Elizabeth Phu: từ thuyền nhân tới cố vấn cho Tổng thống Obama

Bọn cướp biển ra giá: 10 chiếc nhẫn cưới để kéo con tàu ọp ẹp chở người tị nạn Việt Nam vào bờ biển Mã Lai. Một người cha trẻ tên là Frank Phu thấy chẳng có cách nào khác hơn để cứu mạng cho vợ và con gái mới đi chập chững của mình, nên anh thu gom nhẫn bỏ vô một cái túi nhỏ, ngậm chặt giữa hai hàm răng rồi bơi ra tàu của cướp biển để thỏa thuận. Con tàu được bọn cướp biển kéo tới gần đảo Pulau Penang của Mã Lai, và cuối cùng họ tới một trại tị nạn của chính phủ gần đó.

Hơn 36 năm sau khi cập bến như một “thuyền nhân”, cô bé Elizabeth Phu năm xưa nay quay trở lại quốc gia Đông Nam Á này – lần này là công dân Mỹ và cố vấn cho tổng thống Obama, nằm trong đoàn tùy tùng Tòa Bạch Ốc theo ông tham gia chuyến công du dự các hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo thế giới trong 10 ngày ở ba quốc gia.

Elizabeth Phu (Ảnh: Susan Walsh / Associated Press)
Elizabeth Phu (Ảnh: Susan Walsh / Associated Press)

Hôm thứ Bảy 21/11, tổng thống Obama thăm một trường tị nạn để nhấn mạnh cảnh ngộ của di dân ở Châu Á khi ông thuyết phục thế giới mở rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn di tản khỏi quê hương hỗn loạn và bị chiến tranh tàn phá, từ Syria tới Myanmar tới Bangladesh. Và tuy chặng dừng chân này đã được hoạch định trong nhiều tháng, nay sự kiện này diễn ra giữa lúc có một cuộc tranh luận bất ngờ ngay tại Mỹ về việc hiện nay Mỹ có nên đóng cửa không nhận người tị nạn.

Elizabeth Phu nói: “Nghe vậy tôi thật đau lòng.” Năm nay 39 tuổi, bà lớn lên ở Oakland và có sự nghiệp lâu năm làm cố vấn dân sự ở Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc. “Đây không phải cách tôi nghĩ về đất nước chúng tôi. Chúng ta là một quốc gia chào đón những người đang trong cơn hoạn nạn, những người chỉ muốn làm việc chăm chỉ và mang lại cuộc sống tươi đẹp hơn cho gia đình họ.”

Tại quê nhà ở California, má của bà đã về hưu sau một sự nghiệp làm điều dưỡng và nuôi nấng hai người con gái. Ba của bà vẫn còn làm việc ở cùng hãng tài chính đã tuyển dụng ông ít lâu sau khi ông tới Mỹ.

Tại Kuala Lumpur, bà Phu vẫn đang cố gắng đáp ứng ước nguyện mà ba má dành cho bà khi họ bỏ Sài Gòn ra đi. Hôm thứ Sáu 20/11, bà cùng với các viên chức Tòa Bạch Ốc có mặt trong cử tọa nghe tổng thống Obama hồi tưởng cội nguồn của chính ông ở Đông Nam Á – ông thậm chí nói chút ít tiếng Indonesia – và giải thích việc tăng cường sự can dự của Mỹ ở khu vực này có ý nghĩa quan trọng ra sao đối với ông, một công việc mà bà Phu đang đóng một vai trò quan trọng.

Elizabeth Phu chỉ mới biết đi chập chững vào năm 1978 khi gia đình bà lần đầu tiên tìm cách vượt biên vì sợ chính quyền cộng sản. Ba của bà đã làm việc cho Quân lực Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh Việt Nam.

Họ bị bắt và bị đưa đi trại cải tạo tàn nhẫn, dù lúc đó Elizabeth Phu chưa tới tuổi biết đi. Trại cải tạo là những chốn khắc nghiệt với cảnh làm việc lao lực nhưng đói, nơi những nhà trí thức, các lãnh tụ tôn giáo và những người làm việc cho chế độ cũ bị đưa tới để “học tập” những cách thức cộng sản của chính quyền mới. Elizabeth Phu và gia đình bị giữ ở đó ba tháng.

Ông bà của Elizabeth Phu đã xoay xở đút lót để họ được tự do, rồi bán hết mọi thứ họ có để mua chỗ vượt biên cho Elizabeth, lúc đó gần 4 tuổi, và ba má trên một chiếc tàu hai máy có kích cỡ bằng vài phòng khách sạn. Hoa tiêu nhét 253 lên tàu trước khi khởi hành, bắt đầu một hành trình mà thân nhân đã kể lại với Elizabeth nhiều lần trong bao năm qua.

Chẳng mấy chốc, tàu chết một máy và hành khách trôi dạt không phương hướng trong ba ngày, trước khi tàu cướp biển cập mạn và ngỏ ý kéo tàu vào vùng biển Mã Lai – nhưng đòi phải trả bằng nhẫn cưới. Cha của Elizabeth thu gom số nữ trang này và bơi ra tàu cướp biển để đổi chác.

Một màn sương mù ập xuống khi họ cố gắng cập vào hòn đảo đó, để rồi lại đụng phải toán cướp biển thứ nhì, bị chúng cướp phá tàu và đập bể các thùng nước. Một phụ nữ trên chiếc tàu tị nạn này chết vì lên cơn đau tim trong vụ tấn công này.

Lại trôi dạt thêm bốn ngày, cuối cùng những người tị nạn này thu hút được sự chú ý của chính quyền Mã Lai và được họ kéo vào bờ và đưa tới một trại tị nạn ở đảo Pulau Bidong gần đó.

Những ký ức đầu tiên của Elizabeth Phu là về trại tị nạn đó. Bà nhớ lại khu trung tâm nơi bà đã ra chơi, và nghe bài hát ru trên loa phóng thanh.

Chẳng có mấy thức ăn, và ba má của bà phải bán đồ đạc để có cái cho con ăn. Mấy người chú phải lội bộ mấy cây số để tìm củi. Bà nói: “Họ đã cho chúng tôi ở đó. Tôi biết ơn họ về chuyện đó.”

Hôm thứ Bảy 21/11, cùng với tổng thống của quốc gia nay bà là công dân, bà Phu thăm một thế hệ trẻ em mới được chính phủ Mã Lai cho trú ẩn. Bà nói: “Điều này hết sức có ý nghĩa và rất gần gũi với cá nhân tôi. Chúng ta cần những đối tác như Mã Lai sẵn sàng giúp đỡ những người hết sức mong có cuộc sống tươi đẹp hơn … và tôi tự hào là Mỹ đã làm được rất nhiều cho người tị nạn.”

Trong những năm làm việc ở Tòa Bạch Ốc, bà Phu đã giúp tổng thống Obama định hình chính sách về Đông Nam Á, một khu vực hệ trọng đối với thế giới quan của tổng thống về thương mại và các liên minh chiến lược.

Nhưng trong khi tổng thống Mỹ công du ngoại quốc để tăng cường các mối quan hệ đối tác của Mỹ ở Châu Á để ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc và gặp gỡ các đồng minh thân thiết của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ để vạch chiến lược chống Nhà nước Hồi giáo (IS), các nghị sĩ ở Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật ngăn cản không cho người tị nạn Syria tới Mỹ.

Luật này là kết cục của một cuộc tranh luận gay gắt sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tuần trước về việc có cho phép người tị nạn tới Mỹ, và luận điệu có phần đáng lo cho đoàn tùy tùng của Obama khi họ chuẩn bị đưa ra thông điệp hôm 21/11 kêu gọi chào đón, chứ không phải xa lánh, người lạ.

Benjamin Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, nói: “Một phần tính cách đặc trưng của người Mỹ chúng ta là tinh thần cởi mở chào đón di dân và người tị nạn bỏ chạy khỏi những nơi có xung đột hoặc có áp bức. Chúng ta không thể đóng cửa trước những người hoạn nạn, và chúng ta cần hỗ trợ các quốc gia đang cho người tị nạn nương náu, như Mã Lai, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.”

Ông Rhodes nói đó không phải là một thông điệp từ thiện, mà một thông điệp vì tư lợi. “Người tị nạn từ Đông Nam Á đã thành đạt ở Mỹ và đóng góp rất nhiều. Điều đó xưa nay đã có lợi cho chúng ta.”

Câu chuyện của bà Phu là tấm gương điển hình mà chính quyền Mỹ muốn dùng làm bằng chứng. Bà tốt nghiệp trung học tại trường Miramonte High School ở ngoại ô Oakland, học đại học ở Đại học California tại Berkeley, và học cao học ở Đại học California tại San Diego.

Trong ba năm qua, bà được cắt cử vào ban nhân viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Tòa Bạch Ốc, nay đang giữ chức giám đốc Đông Nam Á và Châu Đại Dương vụ.

Chuyện gia đình bà đào thoát khỏi Việt Nam thì bà kể dễ dàng. Còn mô tả về thân thế hiện tại của mình khiến bà nghẹn ngào.

“Một người tị nạn từ một quốc gia cộng sản có thể tới đây và lớn lên ở Mỹ và có được đặc quyền làm việc ở Tòa Bạch Ốc. Điều đó khiến tôi tự hào là người Mỹ.”

Khương An lược dịch

Nguồn: She arrived as a refugee — and now she works at the White House, Los Angeles Times, 20/11/2015.

(Bài đã đăng trên Thời Mới-Canada ngày 25/11/2015)

Bản tiếng Việt © 2016 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

1 thought on “Elizabeth Phu: từ thuyền nhân tới cố vấn cho Tổng thống Obama

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *