Dịch Ebola ở Tây Phi sẽ còn trầm trọng hơn

ebola2Ngày 25/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo một loạt ca bệnh Ebola ở Guinea, những ca đầu tiên ở Tây Phi. Tính tới lúc đó có 86 ca nghi nhiễm bệnh, và cũng có những báo cáo các ca nghi bệnh ở các nước láng giềng Sierra Leone và Liberia. Số tử vong là 60.

Hôm 15/10, WHO cập nhật: dịch bệnh này hiện đã có 8.997 ca khẳng định, có thể và nghi nhiễm Ebola. Trừ 24 ca ở các nước khác, còn lại đều ở ba nước Guinea (16% trong tổng số), Sierra Leone (36%) và Liberia (47%). Số tử vong hiện nay là 4.493. Những con số này đều thấp hơn thực tế; trong nhiều trường hợp, và ở một số nơi hầu hết các trường hợp, không được báo cáo.

Nhưng tất cả những con số nều chẳng thấm vào đâu nếu so với những gì sẽ xảy ra. WHO lo ngại rằng bắt đầu từ tháng 12 có thể có từ 5.000 tới 10.000 ca mới được báo cáo mỗi tuần, tức là số ca mới mỗi tuần bằng tổng số ca của dịch bệnh này tính tới thời điểm này. Đây chính là điều đáng sợ về sự gia tăng lũy thừa trong chuyện dịch bệnh: những gì đang diễn ra, và sẽ diễn ra luôn luôn trầm trọng bằng tất cả những gì đã diễn ra cho tới nay.

Sự gia tăng lũy thừa không thể tiếp tục mãi mãi; luôn có các rào cản. Trong 20 trận dịch lớn trước đây của bệnh này kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1976, tất cả đều diễn ra ở và xung quanh nước Cộng hòa Dân chủ Congo, tốc độ lây lan nhanh ban đầu nhanh chóng lắng xuống. Tuy nhiên, trong trận dịch hiện nay, các giới hạn đều đã bị nới rộng hơn; trận dịch lần này đã có nhiều nạn nhân hơn tất cả các trận dịch trước đây gộp chung.

Dự báo u ám

Có hai lý do. Các trận dịch trước đây thường ở các vùng biệt lập với ít cơ hội để bệnh lan truyền sang nơi khác – việc truyền virus giữa thú hoang và người làm bùng phát tất cả các trận dịch đó đa phần là ở nơi hẻo lánh. Và chúng phần lớn nhanh chóng được công nhận, với các ca bệnh được cách ly và những ai có tiếp xúc với người bệnh đều được truy nguyên từ rất sớm; một ca đã được ngăn chặn theo kiểu này ở Congo trong vài tháng vừa qua. Trận dịch bùng phát ở Tây Phi đã xuyên thủng tất cả các rào cản cách ly và thâm nhập vào cộng đồng dân cư, ở cả nông thôn lẫn thành thị, và nó đã hoành hành trước khi giới y tế hiểu ra vấn đề. Không có lý do nào để hy vọng trận dịch này tự động lắng xuống, hay hy vọng nó sẽ được kiểm soát nếu không có một nỗ lực lớn hơn nhiều để chặn đứng nó.

Nếu không có nỗ lực đó, thì không thể nào biết chính xác tình hình sẽ còn trầm trọng tới đâu. Lý do không chỉ là vì không biết được số ca bệnh thực sự. Biến số chủ chốt là tỉ lệ các ca bệnh dẫn tới những ca về sau, được giới dịch tễ học gọi là Rο. Với những bệnh dễ truyền nhiễm, Rο có thể cao; ví dụ Rο của bệnh sởi là 18. Với một bệnh như Ebola (khó nhiễm hơn), tỉ lệ này thấp hơn: Rο ở các vùng khác nhau đã bị dịch ước tính từ 1,5 tới 2,2. Tuy nhiên, bất cứ tỉ lệ Rο nào cao hơn 1 đều là đáng lo, và những chênh lệch tưởng chừng rất nhỏ về Rο có thể rất quan trọng. Một tỉ lệ Rο bằng 2,2 nghe có vẻ không lớn hơn nhiều so với Rο bằng 1,5, nhưng như vậy nghĩa là số ca bệnh sẽ tăng gấp đôi nhanh gấp hai lần.

Và Rο không phải là không thay đổi. Nó tùy thuộc cả vào tính chất sinh học của virus, bối cảnh lan truyền virus (thành thị hay nông thôn, khu ổ chuột hay khu ngoại ô) và hành vi của những người mà virus lan truyền sang. Trong quá trình của dịch bệnh, hai yếu tố thứ nhì này chắc chắn sẽ thay đổi vì virus chuyển sang những nơi khác và người ta bắt đầu thích ứng. Với tỉ lệ đột biến cao, mà có thể dẫn tới khả năng biến đổi tiến hóa, có thể yếu tố thứ nhất cũng thay đổi. Peter Piot, một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên phát hiện virus Ebola vào năm 1976, nhấn mạnh rằng tiến trình của một trận dịch không luôn luôn đi theo những cung đường bằng phẳng; nó có khi ì ạch, có khi bùng lên mạnh mẽ. Song, tính phức tạp này chẳng hề đáng an tâm chút nào. Tuy tất nhiên chưa hoàn hảo, những phép ngoại suy hợp lý dựa trên mô hình phân tích chẳng hạn như một trường hợp gần đây ở Trung tâm Phòng chống Bệnh tật của Mỹ (CDC) cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp, có thể có 1,4 triệu ca ở Tây Phi trong ba tháng tới.

Ebola map

Không phải là Ebola sẽ nhất thiết được chế ngự ở Tây Phi. Dù bệnh này đã nhiễm sang một số nhân viên y tế ở Mỹ và Tây Ban Nha, và có những lo ngại rằng một trong những người Mỹ đó có thể truyền bệnh sang người khác, các chuyên gia y tế nhìn chung tin rằng các trận dịch có thể được chế ngự ở những nước có hệ thống y tế vững mạnh và khả năng truy nguyên những người có tiếp xúc với người bệnh. Nhưng khi lan sang những nơi khác có hệ thống y tế yếu kém hơn, virus này có thể chiếm lĩnh những thành phố mới. Đặc biệt nếu nó thâm nhập vào Nigeria, nơi một số ca đã được kiểm soát thành công, virus này có thể đi tiếp sang Ấn Độ, nơi có nhiều khu ổ chuột nhưng y tế yếu kém, hoặc Trung Quốc, nơi việc kiểm soát truyền nhiễm ở các bệnh viện có thể lỏng lẻo tới mức đáng lo ngại.

Các bước để ngăn chặn một thảm họa như vậy khá là rõ ràng: các ca bệnh phải được xác định nhanh chóng, bệnh nhân phải được cách ly và những người có tiếp xúc với họ phải được truy nguyên; những thay đổi về hành vi làm giảm tỉ lệ lây truyền phải được khuyến khích thông qua các chiến dịch giáo dục và hoạt động cộng đồng. Cái khó là làm tất cả những việc này một cách nhanh chóng và trên diện rộng. Việc phân tích bằng mô hình cho thấy nếu đưa được 70% người bệnh vào những nơi làm giảm sự lây truyền virus – các trạm xá, trung tâm chữa trị hay những nơi an toàn để chữa trị trong cộng đồng – thì sẽ kiểm soát được tình hình. Đây là một nhiệm vụ vô cùng gian nan.

Ba nước hiện đang bị dịch bệnh đều nghèo xơ xác và chất chồng đủ thứ bất ổn và vấn nạn. Guinea, nước duy nhất tránh được nội chiến sau khi độc lập, đã trải qua nhiều cuộc đảo chính quân sự và xung đột dân sự. Ở Sierra Leone, nhiều thể chế công cộng chỉ mới bắt đầu được tái thiết sau cuộc nội chiến chấm dứt cách đây hơn một thập niên. Những vết thương của cuộc nội chiến ở Liberia mới hơn và hằn sâu hơn. Lực lượng gìn giữ hòa bình ngoại quốc duy trì an ninh công cộng; nhiều thể chế chỉ mới ra đời. Lúc cuộc khủng hoảng dịch bệnh này bắt đầu, ba nước này tính chung chỉ có vài trăm bác sĩ. Từ đó đến nay, nhiều bác sĩ trong số này, trong đó có Sheik Umar Khan, người đứng đầu hoạt động phòng chống Ebola của Sierra Leone, đã chết vì bệnh này. Giống như đòn đánh bên trong cơ thể, Ebola nhắm tới hệ miễn dịch trước, trong cộng đồng, Ebola tấn công mạnh nhất vào những nhân viên y tế.

Do đó, việc cung cấp cơ sở hạ tầng để có thể phản ứng tốt hơn là việc của người ngoài. Những nơi này đã nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ các nước và các tổ chức phí chính phủ ví dụ như Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới, MSF). MSF đã cung cấp hai phần ba số giường cách ly dùng để chữa trị các bệnh nhân Ebola cho tới nay. Cơ sở vật chất chữa bệnh đang tăng nhanh. Dưới rặng núi Peninsula lừng lững nằm ở phía nam thủ đô Freetown của Sierra Leone, làng Kerry Town hiu quạnh là khung cảnh hoạt động náo nhiệt, với hơn 200 công nhân xây dựng toát mồ hôi trong đêm để hoàn tất trạm xá đầu tiên trong sáu trạm xá chữa trị  Ebola được quân đội Anh dựng lên ở nước này (có người ngả lưng tạm ngủ trên bàn trong nhà xác). Họ lắp đặt các bảng năng lượng mặt trời, khoan lỗ để lấy nước, đặt bê tông để làm đường nối với xa lộ ven biển. Trạm xá này sẽ có 90 giường, với thêm 12 giường được dành riêng trong một khu cho nhân viên y tế. Một phát ngôn viên của quân đội cho biết công trình này sẽ hoàn tất vào cuối tháng.

Cần thêm vài tỉ dollar nữa

Cơ sở chữa trị Ebola 70 giường ở Hạt Bong, Liberia, được tổ chức phi chính phủ Save the Children (Cứu trẻ em) xây dựng trong khoảng 4 tuần. Chris Skopec thuộc International Medical Corps, tổ chức phi chính phủ điều hành cơ sở này, mô tả nó là “lưng chừng giữa lều và cấu trúc bê tông”. Nhưng nó có tất cả những tính năng cần thiết: các phòng cách ly kiểm dịch, các khu khử nhiễm và nhà vệ sinh rộng (bệnh nhân bị ói mửa và tiêu chảy có thể ngất xỉu). Nó đủ gần với các làng mạc để người ta có thể tới, nhưng không quá gần để họ không phản đối sự hiện diện của nó.

Những nỗ lực đó quả là đáng nể. Năng lực chữa trị các nạn nhân Ebola của Liberia đã tăng gần gấp đôi trong hai tuần qua, và Mỹ đã hứa xây dựng 17 cơ sở 100 giường trong những tháng tới. Tuy nhiên, cùng vì khả năng gia tăng lũy thừa, nếu số giường bênh chỉ có thể được tăng gấp đôi với tỉ lệ gần như bằng với tỉ lệ virus này tăng gấp đôi số ca bệnh, căn bệnh này sẽ càng lúc càng đi trước và tiến nhanh hơn. Với số ca bệnh được dự báo cho cuối tháng 11 và tháng 12, mức chữa trị 70% được xem là cần để kiểm soát tình hình tương đương với hàng chục ngàn giường bệnh.

Để hiểu được số nguồn lực cần có để tăng tốc, thử xét đến chi phí 170.000 dollar cho việc xây dựng cơ sở 70 giường bệnh ở Bong. Cơ sở này cần 165 nhân viên để chữa trị các bệnh nhân và làm những công việc như xử lý rác và chất thải ra từ cơ thể người. Mỗi ngày cơ sở này có thể phải dùng gần 100 bộ đồ toàn thân, áo choàng, khăn trải giường và mũ trùm đầu. Chi phí vận hành hàng tháng của cơ sở này ở mức khoảng 1 triệu dollar, tức là khoảng $15.000/giường. WHO ước tính một cơ sở 50 giường có chi phí khoảng $900.000/tháng. Những con số này cho thấy một chương trình chữa trị gồm 100.000 giường bệnh sẽ tốn kém khoảng từ 1 tỉ tới 2 tỉ dollar mỗi tháng.

Nhiều nước đã hứa viện trợ các khoản lớn, nhưng chưa tới mức độ đó. Mỹ đã cam kết 350 triệu dollar và dành ra thêm 1 tỉ dollar nữa để tài trợ cho các hoạt động của binh lính của mình ở vùng này. Anh đã cam kết 200 triệu dollar. Ngân hàng Thế giới đã thiết lập một chương trình tài trợ 400 triệu dollar; số 105 triệu dollar đầu tiên đã chuyển tới chính phủ các nước bị ảnh hưởng chỉ trong chín ngày. Liên Hiệp Quốc (mà WHO là một phần) đã dùng khoảng một phần ba trong 1 tỉ dollar mà Liên Hiệp Quốc cho rằng cần để tài trợ cho các nỗ lực của chính mình trong vùng này. Tuy nhiên, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon cho rằng các nguồn hỗ trợ cần phải “tăng 20 lần”.

Có tiền mà không có nhân sự cũng vô ích. Trung Quốc đã cử khoảng 170 nhân viên y tế sang các nước bị dịch bệnh. Cuba, vốn từ lâu tập trung vào hoạt động y tế ở nước ngoài, đã cử đi số lượng tương tự, và dự định cử thêm 300 người nữa. Các nước khác ít sẵn sàng hơn. Các cơ sở mà binh lính Mỹ đang xây dựng sẽ cần hàng ngàn nhân viên; dù được huấn luyện cho chiến tranh sinh học và hóa học, lính Mỹ sẽ không nằm trong số nhân viên đó. Hồi tháng 9, MSF đã từ chối cam kết đóng góp 2,5 triệu dollar của chính phủ Úc, mà yêu cầu gởi bác sĩ Úc sang. Úc lưỡng lự.

Tuy có thiện nguyện viên y tế từ nước ngoài, Ebola khó thuyết phục được người khác tham gia hơn các cuộc khủng hoảng khác. David Wightwick thuộc tổ chức Save the Children nói rằng sau khi bão Hải Yến ập vào Philippines trên các máy bay đã không có đủ chỗ cho tất cả các thiện nguyện viên quốc tế – nhưng khi ông yêu cầu 28 chuyên viên hậu cần đi tới các nước bị dịch bệnh, 21 người từ chối. Tuy nhiên, Bruce Aylward, người giám sát hoạt động phản ứng của WHO ở Tây Phi, nói hiện nay ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước đang nghĩ tới việc đưa nhân sự sang vùng này.

Nhờ cộng đồng chăm sóc, và thay đổi hành vi

Với số người bệnh vượt quá khả năng của các trung tâm chữa trị, thêm nhiều ca được chuyển cho cộng đồng chăm sóc – điều này đòi hỏi dựa vào người dân địa phương với mức độ huấn luyện sơ sài mà bác sĩ Aylward cho rằng hẳn đã không thể chấp nhận được trong các trận dịch Ebola trước đây. Việc cách ly là cần thiết vì chính lúc bị bệnh nặng nhất là khi bệnh nhân dễ lây sang người khác nhất. Virus này bị lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch và chất bài tiết của cơ thể: những thứ gây lây nhiễm nhiều nhất là máu, phân và chất ói mửa, dễ bị tiếp xúc nhất lúc bệnh nặng nhất.

Việc chăm sóc ở cộng đồng tối thiểu phải có hai loại cấu trúc (có thể là lều hoặc lán) dành riêng cho các ca nghi bệnh hoặc đã khẳng định nhiễm bệnh. Người chăm sóc sẽ không phải là nhân viên y tế, mà người trong cộng đồng đã được huấn luyện và trang bị đồ bảo vệ phù hợp. Những người đã khỏi bệnh này dường như về sau miễn dịch và có thể được sử dụng ở những nơi như vậy; vẫn chưa hoàn toàn biết rõ về tính đáng tin cậy và thời gian miễn dịch của họ vẫn, và họ vẫn cần tuân theo các thao tác bảo đảm an toàn, nhưng họ sẽ có ít rủi ro hơn. Người bệnh sẽ chỉ được chăm sóc sơ đẳng, nhất là vì các cộng đồng thường thiếu nguồn điện hay nước ổn định.

Phần lớn những người sẽ tới các cơ sở như vậy khi bị sốt do một chứng bệnh khác phổ biến hơn nhưng ít nguy hiểm hơn Ebola, như sốt rét. Vẫn chưa có các xét nghiệm Ebola tại thực địa để loại trừ những ca như vậy. Một số người sẽ chết mà lẽ ra là không; nhưng hy vọng là 70% sẽ sống sót. Nếu chỉ có người nhiễm Ebola tới chữa trị, con số này sẽ khoảng chừng 30%.

Các cơ sở chăm sóc như vậy đã được thí điểm ở Sierra Leone và Liberia, và trong nhiều trường hợp dường như chẳng có cách nào khác. Tuy nhiên, Christopher Stokes thuộc tổ chức MSF yêu cầu nên cẩn trọng. Nếu dân địa phương không được huấn luyện đúng mức, ông cảnh báo “ta có thể khiến dịch bệnh này trầm trọng hơn, vì họ sẽ cảm thấy tự tin về việc ở cạnh bệnh nhân, và họ sẽ nhiễm bệnh rồi lây sang người khác.” Việc virus này rất dễ chết vì các chất tẩy rửa là điều đáng mừng, nhưng sẽ chẳng ích gì trừ phi chất tẩy rửa được dùng một cách thấu đáo và thích hợp.

Ông Stokes thích cách xử lý phi tập trung, “trong đó ta về gần với cộng đồng hơn với các cơ sở nhỏ hơn [khoảng 30 giường bệnh], nhưng với nhân viên được huấn luyện đầy đủ, như MSF đã làm ở Guinea.” Cách này đã có hiệu quả; có lúc trận dịch ở Guinea gần như được ngăn chặn. Nhưng hiệu quả kinh tế nhờ quy mô cho thấy các trung tâm chữa trị mới sẽ lớn hơn nhiều, có nơi có ít nhất 100 giường.

Cách ly làm giảm lây nhiễm. Thay đổi hành vi cũng giảm lây nhiễm. Chính phủ các nước đang tập trung cách đối phó với dịch bệnh này vào việc giúp thay đổi hành vi, mà các chuyên gia như bác sĩ Piot xem là trọng tâm của vấn đề. Cho đến nay họ chủ yếu tập trung vào chuyện chôn cất người chết. Người chết vẫn còn có thể gây lây nhiễm trong một thời gian, và các lễ tang có thể có nhiều người từ nơi xa tới dự. Sáu tháng sau khi trận dịch này xảy ra, một nghiên cứu của WHO kết luận rằng 60% các ca bệnh ở Guinea có liên quan tới các tập quán chôn cất truyền thống, bao gồm việc sờ mó, tắm rửa hay hôn thi thể. Tất cả các ca bệnh ban đầu ở Sierra Leone dường như bị nhiễm tại một lễ tang lớn ở Guinea, sự cố này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến dịch bệnh tái bùng phát ở nước này.

Hiện nay các truyền thống và tín ngưỡng vốn rất tôn trọng cách đối xử với người chết đang được nhiều người gác lại trong tiếc nuối; các lễ tang trước đây thường là các sinh hoạt xã hội sôi nổi nay ở một số nơi đang trở thành hành động rất thực tế là chôn bao đựng thi thể. Nhưng vẫn còn nhiều lễ tang theo truyền thống, nguy hiểm. Cần phải làm nhiều hơn nữa thông qua sự tham gia của cộng đồng để giảm các tập quán nguy hiểm và làm cho các lễ nghi an toàn hơn.

Truyền đơn, áp phích và các thông báo công cộng cho người dân ở cả ba nước này biết cách tự bảo vệ bằng cách rửa tay và hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Sierra Leone thậm chí còn đóng cửa quốc gia trong ba ngày và trong thời gian đó các quan chức và thiện nguyện viên đi tới từng nhà để giúp người dân hiểu về bệnh này, cũng như phát hiện những trận dịch còn ẩn mình. Ở Liberia và Sierra Leone, Ebola là một đề tài phổ biến trên radio, nơi phần lớn người dân nhận thông tin. Những tòa nhà công cộng có kiểm tra nhiệt độ ở lối vào; nhiều người cũng được rửa tay và giày bằng chlorine. Người dân hiểu được mối nguy hiểm xung quanh; nhiều người chẳng nói về chuyện gì khác.

Điện thoại di động cũng phát tán thông tin hữu ích – và có thể cung cấp dữ liệu hệ trọng cho nhân viên y tế. CDC đang theo dõi vị trí của những người gọi tới các đường dây hỗ trợ để biết căn bệnh này đang lan tới đâu. Flowminder, một tổ chức phi chính phủ của Thụy Điển, đã dùng hồ sơ điện thoại di động để nắm bắt được những di chuyển của người dân.

Thay đổi hành vi là chuyện có thật, nhưng đa phần vẫn còn tủn mủn. Một số người tiếp tục tin rằng có thể chống Ebola bằng các liệu pháp vật linh hoặc phép thuật. Một người cai quản nghĩa trang nản lòng khi thấy người ta vẫn lảng vảng trong nghĩa trang ở Freetown trên đường đi làm, phớt lờ các rủi ro. Các tài xế taxi có thể khử trùng xe cộ nhiều hơn, nhưng ở Liberia họ phản đối những quy định mới hạn chế số hành khách. Khi kế sinh nhai bị ảnh hưởng, các quy định phiền hà chẳng được tuân thủ.

Và soạn được các thông điệp rõ ràng cũng không dễ. Bác sĩ Piot nhắc tới các bích chương đặt cạnh nhau, một cái nói bằng không có cách chữa khỏi bênh, còn cái kia yêu cầu người bị nhiễm nên tới các trung tâm chữa trị. Tuy có những thông điệp mâu thuẫn như vậy, những mối lo ngại ban đầu cho rằng các trung tâm chữa trị sẽ bị người dân xa lánh vì nghĩ đó là những cái bẫy chết nhìn chung đã không đúng; nhiều trung tâm chật ních. Nhưng điều này dẫn tới một vấn đề khác. Liệu có hợp lý khi khuyến khích người bệnh phải đi rất xa mới tới nơi chữa trị rồi lại không có giường bệnh? Việc phòng chống bệnh có tiến triển hay không chỉ tùy thuộc vào việc có thêm giường bệnh, mà còn vào lượng thông tin địa phương nhiều hơn về tìm nơi có giường bệnh, và nếu không có thì nên làm gì. Các cộng đồng và những người được họ hỏi ý kiến cần được thông tin đầy đủ cho những phản ứng như vậy. Họ cần được tham gia theo những cách giúp họ tái tổ chức cuộc sống của mình. Việc này cũng nằm trong số những điều nói dễ hơn làm.

Đi tìm phương thuốc cứu chữa

Thay đổi hành vi có thể làm chậm sự lây lan của virus; một vaccine có thể chặn đứng nó. Chủ yếu là do những mối lo ngại rằng Ebola có thể được dùng như một vũ khí sinh học, các loại vaccine bảo vệ động vật thí nghiệm chống lại virus này đã có sẵn khi trận dịch này bắt đầu. Hai loại hiện nay đang được thử nghiệm độ an toàn ở con người, và một loại, nếu an toàn, có thể sớm được thử nghiệm công hiệu, rất có thể ở các nhân viên y tế tại Tây Phi. GlaxoSmithKline, hãng sản xuất vaccine này, có thể sản xuất được 10.000 liều trong vài tháng. Trong khi đó, người ta đang nghĩ tới chuyện làm thế nào tăng quy mô sản xuất bất cứ loại vaccine nào chứng tỏ thành công. Lý tưởng nhất là nghĩ ra được cách kết hợp giữa trả tiền trực tiếp cho các hãng và mua với số lượng bảo đảm để có nguồn cung dồi dào ngay lúc có tin tốt lành về vaccine.

Loại vaccine kia đang được thử nghiệm có thể, dựa trên các thử nghiệm ở động vật, có thêm lợi ích là giúp người nhiễm bệnh chống chọi được virus, đồng thời giữ an toàn cho người chưa bị nhiễm. Hiện thời còn rất thiếu những liệu pháp như vậy: ZMapp, một hỗn hợp các kháng thể đã có tác dụng ở động vật, lại chưa được chứng tỏ công hiệu và có nguồn cung cạn kiệt. Một phương án kỹ thuật thấp hơn là dùng huyết thanh của những bệnh nhân hồi phục, có chứa các kháng thể giúp họ chống chọi được virus. Máu đó phải được kiểm tra xem có các tác nhân gây bệnh khác hay không và khớp với loại máu của người nhận, nhưng các chuyên gia WHO đã lạc quan dè dặt về ý tưởng này.

Ngay cả nếu các trung tâm chữa trị được mở rộng rất nhiều, hành vi của người dân thay đổi đáng kể và một vaccine tỏ ra công hiệu, vùng này đã bị tổn hại nặng nề. Các cung cách làm việc và nguồn cung thực phẩm đã bị đảo lộn. Một số nông dân đã bỏ ruộng vì họ lo ngại sai lầm là sẽ bị nhiễm bệnh từ nước trong các kênh thủy lợi; một số người ở thành thị mua hàng hóa tích trữ vì hoảng loạn. Lương của công chức không được bảo đảm. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng sản lượng cao su của Liberia, một nguồn xuất khẩu lớn, có thể giảm đáng kể.

Hiện tại, số tử vong tăng cao, tình hình rối loạn và sự xáo trộn hoạt động kinh tế chưa gây ra bất ổn dân sự trên diện rộng. Nhưng nhiều người chỉ trích chính phủ vì đã không đã bảo vệ và giúp họ chuẩn bị tốt hơn để đối phó với dịch bệnh, và những nỗi hiềm khích từng khơi dậy các cuộc nội chiến và đảo chính trong quá khứ hiện không ngủ yên. Hiếm có nhà ngoại giao nào thấy việc quay trở lại những trò chính trị tồi tệ xưa kia là điều không thể xảy ra; lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của Philippines đã được chính phủ nước này rút về. Nếu bất an dân sự bùng nổ, dịch bệnh này sẽ còn trầm trọng hơn.

Ngay cả khi tình hình không rệu rã, vẫn còn đó thách thức khó khăn nhất. Bác sĩ Piot cảnh báo rằng một trận dịch Ebola như một cuộc chiến được ăn cả ngã về không; nó chỉ kết thúc khi bệnh nhân cuối cùng hoặc chết hoặc bình phục hoàn toàn. Khi trận dịch đã tấn công trên quy mô lớn như vậy, những thách thức còn lại sau trận dịch sẽ vẫn rất lớn; toàn bộ các cơ sở hạ tầng y tế sẽ cần được tái thiết. Nhưng trước tiên còn cả một chướng ngại vật phải vượt qua.

Nguồn: The Economist, 18/10/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản lược dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 22/10/2014.)

Bài liên quan: Dịch Ebola: nỗi lo lớn cho Tây Phi và thế giới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *