Tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa ở Cleveland từ ngày 18 tới 21-7-2016, Donald Trump đã chính thức được đề cử làm ứng cử viên đại diện đảng này tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong bài viết sau đây, chuyên gia địa chính trị thế giới, Ian Bremmer, tổng giám đốc Eurasia Group và giáo sư nghiên cứu toàn cầu ở Đại học New York, bàn về những rủi ro toàn cầu nếu Donald Trump đắc cử tổng thống.
Donald Trump và thế giới: Tai họa gì có thể xảy ra?
Ian Bremmer
Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch
Nếu ta tin lời Hillary Clinton, để cho Donald J. Trump ở bất cứ nơi đâu gần Phòng Bầu dục thì khác nào tự chuốc vào thân thảm họa hạt nhân. Bài phát biểu bà đọc ở San Diego hôm 3-6 mở toang một mặt trận mới trong chiến dịch tranh cử 2016: liệu Trump có thể được tín nhiệm trong vai trò lãnh tụ của thế giới tự do. Gọi các ý tưởng của Trump là “thiếu mạch lạc tới mức nguy hiểm”, bà tự giới thiệu mình là một phương án vững vàng và tỉnh táo thay cho nhà tỷ phú thất thường. Bà nói, “Ông ta chưa sẵn sàng, ông ta có tính khí không thích hợp để giữ một chức vụ đòi hỏi kiến thức, sự ổn định và trách nhiệm lớn lao.”
Đó là một luận điệu chính trị mạnh mẽ, và Trump chắc chắn là một ẩn số — có lẽ thậm chí là một sự đảo lộn tận gốc cho trật tự hiện tại. Nhưng nếu Trump trở thành tổng thống Mỹ thì có thể gây ra những rủi ro toàn cầu nào?
Chiến dịch tranh cử của ông hiện đã làm nảy sinh lắm câu hỏi có nguy cơ gây bất ổn. Liệu Tổng thống Trump có đưa quân đánh bộ sang săn lùng ISIL? Đối đầu với Vladimir Putin, hay để cho ông ta tự tung tự tác? Trừng phạt Mexico hay Nhật? Oanh tạc các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông (South China Sea)? Gây chiến thương mại với Trung Quốc? Tấn công Iran hay Bắc Hàn? Liệu ông có sẽ xé bỏ các hiệp định thương mại hiện có? Rút Mỹ ra khỏi NATO nếu các đồng minh không đóng góp thêm tiền? Dùng nợ của Mỹ làm ưu thế đàm phán? Bất kỳ hành động nào hoặc tất cả các hành động này có thể gây ra những rủi ro nào cho người Mỹ?
Hãng nghiên cứu của tôi, Eurasia Group, chuyên về phân tích các rủi ro toàn cầu quy mô lớn, và mỗi năm chúng tôi công bố một danh sách những điều chúng tôi xem là các rủi ro địa chính trị hàng đầu trong năm. Năm nay, có quá nhiều bất định về việc Trump thành tổng thống Mỹ tới nỗi tôi đã phối hợp với Tạp chí Politico để áp dụng mô hình này cho vấn đề cụ thể là Trump thành tổng thống Mỹ, với mục đích tách bạch các lập luận có cơ sở hợp lý khỏi những lời lẽ thổi phồng, và xem xét các tác động rủi ro trọn vẹn của chính sách đối ngoại của Trump.
Tổng hợp kết nối các tác động đó là một thách thức, một phần vì thói quen của Trump đưa ra những phát biểu mâu thuẫn trong chặng đường tranh cử khiến khó tiên đoán được ông sẽ thực sự làm gì khi làm tổng thống. Cả Trump lẫn Clinton đều là các ứng cử viên khôn khéo không để lộ ý định của mình, nhưng thời gian Clinton làm ngoại trưởng trong chính quyền Barack Obama có một bảng thành tích rõ ràng để ta có thể nghiên cứu. Bà cũng có một trang mạng vận động tranh cử cung cấp các đề xuất chính sách đối ngoại chi tiết. Trump không có lịch sử chính sách đối ngoại và chẳng mấy kế hoạch được nêu rõ ràng. Cũng dễ đoán hơn nhiều về những người mà Clinton có thể mời tham gia đội ngũ của mình, và ai có thể nhận lời. Với Trump thì về cả hai mặt đó chẳng dễ đoán; ông đã gây hiềm khích với phần lớn giới chóp bu chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa, khiến ông mất đi một kho kiến thức chuyên môn mà nếu như bình thường thì ông có thể trông cậy.
Vấn đề càng khó hơn ở chỗ các quan điểm của Trump thay đổi khá nhanh. Clinton cũng đổi tới đổi lui, nhưng các thay đổi của bà diễn biến chậm hơn của Trump và có những biện minh được chuẩn bị kỹ lưỡng, đôi khi lắt léo. Những thay đổi của Trump là kiểu khéo múa tay nhanh hơn mắt kịp nhìn ra của nhà ảo thuật, và thường kèm theo ít hoặc chẳng có lời giải thích nào. Liệu Trump có sẽ thực sự cấm tất cả người Hồi giáo vào Mỹ? Đó là một lời cam kết, rồi sau đó lại là một “gợi ý”? Làm sao luật cấm như vậy có thể hợp pháp? Làm sao thực thi được luật cấm đó? Ông chưa trả lời, và những người ủng hộ ông cũng chẳng thèm quan tâm.
Tuy vậy, chúng ta phải giả định rằng triết lý “Nước Mỹ trên hết” (“America First”) của Trump sẽ dẫn dắt các lựa chọn của ông. Đó là một thuật ngữ mà tôi có góp phần đôi chút tạo nên: Khi tôi quan sát hồi đầu mùa xuân năm nay rằng thế giới quan của Trump chung quy là chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, tôi không có ý khen ngợi, và tôi giật mình sửng sốt khi thấy ông chộp lấy chiêu bài đó bằng cả hai tay. Ngoài ra, Trump hãnh diện là một nhà đàm phán cứng cỏi, và ông muốn cho người dân đóng thuế ở Mỹ và các chính phủ nước ngoài thấy rằng mình không phải là kẻ ngu xuẩn.
Ông sẽ không chịu sự dẫn dắt của ý thức hệ. Dường như ông chẳng có ý thức hệ. Ông là người tin vào bản năng, một nhà chiến lược chủ trương được ăn cả ngã về không, và một doanh nhân chăm bẳm vào lợi nhuận. Ông sẽ không tìm cách giải quyết các vấn đề như thể siêu cường quốc duy nhất của thế giới có thể hào phóng, làm nhiều hơn để các nước khác làm ít hơn. Ông thấy không có trách nhiệm đặc biệt để hành xử hào hiệp, hay thậm chí kiên nhẫn. Chiếm vị trí số 1 không có nghĩa là phải đóng vai người chu cấp. Mà là để giành chiến thắng. Điều đó nghĩa là trở thành thằng khốn cứng cỏi nhất, khôn ngoan nhất ở bàn đàm phán. Tóm lại, Trump có thể sẽ cố gắng xây dựng lại chính sách đối ngoại của Mỹ phỏng theo chính hình ảnh bản thân của mình.
Xin lưu ý một điều: tôi nghĩ Trump khó có thể trở thành tổng thống. Một Đảng Dân chủ đoàn kết hơn sau đại hội có thể sẽ giành được đủ phiếu để đưa Hillary Clinton tới thắng lợi. Và mối nguy hạt nhân, dù nằm đứng đầu danh sách những nỗi sợ theo bản năng của nhiều người, chỉ là một vấn đề ngoài lề không đáng lo: bản thân Trump có thể liều lĩnh, nhưng chúng ta từ lâu đã qua cái thời Chiến tranh Lạnh và Khủng hoảng Tên lửa Cuba. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài những gì thậm chí ông sẵn sàng đánh cược.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua các rủi ro của chính sách đối ngoại của Trump. Ông đã tìm ra được một thông điệp được hàng triệu người Mỹ đồng cảm, và sẽ chẳng dễ dàng để các ứng cử viên tổng thống tương lai, của cả hai đảng, phớt lờ tiềm năng vận động bầu cử của công thức này. Ngay cả nếu Trump thất bại, cách tiếp cận Nước Mỹ trên hết của ông về chính sách đối ngoại xứng đáng được nghiên cứu kỹ vì nó sẽ sống lâu hơn sự tranh cử của ông. Và nếu ông thực sự làm được cú bất ngờ, những tác động của một chính sách đối ngoại Nước Mỹ trên hết do chính Trump chỉ đạo sẽ rất sâu rộng.
Sau đây là “Những rủi ro Trump hàng đầu”, những tác động đáng lo nhất của một chính sách đối ngoại kiểu Trump, và một vài vấn đề ngoài lề mà chúng ta không cần lo nghĩ.
- Biến cố “thình lình sét đánh ngang tai”
Bất chấp những kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, mọi tổng thống đều gặp những bão tố mà họ đã không lường trước được. Với Bill Clinton đó là cuộc chiến ở Nam Tư. George W. Bush gặp vụ 11 tháng 9. Barack Obama gặp Mùa xuân Ả rập, nội chiến ở Syria, và xung đột ở Ukraine. Cách nào tốt nhất để xử lý tình huống bất ngờ? Trong một buổi tiếp xúc với giới ký giả không ghi âm vào năm 2014, Tổng thống Obama mô tả chủ thuyết chính sách đối ngoại của mình là “Đừng làm chuyện ngu ngốc”, một cách tiếp cận “trước hết không gây hại” về quản lý khủng hoảng. Như Hillary Clinton về sau nhận xét, “đừng làm chuyện ngu ngốc không phải là một nguyên tắc tổ chức”, nhưng nó có thể giúp các tổng thống tránh làm cho một tình huống đã xấu càng xấu hơn.
Với Trump, rủi ro lớn nhất xuất phát từ cách ông sẽ xử lý một cuộc khủng hoảng mà chẳng ai lường trước được, dù đó là Trung Quốc, Putin, Bắc Hàn, vụ tấn công trực tuyến, bọn khủng bố, hay điều gì khác. Lúc ứng cử, ông thăng hoa nhờ sự bất ngờ. Sự kiềm chế và sự kiên nhẫn có tính chiến lược không nằm trong các sở trường của ông, và Trump rất có thể sẽ phản ứng trước một cuộc khủng hoảng “thình lình sét đánh ngang tai” với vẻ bạo dạn, một lời đe dọa leo thang và các chiến thuật nhằm khiến các địch thủ, và có thể cả các đồng minh của Mỹ, bất ngờ.
Ngoài rủi ro của điều thực sự có thể xảy ra trong một cuộc khủng hoảng, cách tiếp cận của ông tạo nên một rủi ro khác, rủi ro tồn tại ngay cả khi không có khủng hoảng gây ra nó. Một chính sách đối ngoại nghèo nàn dựa trên việc duy trì yếu tố bất ngờ có thể khiến giới hoạch định chính sách và một vài công dân cảm thấy mạnh mẽ hơn, nhưng nó mời gọi các đối thủ và kẻ thù thử thách các ý định của Mỹ để hiểu Washington sẽ bảo vệ và sẽ không bảo vệ những điều gì. Một chính sách rõ ràng, và các kết quả có thể tiên đoán được, giúp định hình cách hành xử của những kẻ xấu của thế giới. Ngược lại, những tín hiệu lẫn lộn và các bất ngờ lớn làm tăng rủi ro tính toán ở tất cả các bên — và tăng nguy cơ Mỹ sẽ bị khiêu khích.
- Đồng đôla
Mỹ được lợi rất lớn nhờ đồng đôla vẫn là loại tiền tệ dự trữ của thế giới, tài sản trọng yếu cho các ngân hàng trung ương và các giao dịch thương mại đủ kiểu trên toàn thế giới. Đồng đôla vẫn là cảng trú ẩn an toàn nhất trong bất cứ trận bão nào, vì giới đầu tư và các chính phủ khác tin rằng nó là thứ lưu giữ giá trị đáng tin cậy. Điều đó giữ cho cầu thế giới đối với đồng đôla ở mức cao, kiểm soát lạm phát, và giữ lãi suất Mỹ ở mức tương đối thấp, dù nợ quốc gia của Mỹ tăng lên.
Một chính sách đối ngoại không tiên đoán được, sản phẩm của một chính quyền thích những điều bất ngờ hoặc của một tổng tư lệnh tính khí thất thường, sẽ nhanh chóng làm giảm sút niềm tin đó. Tệ hơn nữa, bất cứ lời bóng gió nào từ tổng thống cho thấy Mỹ có thể cố tình không trả nợ, vì bất cứ lý do gì, sẽ gây thiệt hại không thể khắc phục được, và điều đó sẽ khiến các chính phủ nước ngoài khẩn cấp tìm một phương án thay thế khác. Trump dường như đã thấm thía bài học đó cách đây vài tuần khi ông phải nhanh chóng đảo ngược ý kiến sau khi nói bóng gió rằng ông có thể muốn đàm phán lại nợ [của Mỹ]. Nhưng kiểu đe dọa đó nhất quán với hình ảnh lỗ mãng và bốc đồng mà Trump đã gầy dựng trong suốt chiến dịch, và những kiểu hoài nghi này, một khi đã bị khơi dậy, khó mà xóa bỏ được. Một ứng cử viên tổng thống mà nói một điều như vậy thì tai hại, một tổng thống mà nói vậy còn tai hại hơn nhiều.
Rủi ro này trước nay chưa từng có với một ứng cử viên tổng thống đáng tin: Không ai khác từng nói những điều mà Trump đang nói về nợ và các mối quan hệ toàn cầu của nước Mỹ. Tác động hiện thời đã được giảm bớt do thực tế là không có phương án nào vững chắc để thay thế đồng đôla. Giới đầu tư vào nợ công của nhà nước hiện không sẵn sàng đánh cược nhiều hơn vào sự trường tồn của đồng euro. Hệ thống tài chính của Trung Quốc vẫn còn quá kém phát triển, nền kinh tế nước này còn quá thiếu minh bạch, và sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn quá đáng nghi vấn để hỗ trợ để nhân dân tệ vươn lên thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Thậm chí bên trong một rổ tiền tệ có mức độ đa dạng hóa cao, vẫn chưa có các phương án vững chắc khác. Cầu đối với đồng đôla hiện thời sẽ vẫn cao, nhưng việc tìm kiếm các phương án thay thế sẽ tiếp tục, và nếu Trump là tổng thống thì quá trình đó sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều.
- Các liên minh và thể chế do Mỹ đứng đầu
Chính quyền Obama đã làm bối rối nhiều đồng minh Mỹ, họ không còn biết Washington đang sẵn sàng và có thể đóng vai trò lãnh đạo kiểu gì. Các đồng minh Châu Âu không rõ Mỹ sẽ đóng vai trò gì ở Trung Đông hoặc Mỹ sẽ đi xa tới đâu để dẹp tan các mối đe dọa từ Nga. Cả Israel và Saudi Arabia không biết Mỹ sẽ phản ứng ra sao theo thời gian trước những mối đe dọa an ninh ở Trung Đông, nhất là từ Iran. Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc đã vui mừng vì “sự xoay trục sang Châu Á” của Obama và sự vận động của ông cho hiệp định thương mại khổng lồ Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng sức dẻo dai của Mỹ trước sự bành trướng của Trung Quốc vẫn còn rất đáng nghi ngờ, và quan điểm của Trump về thương mại nay đã nổi tiếng khắp thế giới.
Trong thế giới biến động hơn của ngày nay, Mỹ cần các đồng minh. Nhiều lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Trump sẽ khiến khó giành lại lòng tin mà Obama đã đánh mất hơn. Một số lời hứa trong số đó sẽ gây thêm thiệt hại. Lời cáo buộc của Trump cho rằng các đồng minh NATO là những kẻ ăn chực sẽ không cải thiện quan hệ với các chính phủ hay cử tri Châu Âu. Những lời đe dọa của ông đánh thuế nhập khẩu đối với Mexico và Nhật sẽ gây hiềm khích với công dân và giới lập pháp ở các nước đó. Lời hứa tống cổ 11 triệu người lao động không có giấy tờ hợp lệ khỏi nước Mỹ và xây dựng một bức tường dọc biên giới phía nam sẽ gây hiềm khích với hàng triệu người Mỹ gốc Latin. “Lời gợi ý” của ông rằng tất cả những người Hồi giáo nên bị cấm nhập cảnh vào Mỹ sẽ không cải thiện các mối quan hệ của Mỹ với người Hồi giáo trên thế giới hoặc các chính phủ của họ, cả hai đều hệ trọng trong cuộc đấu tranh hàng ngày chống khủng bố.
Dù ông có thực hiện những lời hứa tranh cử này hay không, tình trạng bất định mà Tổng thống Trump sẽ gây ra sẽ khiến nhiều đồng minh không biết họ có thể chấp nhận bao nhiêu trách nhiệm như một phần trong hành động tập thể. Có nước sẽ chấp nhận rủi ro, kỳ vọng sự ủng hộ của Mỹ mà sẽ không xuất hiện. Có nước sẽ đặt câu hỏi về các ý định của Mỹ, và việc chính quyền Trump không chịu nói rõ là họ sẽ tôn trọng những cam kết nào và sẽ không tôn trọng những cam kết nào sẽ khiến các chính phủ đồng minh bị mất sự ủng hộ trong nước cần có để chi tiêu và chấp nhận các rủi ro cần để gánh vác nhiều trách nhiệm hơn về an ninh của chính họ. Các đồng minh của Mỹ xứng đáng được biết liệu Mỹ có định lãnh đạo, liệu Mỹ có sẽ chiến đấu vì những lợi ích cốt lõi của mình, hay liệu nay họ có phải thích ứng với thực tế là người Mỹ sẽ không xuất hiện. Và cử tri Mỹ có thể vẫn phân hóa về giá trị của vai trò lãnh đạo của Mỹ. Liệu một vai trò quốc tích cực có khiến Mỹ an toàn hơn và thịnh vượng hơn hay không? Hay nghèo đi và ít an ninh hơn? Trump chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi căn bản đó.
Một nước rõ ràng được lợi nhờ tình trạng bất định do Trump gây ra là Trung Quốc. Các đồng minh ở Châu Á sẽ phòng hờ cho các nước đặt cược của mình vào sức dẻo dai của Mỹ bằng cách xích lại gần với Trung Quốc hơn. Để bảo về các nền kinh tế và cổ xúy các công ty tiêu biểu của mình, Vương quốc Anh và Đức cũng sẽ làm vậy. Trump đã hé lộ về tương lai của “mối quan hệ đặc biệt” [giữa Anh và Mỹ] bằng cách có quan điểm ngược lại quan điểm của Thủ tướng David Cameron kêu gọi công dân Vương quốc Anh bỏ phiếu ở lại trong Liên hiệp Châu Âu (EU), bằng cách cảnh báo rằng ông và Cameron “sẽ không có một mối quan hệ rất tốt” sau khi Cameron gọi đề xuất của Trump cấm người Hồi giáo là “ngu ngốc”, và bằng cách thách thị trưởng người Hồi giáo mới đắc cử của thủ đô London thi trắc nghiệm trí tuệ. Thị trưởng Paris cũng đánh giá thấp tương tự về trí tuệ của Trump, và Pháp sẽ quay sang nhờ Nga giúp đỡ ở Trung Đông. Khi đó Putin sẽ cảm thấy tự do hơn để thử thách một khối NATO suy yếu, tin rằng các chính phủ Châu Âu sẽ chần chừ khi Trump nhất quyết đòi họ phải đóng góp tỷ lệ cao hơn nhiều để trang trải chi phí của NATO. Nhật sẽ tiến tới một chính sách quốc phòng quyết đoán hơn, làm tăng các căng thẳng và rủi ro xung đột trong khu vực có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ khu vực nào khác cho tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Những nỗi hoài nghi về các cam kết của Trump sẽ gây phương hại cho khả năng vận hành của các thể chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, mà trong đó Washington có ảnh hưởng đáng kể.
- Thương mại
Đối với hòa bình và thịnh vượng lâu dài, các mối quan hệ đối tác thương mại của Mỹ cũng quan trọng như các liên minh quân sự của Mỹ. Cách tiếp cận lỗ mãng của Trump về đàm phán thương mại sẽ đẩy các đối tác tiềm năng trên khắp thế giới, trong đó có các đồng minh truyền thống của Mỹ, về phía Trung Quốc. Nếu Trump đắc cử, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan có lẽ sẽ không có sự ủng hộ của đủ số hạ nghị sĩ Cộng hòa để thông qua TPP, hiệp định thương mại tự do lớn nhất từng được Mỹ đàm phán. Cả Bernie Sanders lẫn Trump đã chốt chiến dịch tranh cử của mình bằng tuyên bố rằng thương mại khiến Mỹ mất việc làm. Phe Dân chủ ủng hộ giới lao động phản đối thương mại thì chẳng có gì mới, nhưng điệp khúc ngày càng lớn của những tiếng nói chống thương mại của giới bảo thủ đã lấn át sự ủng hộ truyền thống của cộng đồng kinh doanh. Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương còn mới mẻ giữa Mỹ và Châu Âu hiện đang trên con thuyền chậm chạp chẳng biết trôi về đâu. Tỷ lệ ủng hộ của công chúng Mỹ cho hiệp định này đã giảm từ 53 phần trăm vào năm 2014 xuống còn 18 phần trăm hiện nay. Với những bình luận cứng rắn của ông trên đường tranh cử, khó có khả năng có bất cứ chính phủ nước nào sẽ muốn đầu tư vốn liếng chính trị vào việc cố gắng mặc cả với Tổng thống Trump về thương mại.
Trump có lẽ sẽ không thực hiện những lời đe dọa đánh thuế nhập khẩu 45 phần trăm vào hàng hóa từ Trung Quốc và 35 phần trăm vào hàng nhập từ Mexico. Không cần phải khởi xướng các cuộc chiến thương mại sẽ gây thiệt hại nặng nề cho tất cả các bên. Nhưng với những lời kêu ca của ông trên đường tranh cử rằng Trung Quốc, Mexico, Nhật và các nước khác đang bán phá giá các sản phẩm rẻ mạt ở các thị trường Mỹ để làm hại các công ty Mỹ, chúng ta sẽ thấy chính quyền Trump rất tích cực đưa ra các vụ kiện phá giá, ăn cắp sở hữu trí tuệ, và những cáo buộc về các vụ tấn công trực tuyến. Mexico sẽ đặc biệt dễ bị tổn hại vì đây là thủ phạm mà Mỹ có ưu thế lớn nhất. Bất cứ chính quyền Mỹ nào cũng cần phải nhất quyết yêu cầu các chính phủ khác có các tập quán thương mại công bằng, và chính quyền Obama gần đây đã đánh thuế nhập khẩu hơn 500 phần trăm đối với thép lá cán nguội nhập từ Trung Quốc. Nhưng luận điệu tranh cử của Trump cho thấy rằng chính quyền của ông sẽ theo đuổi các vụ kiện đó thường xuyên hơn và quyết liệt hơn — và có lẽ đôi khi vì những lý do chính trị, chứ không phải thương mại.
- Khủng bố
Cuối cùng, nếu Trump là tổng thống thì Mỹ, công dân Mỹ và các tài sản Mỹ sẽ trở thành mục tiêu duy nhất hấp dẫn nhất cho Al Qaeda, ISIL, các nhóm phiến quân Hồi giáo khác. Rõ ràng chẳng có gì mới về các các cuộc tấn công khủng bố, và các cuộc tấn công có thể xảy ra, nhắm vào các mục tiêu Mỹ. Các chính quyền Clinton, Bush và Obama đều đã đối mặt với vấn đề này. Nhưng luận điệu quyết liệt chống Hồi giáo của Trump sẽ khuyến khích thêm rất nhiều phiến quân nhìn xa hơn các mục tiêu dễ hơn và dễ tiếp cận hơn ở Châu Âu để nhắm tới “quả đánh lớn”, một đòn tấn công trí mạng vào nước Mỹ của Trump. Quân nhân, doanh nhân và du khách Mỹ có nguy cơ bị nhắm tới ở nước ngoài cao hơn. Luận điệu của Trump cũng sẽ khiến các tổ chức phiến quân dễ chiêu mộ và huy động tiền bạc hơn, và một sự can thiệp hiếu chiến hơn vào những cuộc xung đột khác nhau của Trung Đông sẽ chỉ càng làm tăng tác động này. Không thể biết được bọn khủng bố sẽ tấn công ở đâu và khi nào, nhưng những lời cay độc chống Hồi giáo của Trump sẽ khiến nước Mỹ ít an toàn hơn, chứ không phải an toàn hơn.
Những vấn đề ngoài lề không đáng lo
- Quan hệ Mỹ-Trung
Rất nhiều người sợ là luận điệu chống Trung Quốc của Trump sẽ gây thêm căng thẳng với một quốc gia có thể là đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ, về quân sự và kinh tế. Nhưng điều này không gây ra rủi ro như bạn có thể nghĩ. Vị tổng thống sắp tới, Trump hay Clinton, sẽ có hai lợi thế trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới. Thứ nhất, giới lãnh đạo Trung Quốc nay tập trung vào một quá trình cải cách kinh tế phức tạp liên quan tới nhiều mặt thiệt hơn, một quá trình nhằm để chuyển một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu kém hiệu quả sang một mô hình sáng tạo và bền bỉ hơn chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Thành công của quá trình này phụ thuộc vào khả năng của Bắc Kinh trong việc tránh các xung đột có hại cho kinh doanh, ngay cả những xung đột bị dựng lên bởi một tổng thống Mỹ muốn gây náo loạn. Thứ hai, sự giảm sút dự kiến về mức tăng trưởng của Trung Quốc có vẻ đã kiểm soát được, và Chủ tịch Tập Cận Bình dường như tin vào khả năng giữ quyền lực của mình. Trong chiến dịch tranh cử, Trump nhất quyết đòi Nhật và Hàn Quốc nên gánh vác trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính họ; điều đó sẽ làm tăng niềm tin của Tập Cận Bình. Điều này khiến ông có ít động cơ hơn để dựng nên một tình huống khẩn cấp chính sách đối ngoại giả tạo để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề trong nước.
Tổng thống Trump sẽ gắng hết sức để gây hiềm khích với Trung Quốc, nhất là về các quan hệ thương mại và đầu tư, nhưng chính quyền Trung quốc có thể phản ứng bằng cách chọn phương án an toàn và hợp lý nhất đối với hầu hết các điểm có thể xảy ra xung đột để cố gắng thuyết phục các chính phủ khác rằng Washington, chứ không phải Bắc Kinh, là nguyên nhân gây rắc rối trong quan hệ Mỹ-Trung. Trump đôi khi sẽ hăm hở muốn đánh nhau, nhưng dường như khó có khả năng Tập sẽ cho ông ta cơ hội tỉ thí ngoại trừ trong hoàn cảnh bất thường nhất.
- Địa chính trị của Châu Á
Trung Quốc không phải là nước duy nhất đang trải qua một quá trình cải cách kinh tế nội địa tế nhị và nguy hiểm. Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật và Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ đang hy vọng tránh những cuộc đối đầu với Trung Quốc mà có thể gây phương hại tới các nỗ lực kích thích tăng trưởng. Biển Đông (South China Sea) vẫn là một điểm nóng đáng theo dõi, nhưng Việt Nam, Philippines và Malaysia không thể nào kham nổi một cuộc đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Giới lãnh đạo của tất cả các nước này đôi khi sẽ giễu võ dương oai để đạt được lợi ích chính trị ngắn hạn, nhưng xung đột thực sự chẳng có lợi cho ai cả. Tổng thống Trump và tổng thống mới đắc cử Rodrigo Duterte của Philippines có nhiều điểm tương đồng đủ để xây dựng một mối quan hệ vững chắc. Nếu TPP bất thành thì có hại cho Nhật và một số nước Nam Á, nhưng điều đó khiến các mối quan hệ ổn định với Trung Quốc lại càng quan trọng hơn đối với họ. Giới lãnh đạo Châu Á sẽ theo dõi sát sao Tổng thống Trump, nhưng rủi ro mà bất cứ ai trong số họ phản ứng vì bị đẩy vô thế đường cùng thấp hơn nhiều người lo sợ.
- Iran
Liệu Trump có sẽ khiêu khích xung đột với Iran? Hồi tháng 4-2016, Trump nói với Ủy ban Các vấn đề Công cộng Israel Mỹ (AIPAC), tổ chức vận động hành lang thân Israel mạnh nhất ở Mỹ, rằng “Ưu tiên số 1 của ông là dẹp bỏ hiệp định [hạt nhân] tai hại với Iran.” Lời hứa đó sẽ đáng tin hơn nếu nó đã không mâu thuẫn trực tiếp với những bình luận khác ông đã đưa ra về vấn đề này, và nếu, cũng như với đề xuất của ông về luật cấm người Hồi giáo vào Mỹ, ông đã không hình thành thói quen rút lui khỏi những niềm tin (dường như) sâu sắc khác. Phê phán hiệp định Iran giúp ông công kích tổng thống — và tiện thể tiếp theo là công kích Hillary Clinton — về một vấn đề đặc trưng. Nhưng khi ông không ở trước mặt AIPAC, Iran đã không xuất hiện rõ ràng trong danh sách những kẻ thù mà ông muốn dồn vào chân tường.
* * *
Donald Trump tự giới thiệu mình là người có tư chất độc nhất vô nhị để khiến chính sách đối ngoại của Mỹ “ngầu trở lại”, để gạt một bên những ai tin rằng sự lãnh đạo phụ thuộc vào sự kiên nhẫn, kỷ cương, sự hào hiệp và óc tưởng tượng không kém phụ thuộc vào sức mạnh quân sự và ý chí sắt đá. Ông muốn tái khẳng định sức mạnh Mỹ mà không có sự hiểu biết chín chắn về nền tảng cho sức mạnh đó. Ông sống trong một thế giới có tổng bằng không, một thế giới phân hóa giữa kẻ thắng và người thua, thiện và ác, người thực làm và kẻ ăn chực, ta và chúng.
Nhưng “Nước Mỹ trên hết” sẽ không khiến nước Mỹ mạnh. Nó sẽ khiến bạn bè xa lánh và khiến kẻ thù bạo dạn. Trong quá trình đó, nó sẽ gây tác hại lớn lao cho các lợi ích thương mại của Mỹ. Nó sẽ làm suy yếu các thể chế mà Mỹ và các đồng minh đã tạo ra từ đống tro tàn của Đệ nhị Thế chiến và sẽ tiếp tục kéo dài ảnh hưởng quốc tế của Mỹ tới tương lai. Nó sẽ gây ngờ vực ghê gớm về điều mà nước Mỹ ủng hộ.
Một chính sách đối ngoại kiểu Trump sẽ làm xói mòn quan niệm nước Mỹ khác biệt, niềm tin dựa trên đồng thuận rằng nước Mỹ sẽ đấu tranh không chỉ vì lợi ích vị kỷ của mình và do đó đáng được noi gương. Quan niệm đó đã chịu nhiều tổn hại trong những năm gần đây. Nó sẽ còn chịu nhiều tổn hại nữa. Nhưng rủi ro lớn nhất do một chính sách đối ngoại kiểu Donald Trump gây ra là ông ta sẽ vĩnh viễn triệt tiêu nguyện vọng đáng có này.
Nguồn: Ian Bremmer, Trump and the World: What Could Actually Go Wrong, Politico Magazine 3-6-2016.
(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 27/7/2016)
Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan: Ác mộng Donald Trump
1 thought on “Donald Trump và thế giới: Tai họa gì có thể xảy ra?”