Các cháu chỉ muốn đi học

Một bài viết cảm động của nhà báo Nicholas D. Kristof, báo The New York Times, về gương phấn đấu học của mấy chị em nhà nghèo ở Thủ Thừa. Thông điệp về giáo dục mà tác giả muốn nhắn nhủ tới chính phủ Mỹ nghe ra cũng bổ ích cho các quan nước ta. Vì tác giả không bỏ dấu tiếng Việt, nên mình chỉ ước đoán tên nhân vật trong bản dịch.

Các cháu chỉ muốn đi học

Nicholas D. Kristof

Phụng (giữa) với em trai Tiến, và em gái Hương. Ảnh của Nicholas D. Kristof/The New York Times

Đôi khi ta hiểu đất nước ta rõ hơn khi nhìn từ phương xa. Tôi chợt nghĩ vậy khi ghé thăm một căn chòi nhỏ ở vùng hẻo lánh thuộc Đồng bằng sông Cứu Long ở Việt Nam.

Những ngày trong tuần, gia đình nghèo khó này có chủ hộ là Đào Ngọc Phụng, một cô bé 14 tuổi thiếu ăn. Cô bé người nhỏ thó, chỉ cao 1,5 mét và nặng 44 kg.

Thế nhưng, nếu Phụng yếu ớt đến đau lòng, cháu lại mạnh mẽ đến đáng phục. Ta sẽ hiểu rõ những thách thức mà nước Mỹ đang đối mặt về khả năng cạnh tranh toàn cầu khi ta biết rằng Phụng ám ảnh về chuyện học hành đến độ mỗi ngày cháu để đồng hồ báo thức dậy lúc 3 giờ sáng. 

Cháu khẽ khàng thức dậy để tránh làm mất giấc ngủ của em trai và em gái cùng ngủ chung giường, rồi cháu vừa nấu cơm bữa sáng vừa ôn bài.

Má cháu mất vì ung thư một năm trước, để lại cho gia đình món nợ tương đương 1.500 đô. Ba cháu, Đào Văn Hiệp, là thợ mộc, thương con và quyết tâm bằng mọi giá cho con đi học, nhưng ông lên thành phố đi làm để có thể trả nợ. Bởi vậy, trong tuần, Phụng như một bà mẹ độc thân chỉ mới học lớp chín. 

Phụng đánh thức hai em, rồi sau khi ăn sáng cả ba chị em gò lưng đạp xe tới trường. Với Phụng, như vậy nghĩa là 90 phút đạp xe mỗi lượt. Cháu tới trường sớm 20 phút để khỏi bị trễ.

Học xong, ba chị em đi bắt cá để cái ăn bữa tối. Phụng tự đảm nhận những việc nặng trong nhà, như dọn rửa cầu tiêu, nhưng cháu không ngần ngại phạt em trai Tiến, 9 tuổi, và em gái Hương, 12 tuổi. Khi Tiến không nghe lời chị mà đi chơi với mấy bạn xấu, Phụng đánh em bằng roi.

Tuy nhiên, phần lớn cháu luôn dịu dàng, đặc biệt khi Tiến nhớ má. “Con cố gắng an ủi nó,” cháu kể, “nhưng rồi cả ba chị em ôm nhau khóc.”

Phụng ao ước học đại học và làm nghề kế toán. Đó là một giấc mơ gần như bất khả thi đối với một cô gái nhà quê, nhưng ở các nước Đông Á, người nghèo thường bù đắp cho túi tiền hạn hẹp của mình bằng nỗ lực cần mẫn đáng kinh ngạc và lòng tin gan lì cho rằng học vấn có thể thay đổi số phận. Nỗi ám ảnh say mê học hành là một di sản của Khổng giáo – một truyền thống 2.500 năm tôn sư trọng đạo, đề cao việc học và thi cử trọng tài năng. Đó là một lý do tại sao những nước Khổng giáo như Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia đạt thành tích xuất sắc nhất thế giới về đấu tranh chống nghèo đói.

Phụng xin ba cho tiền học thêm toán và tiếng Anh. Ba cháu nhỏ nhẹ giải thích rằng tiền học – khoảng 40 đô mỗi năm – đắt quá không kham nổi.

(Với những ai muốn giúp đỡ Phụng, một quỹ hỗ trợ tên là Room to Read đã được lập để giúp cháu và những cháu gái hoàn cảnh tương tự; xem chi tiết trên blog của tôi, nytimes.com/ontheground, hoặc trên Facebook.com/Kristof.)

Tôi ước gì người Mỹ chúng ta có thể hấp thu phần nào lòng tôn trọng học vấn của cháu Phụng. Mỹ, từng là nước dẫn đầu thế giới về tỉ lệ đi học trung học và đại học, đã tụt hậu về cả hai mặt này kể từ thập niên 1970. Trong 27 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà chúng ta có số liệu, Mỹ hiện nay xếp thứ 23 về tỉ lệ tốt nghiệp trung học.

Đành rằng trường ở Châu Á không khuyến khích sáng tạo, và các cháu gái Việt Nam đôi lúc bị coi như công dân hạng hai, phải nghỉ học để giúp gia đình. Nhưng giáo dục thường ưu tiên hàng đầu ở Đông Á, đối với tất cả mọi người từ nguyên thủ cho tới nông dân.

Giáo viên tại những trường có vấn đề ở Mỹ than phiền với tôi rằng phụ huynh ít khi đi họp. Ngược lại, ba của Phụng nghỉ một ngày làm, và dành một ngày lương trả tiền xe để đi họp phụ huynh.

“Nếu tôi nghỉ làm, tôi mất chút tiền,” ông nói. “Nhưng nếu con tôi chểnh mảng học hành, tụi nó mất hy vọng trong cuộc sống. Tôi muốn biết con mình học hành ra sao.”

“Tôi dặn con rằng tụi tôi không có đất đai để lại cho tụi nó khi tụi nó lớn lên,” ông nói tiếp. “Bởi vậy, cái duy nhất mà tôi có thể cho tụi nó học vấn.”

Bất chấp bao khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ, có một sự thật chung thế này: cách tốt nhất để duy trì khả năng cạnh tranh của một quốc gia là gầy dựng vốn con người. Tôi ước gì người Mỹ chúng ta, đặc biệt là các chính khách, có thể học được từ cháu Phụng rằng sức mạnh lâu dài của chúng ta sẽ phụ thuộc ít hơn các hàng không mẫu hạm của chúng ta, mà nhiều hơn vào sự vững mạnh của các nhà trẻ của chúng ta, phụ thuộc ít hơn vào việc đổ tiền cho các vệ tinh do thám gián điệp, mà nhiều hơn vào việc tài trợ cho các trợ cấp Pell [trợ cấp liên bang của Bộ Giáo dục Mỹ dành cho sinh viên gia đình thu nhập thấp – N.D.].

Phụng hiểu điều này rõ hơn Quốc hội Mỹ. Hàng ngày, cháu giúp hai em làm bài tập trước, rồi làm bài của mình. Có khi tới 11 giờ đêm cháu mới đi ngủ, để rồi bốn tiếng sau lại thức dậy.

Chủ nhật, Phụng thường ngủ nướng. Cháu kể: “5 giờ con mới dậy.”

Bản tiếng Anh: Girls Just Want to Go to School, The New York Times, 10/11/2011.

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/11/di-hoc/

Cập nhật: VietNamNet đăng lại ở đây (có xin phép đàng hoàng).

7 thoughts on “Các cháu chỉ muốn đi học

  1. Cam on Thay da dich va share bai nay tren blog. Toi nghiep cac be trong bai qua. Thuong lam hoan canh cua cac em vuot kho o VN. Em rat thich doc blog cua Thay vi tim duoc rat nhieu bai hay va bo ich. Mong duoc doc nhieu bai dich hay nua cua Thay. Chuc Thay luon manh khoe!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *