Cuba: cánh cửa mở hờ

Phạm Vũ Lửa Hạ

Gần 90 năm trước, tổng thống Calvin Coolige đáp tàu chiến cập cảng Havana. Tháng 1-1928, trong chuyến đi nước ngoài duy nhất của mình, Coolige tới Cuba để phát biểu tại một hội nghị của các nước Tây Bán cầu. Kể từ đó, Cuba chưa nghênh tiếp tổng thống Mỹ nào khác. Trong chuyến thăm Cuba vào ngày 21 và 22-3, tổng thống Barack Obama quyết tâm dùng thời gian ít ỏi còn lại trong nhiệm kỳ của mình để tháo gỡ các rào cản lịch sử và ý thức hệ khiến hai nước hiềm khích nhau từ thời Chiến tranh Lạnh.

Thảm đỏ đã trải…

Chuyến đi này diễn ra chỉ 15 tháng sau Obama có quyết định lịch sử về bình thường hóa quan hệ với Cuba. Chủ tịch Raúl Castro, 84 tuổi, đã hứa sẽ nghỉ vào tháng 2-2018. Obama chỉ còn 13 tháng tại Nhà Trắng. Như vậy hai người chỉ còn một thời gian ngắn ngủi để hoàn tất tiến trình bình thường hóa do họ vạch ra. Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, người chịu trách nhiệm chính về vấn đề Cuba, cho biết chuyến đi được thực hiện vào tháng 3 để Obama còn nhiều thời gian làm được việc có ý nghĩa, chứ nếu để tới tháng 12 thì khác nào kỳ nghỉ phép cuối nhiệm kỳ.

Kể từ khi hai nước ngỏ ý nối lại quan hệ vào ngày 17-12-2014, hầu như tuần nào cũng có những động thái mới. Hồi tháng 5-2015, chính quyền Obama xóa tên Cuba khỏi danh sách các nhà nước ủng hộ khủng bố (nay chỉ còn Iran, Sudan và Syria), mở đường để hai nước chính thức tái thiết lập quan hệ ngoại giao hồi tháng 7. Các bộ trưởng nông nghiệp thương mại và ngoại giao của Mỹ đã thăm Havana trong năm qua.

Hai nước đã ký nhiều hiệp định mới về hợp tác môi trường, tăng cường hoạt động chống ma túy. Thậm chí hai bên đã bắt đầu đề cập tới một trong những vấn đề gai góc nhất: đàm phán để giải quyết các vụ khiếu nại đòi lại bất động sản trị giá hàng tỷ đô-la của nhau. Các quy định mới của Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ có hiệu lực từ ngày 27-1-2016 tháo gỡ thêm nhiều biện pháp hạn chế về tài trợ xuất khẩu sang Cuba và nới lỏng các giới hạn về vận tải hàng hóa sang Cuba. Quan trọng nhất là các quy định này sẽ cho phép các ngân hàng tài trợ xuất khẩu sang Cuba bằng tín dụng, ngoại trừ nông sản do thuộc phạm vi của lệnh cấm vận thương mại vẫn còn hiệu lực, thay vì đòi hỏi phải thanh toán bằng tiền mặt như trước, hoặc chuyển hướng nhiêu khê qua nước thứ ba. Một thay đổi quan trọng khác là tuy hoạt động kinh doanh du lịch tới Cuba vẫn bị cấm, Mỹ đã cho phép thêm nhiều người tự đi theo hình thức thăm thân và các “chuyến đi văn hóa” không phải theo các tour theo nhóm hoặc do một tổ chức đứng ra sắp xếp.

Ủng hộ mạnh mẽ nhất là giới kinh doanh Mỹ vì họ không muốn lâm cảnh “trâu chậm uống nước đục”. Từ khi tổng thống Obama tuyên bố mở đường cho doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Cuba hồi tháng 12-2014, Bộ Thương mại Mỹ đã cấp 490 giấy phép, với tổng giá trị 4,3 tỉ đô-la chỉ riêng trong năm 2015, tăng 30% so với năm trước.

Nhiều hãng hàng không Mỹ như United Airlines, JetBlue, American Airlines hứa sẽ mở các chuyến bay thương mại giữa hai nước ngay sau khi được phép của hai chính phủ. Cuba đã lập kết nối điện thoại trực tiếp với hãng Mỹ IDT, và ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ ngoài vùng phủ sóng cho điện thoại di động với hãng Sprint. Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ người Mỹ nay được phép quay phim và sô truyền hình ở Cuba. Quy định này mở toang cánh cửa cho nhiều dự án làm phim của Mỹ, trong đó có thể có các cảnh trong tập tiếp theo của phim “Fast & Furious”, và tạo cơ hội hợp tác giữa Hollywood và ngành điện ảnh thiếu vốn của Cuba.

Thượng nghị sĩ Jeff Flake (Cộng hòa, Azizona) ví von: “Với những người Cuba đã quen nhìn chính phủ nước mình ì ạch trên đoạn cuối cùng của chặng đường tiến tới chủ nghĩa xã hội bằng chiếc Chevy đời 1957, thử tưởng tượng họ sẽ nghĩ sao khi thấy chuyên cơ Air Force One.”

… nhưng còn lắm chông gai

Phe phản đối cho rằng Obama chỉ muốn tạo ra di sản cho mình trước khi rời Nhà Trắng, chứ không phải vì mục đích xây dựng quan hệ ngoại giao có lợi cho Mỹ. Họ chỉ trích rằng không có nhiều bằng chứng cho thấy Cuba thực hiện nhiều thay đổi lớn lao có lẽ là do Obama dành cho Cuba nhiều nhượng bộ đơn phương mà không đòi hỏi đáp lại gì.

Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đang tranh cử tổng thống Ted Cruz (Texas) và Marco Rubio (Florida) là con của di dân từ Cuba, nhưng đều chống bình thường hóa quan hệ. Cruz nói Obama đã ném cho chế độ Castro phao cứu sinh giữa lúc Cuba chới với vì Venezuela giảm hỗ trợ do giá dầu rớt thê thảm; ông cũng nói nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ không thăm Cuba chừng nào một trong hai anh em Castro còn nắm quyền. Rubio viết thư kêu gọi Obama cân nhắc lại chuyến đi này: “Một tổng thống Mỹ tới Cuba chỉ để có mặt ở đó chứ không đạt được gì cho Mỹ thì vừa phản tác dụng vừa tác hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.”

TNS Robert Menendez (Dân chủ, New Jersey), người gốc Cuba, cho rằng cho tới nay Mỹ vẫn chưa thấy Cuba có thay đổi đáng kể nào hướng tới bầu cử dân chủ minh bạch, cải thiện nhân quyền, tự do hội họp, hoặc cho phép lập các đảng phái chính trị và công đoàn độc lập, vậy mà Obama thưởng cho chế độ áp bức này bằng một chuyến thăm chính thức.

Sau sự hồ hởi ban đầu, chính Cuba cũng tỏ vẻ dè dặt về mức độ mở cửa và thay đổi. Thời gian qua, nhà nước Cuba không muốn người dân nghĩ rằng Obama là bạn và Mỹ không còn là kẻ thù hay mối đe dọa. Họ khẳng định quan hệ chưa thực sự bình thường chừng nào Mỹ chưa bỏ cấm vận thương mại, đóng căn cứ hải quân Mỹ ở Vịnh Guantanamo, và bồi thường cho nửa thế kỷ trừng phạt kinh tế và các thiệt hại khác.

Ngay trước thềm chuyến thăm của Obama, Cuba khẳng định sẽ long trọng nghênh tiếp Obama, nhưng không có ý định thay đổi chính sách của mình để đổi lại các quan hệ bình thường với Mỹ. Trong một bài xã luận gần 3.000 từ đăng trên báo Granma của Đảng Cộng sản hôm 9-3, Cuba yêu cầu Washington ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba và nói rằng Obama cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thay đổi chính sách của Mỹ. Ngoài lời cảnh báo “Không ai có thể nghi ngờ gì về việc Cuba trung thành vô điều kiện với các lý tưởng cách mạng và chống đế quốc của mình”, xã luận này trích dẫn chủ tịch Raúl Castro nhận định tương tự “Chúng ta sẽ không cho phép chúng ta bị áp lực về công việc nội bộ của mình. Chúng ta đã giành được chủ quyền này bằng những hy sinh vĩ đại”.

Hôm 9-3, TNS Bob Corker (Cộng hòa, Tennessee), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, nói ông không nghĩ Mỹ chưa bỏ cấm vận thương mại trong nhiệm kỳ của Obama, nhưng điều đó có thể xảy ra trong chính quyền của tổng thống mới nếu có những thay đổi ở Havana. Tới nay, Obama đã dùng các quyền hạn hành pháp của mình để nới lỏng các hạn chế về thương mại và đi lại. Nhưng lệnh cấm vận thương mại do Mỹ áp đặt với Cuba vào năm 1960 không thể được gỡ bỏ nếu không được quốc hội phê chuẩn. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát quốc hội, và tuy nhiều nghị sĩ Cộng hòa đồng ý với đại đa số nghị sĩ Dân chủ muốn bỏ cấm vận, giới lãnh đạo Cộng hòa tại quốc hội phản đối kịch liệt.

“Cập nhật”

Sau chuyến đi Cuba hồi hè năm ngoái, tôi hỏi hai con nghĩ gì. Anh Hai nói giống như một chuyến ngược dòng thời gian, còn anh Ba phán: “Mình sống ở tầng mây thứ chín, còn đa số dân Cuba thì không biết leo lên tầng một chưa”. Riêng tôi, cái ý “ngược dòng thời gian” lại rất trúng đài.

Trên đường về khách sạn, lúc xe đi ngang những khu nhà tập thể như cùng một khuôn đúc ra, có người trong nhóm chợt thốt lên: “Sao mà giống Hà Nội thời 1970-1980 quá”. Anh bạn đi cùng xin được lễ tân khách sạn tờ Granma bản tiếng Anh. Chợt nhớ lại cách đây gần 30 năm tôi thường lò dò ra thư viện thành phố đọc ké tờ này. Thuở đó chỉ có tờ này và vài tờ tiếng Anh của Liên Xô để gọi là có kênh thông tin nhìn ra thế giới, chớ làm gì có báo Tây. Hơn một phần tư thế kỷ, cầm lại tờ Granma thấy chẳng khác xưa, cũng giấy xỉn màu, cũng thông tin rặt mùi tuyên truyền.

Đâu đó vẫn lẩn quất hình ảnh của Che (các điểm thu hút nhiều du khách nước ngoài luôn có nhiều tiệm bán áo, mũ và đồ lưu niệm in hình nhà cách mạng người Argentina), vấn vương cách mạng 1959 (đơn vị tương đương tổ dân phố được gọi là Ủy ban Bảo vệ Cách mạng). Trên chuyến bay trở về, nghe lóm một du khách nhận xét về thức ăn tại khách sạn 4 sao: “Ở đây cái cần nóng thì không nóng, cái cần lạnh thì không lạnh”, tôi chợt nhớ nhiều nơi vẫn đầy những khẩu hiệu như “Đoàn kết và Hiệu quả vì Chủ nghĩa xã hội của chúng ta” (Unidad y Eficiencia por nuestro Socialismo).

Dẫu sao, dễ nhận thấy là một số bộ phận dân chúng Cuba đang nỗ lực mọi cách để “cập nhật”. Theo đề cương đổi mới được vạch ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Cuba năm 2011, mục tiêu không phải là biến đổi tận gốc, mà là “cập nhật hệ thống kinh tế hiện có”, trong đó cơ chế kế hoạch hóa tập trung và chế độ công hữu vẫn đóng vai trò chủ đạo, lấn át cơ chế thị trường và tài sản tư hữu. Nhà nước vẫn kiểm soát gần như toàn bộ nền kinh tế. Những quả ngọt của sự mở cửa đa phần đều rơi vào tay Tập đoàn Quản lý Kinh doanh (GAESA). GAESA chiếm khoảng một nửa (một số nhà kinh tế cho là 80%) doanh thu ở Cuba, và do Tướng Luis Alberto Rodriguez, con rể của Raúl Castro, đứng đầu. Tuy nhiên, bàn tay hữu hình của nhà nước bắt đầu được nới lỏng ở một số ngành nghề, khuyến khích hoạt động kinh tế cá thể và tư nhân.

Rolando, hướng dẫn viên riêng kiêm tài xế của nhóm hai gia đình chúng tôi, là một ví dụ điển hình về “cập nhật”. Tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, Rolando làm biên dịch viên cho nhà nước mấy chục năm cho tới khi Cuba bắt đầu mở cửa đôi chút cách đây 5 năm. Khi lượng du khách nước ngoài bắt đầu tăng lên, ông bỏ việc nhà nước – một quyết định dũng cảm đối với nhiều người thậm chí hiện nay – và theo nghề hướng dẫn viên. Ông thuê xe loại 7-12 chỗ, tự tổ chức tour trên tuyến giữa thành phố du lịch Varadero và Havana. Nhờ quan hệ tốt với các hãng lữ hành nước ngoài tại Varadero, và tài kể chuyện văn hóa, lịch sử Cuba bằng tiếng Anh lưu loát giọng đặc Mỹ – khiến chặng đường gần 150 km trở nên rất ngắn – Rolando có được nguồn khách ổn định, và thu nhập – chủ yếu bằng CUC và/hoặc ngoại tệ – gấp hàng chục lần đồng lương công chức. (Peso khả hoán CUC dành cho người nước ngoài dùng tại Cuba, gắn với đô-la Mỹ và có giá trị gấp 25 lần peso nội địa CUP.) Dù internet vẫn là hàng xa xỉ của đa số dân Cuba, Rolando tích cực xây dựng “chân dung số” của mình; ông dặn chúng tôi khi về nước chịu khó lên mạng TripAdvisor khen ông vài câu. Ông khoe con trai ông, kỹ sư điện tử, cũng “cập nhật” bằng cách mở tiệm sửa iPhone cho du khách.

Trong năm qua, mức du lịch tới Cuba tăng gần 20%, riêng số du khách Mỹ tới Cuba đã tăng 50%. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn và xuống cấp tất nhiên chưa sẵn sàng để đón nhận trận sóng thần du lịch này cũng như nhiều hoạt động kinh tế mới mẻ khác. Thiếu nhà trọ và khách sạn nên gần như ai có cơ hội đều đầu tư hoặc hùn hạp với người nước ngoài để mua, tân trang và cho thuê nhà và chỗ trọ, mở tiệm ăn. Do chưa có thị trường bất động sản chính thức vì chính phủ chỉ mới cho phép mua bán nhà gần đây, sự “cập nhật” có thể thấy ở góc phố, hay bất cứ chỗ nào đông người qua lại với cò nhà đất cầm biển các-tông hoặc cuốn sổ ghi thông tin và dán hình giới thiệu nhà rao bán.

Một phần trong thu nhập của Rolando là hoa hồng khi đưa khách tới các cửa hàng xì gà và rượu rum, và tiệm ăn. Điểm dừng chân ăn trưa Rolando đưa chúng tôi tới là một căn nhà nhỏ xinh xắn nằm gần khu ngoại giao đoàn ở Havana. Chủ nhà sửa sang và biến phần lớn diện tích thành quán ăn khoảng 10 bàn. Đi tới đâu ở Cuba cũng thấy gần như chỉ mỗi loại rượu rum Havana Club, nhưng trên tường ở một phòng riêng biệt trưng cả trăm vỏ chai rượu đủ nhãn hiệu nước ngoài. Chủ quán cho biết toàn xin của khách nước ngoài hoặc mua lại của số ít người Cuba có cơ hội ra nước ngoài học tập và công tác.

Những người có điều kiện tự cập nhật như Rolando và chủ quán ăn vẫn còn là thiểu số. Viết trên tạp chí Americas Quarterly năm 2014, Carmelo Mesa-Lago, giáo sư kinh tế và nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Pittsburgh, nhận định rằng tuy Raúl Castro (lên nắm quyền năm 2006) gọi những cải cách cơ cấu là các bước quan trọng hướng tới một thị trường dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng Cuba, chúng vẫn còn khác xa những chính sách thay đổi triệt để phổ biến ở Châu Mỹ Latinh, và tụt hậu khá xa so với những đổi mới ở Việt Nam và Trung Quốc.

Theo phía Mỹ, một trong những định nghĩa về mở cửa là Cuba phải mở internet, nhưng Cuba vẫn nằm trong số ít nước có tỷ lệ kết nối thấp nhất thế giới. Theo Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, chỉ có 3,4% gia đình Cuba có nối mạng, mà chủ yếu là intranet, chứ không phải internet. Giữa tháng 6-2015, Cuba lần đầu tiên mở mấy chục điểm Wi-Fi công cộng, nhưng phí sử dụng là 2 đô-la/giờ, bằng 1/10 mức lương trung bình 20 đô-la/tháng.

Do cửa sổ nhìn ra thế giới chỉ mới mở he hé như vậy, và hơn nửa thế kỷ được chế độ bảo bọc từ lúc lọt lòng tới lúc về thế giới bên kia (nếu không có điều kiện, người dân được nhà nước trang trải cả chi phí tang lễ và chôn cất), đại đa số dân chúng hoặc hài lòng với đời sống hiện tại, hoặc chưa thể “cập nhật” để khấm khá hơn.

Osvaldo, người hướng dẫn đi thuyền buồm cho nhóm chúng tôi, rất cảm kích trước số tiền bo cho một suất 45 phút dù không đáng là bao với du khách nhưng bằng cả tuần lương của anh. Anh cho biết toàn bộ các nhân viên ở những resort như vậy đều làm cho nhà nước. Anh nhoẻn miệng cười dễ thương đúng kiểu dân Cuba hiền lành: “Nhà nước sở hữu chúng tôi.”

(Bản rút ngắn của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 20-3-2016 với tựa đề “Cuba: cánh cửa sắp mở?“.)

© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan: Cuba hậu cộng sản

2 thoughts on “Cuba: cánh cửa mở hờ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *