Cuộc báo thù của Putin (Kỳ cuối)

Michael Crowley, Politico Magazine, 16-12-2016

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

(Kỳ 1)

Đi cùng với chồng bà trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Nga vào tháng 1 năm 1994, Hillary Clinton có một chuyến bay không êm ả tới Moscow. Khi đoàn xe hộ tống của bà tiến vào thành phố, Clinton thấy buồn nôn, nhưng tìm không được một túi nôn tạm trong xe limousine. Chẳng có cái nào. Về sau bà kể lại trong hồi k‎ý Living History (Sống qua lịch sử), “Tôi cúi gập đầu xuống và nôn ra trên sàn xe.”

Tuy nhiên, ở cấp độ cá nhân, Clinton có khởi đầu suôn sẻ. Bà cũng tạo được mối quan hệ thân thiết với Yeltsin—khá lạ lùng là tại một bữa ăn tối Yeltsin nói với bà là ông giữ một tấm ảnh của đệ nhất phu nhân Mỹ trong văn phòng của mình và nhìn nó “hàng ngày”. Trong những năm ở Thượng viện, Clinton—giống như phần lớn chính giới ở Washington chủ yếu quan tâm tới Iraq và nạn khủng bố—chẳng dành mấy thời gian nghĩ về Nga. Trong cuộc tranh luận với Obama ở vòng bầu cử sơ bộ năm 2008, bà chật vật đọc tên của tân tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, và sau đó thòng thêm “sao cũng được” khá bẽ mặt.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Thủ tướng Nga Vladimir Putin ở Novo-Ogarevo, ngoại ô Moscow, ngày 19-3-2010. (Ảnh: Getty)

Sau khi nhậm chức ngoại trưởng vào năm 2009, Clinton được giao đảm trách chính sách “tái khởi động” của Obama; chính sách này mong tìm được sự thông cảm lẫn nhau với Nga để tiến tới làm tan lớp băng đã phủ lên mối quan hệ vào cuối thời kỳ Bush. Theo suy luận của chủ trương đó, những vấn đề như kiểm soát vũ khí hạt nhân và một nước Afghanistan ổn định có thể là những nền tảng của một mối quan hệ mới và mật thiết hơn. Sự lạc quan của Obama phần nào dựa trên thực tế là nhân vật tương đối ôn hòa Medvedev đã kế nhiệm Putin—buộc phải từ bỏ chức tổng thống do luật hạn chế nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Putin nắm chức thủ tướng và giữ được nhiều quyền lực hậu trường hơn giới chức Mỹ tiên liệu.

Là ngoại trưởng, Clinton xác thực những nỗi lo ngại từ lâu của Putin về Mỹ—tất thảy đều mang âm hưởng của những chính sách của Mỹ được đưa ra trong thời chồng bà làm tổng thống và sô diễn say sưa Bill-và-Boris trong thập niên 1990.

Một trong những mối lo đó là Putin tin rằng hăng hái thực hiện những can thiệp quân sự khắp thế giới bất chấp ý kiến quốc tế—hay ít nhất là ý kiến của Nga. Hillary Clinton đã ủng hộ Cuộc chiến Iraq năm 2003 và sự can thiệp năm 2011 của Obama vào Libya. Putin phản đối cả hai chiến dịch đó—và, là một nhà độc tài hoang tưởng, ông bất bình về thành quả của Washington trong các chính sách thay đổi chế độ. Cũng chẳng hữu ích gì khi cái tên Clinton đã nhắc giới chức Nga nhớ lại những can thiệp của NATO do Mỹ đứng đầu trong thập niên 1990 ở vùng Balkan, điều mà nhiều người theo đường lối cứng rắn xem là sự xâm lược trắng trợn của phương Tây đối với các nước Slav anh em của họ.

Cũng liên quan là sự hăng hái của Hillary Clinton về việc NATO mở rộng thêm sang Đông Âu. Tiến trình này được dựa trên quan niệm có cơ sở vững chắc là Đông Âu cần—và quả thực đang yêu cầu—được bảo vệ chống lại sự xâm lấn của Nga. Nhưng giới chính thống quân sự của Nga xem đó là một sự xâm phạm dần dần phạm vi ảnh hưởng của họ.

Phản ứng này cũng có nguồn gốc từ thời Bill Clinton. Ông tin rằng một NATO mở rộng sẽ giúp bảo đảm dân chủ, thịnh vượng và ổn định trên khắp Châu Âu. Moscow có một quan điểm hoàn toàn khác hẳn. Sau một hội nghị thượng đỉnh năm 1994 mà tại đó Yeltsin tán thành với Bill Clinton về việc tăng thêm các thành viên NATO mới—trong đó có Ba Lan và Hungary, cả hai đều là các nước chư hầu Xô Viết cũ—một tờ báo cộng sản đã giận dữ nói về “sự đầu hàng của chính sách Nga trước NATO và Mỹ”. Một trong những đối thủ chính trị chính của Yeltsin nói ông đã để cho “ông bạn Bill đá ông từ phía sau”. Đối thủ đó so sánh sự thỏa thuận đó với cách đối xử với nước Đức tại Versailles sau Đệ nhất Thế chiến—một chủ đề lặp đi lặp lại trong giới chức Nga kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Một số cố vấn cao cấp của Bill Clinton đã tiên đoán chính xác rằng sự mở rộng NATO sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ Moscow, và tạo nên một luận điệu thuận tiện cho những người có thể có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bày tỏ quan điểm phản đối phương Tây. William Perry, bộ trưởng quốc phòng của Bill Clinton, nói với tạp chí POLITICO hồi mùa hè 2016 rằng ông đã nghĩ tới chuyện từ chức về vấn đề này do lo ngại về ảnh hưởng của nó tới quan hệ Mỹ-Nga. Nhưng Clinton đẩy mạnh, khởi động một tiến trình tăng thêm một tá thành viên mới trong vòng 20 năm tiếp theo, từ các nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia xuyên qua Đông Âu (Cộng hòa Czech và Romania) và tới Nam Tư cũ—toàn những nơi mà trước đây Nga từng có ảnh hưởng vô đối.

Khi Obama tiếp tục cho đoàn tàu NATO lăn bánh, ngoại trưởng của ông hoàn toàn hưởng ứng. Vào tháng 2 năm 2010, Clinton phát biểu, “Chắc chắn NATO sẽ tiếp tục mở cửa đón nhận các thành viên mới.”

Bất kể điều đó có ảnh hưởng thực tế gì tới các lợi ích của Nga, nghe cứ như đó là sự khiêu khích Điện Kremlin. James P. Rubin, một cựu phát ngôn viên trong Bộ Ngoại giao của Bill Clinton, nói, “Sự mở rộng NATO không thật sự có hại cho Nga. Nó không gây ra một rủi ro an ninh. Nó chỉ khiến giới chóp bu Nga thấy khó chịu và khiến họ cảm thấy rằng vị thế đại cường quốc của họ có phần bị suy yếu.”

Trong giới chóp bu đó có Putin, mà với ông sự mở rộng của NATO giống với nỗi nhục trong thập niên 1990. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với nhà làm phim Oliver Stone, Putin thừa nhận rằng Nga phản ứng “đầy cảm tính” trước sự mở rộng của liên minh NATO, và nói thêm rằng Nga “buộc phải có những biện pháp phản đòn” ứng phó với chuyện đó. Putin giải thích, “Tức là cho các hệ thống hỏa tiễn của chúng tôi nhắm vào những cơ sở mà chúng tôi nghĩ là có nguy cơ đe dọa chúng tôi.”

***

Với Putin, cách cuối cùng Hillary Clinton châm ngòi những phẫn uất về sự kết thúc Chiến tranh Lạnh có lẽ là quan trọng nhất. Chính sách “tái khởi động” của Clinton tạm thời cải thiện quan hệ giữa Washington và Moscow. Nhưng Putin vẫn phẫn nộ về ảnh hưởng chính trị của Mỹ thời Bush ở Ukraine, Georgia, và các nước cộng hòa Xô Viết khác. Putin xem tài trợ ngày càng tăng của Mỹ cho các chương trình xã hội dân sự và dân chủ ở Châu Âu, Trung Á và chính Nga là một hình thức lật đổ.

Là ngoại trưởng, Clinton thích nói về những kiểu chương trình “quyền lực mềm” đó như một cách tăng ảnh hưởng của Mỹ. Điện Kremlin cũng xem bà như một bạn đồng hành của giới tân bảo thủ, những người tin rằng nước Mỹ có một sứ mệnh toàn cầu để cổ xúy chính sách đối ngoại được dẫn dắt bằng dân chủ và bảo vệ nhân quyền.

Biểu tình chống Putin ngày 24-12-2011 ở Moscow, Nga. (Ảnh: Getty)

Nhưng mãi tới tháng 12 năm 2011 Putin mới nhận thấy Hillary Clinton là một mối đe dọa trực tiếp cho quyền lực của ông. Đó là khi những cuộc biểu tình quy mô lớn khác thường xuất hiện trên những đường phố lạnh giá của Moscow. Tuy nổ ra do những cuộc bầu cử quốc hội bị cho là có dàn xếp, các cuộc biểu tình đó dần biến thành một điều lớn hơn, với những tiếng hô “Putin là kẻ cắp!” và “Nước Nga không có Putin”. Putin chưa từng thấy cảnh nào giống như vậy kể từ khi mới lên cầm quyền hơn một chục năm trước. Với một nhà độc tài và một cựu điệp viên được giới Mỹ xem là vừa hoang tưởng và vừa hiểu rất đúng rằng nếu bất ngờ mất quyền lực thì ông có thể đi tù hoặc tệ hơn nữa, đó là một mối đe dọa ghê gớm.

Và theo quan điểm của Putin, Clinton thừa cơ tấn tới. Bà có những lời phát biểu ủng hộ các cuộc biểu tình, bày tỏ “những quan ngại” về các cuộc bầu cử quốc hội và nói rằng Mỹ “ủng hộ các quyền và nguyện vọng của nhân dân Nga”. Đối với thính giả phương Tây, đó là lời lẽ ủng hộ dân chủ rập khuôn, chứ không hẳn là lời kêu gọi cầm vũ khí chống chính quyền ở Moscow. Nhưng Putin lại nghĩ như vậy. Ông phẫn nộ là Clinton đã “phát tín hiệu” tới những người biểu tình và lên án Mỹ hậu thuẫn những nhà quan sát bầu cử, những người mà ông cho là có mưu đồ lật đổ. Putin nói, “Chúng ta cần tự bảo vệ mình tránh sự can thiệp này vào công việc nội bộ của chúng ta và bảo vệ chủ quyền của chúng ta.”

Một số quan chức Mỹ cho rằng Putin—giống như quá nhiều nhà độc tài khác đổ thừa những kẻ xúi giục ngoại quốc về tình hình bất ổn nội địa—đã tìm thấy ở Clinton một kẻ xấu chính trị rất tiện để đổ thừa. Nhưng chính Clinton cũng tin rằng ông muốn báo thù, như bà phát biểu với những nhà tài trợ tại một sự kiện không công khai vào ngày 15 tháng 12 năm 2016. Và các chuyên gia khác về Nga cho rằng Putin thực sự giận dữ.

Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Moscow của Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, nói, “Ông ta điên tiết. Bộ Ngoại giao trở nên nham hiểm trong mắt báo chí Nga hơn CIA trong thời Chiến tranh Lạnh.”

***

Putin thắng kỳ bầu cử đó, và việc ông trở lại ghế tổng thống vào năm 2012—cùng với đợt thanh trừng chính trị bắt đầu cũng khoảng thời gian đó—khiến giới chức Mỹ lo ngại. Nhưng chính quyền Obama chậm nhận ra sự quyết đoán mới của Putin. Sau khi Mitt Romney cảnh báo trong chiến dịch tranh cử năm 2012 rằng Nga là “kẻ thù địa chính trị hàng đầu của Mỹ”, Barack Obama châm chọc trong một cuộc tranh luận với Romney rằng “thập niên 1980 bây giờ đang gọi để đòi lại chính sách đối ngoại của họ, vì Chiến tranh Lạnh đã kết thúc 20 năm rồi.”

Nhưng Romney nói có cơ sở. Putin chưa bỏ cuộc. Ông chuyển sự chú ý của mình từ chuyện dàn xếp chính trị nội địa sang thực thi quyền lực của Nga ở nước ngoài—và khôi phục nước Nga trở lại chỗ mà ông xem là vị thế đúng của Nga trên trường quốc tế.

Sau một cuộc nổi dậy thân phương Tây khác ở Ukraine, Putin chiếm bán đảo Crimea của nước này. Ông ủng hộ một phong trào ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, nơi gần 10.000 người đã chết trận. Và sự can thiệp quân sự bất ngờ của ông ở Syria, đồng minh chính lâu năm của Moscow ở Trung Đông, đã dồn Obama vào chân tường; điều đó gần đây đã khiến Obama có vẻ bất lực khi các lực lượng Nga kết hợp với chế độ Syria trong một chiến dịch thắng lợi đánh bật các lực lượng phiến quan khỏi Aleppo.

Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 năm 2014 ít lâu sau khi chiếm Crimea, Putin nói rõ là ông đang tái lập vị trí của Nga trong trật tự toàn cầu. Ông nói thế giới phải “chấp nhận thực tế hiển nhiên: Nga là một nước tham gia độc lập, tích cực trong các vấn đề quốc tế. Giống như các nước khác, Nga có các lợi ích quốc gia của riêng mình cần được cân nhắc và tôn trọng.” Diễn dịch: Nga sẽ không còn bị đặt ngồi ở bàn con nít trong khi Washington sai khiến các diễn biến thế giới.

Ngày càng thấy rõ rằng một nước khác bị Nga áp dụng ảnh hưởng mới của mình là chính Mỹ, nơi chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton trong nhiều tháng trời khốn đốn vì lũ lượt email bị ăn cắp—theo giới chức tình báo Mỹ là bị hack bởi các tay sai của Điện Kremlin, có thể là do Putin đích thân chỉ đạo.

Không thể đo lường ảnh hưởng chính xác của những email bị rò rỉ đối với chiến dịch tranh cử của Clinton. Nhưng thất bại của bà rõ ràng là một thắng lợi cho Putin, người sẽ sớm chào đón một vị tổng thống Mỹ lãnh đạo chính quyền có thể là thân thiện với Nga nhất trong lịch sử Mỹ. Putin gởi lời chúc mừng của mình tới Donald Trump chỉ trong vòng một giờ sau khi Clinton thừa nhận thua cuộc. Và khi tin Trump thắng cử lan tới Viện Duma Nga, tiếng vỗ tay vang dội nghị trường.

Và sao lại không? Trump đã bày tỏ nghi vấn về giá trị và tính hợp thời của NATO, và nêu những nghi ngờ về việc liệu ông có sẽ bảo đảm sự phòng thủ cho các thành viên dễ gặp nguy hiểm nhất, trong đó có các nước Baltic—những quan điểm mà chưa từng có tổng thống Mỹ nào tán thành mạnh đến vậy. Ông đã nói rằng ông sẽ cân nhắc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt do vấn đề Ukraine và thậm chí có thể công nhận Crimea là một phần của Nga, bất chấp cả hai đảng ở quốc hội Mỹ phản đối ý tưởng này.

Đây không phải là cái tương lai mà Bill Clinton đã hy vọng cách đây hai thập niên. Ông tiên liệu một nước Nga hồi sinh—nhưng là một nước sẽ hội nhập vào Châu Âu, với một nền dân chủ phát triển mạnh, một thị trường tự do và một nước đóng góp vào sự ổn định và an ninh ở đó. Thay vì vậy, điều ngược lại đã xảy ra: Nga đã trở thành một nhà nước mật vụ đàn áp đang cố phá hoại nền dân chủ phương Tây đồng thời giương oai hạt nhân với NATO.

Bất chấp kiểu khoa trương như để ngực trần cưỡi ngựa của ông, nước Nga của Putin vẫn lắm vấn đề. Nền kinh tế của Nga vẫn èo uột, khốn đốn một phần do các biện pháp trừng phạt do vấn đề Ukraine. Các chuyên gia về Nga và giới chức Mỹ nói rằng Moscow vẫn cảm thấy hết sức bất an về vị thế của mình trên thế giới. Nhưng, theo họ, cũng có một tinh thần lạc quan mới ở Điện Kremlin—nhất là nay Mỹ, có lẽ với sự hỗ trợ của Nga, đã bầu Trump.

Trenin nói, “Tôi nghĩ Nga sẽ hồi phục sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nga là một cường quốc quan trọng hiếm hoi đã hồi phục sau một thất bại có tính lịch sử.” Trenin không đi xa tới chỗ nhận định rằng quốc gia thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh nay đã xoay sở giành thắng lợi trong thời kỳ sau đó. Nhưng, ông nói: “Nga đang đứng dậy trở lại với tư cách một cường quốc quan trọng.”

Bất luận Trump còn mang lại điềm báo gì khác cho thế giới, ý nghĩa ông đối với Nga đã rõ: thắng lợi bất ngờ của ông đã chấm dứt thời kỳ lâu dài của nhà Clinton ở trung tâm quyền lực Mỹ, và sự tôn trọng được Trump bày tỏ công khai với nhà độc tài Putin đánh dấu sự hồi phục có tính quyết định từ nỗi bẽ bàng và vị thế hạng hai đã khiến nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhức nhối trong hai thập niên.

Khó mà hình dung có ai đã có thể tiên liệu sự đảo ngược này cách đây 15 năm, nhưng đã có một số dấu hiệu. Trong chuyến thăm Yeltsin cuối cùng của Bill Clinton, ở tư gia của Yeltsin tại ngoại ô Moscow vào tháng 6 năm 2000, Clinton đã chia sẻ những mối quan ngại của ông về Putin, cựu viên chức KGB bước ra từ bóng tối. Ông dường như đã nhận thấy rằng một điều gì đó có thể đang biến mất.

Theo Talbott, Clinton nói, “Ông có nhiệt huyết trong người của một nhà dân chủ thực sự và một nhà cải cách thực sự. Tôi không chắc Putin có điều đó.” Clinton nói thêm rằng ông đã “may mắn” có Yeltsin là đối tác.

Ở trên xe sau đó, Clinton xoay sang nói với Talbott. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhớ ông ta.”

Nguồn: Michael Crowley, Putin’s Revenge, Politico Magazine, 16-12-2016.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 11/1/2017.)

Bản tiếng Việt © 2017 Phạm Vũ Lửa Hạ

1 thought on “Cuộc báo thù của Putin (Kỳ cuối)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *