Bắc Kinh muốn chấm điểm mọi công dân dựa trên các hành vi như thói quen chi tiêu, các vi phạm tiền vé tàu điện ngầm và lòng hiếu thảo, và điểm uy tín xã hội này có thể khiến công dân lọt vào sổ đen và bị ngăn cản trong các sinh hoạt thường nhật như vay tiền, kiếm việc làm, đi máy bay, vân vân. Hệ thống kiểm soát xã hội này bị chỉ trích là một hình thức toàn trị như George Orwell đã tả trong tác phẩm 1984.
Công cụ kiểm soát xã hội mới của Trung Cộng: Chấm điểm uy tín cho mọi thứ
Josh Chin và Gillian Wong
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Khi dùng thẻ loại nửa giá dành cho học sinh của con trai để qua cửa vào trạm tàu điện ngầm tại Hàng Châu vào một chiều thứ Hai, bà Chen Li bị phạt $6 và bị nhân viên soát vé khiển trách vì không trả tiền vé mức người lớn.
Một thông báo dán ở cột gần đó cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng hơn. Theo đó, người vi phạm có thể bị trừ điểm trong “hệ thống thông tin uy tín cá nhân” của thành phố. Theo các thông báo chính thức, nếu điểm uy tín của bà Chen bị giảm, thì điều đó có thể ảnh hưởng tới các sinh hoạt hàng ngày của bà, như vay tiền, tìm việc làm và nhập học của con trai bà.
“Tôi chắc chắn là nếu chuyện đó xảy ra, tôi có thể giải thích,” bà Chen nói. Bà nói bà vô tình cầm lộn thẻ của con. “Vô tình thôi.”
Chính quyền Hàng Châu đang thí điểm một hệ thống “uy tín xã hội” mà Đảng Cộng sản đã nói là muốn triển khai trên toàn quốc trước năm 2020, một cách sử dụng kỹ thuật số để tái khởi động những phương pháp kiểm soát xã hội mà chế độ dùng để ngăn chặn các mối đe dọa đối với tính chính danh của chế độ.
Hơn ba chục chính quyền địa phương trên toàn Trung Quốc đang bắt đầu lập hồ sơ kỹ thuật số về hành vi xã hội và tài chính để chấm điểm uy tín. Một người có thể bị điểm đen vì các vi phạm như gian lận vé tàu xe, qua đường trái phép và vi phạm quy định về kế hoạch hóa gia đình. Nỗ lực này giống như hệ thống hồ sơ [lý lịch cá nhân] (檔案, đáng án) mà Đảng Cộng sản lưu trữ về hành vi của công nhân ở thành thị.
Theo những cuộc phỏng vấn với một số kiến trúc sư của hệ thống này và qua các văn kiện nhà nước, dần dà Bắc Kinh kỳ vọng lấy được thông tin từ các nguồn tập hợp dữ liệu kết hợp, lớn hơn, trong đó có hoạt động trên mạng internet của một người. Các thuật toán sẽ dùng nhiều loại dữ liệu để tính điểm của một công dân, rồi điểm đó sẽ được dùng để quyết định mọi kiểu hoạt động, ví dụ ai được vay tiền, hoặc được giải quyết công việc nhanh hơn tại các cơ quan nhà nước hoặc được ở các khách sạn sang trọng.
(Ghi chú của người dịch: Credit score (điểm tín dụng) là chỉ số đã được sử dụng phổ biến ở các nước có hệ thống tài chính phát triển cao, dùng để thẩm định mức khả tín (và từ đó đánh giá khả năng trả nợ) của người đi vay. Trong bài này, do đặc thù và mục đích của hệ thống social credit của Trung Quốc, thuật ngữ social credit score được dịch là điểm uy tín xã hội để phân biệt với điểm tín dụng nói trên.)
Nỗ lực này củng cố chiến dịch của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm siết chặt quyền kiểm soát của mình đối với đất nước và hô hào đạo đức trong lúc tình hình kinh tế bấp bênh có nguy cơ làm suy yếu đảng. Hồi tháng 10, Tập Cận Bình kêu gọi đổi mới sáng tạo về “quản lý xã hội” mà sẽ “nâng cao khả năng dự báo và ngăn ngừa mọi kiểu rủi ro”.
Mục tiêu của hệ thống uy tín xã hội toàn quốc, theo một khẩu hiệu lặp đi lặp lại trong các văn kiện kế hoạch, là “cho phép người đáng tin cậy rong ruổi khắp nơi trong thiên hạ trong khi khiến kẻ tai tiếng khó mà đi được một bước”.
Tới nay, hệ thống thu thập dữ liệu thí điểm chưa được gắn kết vào cái mà Bắc Kinh hình dung là một hệ thống áp dụng chung cho mọi người để chấm điểm từng công dân. Không rõ lỗi vi phạm vé tàu điện của bà Chen có được nhập vào hệ thống trung tâm nào không, dù thông báo đó [ở trạm tàu điện ngầm] cảnh báo rằng những người trốn vé có nguy cơ bị hạ điểm bắt đầu từ ngày 1-1; một nhân viên trạm tàu điện ngầm nói chỉ những người vi phạm nhiều lần mới bị báo cáo.
Zan Aizong, một nhà hoạt động nhân quyền ở Hàng Châu, xem hệ thống này, một khi được đưa vào hoạt động trọn vẹn, là một hình thức toàn trị [như George Orwell đã tả] để theo dõi sát sao hơn quần chúng hiện đã thiếu các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận. Ông Zan nói, “Theo dõi mọi người kiểu đó thì giống hệt như trong tác phẩm 1984.”
Bị đưa vào sổ đen
Ngành tư pháp của Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống ghi sổ đen mà sẽ gắn với hoạt động chấm điểm uy tín xã hội toàn quốc. Zhuang Daohe, một học giả pháp luật ở Hàng Châu, nêu ví dụ của một thân chủ có hùn vốn sở hữu một hãng du lịch nhưng nay không thể mua vé máy bay hay tàu cao tốc vì một tòa án Hàng Châu đã đưa ông ta vào sổ đen sau khi ông thua trong một vụ tranh chấp với một chủ địa ốc.
Vợ của thân chủ này nói, “Chuyện này có ảnh hưởng rất lớn với việc làm ăn. Anh ấy không thể đi lại cùng với khách hàng nữa.” Ông Zhuang tiếp lời: “Nếu hệ thống trừng phạt nhầm người thì sao?”
Giới chức trách Hàng Châu không phúc đáp các câu hỏi của báo The Wall Street Journal.
Một hệ thống khác của chính quyền ghi sổ đen những du khách có hành vi xấu.
Thúc đẩy hệ thống uy tín xã hội là Quốc Vụ Viện (nội các của Trung Quốc) và cơ quan kế hoạch quốc gia trung ương. Một kế hoạch do nội các công bố năm 2014 nêu mục tiêu “xây dựng tính chân thật” trong hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị. Kế hoạch này nhấn mạnh nhu cầu cần có sự quản lý nhà nước công bằng và trong sạch và cần trừng phạt các nhà máy gây ô nhiễm và những kẻ ăn hối lộ.
Các sổ đen sẽ vạch mặt những người vi phạm và hạn chế họ tham gia một số hoạt động, trong khi những công dân có hành vi tốt sẽ được dùng các “làn xanh” để được giải quyết công việc nhanh hơn ở cơ quan nhà nước, theo kế hoạch đó. Kế hoạch này nói rằng những công dân làm các công việc được xem là nhạy cảm—luật sư, kế toán viên, giáo viên, nhà báo—sẽ được theo dõi kỹ hơn.
Quốc Vụ Viện và cơ quan kế hoạch quốc gia không phúc đáp các câu hỏi của báo The Wall Street Journal.
Chính phủ Trung Quốc phải khắc phục các rào cản công nghệ và hành chính để xây dựng một hệ thống có thể theo dõi 1,4 tỷ người. Các cơ quan nhà nước thường giữ kín thông tin của mình, gây khó khăn cho các nỗ lực xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, và các hệ thống của họ thường không tương thích với nhau, theo Meng Tianguang, một nhà chính trị học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh tư vấn chính phủ về việc ứng dụng “dữ liệu lớn” vào các vấn đề quản lý nhà nước nhưng không trực tiếp can dự vào hệ thống uy tín xã hội.
Ông Meng nói, “Hiện thời chúng tôi trong trạng thái không biết chắc liệu chúng tôi có thể thực sự làm được điều này hay không. Dù có được hay không, nó tốt hơn thời kỳ truyền thống khi chúng tôi đã chẳng có dữ liệu và chính sách đã dựa trên sự đánh giá các cá nhân.”
Trên một trang mạng chính thức, chính quyền Thượng Hải đã xác định nhiều loại vi phạm mà có thể dẫn tới bị phạt về điểm uy tín trong hệ thống thí điểm của mình, trong đó có chậm trả hóa đơn và phạm luật giao thông. Báo chí quốc doanh còn nêu các hình phạt vì tội không hiếu thảo với cha mẹ. (Theo luật Trung Quốc, cha mẹ trên 60 tuổi có thể kiện con cái vì họ không tới thăm thường xuyên hoặc không bảo đảm cho cha mẹ có đủ thực phẩm.)
Các hình phạt cho người bị điểm thấp sẽ bao gồm các rào cản cao hơn về việc vay tiền và cấm hưởng các đặc quyền như khách sạn sang trọng, theo báo chí quốc doanh.
Hệ thống của Thượng Hải dường như vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Cư dân có thể kiểm tra hồ sơ uy tín xã hội của mình, nhưng các hồ sơ được báo The Wall Street Journal xem không có dữ liệu phi tài chính nào cả. Giới chức thành phố Thượng Hải không phúc đáp các câu hỏi của báo.
Dù có những cảnh báo của báo chí chính thức và tuyên truyền cổ xúy tính chân thật, hàng chục người được phỏng vấn ở Thượng Hải không biết về kế hoạch uy tín xã hội này. Nhiều người đồng ý nên có thêm biện pháp để thực thi các tiêu chuẩn đạo đức cao hơn, than phiền về những thói quen như khạc nhổ, chen ngang hàng và thờ ơ lạnh lùng với người lạ đang gặp hoạn nạn.
Nghiên cứu của Yang Wang, một chuyên gia ở Đại học Syracuse về hành vi internet, cho thấy người Trung Quốc sử dụng internet, vốn đã quen với chuyện nhà nước theo dõi, ít lo ngại về quyền riêng tư trên mạng hơn người Mỹ. Theo ông, từ phổ biến nhất về quyền riêng tư, ẩn tư (隱私, yinsi), mãi tới giữa thập niên 1990 mới xuất hiện trong các từ điển Trung văn thông dụng.
Báo cáo về hành vi
Ở khu Dương Kính rợp bóng cây, chính quyền cấp phường duy trì một cơ sở dữ liệu mà qua đó có thể hình dung phần nào các thành tố của một hệ thống uy tín xã hội tổng quát hơn. Cơ sở dữ liệu này thu thập các báo cáo về hành vi của dân địa phương từ các ủy ban dân cư, theo Yuan Jianming, trưởng Văn phòng Xây dựng Tính chân thật Dương Kính.
Từ giữa năm, văn phòng này hàng tháng công bố một “danh sách đỏ” gồm những cư dân gương mẫu. Zhu Shengjun, một giáo viên trung học 28 tuổi, được nêu tên trong danh sách đỏ tháng 9. Anh nói anh không biết vì sao. Tuy ủng hộ các nỗ lực khuyến khích hành vi tốt hơn, anh tỏ vẻ ngần ngại về ý tưởng gắn kết điều đó với các hậu quả tài chính; anh cho rằng “làm như vậy thì hơi quá”.
Văn phòng này cũng có một “danh sách xám” gồm những người có hành vi xấu—ví dụ quăng rác ra cửa sổ—nhưng ông Yuan nói văn phòng chưa quyết định có công bố nó hay không.
Trong một khu với khoảng 170.000 dân, chỉ khoảng 120 người từng được nêu trong danh sách đỏ của Dương Kính. Giới chức trách ở đó than phiền với báo chí Trung Quốc năm nay rằng việc ít chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đang cản trở các nỗ lực chấm điểm người dân.
Các doanh nghiệp cũng bị theo dõi trong các thành phố thực hiện chương trình thí điểm; ở những nơi đó bất cứ ai cũng có thể tra cứu hồ sơ về các công ty có đăng ký, dù hồ sơ đôi khi không hoàn chỉnh. Một mục tiêu: xoay chuyển tình hình mà giới lãnh đạo xem là sự thiếu lòng tin trầm trọng của người dân sau mấy chục năm tham nhũng và cạnh tranh khốc liệt.
Vì vậy hệ thống uy tín xã hội nhằm thu thập không dữ liệu chỉ về cá nhân cho mục đích sử dụng chính thức, mà cả dữ liệu về hành vi của các doanh nghiệp để phân tích và cho người tiêu dùng biết kết quả.
Một ví dụ là an toàn thực phẩm, một vấn đề lớn kể từ khi dân chúng phẫn nộ về sữa bột nhiễm melamine làm thiệt mạng sáu trẻ sơ sinh vào năm 2008. Những vụ xì căng đan sau đó, trong đó có vụ bán dầu ăn vớt từ cống thải để dùng lại trong các nhà hàng, đã tiếp tục làm mất lòng tin.
Giới chức trách ở Dương Kính đưa ra một giải pháp: mùa hè năm nay họ đã lắp đặt những màn hình cảm ứng tại một số nhà hàng. Những màn hình này, nằm trong một hệ thống thí điểm uy tín xã hội ở địa phương, tạo được một mức độ minh bạch khác thường cho Trung Quốc. Với những khẩu hiệu chói sáng — ví dụ một khẩu hiệu viết “Kết nối trái tim tới bàn tay, hãy là người gương mẫu về tính chân thật”— chúng thể hiện các thông tin về nguồn gốc của các thành phần thực phẩm và lần gần nhất mà dầu ăn thải ra được dọn. Thực khách có thể xem các video trên một ứng dụng di động cho thấy các đầu bếp đang làm việc, và hệ thống hiển thị mức xếp hạng của sở y tế cho nhà hàng.
Vào một ngày thứ Hai gần đây, nhà hàng đồ chay Cây Táo, bảng điện tử thông tin an toàn thực phẩm bị một bảng áp phích che một phần. Quản lý Wang Dacheng giải thích lý do là vì hệ thống đã bị lỗi khi hạ mức xếp hạng y tế của nhà hàng, và giới chức địa phương không thể chỉnh sửa được. Ông Wang nói, “Chúng tôi có nhiều khách quen. Nếu họ tới mà thấy vậy thì sao?” Ông nói ông ủng hộ hệ thống này nhưng lo ngại về việc nó được áp dụng mà không có những biện pháp kiểm soát tốt hơn.
Giới chức trách ở Dương Kính không phúc đáp các câu hỏi.
Đối với các nỗ lực uy tín xã hội ban đầu, giới chức trách địa phương đang dựa vào thông tin do các cơ quan nhà nước thu thập, ví dụ như hồ sơ tòa án và các dữ liệu về vay nợ và thuế. Việc thu thập thông tin trên quy mô rộng hơn về các thói quen hàng ngày, chẳng hạn như dùng mạng xã hội và mua sắm trên mạng, thuộc về các công ty internet của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd.
Một dịch vụ chấm điểm tín dụng của hãng Dịch vụ Tài chính Kiến Càng (Mã Nghĩ Kim Phục) trực thuộc Alibaba — một trong tám công ty được chấp thuận để thí điểm các thí nghiệm thương mại với việc chấm điểm uy tín xã hội — chấm điểm dựa trên các thông tin như thời điểm mua sắm trên mạng, món hàng họ mua và loại điện thoại họ sử dụng. Nếu người sử dụng chấp nhận, điểm cũng có thể cân nhắc trình độ học vấn và hồ sơ pháp lý. Những đặc quyền trong quá khứ nhờ có điểm cao đã bao gồm được kiểm tra an ninh nhanh tại sân bay Bắc Kinh, một phần trong một thỏa thuận của hãng Kiến Càng với sân bay.
Joe Tsai, phó chủ tịch điều hành của Alibaba, nói, “Đặc biệt đối với giới trẻ, hành vi trên mạng của họ góp phần xây dựng chân dung uy tín trên mạng của họ, và chúng tôi muốn người ta hiểu điều đó để họ biết cách hành xử tốt hơn.”
Ông Tsai cho biết Alibaba chia sẻ dữ liệu tổng gộp về doanh số trên mạng với cơ quan thống kê Trung Quốc nhưng không tiết lộ dữ liệu cá nhân trừ phi pháp luật bắt buộc, ví dụ trong các cuộc điều tra hình sự.
Ở Mỹ, có những mối quan ngại về quyền riêng tư như các hãng chấm điểm tín dụng và các dịch vụ dùng xe chung có những cách chấm điểm dựa trên dữ liệu của khách hàng hoặc các đánh giá khách hàng.
Các thử nghiệm của chính quyền địa phương được biết hiện không đang khai thác dữ liệu của khu vực tư nhân, dù kế hoạch của hệ thống uy tín xã hội xác định dữ liệu internet là một “tài nguyên quốc gia có tính chiến lược” và kêu gọi các công ty internet đóng góp dữ liệu, mà không đi vào chi tiết cụ thể.
Vấn đề liệu các hệ thống dữ liệu tư nhân và công cộng sẽ được kết hợp hay không vẫn còn đang được trù tính, theo Zhu Wei, một học giả ở Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc đã cố vấn cho chính phủ về các nỗ lực uy tín xã hội.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10 được chiếu cho 1,5 triệu cán bộ xem, chủ tịch Jack Ma của Alibaba đã kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật dùng dữ liệu internet làm công cụ nhận diện tội phạm, theo các bài đăng trên một mục cập nhật tin tức trên mạng xã hội của Đảng Cộng sản. Ông không nhắc tới việc chia sẻ dữ liệu người sử dụng của Alibaba. Phát biểu của ông đã gây sửng sốt vì đề cập tới ý tưởng là các công ty internet có thể chia sẻ dữ liệu với các cơ quan nhà nước. Alibaba từ chối để ông Ma bình luận. Công ty này nói, “Chúng tôi tin việc ứng dụng công nghệ máy tự nghiên cứu học hỏi sâu [machine learning] và phân tích dữ liệu vì mục đích phòng ngừa tội ác là nhất quán với các giá trị của chúng tôi: giải quyết các vấn nạn của xã hội.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí quốc doanh hôm 1-11, Lian Weiliang, một phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch trung ương của Trung Quốc, nhận xét rằng phần lớn các dữ liệu của nhà nước liên quan tới uy tín bị kẹt trên “những hòn đảo biệt lập” và nói rằng một nền tảng dữ liệu trung tâm đã được thiết lập để khuyến khích chia sẻ thông tin. Ông nói nền tảng này đã thu thập được 640 triệu mẩu thông tin uy tín từ 37 cơ quan nhà nước trung ương và nhiều chính quyền địa phương.
Ủy ban kế hoạch nói rằng chính phủ đã ngăn chặn không cho những người không đáng tin cậy, được hệ thống tòa án nhận dạng, mua vé máy bay 4,9 triệu lần.
Một số cố vấn của nhà nước, ví dụ như ông Zhu và ông Meng, nói họ nghi ngờ về việc hệ thống có thể đáp ứng được hạn chót năm 2020 vì khối lượng công việc đồ sộ về tích hợp dữ liệu và giữ an toàn cho thông tin.
Ở Hàng Châu, nơi bà Chen dùng thẻ đi tàu của con trai, người dân có thể kiểm tra hồ sơ uy tín xã hội của họ tại một trung tâm dịch vụ nhà nước. Các hồ sơ mà báo The Wall Street Journal đã xem chỉ cho thấy thông tin về việc liệu người dân có đóng tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội đúng hạn hay không — còn rất xa so với các mục tiêu của chính phủ trung ương.
Nguồn: The Wall Street Journal, 28-11-2016.
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 7/12/2016)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan:
2 thoughts on “Điểm uy tín xã hội: công cụ kiểm soát xã hội mới của Trung Quốc”