Hôm nay là Cyber Monday của năm 2013. Hàng năm, Black Friday là một trong những dịp mua sắm giảm giá lớn nhất ở Mỹ. Black Friday là ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn của Mỹ (Thanksgiving, vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11, năm nay nhằm ngày 28/11). Black Friday đã lan sang Canada, thậm chí cả Úc và Anh. Các hãng bán lẻ còn bày thêm Cyber Monday ngay sau Black Friday để thỏa cơn ghiền mua sắm của những người chậm chân không chen lấn nổi hay muốn né Black Friday. Thậm chí có nơi còn trưng bảng discount cho cả Cyber Week. Chợt nhớ năm xưa có bài viết về các tiền tố (prefix) cyber- và e-, bèn lục ra đăng lại.
Disclaimer: Bài viết đã lâu nên có thể nhiều từ ngữ không còn phổ biến, hoặc có nhiều từ mới xuất hiện sau này, ví dụ e-book, hay e-reader không được nêu.
Tiếng Anh ăn theo Internet
1. Một tiền tố bất kham
William Gibson chắc không thể ngờ rằng từ cyberspace của mình lại “đại náo” kho từ vựng tiếng Anh. Nó xuất hiện ngay lúc mà con người cần một thuật ngữ để chỉ không gian truyền thông. Đa số nghĩ rằng Gibson dùng từ này lần đầu trong tiểu thuyết “Neuromancer” vào năm 1984, nhưng thực ra ông đã đặt ra từ này trong truyện ngắn “Omni” hai năm trước đó.
Tiền tố (prefix) rất tiện dụng cyber- này trình làng lần đầu trong từ cybernetics (điều khiển học), do Norbert Wiener nghĩ ra trong cuốn sách cùng tên vào năm 1948, dựa vào ý tưởng “kiểm soát” của một từ gốc Hy Lạp có nghĩa “hoa tiêu”. Ngay lập tức ồ ạt ra đời những từ với tiền tố cyber-, ví như cybernetician, cybernate và cybernation. Năm 1960 xuất hiện từ cyborg để chỉ một người có những năng lực được biến đổi hoặc cải thiện nhờ gắn trên mình những thiết bị máy móc. Loạt phim truyền hình BBC “Dr. Who” sinh ra từ Cybermen; loạt phim truyền hình trinh thám hài Anh “The Avengers” hồi tháng 10/1965 chế ra từ cybernaut để chỉ một loại robot, và hiện nay từ này chỉ một người “chu du” trong không gian truyền thông – một cách liên tưởng rất tuyệt đến từ cosmonaut (nhà du hành vũ trụ).
Nghĩa của từ cyberspace đã biến chuyển nhiều trong thập niên vừa qua. Ban đầu trong cuốn “Neuromancer”, nó chỉ một không gian điện tử như cái mà bây giờ ta gọi là virtual reality (hiện thực ảo): bộ não và các giác quan trực tiếp nối với thế giới máy vi tính và truyền thông, nên có thể “thưởng ngoạn” nó như một phong cảnh thực tế. Với sự bùng nổ của Internet, từ này chuyển sang một nghĩa phổ biến để chỉ lãnh địa điện tử vô hình (và đầy bí ẩn) nơi diễn ra những trao đổi thông tin qua mạng. Gần đây từ này lại có xu hướng trở thành một từ đồng nghĩa “họ hàng xa” với từ electronic.
Một trong những từ quan trọng có liên quan là cyberpunk, do Bruce Bethke đặt ra trong truyện Cyberpunk vào năm 1983, và ngay lập tức được Gardner Dozois, biên tập viên tạp chí khoa học giả tưởng Asimov’s SF, dùng để chỉ một tiểu thể loại khoa học giả tưởng mà tiểu thuyết Neuromancer nói trên là một tác phẩm kinh điển. Các tiểu thuyết loại cyberpunk kể về những người “lạc loài” vật lộn với cuộc mưu sinh trong những thế giới đô thị hóa đầy ảm đạm trong tương lai dưới sự thống trị của những chính phủ hay doanh nghiệp toàn cầu với quyền kiểm soát được tăng cường bằng trí tuệ nhân tạo; cốt truyện thường có những nhân vật có năng lực được cải thiện bằng thiết bị điện tử. Vào giữa thập niên 1980, một số nhà văn khoa học giả tưởng và những người khác thấy có những điểm tương đồng giữa những thế giới tương lai đó với xã hội hiện tại, và tự xưng là cyberpunk. Về sau, những chuyên gia tin học và những người khác có quan tâm đến an ninh điện toán và mật mã học đã bắt chước và gọi mình là cypherpunk.
Tiền tố này có lẽ đã yên thân với một vị thế khiêm tốn trong kho từ vựng tiếng Anh, nếu không có sự vận dụng của Gibson dẫn đến làn sóng “phát minh” những từ “nhái” và phái sinh đến mức … bất kham. Michael Quinion, một biên tập viên của từ điển Oxford, đã thu thập được hơn 200 cách kết hợp từ tác phẩm khoa học giả tưởng, tạp chí tin học, sách báo, và thốt lên: “I’m getting cyber-sick of them”. Hiếm có từ nào trong số đó trường tồn, dù có một ít tỏ ra vững vàng danh trấn giang hồ và chiếm được một chỗ trong từ điển. Đại dịch lan tràn những từ mới với tiền tố cyber- thậm chí đã khiến tạp chí Newsweek hồi năm 1994 nói đến một cảm giác nhàm chán gọi là cybertedium. Sau đây là tóm lược một số từ thuộc dòng họ cyber-.
Đọc xong phần trên mà bạn kinh hoàng thảng thốt, thì có thể bạn đã mắc chứng cyberphobia (chứng sợ công nghệ hay các phương tiện truyền thông điện tử). Nhưng chắc hẳn bạn chẳng đọc bài này nếu bạn không phải là một cybersurfer thích lang thang trên mạng; nếu quả vậy, có thể bạn cũng đã bị hút vào cơn sốt cyberhype.
- Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, có rất nhiều từ chỉ những người làm việc với ngôn từ trực tuyến: cyber-scribe, cyber-publisher, cyber-novelist và hẳn nhiên cả cyber-journalist. Đương nhiên họ làm việc trong những cyberlibrary, viết hoặc đọc các cyberthriller và cyberzine (ghép với âm tiết cuối trong magazine).
- Việc áp dụng tiền điện tử và giao dịch trực tuyến đã sản sinh ra cybercash, cyber economy, cyberbuck, cyber dollar, cyber-money, và những thuật ngữ khác liên quan đến cyber-shopping và cybercommerce.
- Cyberculture là xã hội của những con người được liên kết hay liên lạc qua những phương tiện như Usenet và Internet; cyberworld là toàn thể hoặc một phần không gian truyền thông có liên quan đến những môi trường hiện thực ảo.
- Trong cybercafé hoặc cyber-pub, ta có thể vừa nhâm nhi cà phê vừa truy cập Internet. Trong một cyber-nightclub, ta có thể thỏa thích giao lưu với Jang Dong Kun mà khỏi cần nhọc công xếp hàng đổi vỏ kem đánh răng.
- Khái niệm cyberfeminism công nhận rằng không gian truyền thông có ưu điểm là không “trọng nam khinh nữ” (nữ học giả người Anh Sadie Plant tự gọi mình là cyberfeminist). Những người hồ hởi đón nhận chứ không lảng tránh công nghệ mới được gọi là cyberhippies, hay Cyberians – một phiên bản “công nghệ cao” của từ hippie trong thập niên 1960.
- Một cyberlawyer là chuyên gia về luật liên quan đến những giao dịch trực tuyến (cyberlaw), hoặc nghiên cứu các ứng dụng của máy vi tính và truyền thông vào nghề luật.
- Bản thân cyber cũng có thể đứng một mình làm tính từ hoặc phó từ, thường là liên quan đến những phương thức trao đổi thông tin dựa vào máy vi tính hoặc những cảm giác ảo. Đôi khi cũng xuất hiện tính từ cyberish và phó từ cyberly.
2. Điện tử mà chưa hẳn là điện tử
Có người khi mới nghe nói đến kinh doanh điện tử cứ ngỡ là buôn bán ti-vi, cát-xét hay đầu máy. Chả cứ gì người Việt, ngay cả dân Anh, dân Mỹ cũng có nhiều người “lùng bùng lỗ tai” khi nghe nói đến e-business (hay nói nôm na là e-biz). Có lẽ mọi chuyện là do tiền tố e-. Tiền tố này chẳng kém cạnh gì cyber- về khía cạnh tiện dụng; nó có thể ghép vào hầu như bất cứ từ nào để phản ánh cơn sốt của cuộc cách mạng công nghệ. Tuy nhiên, trừ một số có vẻ đã trụ vững trong cách sử dụng hiện tại, hầu hết đều là những kiểu thành lập từ “tình thế” (nonce formation), nhằm đáp ứng một nhu cầu tức thời và khó có khả năng tái xuất giang hồ.
Ngày nay, ta có thể giở báo đọc ra hoặc vào mạng đọc e-zine (một biến thể của cyberzine). Trên đó sẽ có nhiều tin bài bàn về một e-economy sôi động với các hoạt động e-commerce, e-trade với phương tiện thanh toán chủ yếu là e-cash; hướng dẫn e-investor đầu tư vào những e-asset có khả năng sinh lợi cao nhất; tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua mạng truyền thông theo kiểu dịch vụ e-health; bình luận về e-democracy; chỉ cho độc giả mê văn học những địa chỉ hữu dụng để tải xuống e-text của các tác phẩm đông tây kim cổ; đăng quảng cáo những khóa học e-learning tiện lợi hơn nhiều so với kiểu học từ xa (distance learning) truyền thống như hàm thụ hay qua đài phát thanh truyền hình … Năm hết tết đến, muốn gởi thiệp mừng đến bạn bè, thân nhân phương xa nhưng hơi khó vì thời gian gấp gáp, hoặc đang “viêm túi”? Đừng lo, e-card hoặc e-greetings sẽ giúp bạn chuyển tình thương mến thương đến người quen trong tích tắc. Bạn muốn tìm một nửa còn lại của mình (better half), sao không thử tham gia e-dating? Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hồ hởi bàn về e-paper, mơ đến lúc đa phần nhân loại sẽ on-line, nhờ vậy tiết kiệm được biết bao nhiêu là giấy, cứu được bao nhiêu là cây cối khỏi bị đốn để lấy gỗ làm giấy.
“Sư tổ” của lớp từ này chính là e-mail, lần đầu tiên được ghi nhận cách dùng như một danh từ là vào năm 1982, và động từ vào năm 1987. Ban đầu e- chính là cách viết tắt cho tiện của từ electronic. Kể từ thập niên 1990 trở đi, khi từ này ngày càng phổ biến, nhiều người mới sử dụng không biết rõ liệu chữ cái bé bé xinh xinh đứng đầu ấy là cách viết tắt hay là một tiền tố, và có cần dùng dấu nối từ (hyphen) hay không. Do vậy còn có nhiều biến thể là E-mail, Email, và email. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi, và cả nhầm lẫn, nhưng sự “liên tục phát triển” của những từ khác có cùng tiền tố e- dường như đã đưa đến một lối chính tả thống nhất là phải có dấu nối từ. Nếu không thì trông cứ như một từ nhập ngoại; chẳng hạn bản thân từ email viết liền đã khiến nhiều người ban đầu cứ ngỡ đó là từ tiếng Pháp émail tương đương với từ tiếng Anh enamel ([lớp] men).
Tiền tố e- có một đặc điểm ăn đứt cyber-; đó là lối chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm. Thông thường nhất là đặt dấu nối từ ngay chữ e sẵn đứng đầu một từ, vậy là nhất cử lưỡng tiện, khỏi phải dùng thêm một chữ e nữa. Ví dụ một tạp chí tin học ở Anh có dạo đã bàn đến một e-conomy. Để chỉ tình trạng nhiều người vẫn còn “ù ù cạc cạc” về thương mại điện tử, một bài báo có tựa đề: “Many find e-commerce not e-asy”. Còn những người háo hức nối mạng thì được nhận xét là “e-ager to get wired”. Tờ Potomac News ở Woodbridge, Virginia, Mỹ, đã từng chạy tít “1998: A year of truly e-mazing events”; nhưng cách dùng này hơi “ép duyên” cách phát âm từ amazing.
Còn có những lối vận dụng khác hơi “lệch pha” một chút. Tạp chí TIME số đề ngày 3/1/2000 có bài về the retail vs. e-tail battle, tức là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa phương thức bán lẻ truyền thống và kiểu bán hàng qua mạng. Về nguyên tắc, e- không thể đứng một mình được. Thế nhưng có người đã bạo gan viết “To e or not to e”, nhại lại câu “To be, or not to be: that is the question” nổi tiếng mà Hamlet nói trong vở kịch cùng tên của William Shakespeare.
Chưa biết tương lai của tiền tố e- sẽ như thế nào. Nhưng có vẻ như, trong một e-future, chúng ta sẽ là những e-people; và biết đâu sẽ phải học thêm thứ tiếng e-English (hay E-nglish?) để có thể tồn tại trong một cuộc sống kiểu e-life.
—
Bài đã đăng 2 kỳ trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 1999 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào ).
© 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ