
Sau thảm kịch chìm tàu tị nạn hôm 19/4, trước áp lực của Ý và Malta, hôm 23/4 Liên Hiệp Châu Âu đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để bàn cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở vùng Địa Trung Hải. Từ tháng 1 tới tháng 4 năm nay, hơn 1.750 người di cư đã chết vì đắm tàu, cao gấp 30 lần con số tử vong trong cùng kỳ năm 2014. Trong vòng một năm rưỡi qua, các tàu của Ý đã cứu hơn 300.000 người ở Địa Trung Hải. Có ý kiến cho rằng Châu Âu chưa quyết tâm xử lý vấn nạn này, và cần học hỏi ở kinh nghiệm phối hợp quốc tế khi giải quyết vấn đề thuyền nhân Việt Nam hồi cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng thuyền nhân hiện đại
Mỗi đồng tiền bo được khách cho giúp Daouda Boubacar tiến một bước gần hơn tới Châu Âu. Anh bồi bàn 22 tuổi ở một quán cà phê đông khách ở ngoại ô Bamako, thủ đô Mali, đang để dành cho một chuyến đi bắt đầu bằng chặng xe đò tới Gao ở miền bắc. Từ đó anh hy vọng sẽ đáp xe tải băng ngang sa mạc Sahara tới Algeria rồi Libya. Tiếp theo là triển vọng không chắc chắn được lên tàu vượt Địa Trung Hải để tìm một công việc trả lương cao hơn ở phía bên kia. Tới nay anh đã để dành được $1.500; anh nghĩ anh sẽ cần nhiều tiền hơn nữa.
Như hầu hết những người ở Tây Phi đang cân nhắc một chuyến đi như vậy, anh Boubacar hiểu rõ các rủi ro. Tin tức về những người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội. Dù vậy, dễ dàng tìm thấy những người Nigeria, người Gambia và người Senegal đi ngang qua Bamako trên đường lên phương bắc. Như một thợ hàn người Ghana ngồi bên ngoài quán cà phê này nhận xét: “Đi đâu cuộc sống cũng nguy hiểm. Tôi có thể mất mạng tại một công trường ở đây. Nên tôi đi.”
Ở Ai Cập, Fares Albashawat cũng mơ đi sang Châu Âu. Sau nhiều lần bị các lực lượng trung thành với tổng thống Bashar Assad bắn, anh bỏ quê hương Syria sang Lebanon. Sau khi có tin phiến quân từ Hizbullah đang săn lùng anh, gia đình lại bỏ đi, sang Ai Cập vào tháng 7/2013, một tuần trước khi chính phủ ngừng nhận phần lớn người tị nạn Syria. Anh Albashawat hiện vẫn còn chưa bình phục từ các vết thương nên không thể đi xa hơn, và lâu nay đang xin tái định cư qua Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Vào khoảng đầu tháng Tư, vợ anh vì đã chán chờ đợi nên quyết định cùng mấy con gái rời Alexandria và đi tiếp sang Châu Âu.
Một trang Facebook dành cho người tị nạn Syria nay khẳng định gia đình anh đã tới Ý. Khi được hỏi về mối nguy hiểm mà họ gặp phải trong chuyến đi, anh Albashawat đáp: “Nguy hiểm gì? Thế này chẳng là gì nếu so với mối nguy hiểm chúng tôi chứng kiến ở Syria.”

Chuyện vận chuyển trái phép đưa người vượt Địa Trung Hải và những tổn thất do vượt biển không có gì mới. Năm 1996, ít nhất 283 người chết trong một chuyến đi lậu từ Alexandria sang Ý. Nhưng hoạt động này đã tăng mạnh trong vài năm qua do hai diễn biến.
Nội chiến ở Syria đã gây ra cái mà Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) gọi là “dòng người di tản lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến”, với 8 triệu người bị dạt sang vùng khác trong cùng quốc gia, và 4 triệu người bỏ đất nước ra đi. Hầu hết những người tị nạn này ở lại các nước láng giềng. Nhưng nhiều người muốn đi xa hơn. Ở Thổ Nhĩ Kỳ (có thể tới bằng phà từ Lebanon), họ có thể gia nhập dòng người di cư từ Nam Á và Afghanistan, cuối cùng vào Hy Lạp bằng tàu thuyền. Hoặc họ có thể sang Libya, qua đường Ai Cập hoặc đi máy bay sang Sudan và gia nhập một trong những tuyến đường vận chuyển người trái phép băng ngang sa mạc Sahara. Ở đó họ sẽ gặp những người tị nạn trốn chạy khỏi Eritrea, một quốc gia nằm trong số những nước vi phạm nhân quyền nhất thế giới với sự kết hợp của quân dịch vô hạn định, tra tấn, giam giữ tùy tiện và áp bức toàn diện.
Các tuyến đường này đi sang Libya vì một cuộc nội chiến khác trong thời kỳ hậu Mùa xuân Ả rập đã khiến đó là cách dễ dàng hơn nhiều để tới được Châu Âu. Các tuyến đường vận chuyển người trái phép mà trước đây thường nhắm tới Libya là đích đến – đã có thời sang xứ này là một triển vọng hấp dẫn đối với nhiều người ở Châu Phi hạ Sahara – nay tiếp tục băng ngang Libya và hướng ra biển.
Hai diễn biến này giải thích tại sao con số thống kê của Liên Hiệp Quốc về người di cư vượt Địa Trung Hải trong năm 2014 ở mức 219.000, gấp gần bốn lần so với con số của năm 2013. Những di dân kinh tế như anh Boubacar và những người tị nạn như anh Albashawat hiện nay có thể thường đi cùng nhau trên một chuyến hải hành (dù rất có thể một người Syria giàu có hơn như anh Albashawat sẽ ở trên boong, còn anh Boubacar ở dưới hầm).
Nhưng tự thân các diễn biến này không giải thích được tại sao những người như vậy lại quá thường chết cùng nhau. Chính phủ Ý cho biết 23.556 người đã nhập cảnh trái phép vào Ý bằng đường biển tính tới ngày 19/4 năm nay, so với 20.800 người trong cùng kỳ năm 2014; tổng số người vượt biển, do mùa này thuận tiện, như vậy dường như đã không tăng lên là bao so với năm trước. Nhưng số người di cư bị chết đã tăng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra thảm kịch ngày 19/4, khi một chiếc tàu bị đắm ở cách bờ biển Libya 50 hải lý (100 km) khiến hàng trăm người chết, số người thiệt mạng trong năm nay đã ở mức 954, so với chỉ có 96 người vào cuối tháng Tư năm ngoái.
Khó biết chính xác còn bao nhiêu người nữa đã chết hôm 19/4. Chiếc tàu của bọn vận chuyển người trái phép đang trong quá trình được một tàu chở hàng Bồ Đào Nha cứu thì hai tàu đụng nhau. Một người sống sót nói trên tàu có 700 người, một người khác nói có 500; những tường thuật khác thì cho rằng có khoảng 400 người. Chỉ biết chắc là những tàu đáp lại cuộc gọi kêu cứu từ chiếc tàu Bồ Đào Nha tính chung không thể tìm được hơn 28 người sống sót. Vincenzo Bonomi, thuyền trưởng của một tàu đánh cá nói với tờ báo Ý Il Fatto Quotidiano: “Chúng tôi ở đó mấy tiếng đồng hồ, nhưng chỉ tìm thấy áo khoác, ba lô, mũ và một vết dầu lớn.” Họ chỉ vớt được 24 thi thể. Rúng động trước quy mô của tổn thất này, những người đứng đầu chính phủ các nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã họp khẩn cấp vào ngày 23/4.
Lý do hiển nhiên về số tử vong gia tăng gần đây là người ta đang có ít biện pháp hơn để ngăn ngừa tình trạng này. Vào tháng 10/2013, sau khi 366 người di cư mất mạng ngoài khơi Lampedusa trong một thảm họa khác, chính phủ Ý đã khởi xướng một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đầy tham vọng gọi là Mare Nostrum. Chiến dịch này tận dụng một tàu chiến có thể đổ bộ và hai tàu khu trục, và có năm tàu hải quân tuần tiễu mọi lúc và có sự hỗ trợ của lực lượng tuần dương. Hải quân cho biết chiến dịch này đã cứu được hơn 150.000 người và bắt 330 kẻ vận chuyển người trái phép.
Nhưng một năm sau khi chính phủ của thủ tướng Enrico Letta khởi xướng Mare Nostrum, chiến dịch này bị Angelino Alfano, bộ trưởng nội vụ trong chính phủ liên minh tả-hữu mới của thủ tướng Matteo Renzi, chấm dứt. Ông Alfano, lãnh tụ đảng Tân Trung Hữu bảo thủ, rơi vào tình thế khó xử khi các đảng cánh hữu khác ở Ý hoàn toàn phản đối Mare Nostrum. Họ kêu ca rằng chiến dịch này có tác dụng biến hải quân thành một phần trong kế hoạch làm ăn của bọn vận chuyển người trái phép. Bọn chúng không cần đưa người được vận chuyển tới bờ, chỉ việc bỏ họ giữa biển rồi những chiếc tàu của Mare Nostrum sẽ tới đón họ.
Giới chỉ trích chương trình này ở Ý và những nước EU khác còn lập luận rằng tuy dường như cứu được người, chương trình này thực sự dẫn tới nhiều cái chết hơn vì khuyến khích người ta liều lĩnh với tính mạng mình. Như nhận xét của chính phủ Vương quốc Anh, có “một ‘yếu tố thu hút’ ngoài dự kiến, khuyến khích thêm nhiều người di cư tìm cách vượt biển nguy hiểm và do đó dẫn tới nhiều cái chết bi thảm và vô ích hơn”.
Khi ông Alfano do bực mình vì thiếu sự ủng hộ của các nước EU khác nên chấm dứt Mare Nostrum vào tháng 10/2014, nó được thay thế bằng Chiến dịch Triton, do Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới của EU, điều hành. Triton có ít nguồn lực hơn, ngân sách chưa bằng một phần ba, và thẩm quyền hạn hẹp hơn. Tuy các tàu tuần dương của chiến dịch này tham gia nhiều đợt cứu người, chúng không tích cực tìm kiếm những tàu thuyền đang lâm nạn ở cách bờ biển Ý hơn 30 hải lý.
Những con số người di cư tới được nước Ý không thay đổi cho thấy rõ rằng việc khiến cho chuyện vượt biển trở nên nguy hiểm hơn đã không hề giảm yếu tố thu hút. Khó nói chắc chắn được rằng nếu còn hoạt động, chiến dịch Mare Nostrum có lẽ đã tạo được sự khác biệt hôm 19/4; tàu của bọn vận chuyển người trái phép có thể đã đắm trong cuộc cứu nạn cho dù hải quân đã có mặt ở đó. Nhưng những số liệu tổng quát cho thấy rất rõ rằng, do làm tăng rủi ro của chuyện vượt biển, sự thay đổi từ Mare Nostrum sang Triton đã khiến nhiều người vô tội thiệt mạng. Hôm 20/4, Phó Đô đốc Felicio Angrisano, tư lệnh lực lượng tuần dương của Ý, nói: “Tôi chỉ hy vọng rằng cuộc thảm sát hàng loạt mới nhất này sẽ lay động lương tâm của cộng đồng quốc tế.”

Có thể sẽ lay động được ít nhiều. Một kế hoạch phản ứng gồm 10 mục của EU, do các bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng ngoại giao vạch ra hôm 20/4 trước hội nghị hôm 23/4, đã thay đổi đường hướng đôi chút. Kế hoạch này hứa tăng các nguồn lực dành cho Triton, dù không nhắc rõ tới việc tìm kiếm và cứu nạn (đặc điểm chính phân biệt Triton với chiến dịch Mare Nostrum trước đó). Donald Tusk, chủ tịch Hội đồng Châu Âu và là người chủ trì hội nghị đó, tuyên bố: “Tình hình ở Địa Trung Hải rất nguy cấp. Nó không thể tiếp tục như vậy.”
Sau khi hội nghị kết thúc, lãnh đạo các nước EU quyết định tăng gấp ba nguồn lực tài chính cho các hoạt động của EU ở Địa Trung Hải và tăng cường hợp tác với một số nước như Tunisia, Ai Cập, Sudan, Mali và Niger để kiểm soát biên giới tốt hơn và chống nạn vận chuyển người trái phép. Họ cũng yêu cầu Ngoại trưởng EU Federica Mogherini bắt đầu sửa soạn cho một chiến dịch quân sự nhằm để xác đinh, bắt giữ và tiêu diệt những tàu thuyền trước khi bọn vận chuyển lậu có thể dùng chúng.
Tuy nhiên sẽ rất khó thay đổi. Các nước EU đều có hệ thống tiếp nhận tị nạn riêng của mình; không có cơ chế nào để chia sẻ người tị nạn giữa các nước thành viên liên hiệp. Theo cái gọi là quy định Dublin, nước Châu Âu đầu tiên mà người xin tị nạn đặt chân tới có trách nhiệm lấy dấu vân tay và xử lý đơn xin của người đó; nếu người đó được cho tị nạn, quyền của người đó chỉ áp dụng ở nước đó.
Ý và các nước Nam Âu khác lập luận rằng điều này đã đặt gánh nặng quá mức đối với họ. Các nước khác đáp lại rằng Ý thường tránh né gánh nặng đó bằng cách làm ngơ không lấy dấu vân tay người xin tị nạn và để họ muốn đi đâu thì tùy – mà trên thực tế nghĩa là bất cứ đâu trong vùng Schengen không biên giới (khu vực gồm 26 nước Châu Âu bỏ hộ chiếu và các loại hình kiểm soát cửa khẩu tại các biên giới chung của những nước này, theo Hiệp định Schengen). Các di dân kinh tế biết rằng, nếu được, họ nên tránh bị lăn tay và đi lên phía bắc. Rất hiếm người bị bác đơn xin tị nạn bị trục xuất khỏi Ý; các nước Châu Âu khác nói rằng nhiều di dân kinh tế vào được và đi tiếp.
Vì vậy mục thứ năm trong kế hoạch 10 mục của các bộ trưởng yêu cầu tái cam kết việc lấy dấu vân tay của tất cả những người di cư. Văn phòng Hỗ trợ Tị nạn Châu Âu sẽ triển khai các nhóm sang Ý và Hy Lạp để giúp họ thực hiện công việc giải quyết hồ sơ tị nạn tỉ mỉ. Cũng sẽ có một “chương trình hồi hương mới” để đẩy nhanh việc hồi hương cho những thuyền nhân bị xem là người nhập cư bất hợp pháp.
Đẩy nhanh tốc độ giải quyết vấn đề người tị nạn và cho tị nạn là chuyện được lòng nhiều giới. Ở Pháp, thủ tướng Manuel Valls đã hứa giảm thời gian giải quyết các đơn xin tị nạn. Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maizière cũng đã có lập luận tương tự. Cả hai hài lòng vì ý tưởng giải quyết nhanh chóng có thể được lý giải với cánh tả là giúp người tị nạn biết chắc về số phận mình, và với cánh hữu là góp phần trục xuất những người không xứng đáng ở lại. Hầu hết các chính phủ Châu Âu xem việc cân nhắc các quan điểm của cánh hữu chống di dân là điều hệ trọng.
Chính vì thế mục sáu trong kế hoạch này có thể là mục gây tranh cãi nhất: mục này nói rằng EU sẽ “cân nhắc các phương án cho một cơ chế tái định cư khẩn cấp” – tức là một cách chia sẻ người tị nạn trên toàn Châu Âu một cách công bằng hơn. Cánh hữu chống di dân muốn gọi thuyền nhân đa phần là di dân kinh tế bất hợp pháp, nhưng rất nhiều người trong số họ không phải như vậy. Một nửa trong số những người tới Ý trong năm ngoái là Syria và Eritrea và, trên toàn EU, những đương đơn từ các nước này được cấp tư cách tị nạn ngay từ lần xét duyệt đầu tiên trong hai phần ba số trường hợp trong quý tư năm 2014. Một thỏa thuận công bằng hơn sẽ cần phải phân bố hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn người tị nạn Syria và Eritrea trên toàn Châu Âu, và chuyện này khó thuyết phục được các nước; có nước EU mở rộng vòng tay tiếp nhận, có nước ngần ngại.
Chính vì thế trọng tâm của EU có thể là xử lý điều mà EU muốn mô tả là nguồn gốc của vấn đề – tức là, không phải giải quyết những cách dàn xếp và yếu tố chính trị kém hiệu quả của mình, mà là xử lý những kênh mà qua đó người ta tới được bờ biển Châu Âu lúc đầu.
Hợp tác với các nước láng giềng có thiện ý có thể đạt kết quả. Và các láng giềng có thiện ý không nhất thiết là các nước tử tế. Trước đây Ý từng có những thỏa thuận với Đại tá Muammar Qaddafi của Libya để đóng các tuyến đường di cư, dù thỉnh thoảng ông ta dọa thất hứa và cho càng nhiều người di cư sang Ý càng tốt. Tuy nhiên, ngày nay quyền hành của chính phủ được quốc tế công nhận không áp dụng ở những cảng mà người di dân lên tàu ra đi – Zawiya, Sabratha, Garabouli và Misrata. Quan chức của chính quyền đối lập ở Tripoli, gần với các thị trấn này hơn, ngỏ lời giúp đỡ xem như lý do để phe phái của họ được công nhận. Một người nói: “Chúng tôi biết người Châu Âu rất lo ngại về chuyện này. Nếu họ không giúp chúng tôi, tất cả chúng ta đều chịu thiệt hại.” Nhưng Châu Âu chẳng hồ hởi công nhận một đám phiến quân pha tạp, trong đó có một số là người Hồi giáo.
Vẫn có thể có các phương án đơn phương. Kế hoạch 10 mục bàn tới việc chia sẻ thông tin tình báo về những mạng lưới vận chuyển người trái phép, và trong lời hứa có “nỗ lực có hệ thống để bắt giữ và tiêu diệt những tàu của bọn vận chuyển người trái phép”, kế hoạch này thậm chí hàm ý hành động quân sự. Có sự ám chỉ tới một chiến dịch chống cướp biển tên là Chiến dịch Atalanta, trong đó các máy bay trực thăng của EU oanh tạc tàu thuyền và các kho nhiên liệu của cướp biển Somali. Tuy nhiên, triển vọng các nước EU thực hiện hành động như vậy ở Libya là xa vời; gần đây họ không hẳn có khuynh hướng chọc tổ ong như vậy.
Nếu họ làm như vậy, có rủi ro là, giống như việc khiến cho chuyện vượt biển trở nên nguy hiểm hơn, những hành động đó có thể rốt cuộc khiến cho những người muốn di cư bị hại bằng hoặc nhiều hơn những kẻ trục lợi từ chuyện di cư của họ. Một phần lý do của sự gia tăng số tử vong gần đây có thể là do bọn vận chuyển người trái phép đang thiếu tàu thuyền và ép buộc ngày càng nhiều người lên những chiếc hiện còn. Hai lần trong năm nay, bọn vận chuyển người trái phép có vũ trang đã lấy lại tàu của mình sau một chiến dịch cứu nạn – một dấu hiệu cho thấy tàu thuyền đang quý giá hơn. Khi tàu thuyền càng khan hiếm, càng có nhiều người bị ép buộc lên mỗi chiếc tàu, thường là bị gí súng bắt đi. Flavio Di Giacomo thuộc tổ chức IOM nói một người mới tới gần đây cho ông thấy các vết sẹo trên cánh tay và chân vì anh bị chúng dùng rao rạch ép buộc anh lên tàu.
Đây không phải là trò tàn bạo đầu tiên họ gặp phải trong hành trình của mình. Có người di cư bị buộc phải làm việc cho tới khi họ kiếm đủ tiền trả lộ phí luôn tăng cho bọn vận chuyển người trái phép. Có người bị giam trong những căn nhà xây dở dang hoặc cầm giữ trong sa mạc cho tới khi gia đình của họ ở quê nhà đồng ý trả tiền chuộc. Cũng giống như các hình thức cổ xưa của việc kết nối quan hệ điều phối các tuyến đường vận chuyển lậu qua nhiều nước khác nhau, việc kết nối quan hệ hiện đại giúp một kẻ vận chuyển lậu ở Libya nhờ một tên ở Sudan thu tiền từ gia đình của một người di cư ở Khartoum. Nhiều người di cư bị tra tấn, đôi khi được mở điện thoại cho thân nhân nghe để gây tác dụng lớn hơn. Phụ nữ còn có thêm nguy cơ bị hãm hiếp.
Các mạng lưới vận chuyển lậu rất béo bở. Chuyến đi của một người Eritrea sang Libya có thể tốn $6.000, dù một người Mali chỉ phải trả một phần mười mức đó. Liên Hiệp Quốc nói rằng vận chuyển người di cư từ Libya sang Châu Âu là một ngành trị giá 170 triệu đô-la. Bọn vận chuyển lậu kết hợp hành động tội ác với lòng trung thành sắc tộc và rất dễ thích nghi với những thay đổi về tình thế. Vì vậy, tuy thông tin tình báo được chia sẻ tốt hơn về phần các nước EU và các nước sở tại có thể đạt một số kết quả, rất có thể khó mà chấm dứt hoàn toàn hoạt động này. Kiểm soát các cảng của Libya có thể đạt kết quả nhiều hơn, dù nó sẽ khiến hơn 500.000 người muốn di cư bị kẹt lại ở một nước không muốn nhận họ và không có cách trở về quê hương.
Và nếu tình hình ở Libya được siết chặt, các tuyến đường mới sẽ xuất hiện. Cách đây chẳng bao lâu, tuyến đường chính cho di dân kinh tế của Châu Phi là vượt Đại Tây Dương sang Quần đảo Canary của Tây Ban Nha; vào những thời khác thuyền nhân chủ yếu đi qua Biển Aegea sang Hy Lạp. Khi chế độ của Zine el-Abidine Ben Ali sụp đổ vào năm 2011, người di cư ồ ạt ra đi từ Tunisia.
Như vậy, EU đang nghiên cứu khả năng xử lý đơn xin tị nạn bên ngoài EU – ở Bắc Phi hoặc ở các nước mà người Syria đặt chân tới đầu tiên khi bỏ xứ ra đi. Người ta bàn tới một “chương trình thí điểm” của EU để tái định cư khoảng 5.000 người tị nạn Địa Trung Hải. Chương trình đó sẽ cần phải có một quy tình chọn lựa người thụ hưởng và chọn nơi ở EU để họ định cư trên cơ sở một “chìa khóa phân bố” nào đó dựa trên dân số, sức mạnh kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp và số người tị nạn đã được tiếp nhận. Đây có thể là sự khởi đầu quá trình hòa hợp nhiều hơn về chính sách tị nạn của EU.
Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas đã đề xuất lập các trung tâm ở Bắc Phi để xét duyệt đơn tị nạn tại nguồn – một chính sách khác có thể được gọi là cứng rắn hoặc hào phóng, tùy theo người nghe. Nhiều nước khác từng thử nghiệm việc đặt căn cứ ở nước ngoài để làm những việc như vậy: Mỹ cho những người tị nạn từ Haiti và các nước khác nhập cư tại căn cứ Vịnh Guantánamo của mình ở Cuba; Úc đưa họ tới đảo quốc Nauru và tới đảo Manus ở Papua New Guinea, không bao giờ để họ đặt chân lên đất Úc. Úc đã chuyển hướng hàng trăm chiếc tàu trong những năm gần đây; chỉ có một chiếc tàu vào được vùng biển của Úc kể từ cuối năm 2013. Nhưng chính sách cứng rắn này đã gây tổn hại lớn cho uy tín của Úc.
Ngoài ra, Châu Âu thiếu một đảo quốc thuận tiện sẵn sàng chấp nhận các điều kiện khuyến khích đổi thuyền nhân lấy viện trợ. Và luật của EU có thêm các quy định bảo vệ người tị nạn ngoài những quy định mà các luật sư Mỹ và Úc muốn ó trong công ước Liên Hiệp Quốc năm 1951. Năm 2012 Tòa án Nhân quyền Châu Âu phán quyết rằng thuyền nhân phải được cho cơ hội công bằng để nộp đơn xin tị nạn và không được tự động gởi về quê hương ngay cả khi được cứu ở vùng biển quốc tế.
Một trung tâm xử lý ở Bắc Phi có thể xử lý cả những người di cư tới bằng đường bộ và những người được cứu từ biển, nếu nó đáp ứng các tiêu chí của tòa án. Tuy nhiên, một trung tâm như vậy đòi hỏi phải có một chế độ ổn định để có nơi hoạt động, và có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của khủng bố. Và (các) trung tâm như vậy sẽ thu hút số lượng người di cư đông đảo từ những nơi khác ở Châu Phi.
Trong trường hợp cuộc khủng hoảng lớn lần gần đây nhất về người tị nạn vượt biển, cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam, vấn đề được giải quyết nhờ các biện pháp phối hợp đồng bộ của nhiều nước. Hơn một triệu người được tái định cư trên khắp thế giới; các tàu buôn được trả công cho những nỗ lực cứu nạn của họ; rốt cuộc các thỏa thuận được ký kết với Việt Nam để người tị nạn ra đi có trật tự và cho hồi hương những người không xứng đáng. Tuy nhiên, dương như hơi xa vời nếu hy vọng thế giới sẽ giúp Châu Âu trong một nỗ lực tương tự khi mà cho tới nay Châu Âu chưa thể hiện quyết tâm thật sự tự giải quyết vấn đề này.
Và trong dài hạn, chuyện di cư lên phía bắc sang Châu Âu sẽ chẳng bao giờ chỉ là vấn đề người tị nạn. Dù cảnh hỗn loạn và nội chiến khó mà sớm chấm dứt ở thế giới Ả rập, tình trạng kém phát triển triền miên và bất ổn chính trị kèm theo đó ở các vùng của Châu Phi Hạ Sahara có vẻ sẽ còn kéo dài lâu hơn. Và dân số ở đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 30 năm tới. Sẽ có thêm nhiều thanh niên như anh Boubacar.
Có nhiều nơi còn tệ hơn Bamako để sinh sống. Đó là một thành phố tương đối phát triển; nền kinh tế Mali tăng trưởng 7,2% năm ngoái. Nhưng anh Boubacar muốn ra đi. “Tôi có làm việc siêng năng cỡ nào thì cũng mạt số rồi. Cha tôi đã không kiếm được đồng lương ổn định, tôi nay cũng không, mà con cái tôi cũng sẽ không.” Không có công việc nào kéo dài hơn vài tháng, chỗ đi học không được bảo đảm, kiếm được chút gì cũng không tránh bị ăn cắp. Nỗi lo kinh tế trộn lẫn với nỗi sợ về bạo lực chính trị. Phân nửa đất nước Mali rơi vào tay bọn Hồi giáo cực đoan cách đây ba năm. Một chiến dịch can thiệp do Pháp dẫn đầu đã đẩy lùi chúng, nhưng không có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết, và các cuộc tấn công khủng bố vẫn còn phổ biến. Mà Mali không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có mối nguy bất ổn chính trị – hoặc mối nguy biến đổi khí hậu, mà có thể làm kiệt quệ nền kinh tế hay chính phủ. Những tác động khiến một người trở thành di dân kinh tế hôm nay có thể khiến người đó thành người tị nạn ngày mai.
Trong khi đó những hình ảnh về sự thịnh vượng dường như có thể đạt được cứ rạng ngời trên màn hình TV ở phía sau quán cà phê của anh Boubacar. Viễn tượng đó có thể như một ảo ảnh, nhưng ai cũng quen một người nào đó có thể khẳng định đó là thực tế. Một người đàn ông ngồi bên ngoài quán cà phê nói ông đã nghe nói tới nhiều người đã tới được Châu Âu và gởi thư về kể toàn tin vui. Nhưng ông cũng biết đó là những người may mắn. “Những người chết thì chúng tôi chẳng bao giờ nghe tin. Họ chẳng thể khuyên được gì.”
Khương An tổng hợp từ The Economist 25/4/2015, Der Spiegel 24/4/2015, và Stratfor Global Intelligence 29/4/2015.
(Bản tiếng Việt đã đăng 2 kỳ trên tuần báo Thời Mới Canada vào ngày 6/5 và 13/5/2015.)
Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ
Bài liên quan: Chuyến tàu làm thay đổi chính sách di trú của Canada
Reblogged this on DAIRY.
Reblogged this on Yun Kut3's Blog.