Dịch Ebola: nỗi lo lớn cho Tây Phi và thế giới

ebolaĐường sá ở miền đông Sierra Leone yên ắng lạ thường. Các điểm kiểm soát với binh lính có vũ trang đầy đủ đã chặn mọi chuyển động đến và từ các vùng Kailahun và Kenema. Trên con đường chính tới thủ đô Freetown chỉ có một vài xe gắn máy và xe hơi chở hàng tiếp tế. Ở Kenema, một bến đậu taxi thường nhộn nhịp nhưng nay vắng tanh không một bóng khách hàng; taxi chẳng còn biết đi đâu.

Ebola đã giáng đòn chí tử vào vùng này, mà không chỉ vì những cái chết do nó gây ra. Các biện pháp kiểm dịch của chính phủ liên bang đã gây ra những tác hại của mình. Doanh nghiệp gặp khó khăn, còn dân làng kêu ca khan hiếm nhiều thứ. Nhưng ngay cả sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đề phòng của chính phủ cũng chỉ chắp vá. Tại bệnh viện công ở Kenema, nơi điều trị bệnh nhân Ebola, khách cứ tự tiện ra vào thoải mái. Chẳng có mấy cách phòng ngừa để họ tránh nhiễm bệnh và lây bệnh cho người khác.

map_EbolaHơn chín tháng đã trôi qua kể từ khi Ebola cướp đi sinh mạng của một bé trai hai tuổi tại một làng ở Guinea – “bệnh nhân đầu tiên” trong trận dịch hiện nay. Nhưng thay vì lắng xuống, virus này dường như đang tăng sức công phá. Nó đã gây nhiễm bệnh cho gần 2.000 người ở Tây Phi. Hơn 1.000 người trong số đó đã chết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Con số đó có thể ước tính thấp hơn thực tế. Một số gia đình do không tin tưởng người ngoài và chính quyền nên đang che giấu thân nhân bị bệnh. Khác với những trận dịch trước đây, trận dịch này đã lan sang nhiều thành phố, trong đó có thành phố Lagos đông đúc, thủ phủ thương mại của Nigeria mà có thể trở thành một tụ điểm truyền bệnh. Hôm 8/8, mới chỉ là lần thứ ba trong lịch sử, WHO tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế đáng được quốc tế quan ngại”.

Không hẳn là đại dịch nhưng gây hoảng loạn

killersTuy được cảnh báo như vậy, Ebola khó có khả năng trở thành một đại dịch. Virus này chỉ bị nhiễm nếu người ta tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể, chẳng hạn như chất nôn mửa ra và máu. Nó ít truyền nhiễm hơn các bệnh lây qua đường không khí, ví dụ như cúm. Mỗi nạn nhân Ebola thường chỉ lây cho một hoặc hai người khác, trong khi một ca Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS), được tường trình lần đầu tiên ở Châu Á vào năm 2003, gây ra thêm ba ca nữa. So với các bệnh lây nhiễm khác ở Châu Phi, Ebola gây tử vong ít hơn (xem biểu đồ). Thế nhưng virus này đang tàn phá Châu Phi.

Bản chất kinh hoàng của căn bệnh này (có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu không kiểm soát được, mà lại chưa có cách trị dứt) đã dẫn tới tâm lý hoảng loạn và lo sợ. Người nhiễm Ebola đã tràn ngập các bệnh viện, khiến bệnh viện giảm bớt khả năng điều trị các bệnh nhân khác. Các biện pháp kiểm dịch là cần thiết, nhưng đe dọa các nền kinh tế địa phương. Virus này cho thấy rằng rất khó chặn đứng một trận dịch và tuy có tiến bộ, thế giới vẫn chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với một tác nhân gây bệnh mới ghê gớm.

Ebola không phải là trận dịch đầu tiên khiến thế giới bất ngờ. Những tiến bộ về vắc-xin và kháng sinh trong thế kỷ 20 đã khiến một số chuyên gia y tế xem nhẹ mối nguy của bệnh truyền nhiễm. Những trận dịch có sức tàn phá kinh khủng như AIDS, SARS, H5N1 (một dòng cúm gà) và H1N1 (thường được gọi là cúm heo) cho thấy điều đó chỉ là mơ ước hão huyền. Trong hai năm qua, một loại cúm gọi là H7N9 đã được phát hiện ở con người lần đầu tiên. Một bệnh mới do một virus cùng họ với SARS gây ra, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), đã xuất hiện ở Saudi Arabia và tiếp tục lây nhiễm.

Thế giới đã tiến bộ hơn về việc phát hiện và xử lý các virus tai hại. Đặc biệt, SARS và H5N1 đã khiến giới khoa học, các công ty và chính phủ phải ra tay hành động. ProMED và HealthMap, hai hệ thống báo cáo trực tuyến của Hội Bệnh Truyền nhiễm Quốc tế và Bệnh viện Nhi Boston, dùng nhiều nguồn để cung cấp thông tin nhanh về các trận dịch có thể bùng phát. Giới dịch tễ học nay hiểu rằng các virus mới đáng sợ nhất chuyển từ động vật sang con người, và biến đổi trong quá trình đó. Vì vậy chính phủ Mỹ đang tài trợ cho các tổ chức độc lập, chẳng hạn như EcoHealth Alliance, để tìm kiếm các tác nhân gây bệnh ở những nơi có thể xảy ra việc lan truyền virus từ động vật sang người – thường là những nơi mà quá trình phát triển nhanh [của con người] làm xáo trộn các môi trường sống tự nhiên của động vật. Các công cụ mới để nghiên cứu các gien của một virus đã giúp dễ dàng hơn để xác định các dòng khác nhau.

Mục tiêu là phát hiện sớm các virus để có thể chế ngự tác hại do chúng gây ra. Với mục đích này, năm 2005 các thành viên của WHO đã thông qua các quy tắc mới về báo cáo và phản ứng trước các đợt bùng phát dịch bệnh. Cách Trung Quốc xử lý H7N9 là một dấu hiệu tiến bộ. Trước đó một thập niên, chính quyền Trung Quốc đã che giấu thông tin về SARS, khiến virus này lan tràn. Nhưng năm ngoái, chính phủ Trung Quốc nhanh chóng chia sẻ các mẫu H7N9 với các phòng thí nghiệm trên thế giới và đăng các phát hiện của mình trên tập san y khoa New England Journal of Medicine.

Làm sao chặn đứng một bệnh gây chết người

Trận dịch Ebola này là một lời nhắc nhở đáng sợ để ta nhớ rằng còn nhiều việc phải làm. Virus này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại một vùng hẻo lánh ở Sudan và ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gần sông Ebola. Nhưng dù giới dịch tễ học đã biết về bệnh này, nó lặng lẽ giết chết người Guinea trong bốn tháng kể từ tháng 12 năm ngoái. Các triệu chứng của bệnh này giống triệu chứng của các bệnh phổ biến, như sốt rét, nên góp phần che giấu sự hiện diện của nó. Ngoài một đợt dịch nhỏ ở Côte d’Ivoire, đây cũng là lần đầu tiên Ebola xuất hiện ở Tây Phi.

Sau khi bộc lộ thất bại của con người trong việc theo dõi sự xuất hiện của bệnh, Ebola đang cho thấy là việc chế ngự một trận dịch, đặc biệt là ở các nước nghèo, khó đến dường nào. Trên lý thuyết, chặn đứng Ebola là điều khá đơn giản. Không có cách chữa trị, nhưng có những cách điều trị giúp tối đa hóa cơ may sống sót của nạn nhân và giúp họ tránh lây bệnh cho người khác. Bệnh nhân nên được cách ly và cho uống nước đầy đủ, theo dõi huyết áp, và điều trị các bệnh phụ. Những ai có tiếp xúc với người nhiễm bệnh nên được theo dõi để xem có bộc lộ các triệu chứng của bệnh. Nếu không có triệu chứng nào xuất hiện trong vòng 21 ngày, người đó có thể được xem là không nhiễm virus.

Nhưng tất cả những việc này rất tốn sức lao động. Ian Lipkin thuộc Đại học Columbia giải thích “Vẫn cần phải có một lực lượng nhân sự rốt cuộc có thể có mặt ở đó.” Điều đó tùy thuộc vào các hệ thống y tế vững mạnh hay sự hỗ trợ lớn lao của quốc tế. Trong trường hợp này, cả hai yếu tố này đều không có.

healthcareĐợt bùng phát dịch bệnh này bắt đầu ở ba nước thuộc hàng nghèo nhất thế giới. Chi tiêu y tế của Guinea chỉ có 62 Mỹ kim / người mỗi năm, so với $3.364 ở Anh. Sierra Leone có hai bác sĩ trên 100.000 người, so với 245 ở Mỹ (xem biểu đồ). Nhân lực y tế hiện có ở các nước bị dịch Ebola hiện đang bị căng thẳng trầm trọng. Hôm 8/8, WHO cho biết trong số nhân lực y tế đó, khoảng 150 người đã bị nhiễm bệnh và 80 người đã chết. Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới), một tổ chức phi vụ lợi có 680 nhân viên y tế ở khu vực này, nay nói rằng nhân viên của mình “không thể làm thêm được gì nữa”.

Mấy chục năm nội chiến ở các nước này đã khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Nhiều dân làng đặc biệt không tin chính quyền và nhân viên y tế nước ngoài – họ lo sợ rằng bác sĩ và y tá mang virus. Điều này đã gây trở ngại cho các nỗ lực cách ly người nhiễm bệnh và chặn đứng chuỗi truyền bệnh. Việc giáo dục cho người dân hiểu rõ là hết sức quan trọng. Không gia đình nào nỡ rời bỏ người thân bị bệnh hay nỡ từ bỏ tập quán phổ biến trong lễ mai táng truyền thống là để cho người chết được thân nhân ôm lần cuối. Nhưng nếu muốn ngăn chặn virus, thì cần phải làm như vậy.

Đối diện với những vấn đề như vậy, WHO chỉ có quyền hạn hạn chế. WHO đã đề ra những biện pháp mà các chính phủ nên thực hiện, trong đó có bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, nhưng WHO chỉ có thể khuyến nghị mà thôi. Tổ chức này hiện đã dàn trải sức lực trên quá nhiều mặt trận từ xử lý các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Syria, cũng như thách thức luôn tiếp diễn do H7N9 và MERS gây ra. Ngân sách của WHO cho các trận dịch và khủng hoảng đã giảm 35% kể từ năm 2010, dù tổ chức này có thể vận động thêm ngân quỹ trong những trường hợp khẩn cấp. Hồi tháng rồi, WHO cho biết cần có 103 triệu Mỹ kim để tiếp tục cuộc chiến chống lại Ebola; tổ chức này thiếu hụt 79 triệu Mỹ kim.

Các tổ chức khác đang cố gắng giúp đỡ. Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ dành tới tối đa 200 triệu Mỹ kim để chống Ebola, dù một số trong các nguồn ngân quỹ này đã được phân bổ cho các nước bị dịch. Trung tâm Phòng chống Bệnh tật (CDC) của Mỹ hiện nay đã có hơn 50 chuyên gia y tế ở Tây Phi. Tuy nhiên vẫn chưa rõ hành động này sẽ có tác động tới đâu – còn cần thêm nhiều bác sĩ và y tá nữa.

Về lâu dài, sẽ cần làm nhiều việc để tránh tái diễn tình trạng hỗn loạn của trận dịch này. Ngân hàng Thế giới sẽ dành một số ngân quỹ của mình cho việc cải thiện các hệ thống y tế yếu kém của Tây Phi. Khi các nước Châu Phi giàu có hơn, họ cũng nên đầu tư nhiều hơn cho các hệ thống y tế của mình. Các trạm xá đủ nhân lực và đủ trang thiết bị sẽ giúp các nước xử lý không chỉ các trận dịch Ebola, mà cả các bệnh phổ biến hơn, ví dụ như sốt rét và HIV/AIDS. Hệ thống y tế của Nigeria chưa phải là điển hình – cách nước này phản ứng trước Ebola đã gặp trở ngại do một cuộc đình công của nhân viên y tế nhà nước – nhưng cũng là một ví dụ cho thấy cách thức các nước có thể đối phó với những trận dịch trong tương lai. Bộ y tế đã gởi tin nhắn qua điện thoại nêu chi tiết các triệu chứng cần theo dõi, các biện pháp bảo vệ, và các đường dây nóng để gọi khi cần được chăm sóc y tế.

Cũng sẽ cần các loại vaccine và thuốc mới để điều trị Ebola. Một số hiện đang được nghiên cứu chế tạo, trong đó có loại tên là Zmapp đã được dùng cho hai nhân viên y tế Mỹ bị nhiễm bệnh. Người ta đã suy đoán nhiều về các loại thuốc thử nghiệm này, nhưng chưa có loại nào được thử nghiệm đúng mức trên con người. Tuy nhiên, hôm 12/8, một ủy ban các nhà khoa học và chuyên gia đạo đức của WHO đã khuyến nghị cho phép sử dụng chúng ở Tây Phi, tùy thuộc một số điều kiện nhất định. Cùng ngày hôm đó, chính phủ Canada cho biết sẽ tặng cho WHO lên đến 1.000 liều dùng của một loại vaccine Ebola mới. Vẫn chưa rõ nó có công hiệu hay không, hay sẽ được phân phối như thế nào. Trong số các cách điều trị thử nghiệm, ZMapp đã thu hút chú ý nhiều nhất. Nhưng loại thuốc này chỉ mới ở giai đoạn ban đầu của quá trình nghiên cứu chế tạo, nên chưa có hệ thống sản xuất số lượng lớn, ngay cả khi nó tỏ ra có công hiệu.

Số tử vong từ trận dịch này có vẻ sẽ tăng lên. Nhưng chí ít thì mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này đã được thừa nhận. Tại một quán cà phê dựng từ tôn ở Kenema, khách thường nghi ngờ là virus này có thật hay không. Tâm trạng đó nay đã thay đổi. Một khách uống trà cao niên tuyên bố: “Có Ebola. Nó còn tệ hại hơn cả chiến tranh.”

Phạm Vũ Lửa Hạ lược dịch từ The Economist 16/8/2014.

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng trên Thời Mới Canada, ngày 20/8/2014.)

Bài liên quan: Dịch Ebola ở Tây Phi sẽ còn trầm trọng hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *