Qaddafi phải sống để đền tội

Qaddafi chết đi, ít kẻ khóc, lắm người cười. Báo Mỹ, báo Anh nhanh chóng đăng những bài dài kể tội nhà độc tài. Đến như Trung Quốc trước nay vẫn bênh vực Qaddafi, ban đầu bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt Qaddafi, mãi đến ngày 12/9 mới công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia của Libya, nay quay ngoắt gọi Qaddafi là “kẻ điên”. Người Libya đa phần hẳn mừng khôn tả. Nhưng liệu họ có muốn hắn chết chóng vánh như thế? Bài viết sau đây của một người Libya sống ở Mỹ cho một cách nhìn khác.     

Cái chết của tên bạo chúa

Hơn bốn chục năm qua người Libya vẫn hằng mơ tới ngày Qaddafi chết đi. Nhưng khi ngày đó cuối cùng đã tới, tôi không thể không ước gì hắn bị bắt sống, chứ không phải bị giết.

Najla Abdurrahman 

Sáng sớm, điện thoại reo làm tôi tỉnh giấc. Em gái tôi ở đầu dây bên kia, và nghe giọng như muốn nghẹn của nó, tôi biết ngay nó sắp nói gì. Qaddafi đã chết. Bị giết chết trong một trận đấu súng ở Sirte. Tôi bật TV, mở kênh Al Jazeera, dụi mắt rồi lặng yên nhìn chằm chằm vào màn hình. Lần lượt hết điện thoại tới email và tin nhắn hả hê ăn mừng bắt đầu đổ tới, nhưng phần tôi lại chẳng lòng dạ nào ăn mừng.

Đối với quá nhiều người Libya, giây phút này quá ý nghĩa, không lời nào có thể nào bày tỏ được, vì đó là sản phẩm của một loại trải nghiệm lạ kỳ phải sống qua rồi mới thấm – nó là tột đỉnh của vô vàn những giây phút khác lâu nay tích tụ rồi đưa tới phút giây này, và thấm đẫm lịch sử và đầy ý nghĩa. Nghe thật ghê rợn, nhưng hôm nay là cái ngày tôi đã mường tượng biết bao lần trong đầu từ lúc còn nhỏ, tự hỏi ngày đó sẽ xảy ra ra sao và mọi người chúng tôi sẽ biết tin bằng cách nào, tưởng tượng khuôn mặt vui mừng khôn xiết của ba má tôi vào cái giây phút biết sự thật đó, cùng với khuôn mặt của tất cả những người khác trong cộng đồng chúng tôi, nhiều người trong đó đã đích thân bị tước đoạt, chịu mất mát, bị tra tấn, bị sỉ nhục, bị cầm tù, hoặc phải lưu vong. 

Nhưng đâu chỉ có mình tôi mơ giữa ban ngày như thế. Tôi lớn lên trong một cộng đồng gồm những người bất đồng chính kiến gắn bó keo sơn ở Mỹ, bàn luận chính trị là chuyện thường ngày mọi lúc mọi nơi. Ngay cả ý thức của một đứa trẻ cũng tràn ngập những hình ảnh của tên bạo chúa, và những mặt trần tục của cuộc sống thường nhật được đan xen với câu chuyện lớn lao về sự tranh đấu muôn thuở.  Dù là đang ăn tối, đi dã ngoại cuối tuần, hay trong kỳ nghỉ, bất cứ khi nào người Libya ở Mỹ tụ họp với nhau, họ đều nói chuyện chính trị.  Vấn đề là: chính trị ở Libya chỉ nghĩa là một điều – một con người – và ta chẳng bao giờ có thể dứt không bàn về hắn.

Chuyện xảy ra ngày 20/10 đã hiện thực hóa một giấc mơ đã thành ảo mộng từ lâu. Nó đại diện cho điều mà hàng triệu người lâu nay hằng mong đợi, thay thậm chí cầu nguyện.  Thú nhận như vậy có thể không phải đạo về chính trị, nhưng thực tình mà nói, chẳng có gì về xã hội Libya trong 42 năm qua là phải đạo cả.

Nhưng cái chết của một người không thể đảo ngược bao thế hệ đau thương. Xung quanh giây phút này ta cảm nhận rõ một cảm giác trầm tư, thậm chí tang tóc, không chỉ vì hàng ngàn người vô tội đã bị giết, thương tật, và đau khổ trong hơn tám tháng qua – nhưng cũng vì những người thân của chúng tôi đã mất đi trong những năm hắn cầm quyền, và cùng với chúng tôi, họ đã từng cầu nguyện và mơ đến ngày hắn chết đi, nhưng sẽ chẳng bao giờ biết đến cảm xúc của giây phút này.

Đành phải lưu vong hoặc bị bóp nghẹt dưới ách áp bức, họ đã bỏ mình – nhưng giờ đây chúng tôi phải thở phào và, nếu muốn, chúng tôi phải về quê nhà. Đối với tôi,  ý nghĩ này khiến tôi thấy mình hết sức nhỏ bé. Văn hóa Libya đậm nét Hồi giáo, nghĩa là nghiêm túc lãnh trách nhiệm tôn vinh người đã khuất và người tử vì đạo. Người Libya ý thức rất rõ là chúng tôi cần mang lại công lý cho họ, và không phung phí cái giây phút đã đến với cái giá cao nhất.

Qaddafi đã bị kết liễu từ lúc Tripoli thất thủ, có lẽ thậm chí còn sớm hơn. Cho dù hắn đã cố gây hỗn loạn từ cái hang nào đó mà hắn đang chui nhũi đợi lúc tàn kiếp, tầm quan trọng của tin ngày hôm nay mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là thực tế. Và tin này lại khiến nhiều người Libya vô cùng thất vọng: Hắn chết rồi nghĩa là sẽ không có phiên tòa xử hắn, người dân xứ hắn không có dịp mang bao nỗi bất bình của mình ra đối chất với hắn, gia đình các nạn nhân không có cơ hội nhìn thẳng vào mắt hắn để hắn hiểu hắn đã tước đoạt gì của họ. Nhưng nỗi đau ấy lại chịu thêm bất công: sau khi thụ hưởng một đời tương đối dài và đầy đặc quyền đặc lợi, Qaddafi bị binh sĩ phiến quân bắn chết, và chắc chắn sẽ được một số người vinh danh như một người tử vì đạo, hay tệ hơn nữa, một nạn nhân vô tội của bọn đế quốc xâm lăng.

Thật khó biết Đại tá thực sự nghĩ gì về người dân Libya và cuộc cách mạng của họ, nếu hắn thực sự tin chính những lời hoa mỹ của hắn về vai trò người cha, người dẫn đường, và biểu tượng của toàn thể nhân dân Libya. Liệu hắn có thực sự tin, như hắn thường tuyên bố, rằng “hàng triệu người” kính yêu và ủng hộ hắn, hoặc tin rằng al Qaeda, ma túy và những kênh thời sự nước ngoài cùng với một vài “kẻ phản bội” nổi loạn âm mưu lật đổ hắn? Liệu hắn có biết rằng đại đa số người Libya không muốn gì khác hơn là thấy hắn ra đi? Tâm tư của Đại tá từ lâu đã là chủ đề tranh luận kịch liệt của quốc tế, và chắc chắn dễ hiểu là hắn đã dựng nên một môi trường cho phép những ảo tưởng đó sinh sôi. Rủi thay, câu trả lời cho quá nhiều câu hỏi quan trọng gần như chắc chắn đã chết theo tên độc tài.

Về câu hỏi công lý, những người Libya lâu nay mong đợi ngày của hắn – ngày của họ – trước tòa sẽ đành phải tìm an ủi trong đức tin của họ về một công lý siêu nghiệm.

Người Libya sẽ thanh thản chỉ khi họ có thể làm lành với quá khứ và với nhau, và nếu họ dành hết tâm lực xây dựng một xã hội nhất lòng vì dân chủ, công lý, và đa nguyên. Họ phải dứt bỏ những lời hoa mỹ sáo rỗng ca ngợi cách mạng chỉ để phục vụ mục đích cách mạng, và tự nhắc nhở rằng cuộc đấu tranh này không phải chỉ toàn khẩu hiệu và cảm tính, hay để giành thắng lợi, hay thậm chí để lật đổ Qaddafi – mà là để biến thành hiện thực những lý tưởng mà cuộc đấu tranh này muốn cổ xúy: tự do, nhân phẩm, và sự tôn trọng mạng sống con người. Giờ đây cái con người duy nhất mà họ đã mạnh mẽ chống lại đã bị quẳng vào sọt rác của lịch sử, họ sẽ đi tiếp ra sao trong cuộc mưu cầu những lý tưởng đó?

Tôi ước gì hôm nay lịch sử đã diễn ra khác đi, ước gì Qaddafi đã bị bắt sống, chứ không phải bị giết. Như nhiều người khác, tôi muốn hắn bị quy trách nhiệm trước tòa án. Lòng tôi chạnh hẳn khi có tin khẳng định hắn đã chết, rồi tôi buồn rầu nhớ lại một trong những câu trả lời dí dỏm nhất tôi từng nghe đối với câu hỏi mà chỉ đến gần đây người Libya mới dám hỏi: nên bắt Qaddafi đền tội thế nào? Đừng xử tử hắn, người đó trả lời nửa đùa nửa thật. Thay vì thế, giam hắn trong một căn phòng trang bị một cái TV nhỏ gắn đường truyền trực tiếp với trung tâm Tripoli, buộc hắn xem người dân Libya tiếp tục cuộc sống của mình mà không có hắn.

Với Muammar, trên thế gian này không điều gì khác khiến hắn đau đớn hơn – kể cả cái chết.

Najla Abdurrahman là tác giả và nhà hoạt động người Mỹ gốc Libya, và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Trung Đông, Nam Á và Châu Phi của Đại học Columbia. Cô sống ở Thành phố New York.

Bản tiếng Anh: The Death of a Tyrant, Foreign Policy, 21/10/2011.

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/10/23/death-of-a-tyrant/

5 thoughts on “Qaddafi phải sống để đền tội

  1. Tôi thấy ông ta thât ghê sợ khi tuyển lính đánh thuê để giêt hại đồng bào mình,nhưng tôi thây hành động kéo lê xác ông ấy cũng dã man ko kém gì.

    1. Ở Libya, người dân không bị bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như đi lính, Gad không cho phép người dân của mình phải đổ máu, cũng giống như Gad k chấp nhận cho phép có người ăn xin ở Tripoli, chính vì k có người dân tham gia quân đội nên Gad đã bỏ tiền ra để thuê lính ở nơi khác về làm quân đội. Theo bạn thế là tốt hay xấu?

      1. Ông ta bỏ tiền ra chiêu mộ lính đánh thuê là để đàn áp lực lượng nổi dậy chứ không phải để “về làm quân đội”. Nếu như dân Lybia không phải đi lính thì lấy đâu ra 25000 quân chính quy và 25000 lính nghĩa vụ như theo tổng kết của IISS? Gaddafi không muốn dân mình đổ máu thì sao lại có 7000 lính Lybia chết trận trong cuộc xung đột với CH Chad năm 1986?

  2. GADA cần phải được hạ bệ nhưng giết GADA thì nước Lybia được gì… dân chủ hơn chắc gì đã có, chỉ thấy cải lùi….bắt phụ nữ trùm mạng…các bộ tộc giết nhau vì quyền lợi, nội chiến…..ai có thể nói trong vài 5 nữa nước Lybia có gì khá hơn dưới thời GADA….chỉ có thời gian trả lời câu hỏi đó mà thôi….chỉ bằng hành động giết và kéo xác cả Lybia đã cho cả thế giới thấy được 2 hình ảnh:
    1. sự tàn bào mất nhân tính của Hồi giáo,
    2. sự phụ thuộc vào các nước phương Tây (giết GADA theo lệnh của bên ngoài)
    thế thì liệu có còn hòa bình, dân chủ và độc lập???

Trả lời evilinthecloset Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *