
Lịch sử chính trị Mỹ từng có nhiều người lập dị ứng cử tổng thống. Nhưng có lẽ chưa ai như Donald Trump: bị thiên hạ cả trong lẫn ngoài Đảng Cộng hòa gán cho đủ loại tên xấu từ kẻ bất tài bịp bợm tới ác quỷ Frankenstein, nhưng lại liên tục dẫn đầu, nhiều cơ may đại diện cho một đảng lớn trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Kẻ ngoài cuộc khác thường
Trump là ứng cử viên hàng đầu nguy hiểm nhất trong ký ức hiện đại của người Mỹ. Ông kết hợp những ý tưởng kinh khủng với thái độ đáng ngại; không chỉ phân biệt chủng tộc, trọng nam khinh nữ, mị dân, ông còn là người chỉ biết đề cao bản thân, thích hà hiếp, và thiếu hiểu biết về chính sách và quản lý nhà nước.
Trump tỷ phú bất động sản cũng là Trump ngôi sao truyền hình thực tế, nên biết khai thác giá trị của sự hào nhoáng, của sự giật gân. Phớt lờ political correctness (cách hành xử chuẩn, phải đạo, làm đẹp lòng bá tánh), ông luôn có những phát biểu và hành vi bất chấp mọi điều cấm kỵ của một chính khách thông thường, huống chi người muốn lèo lái nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại diện Mỹ trên trường quốc tế.
Có thể kể hoài không hết những điều lố bịch của Trump: làm cử chỉ run rẩy tay để chế giễu nhà báo Kovaleski (New York Times) bị khuyết tật, ám chỉ rằng thẩm phán tòa án tối cao Antonin Scalia mới qua đời bị ám sát, cổ xúy giết hại gia đình của những kẻ khủng bố, nhiều lần thích thú nhắc lại chuyện nhảm rằng cách đây một thế kỷ lính Mỹ ở Philippines nhúng đạn vào máu heo trước khi xử bắn phiến quân Hồi giáo, tại một cuộc vận động tranh cử gần đây ông nói ông muốn đấm vào mặt một người phản đối …
Trump gọi người Mexico nhập cư lậu là những kẻ hiếp dâm và sát nhân. Ông đòi cấm tất cả người Hồi giáo tới Mỹ. Khi hai người ủng hộ ông tấn công một người vô gia cư và giải thích “Donald Trump nói đúng, tất cả những tên nhập cư lậu này phải bị trục xuất”, ông phớt lờ những lời phê phán ông xúi giục bạo lực, mà chỉ nói rằng hai người đó có hành động “rất nồng nhiệt”.
Trump thường xuyên chỉ thẳng mặt các phóng viên tác nghiệp tại các cuộc vận động của ông và gọi họ là “đám ti tiện”, “lũ cặn bã” trước tiếng la ó hưởng ứng của đám đông ủng hộ. Biện bạch cho một lần tranh luận kém cỏi, ông đổ thừa là do người dẫn chương trình Megyn Kelly đang trong kỳ kinh nguyệt. Mới hôm 27-2, ông hứa nếu thành tổng thống thì sẽ tìm cách bãi bỏ Tu chính án thứ nhất (bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp), thay đổi luật về phỉ báng để dễ kiện báo chí hơn.
Ông sẽ làm gì nếu gặp một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, nếu nước Mỹ bị tấn công khủng bố, hay lại lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính? Chẳng ai rõ ông có chính sách gì cụ thể, vì ông toàn lấp liếm bằng mỹ từ “tốt nhất”. Những nỗi lo của tầng lớp ủng hộ ông là có thật, nhưng ông đưa ra toàn những đề xuất hoang đường, tạo ảo tưởng có giải pháp dễ dàng cho vấn đề nan giải. Trước tâm lý phẫn nộ nhắm vào những người nhập cư lậu, ông hô hào trục xuất hết, và xây “bức tường đẹp” dọc biên giới với Mexico – và buộc Mexico phải trả tiền xây – để ngăn chặn ma túy và để trả lại việc làm cho người Mỹ.

Tại anh tại ả
Trump nổi lên trong Đảng Cộng hòa khi cầm đầu phong trào nghi ngờ Obama không sinh ra ở Mỹ. Song, nhiều nhà phân tích cho rằng chính Đảng Cộng hòa đã vô tình sinh ra quái thai này sau thời gian dài cản trở dân chủ. Trong các nhiệm kỳ của tổng thống Obama, giới nghị sĩ Cộng hòa nhiều lần đe dọa ngưng hoạt động của chính quyền Mỹ vì những bất đồng về chính sách và lập pháp, đòi vô hiệu hóa các quyết định của Tòa án Tối cao (dù phe bảo thủ chiếm đa số thẩm phán), gọi những người muốn thỏa hiệp với Đảng Dân chủ là kẻ phản bội, thực hiện các cuộc dấy loạn nội bộ để lật những lãnh đạo đảng không muốn tham gia các trò phá hoại. Từ đó, cử tri Cộng hòa cảm nhận rằng chính quyền, các thể chế và truyền thống chính trị, giới chóp bu của đảng, và chính các đảng phái là những điều cần bị đạp đổ, tránh né, hay dè bỉu.
Những “kẻ ngoài cuộc” như Trump trỗi dậy vì đảng Cộng hòa không còn khả năng kiểm soát cuộc đấu đá đề cử ứng cử viên. Tới giữa thế kỷ 20, ứng cử viên đại diện cho đảng được giới lãnh đạo đảng lựa chọn tại đại hội đảng bốn năm một lần với lý lẽ họ biết rõ ai đủ năng lực và dễ có khả năng thắng cử nhất. Có nhiều ý kiến chỉ trích cách làm này không tôn trọng nguyện vọng của cử tri, Nhưng theo họ, dân chủ là giữa các đảng, chứ không phải trong đảng.
Trong những năm 1970, hai đảng chính thay đổi quy định, trao quyền quyết định cho cử tri tại các vòng bầu cử sơ bộ ở các bang. Cử tri là đảng viên có đăng ký sẽ bầu chọn người đại diện cho đảng bằng cách biểu quyết trong từng nhóm nhỏ hoặc bỏ phiếu kín. Tùy theo quy định ở mỗi bang, ứng cử viên sẽ được phân bổ số đại biểu (dự đại hội đảng toàn quốc để chính thức đề cử người đại diện ra tranh cử) theo tỉ lệ phiếu bầu hoặc theo “kiểu được ăn cả, ngã về không”, hoặc kết hợp hai hình thức này. Đại biểu có hai loại: đại biểu thông thường, những người bị ràng buộc phải ủng hộ ứng cử viên được phân bổ tại đại hội đảng toàn quốc; và siêu đại biểu, tức là các quan chức dân cử cấp cao như nghị sĩ bang và liên bang và thống đốc, đây là những người không buộc phải cam kết ủng hộ ứng cử viên nào tại đại hội. (Trong kỳ bầu cử năm nay, ứng cử viên Cộng hòa phải giành được ít nhất 1.237 trên 2.472 đại biểu mới được đảng đề cử, còn bên Dân chủ tỉ lệ này là 2.382/4763.)
Thế là bỗng nhiên gần như ai cũng có cơ hội được đề cử, và nhiều người ngoài cuộc nổi lên trên chính trường – như Jimmy Carter năm 1976, Ronald Reagan năm 1980. Dù cử tri cảm thấy được trao quyền định đoạt, một số nhà phân tích bày tỏ lo ngại về cách làm mới này. Đầu thập niên 1980, nhà chính trị học Nelson W. Polsby cảnh báo rằng chất lượng và uy tín của chính quyền sẽ bị tổn hại nếu những người không thể đọ sức với các đối thủ tranh cử của mình đôi khi lại hết sức được lòng dân chúng và giành được sự đề cử của đảng.
Tới những năm 1980 và 1990, giới chóp bu của Đảng đã giành lại quyền kiểm soát quá trình đề cử, và bắt đầu dẹp tan các ứng cử viên “phiến loạn”. Bí quyết để được đề cử là thắng “vòng bầu cử sơ bộ vô hình” – giành được sự ủng hộ của các nhà tài trợ lớn, nhóm lợi ích, và quan chức dân cử trong năm trước khi có bầu cử thực sự.
Giới bình luận thường bàn về những “làn xe” mà các ứng cử viên chọn cho cuộc đua đường dài để được đảng đề cử. Trong cuốn sách mới xuất bản Bốn bộ mặt của Đảng Cộng hòa, Dante J. Scala và Henry Olsen mô tả bốn nhóm cử tri Cộng hòa trong bầu cử sơ bộ kể từ thập niên 1980: ôn hòa và tự do (25%-35%), hơi bảo thủ (35%-40%), ngoan đạo và rất bảo thủ (khoảng 25%), thế tục và rất bảo thủ (5%-10%). Một ứng cử viên thành công khởi đầu chặng đường bằng cách chọn một “làn xe” cụ thể, gây cảm tình với một trong những nhóm này và về sau nhận sự ủng hộ của các nhóm khác khi các đối thủ bỏ cuộc.
Bất chấp quan niệm thông thường đó về các “làn xe” Cộng hòa, Trump như một xe cào tuyết băng băng trên xa lộ, càn quét qua mọi làn xe. Các cuộc thăm dò dư luận tiểu bang và liên bang luôn cho thấy ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả bốn nhóm cử tri Cộng hòa. Thành phần ủng hộ mạnh mẽ nhất là những người ít học và nghèo khó; thành phần phản đối kịch liệt nhất là những người có học vấn cao và thu nhập cao.
Trump đã biến cuộc đấu đá ý thức hệ truyền thống của Đảng Cộng hòa thành cuộc đấu tranh giai cấp. Henry Olsen nói Trump tái định hình Đảng Cộng hòa bằng cách đặt câu hỏi khác với cách đặt vấn đề của đảng trong hơn nửa thế kỷ qua. Vấn đề cốt lõi của gần như mọi cuộc tranh giành đề cử trong 50 năm qua là Đảng Cộng hòa nên là động lực của phong trào bảo thủ đến đâu. Chẳng thèm đặt câu hỏi đó, Trump chỉ hỏi Đảng Cộng hòa nên cổ xúy đến đâu cho những người đang chật vật trong nền kinh tế hiện đại.
Lấy phẫn nộ trị phẫn nộ
Cương lĩnh của ông nhấn mạnh luận điểm người Mỹ đang bị lừa gạt, và giới bảo thủ chủ lưu đã phụ lòng tầng lớp lao động trung lưu. Một bộ phận lớn các cử tri bảo thủ cảm thấy họ bị tụt hậu ở chính tại Mỹ. Dùng ngôn ngữ của những vụ làm ăn của bản thân, ông nói để tự vệ, người Mỹ nên thuê người biết cách điều đình những thương vụ có lợi hơn. Nhờ nhấn mạnh các vấn đề giai cấp thay vì ý thức hệ, Trump đã tuồn vào trong Đảng Cộng hòa đủ kiểu quan điểm lập dị, khác với lập trường chính thống của đảng.
Về đối nội, ông cho rằng những di dân bất hợp pháp khiến mức lương của tầng lớp lao động trung lưu giảm mạnh (chính ông bị chỉ trích cũng dùng lao động nhập cư lậu cho các công trình địa ốc của mình), và những nhà tài trợ chiến dịch tranh cử đang hối lộ giới chính khách (tất nhiên trừ ông, tỷ phú không thể bị mua chuộc). Ông thề bảo vệ các chương trình An sinh Xã hội và Medicare, dùng ngôn ngữ tương tự như Đảng Dân chủ, và hứa đầu tư vào một chương trình cơ sở hạ tầng lớn, vốn là một ưu tiêu của Obama và Clinton.
Chính sách đối ngoại, mảng ông rất dốt, chỉ xoay quanh lập luận nước Mỹ đang bị nhiều kẻ thù bao vây. Ông cật vấn cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc và Nhật, chẳng hề muốn Mỹ can dự quân sự ở bất cứ đâu tại Trung Đông, tung hô tổng thống Nga Vladimir Putin và lên án thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông từ bỏ chủ thuyết tự do thương mại chính thống của Đảng Cộng hòa, và dọa có chiến tranh thương mại và đánh thuế nhập khẩu đối với những nước không làm theo ý Mỹ.
Ông có cách nhìn đơn giản về kinh tế: đó là trò chơi bù trừ – để Mỹ thắng thì các nước khác phải thua. Trong bài phát biểu thắng lợi sơ bộ ở New Hampshire, ông hô hào: “Chúng ta sẽ khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng sẽ làm theo cách truyền thống. Chúng ta sẽ thắng Trung Quốc, Nhật, Mexico về thương mại. Chúng ta sẽ đánh bại tất cả những nước hàng ngày đang cuỗm mất quá nhiều tiền của chúng ta.”
Trump có đủ hiểu biết về phong trào bảo thủ để phát biểu rành rọt về một số vấn đề cụ thể. Ví dụ, là người nhiệt thành tin Tu chính án thứ hai (bảo vệ quyền sở hữu vũ khí), tại một cuộc vận động, ông nhại cảnh bọn khủng bố tuần tự sát hại những người vô tội không vũ trang ở Paris, và nói nếu những nạn nhân Paris ở các tiệm cà phê và nhà hát Bataclan có súng, họ đã có thể tự cứu mình.
Nhưng khác như các đối thủ, ông thường không dùng ngôn ngữ của cánh hữu, mà dùng các chiêu thức kích động phẫn nộ, thù hận. Ông thường nói toạc móng heo, chẳng nể nang ai, nhưng có lẽ sở trường lớn nhất của ông là kiểu nói dân dã, dùng ngôn từ và hình ảnh đời thường rất hợp với người nghe. “Chúng ta xây một trạm xăng tốn 43 triệu đô ở Afghanistan, mà thậm chí nó bán chẳng đúng loại xăng!” Phẫn nộ về chuyện người tị nạn Syria bị cho là mang điện thoại di động của ISIS, ông hỏi: “Ai trả hóa đơn hàng tháng cho chúng?”. Về tin hãng Nabisco sắp dời một nhà máy từ Chicago sang Mexico, ông tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ ăn bánh Oreo nữa.”
Trump dùng phẫn nộ để đáp lại nỗi phẫn nộ của người Mỹ. Hứa xây tường dọc biên giới là gãi đúng chỗ ngứa của cử tri da trắng lo ngại nước Mỹ đang bị “nâu hóa”. Gièm pha các hiệp định thương mại tự do là khoét vào nỗi đau và mang lại hy vọng cho tầng lớp công nhân mất việc sau khi hãng xưởng đua nhau rời Mỹ. Lời hô hào hạn chế đưa lính Mỹ tham chiến ở nước ngoài được các gia đình quân nhân đã ngán ngẩm chiến tranh và cựu chiến binh gật gù tán thưởng.
Ác mộng khó dứt
Trump đang có cơ may rất lớn trở thành ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa, nhưng rất ít khả năng thắng cử. Trưng cầu dư luận cho thấy 46% người Mỹ trong độ tuổi đi bầu có đánh giá không tốt về ông Trump. Bởi vậy, giới chóp bu Cộng hòa cuống cuồng tìm cách chặn đà thăng tiến của ông.
Mitch McConnell, lãnh tụ đảng đa số tại Thượng viện, đã vạch kế hoạch để các nghị sĩ Cộng hòa từ bỏ Trump trong cuộc tổng tuyển cử. Tại buổi gặp gỡ các thống đốc và nhà tài trợ Cộng hòa ở Washington hôm 19-2, Karl Rove, chiến lược gia cho các chiến dịch tranh cử của George W. Bush, cảnh báo rằng Trump mà được đề cử thì vô cùng tai hại cho đảng khi bầu cử diễn ra vào tháng 11. Rove khẳng định vẫn chưa quá muộn để chặn Trump.
Sau khi Jeb Bush bỏ cuộc chỉ sau ba vòng sơ bộ vì có tỉ lệ ủng hộ quá thấp dù được tài trợ nhiều nhất và được giới chóp bu kỳ vọng, phe Cộng hòa chỉ còn trông cậy vào thượng nghị sĩ Marco Rubio (Florida), và thống đốc John Kasich (Ohio) để đại diện dòng chủ lưu đánh bại Trump, và thượng nghị sĩ Ted Cruz (Texas), đối thủ siêu bảo thủ bám sát Trump. Nhiều người đang vận động Kasich bỏ cuộc để dồn lực cho Rubio, nhưng Kasich vẫn muốn tiếp tục. Nếu còn trụ lại sau Siêu Thứ Ba 1-3, khi có tới 11 bang tổ chức vòng sơ bộ, Rubio, và Kasich hy vọng sẽ thắng tại sân nhà của mỗi người vào ngày 15-3 để qua mặt Trump. Khi bài này lên khuôn vào sáng ngày 2-3, giờ Việt Nam, kết quả ban đầu trong ngày Siêu Thứ Ba cho thấy Trump thắng ở hơn một nửa số bang và giành 221 đại biểu (trong tổng số 1.237 cần có để được đề cử), so với 69 của Cruz và 41 của Marco Rubio. Cập nhật ngày 8-3-2016: Sau các vòng sơ bộ tính tới ngày 8-3, số đại biểu của Trump là 458, Cruz 359, Rubio 151, Kasich 54.
Dịp cuối tuần qua (27 & 28-2), Trump bắt đầu nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật chủ lưu; đầu tiên là thống đốc Chris Christie (New Jersey), ứng cử viên đã bỏ cuộc và chỉ mới vài tuần trước còn chỉ trích Trump nặng nề, thống đốc Paul LePage (Maine), và cựu thống đốc Jan Brewer (Arizona). Oái ăm là chỉ một tuần trước, tại cuộc họp các thống đốc Cộng hòa hôm 20-2, chính LePage nói việc đề cử Trump sẽ gây thương tích khó lành cho đảng, và kêu gọi thảo thư ngỏ “gởi nhân dân”, khước từ Trump và kiểu chính trị gây chia rẽ của ông.
Nếu Trump giành được đề cử, đây sẽ là một thất bại có tính lịch sử của Đảng Cộng hòa, và có thể gây rạn nứt nội bộ chưa từng thấy ở cả hai đảng chính trong nửa thế kỷ, từ khi người miền nam đồng loạt từ bỏ Đảng Dân chủ trong phong trào đấu tranh dân quyền. Có lúc dường như chấp nhận việc đề cử Trump là chuyện đã rồi – và cầm chắc thất bại trước đối thủ như Hillary Clinton, McConnell tính phương án dự phòng kêu gọi cử tri trao quyền kiểm soát Thượng viện cho Cộng hòa để tạo thế kiềm chế một tổng thống Dân chủ. Bất kể kết quả đề cử ra sao, xem ra Trump vẫn là ác mộng khó dứt của Đảng Cộng hòa.
(Đây là bản đầy đủ; bản rút gọn của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 6-3-2016)
© 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ
4 thoughts on “Ác mộng Donald Trump”