Crimea là bán đảo nằm miền nam Ukraine trên bờ Hắc Hải. Lịch sử đóng vai trò không nhỏ khiến địa điểm du lịch nổi tiếng này trở thành một điểm nóng hiện nay trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, nhất là sau khi Nga quyết định đưa quân vào Crimea vào cuối tuần qua.
Crimea bị Nga hoàng Catherine chinh phục năm 1783, chiếm đoạt từ Vương quốc Tatar, một quốc gia có nguồn gốc từ Đế chế Mông Cổ và trong nhiều thế kỷ thuộc Đế chế Ottoman. Trong thế kỷ sau đó, người định cư ở Crimea chủ yếu là quý tộc và nông nô Nga.
Cũng năm 1783, Moscow lập hạm đội Hắc Hải ở cực nam bán đảo này (nay là thành phố Sevastopol), bắt đầu chế độ cai trị của mình, và tiếp tục đến thời Xô Viết, chỉ bị gián đoạn trong thời Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm 1944, Joseph Stalin trục xuất toàn bộ dân Hồi giáo Tatar ở Crimea, nơi định cư của họ trong nhiều thế kỷ, sang Trung Á vì tội hợp tác với Quốc xã. Gần một nửa chết vì bệnh trên đường đi.
Chính Crimea là nơi lãnh tụ các nước thắng trận gồm tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, thủ tướng Winston Churchill và lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, họp ở cung điện Livadia ở khu du lịch ven biển Yalta vào tháng 2/1945 để quyết định vận mệnh Châu Âu hậu chiến.
Crimea không có liên hệ lịch sử gì với Ukraine cho tới khi lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev cắt bán đảo này từ Nga giao cho Ukraine vào năm 1954; món quà bất ngờ để kỷ niệm ba trăm năm Nga hoàng Aleksei thôn tính nửa phần miền đông Ukraine năm 1654. Nikita Khrushchev và phần lớn thế giới nghĩ rằng đây là một cử chỉ hình thức vô nghĩa vì cả hai đều là nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Moscow rơi vào thế khó xử khi một trong những hạm đội quan trọng nhất của mình lại nằm ở Crimea nay thuộc nước Ukraine độc lập.
Tư cách pháp lý của Crimea được Nga hứa tôn trọng trong Bị vong lục Budapest về các bảo đảm an ninh, do các nước Ukraine, Nga, Mỹ và Anh ký vào tháng 12/1994. Đó không phải là một hiệp ước chính thức, mà là một văn bản ngoại giao trong đó các nước ký kết đưa ra những lời hứa với nhau trong tiến trình giải trừ hạt nhân của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Theo đó, Ukraine hứa đưa toàn bộ các vũ khí hạt nhân thời Liên Xô ra khỏi lãnh thổ của mình, chuyển sang các cơ sở giải trừ ở Nga, và ký Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân. Ukraine đã giữ những lời hứa này.
Để đổi lại, Nga và các nước phương Tây ký kết tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với tư cách một nước độc lập. Họ làm như vậy bằng cách áp dụng các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp trong Hiệp ước Helsinki 1975 (một hiệp ước trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh với 35 nước ký kết, trong đó có Liên Xô) cho nước Ukraine độc lập hậu Xô Viết.
Vấn đề hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol xưa nay là một cái gai trong mối quan hệ giữa Ukraine và Nga. Hải cảng này có ý nghĩa quan trọng đối với hải quân Nga trong bao năm qua – giúp nhanh chóng tiếp cận phía đông Địa Trung Hải, vùng Balkan và Trung Đông.
Năm 2010, sau nhiều đàm phán giằng co, Ukraine đồng ý gia hạn cho Moscow thuê cảng Sevastopol đến năm 2042, và đổi lại được giảm 30% giá khí đốt của Nga mà Ukraine cần để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của mình.
Nhưng Nga vẫn lo ngại về sự lệ thuộc vào Ukraine, và không thích một số điều kiện của thỏa thuận đó – trong đó có yêu cầu phải được Ukraine đồng ý mỗi khi Nga muốn nâng cấp hay thay tàu ở Sevastopol.
Chính vì thế, từ năm 2008 Nga liên tục đổ tiền xây dựng thêm một căn cứ mới dọc bờ biển Crimea ở ngay trên lãnh thổ của mình tại Novorossiysk, với kế hoạch chuyển những tàu mới và trọng yếu của vùng này sang đó.
Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, người Tatar bắt đầu hồi hương, gây căng thẳng thường xuyên với người Nga về quyền đất đai. Lo ngại về ảnh hưởng của Moscow, người Tatar đã có xu hướng ủng hộ các cuộc biểu tình chống tổng thống Yanukovych nổ ra ở Kiev sau khi Yanukovych từ bỏ một hiệp định hội nhập với EU để bắt tay quan hệ gần gũi hơn với Điện Kremlin.
Giới thượng lưu Nga chưa bao giờ chấp nhận Crimea là một phần của Ukraine. Nhiều người Nga sở hữu hoặc thuê nhà nghỉ mùa hè trên bán đảo này. Chỉ mới 22 năm trước, phó tổng thống Nga Aleksandr Rutskoi và người đỡ đầu Vladimir Putin, thị trưởng St. Petersburg Anatolii Sobchak, đã có những bài phát biểu đòi đảo ngược quyết định năm 1954 cắt Crimea giao cho Ukraine. Yuri Luzhkov, thị trưởng dân túy của Moscow, tiếp tục truyền thống này, có những bài phát biểu mang tính khiêu khích tại và gần Sevastopol trong những năm 2000.
Nhà nước Ukraine mới đã chuyển từ khéo léo vận động và linh hoạt thương lượng với người Tatar trong vùng và cư dân địa phương nói tiếng Nga trong thập niên 1990, sang các nỗ lực phản tác dụng nhằm khẳng định quyền lực trung ương đối với tỉnh này sau Cuộc Cách mạng Cam dưới thời tổng thống Viktor Yushchenko.
Dân Crimea (59% gốc Nga, 24% gốc Ukraine, 12% gốc Tatar) không có thái độ hận thù sâu sắc đối với Ukraine. Cũng như ở miền đông Ukraine, đa số người dân muốn chính quyền có trách nhiệm, muốn chấm dứt nạn tham nhũng tràn lan trong thời Yanukovich, muốn có các mối quan hệ mang tính xây dựng với cả Châu Âu và Nga. Tuy nhiên, ở Crimea có tâm lý ngờ vực đối với phe dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine. Nghị viện Crimea nhiều lần bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo để lên án những cuộc biểu tình ở thủ đô Kiev mấy tháng qua.
Có lẽ còn quan trọng hơn cả thái độ của người Nga, phép thử thật sự cho Crimea sẽ là chính sách của chính quyền mới ở Kiev. Bất cứ nỗ lực nào áp đặt quyền cai trị trực tiếp từ trung ương hay áp đặt các chính sách văn hóa từ trên xuống sẽ gây xung đột và cái cớ để Nga can thiệp. Những động thái gần đây của Nga đã chứng tỏ điều đó.
Về mặt pháp lý, Crimea là một nước cộng hòa tự trị bên trong Ukraine, bầu nghị viện riêng của mình. Tuy nhiên, vị trí tổng thống Crimea bị bãi bỏ vào năm 1995, ngay sau khi một nhân vật ủng hộ Crimea ly khai và thân Nga thắng cử tổng thống với tỉ lệ đa số áp đảo. Kể từ đó, Kiev bổ nhiệm thủ tướng của Crimea với sự tham vấn của nghị viện vùng này.
Tình hình căng thẳng đã âm ỉ ở Crimea kể từ khi tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ (và phải bỏ trốn sang Nga) cách đây hơn một tuần. Trong 2,3 triệu dân ở đây, đa số xem mình là người Nga và nói tiếng Nga, và hiện đang hết sức lo ngại về giới lãnh đạo thân phương Tây ở thủ đô Kiev cách đó 650 km về phía bắc.
Vùng Crimea bỏ phiếu với tỉ lệ cao ủng hộ Viktor Yanukovych trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, và nhiều người ở đó tin rằng ông là nạn nhân của một cuộc đảo chánh – khiến phe ly khai trong nghị viện Crimea kêu gọi bỏ phiếu về việc vùng này có nên tách rời khỏi Ukraine. Hôm thứ Năm 27/2/2014, các nghị sĩ Crimea bổ nhiệm nhân vật thân Nga Sergey Aksyonov làm lãnh tụ không chính thức của họ. Hôm thứ Bảy 1/3, ông đã yêu cầu tổng thống Nga Vladimir Putin giúp ổn định hòa bình. Vladimir Putin đã được quốc hội Nga phê chuẩn cho triển khai quân ở không chỉ ở Crimea, mà trên toàn Ukraine.
Khó loại trừ khả năng xảy ra xung đột đẫm máu vì động thái của Nga chắc chắn sẽ khiến phe dân tộc chủ nghĩa ở miền tây Ukraine phẫn nộ. Ngoài ra có thể có những hậu quả quốc tế. Các cường quốc phương Tây đã mạnh mẽ lên án việc Nga xâm lấn Crimea. Đây không chỉ là một trận chiến địa chính trị giành ảnh hưởng ở vùng được Nga xem là sân sau của mình.
Các nước đối tác của Nga trong khối G8 đã lên án việc Moscow tăng cường hoạt động quân sự ở Ukraine giữa lúc đáng có nhiều nỗ lực ngoại giao mới nhằm ngăn chặn sự leo thang nguy hiểm của cuộc khủng hoảng này. Một thông báo đưa ra từ Tòa Bạch Ốc nói: “Chúng tôi, lãnh đạo của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Vương quốc Anh, và Mỹ, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy hội Châu Âu hôm nay cùng nhau lên án việc Liên bang Nga trắng trợn vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.” Bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới cũng đã ngưng các bước chuẩn bỉ cho hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi, Nga, vào tháng 6 năm nay. Trong khi đó, các ngoại trưởng EU sắp họp khẩn cấp tại Brussels.
Các động thái này diễn ra khi các lực lượng quân sự Nga tiếp tục tăng sự kiểm soát đối với bán đảo Crimea. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi những hành động của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế và mối đe dọa cho hòa bình và an ninh. Mỹ tin rằng Nga đã nắm quyền kiểm soát hoạt động toàn bộ ở Crimea với hơn 6.000 quân trong vùng này. Nhiều căn cứ quân sự Ukraine bị quân Nga bao vây vào đầu ngày Chủ nhật 2/3.
Chính quyền tạm thời của Ukraine đã tố cáo Nga tuyên chiến, và ra lệnh tổng động viên các lực lượng vũ trang của mình. Quyền thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cảnh báo là đất nước đang trên bờ vực chiến tranh. Hôm Chủ nhật 2/3, tư lệnh hải quân Ukraine Denis Berezovsky bị cách chức sau khi ông tuyên bố trung thành với chính quyền mới thân Nga ở Crimea. Giới lãnh đạo tạm quyền ở Ukraine đang điều tra ông về tội phản quốc.
Đến nay Putin đã tỏ vẻ thách thức, phớt lờ những lời kêu gọi của phương Tây về việc rút quân. Moscow nổi giận vì cảm thấy phương Tây lớn tiếng phản đối về hành động mà tổng thống Putin cho rằng chỉ để bảo vệ vùng đất ông xem như có gắn bó lịch sử và văn hóa với Nga. Moscow xem chính quyền mới ở Kiev là phát xít, có thể đưa quân sang để “bảo vệ” người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine.
NATO khó có khả năng phản ứng bằng quân sự vì Ukraine chưa phải là thành viên, nhưng các nước thành viên Trung Âu có thể yêu cầu triển khai quân trên biên giới Ba Lan-Ukraine. Phương Tây cũng có thể áp đặt các lệnh cấm vận, nhưng tổng thống Putin có thể tin rằng các cấm vận có thể không kéo dài được lâu – như trong cuộc chiến với Georgia.
Điều khiến cho tình hình ở Crimea đặc biệt đáng sợ là tiền lệ ở Nam Ossetia vào năm 2008, tại đó Nga đã phát hộ chiếu Nga cho công dân nước Georgia. Sau đó, khi tổng thống Georgia cố gắng dùng vũ lực để tái áp đặt quyền kiểm soát trung ương đối với vùng ly khai này. Nga đưa quân sang để tách vùng đó và vùng Abkhazia ra khỏi Georgia, tuyên bố rằng cả hai là những nước độc lập mới (nhưng thực ra đưa chúng vào tầm ảnh hưởng của Nga với tư cách bán độc lập và lệ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ quân sự và tài chính của Nga).
Nhưng Crimea (2,3 triệu dân) lớn hơn nhiều so với Abkhazia (240.000 dân) và Nam Ossetia (70.000 dân), và Ukraine lớn hơn Georgia. Cư dân Crimea phân hóa nhiều hơn so với ở Nam Ossetia thân Nga. Ở Crimea, phần được mất của cả hai bên đều cao hơn.
Khương An tổng hợp từ AFP, BBC, NBC, Radio Free Europe / Radio Liberty, và The National Interest, 27/2-3/3/2014.
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 5/3/2014.)
Bài liên quan:
1 thought on “Bối cảnh lịch sử và chính trị của cuộc khủng hoảng ở bán đảo Crimea”