiên liệu hóa thạch dưới lòng đất.”
Nguồn: Mark Hertsgaard, The Paris Climate Conference: Last Chance for Planet Earth?, The Nation, số 23-30/11/2015.
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 25/11/2015)
Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ
1 thought on “Hội nghị Khí hậu Paris: Cơ hội cuối cùng để cứu Trái Đất?”