Ác mộng sắp tới của Châu Âu

Dani Rodrik

CAMBRIDGE – Như thể những hậu quả kinh tế của tình trạng vỡ nợ toàn diện của Hy Lạp chưa đủ đáng sợ, những hậu quả chính trị có thể kinh khủng hơn nhiều. Việc phá vỡ đồng euro trong hỗn loạn có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho công cuộc hội nhập Châu Âu, trụ cột của tình hình ổn định chính trị ở Châu Âu kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Điều đó sẽ gây mất ổn định không chỉ tại các quốc gia nợ ngập đầu ở ngoại biên của khu vực đồng euro, mà còn ở các nước nòng cốt của khu vực này như Pháp và Đức, hai nước lâu nay đã là kiến trúc sư của công cuộc này.

Kịch bản ác mộng cũng sẽ là thắng lợi kiểu như thập niên 1930 của chủ nghĩa cực đoan chính trị. Chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, và chủ nghĩa cộng sản ra đời từ đòn phản công chống lại tiến trình toàn cầu hóa đã bắt đầu và tiếp tục tiến triển kể từ cuối thế kỷ 19; đòn phản công này dựa vào sự ủng hộ của những nhóm người cảm thấy bị mất quyền công dân và bị đe dọa bởi những thế lực thị trường ngày càng mạnh và giới chóp bu có quan điểm thế giới chủ nghĩa.

Thương mại tự do và kim bản vị đã đòi hỏi xem nhẹ những ưu tiên nội địa, chẳng hạn như cải cách xã hội, xây dựng bản sắc dân tộc (nation-building), và tái khẳng định văn hóa. Khủng hoảng kinh tế và thất bại của hợp tác quốc tế đã gây phương hại đến không chỉ tiến trình toàn cầu hóa, mà đến cả giới chóp bu ủng hộ trật tự hiện có.

Như đồng nghiệp của tôi ở Harvard Jeff Frieden đã viết, điều này đã dọn đường cho hai hình thức khác biệt của chủ nghĩa cực đoan. Đối mặt với sự lựa chọn giữa công bằng và hội nhập kinh tế, những người theo chủ nghĩa cộng sản chọn cải cách xã hội triệt để và tự cung tự cấp kinh tế. Đối mặt với sự lựa chọn giữa sự khẳng định dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu, những người theo chủ nghĩa phát xít, những người theo chủ nghĩa quốc xã, và những người theo chủ nghĩa dân tộc chọn xây dựng bản sắc dân tộc. 

May thay, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, và những hình thức độc tài khác hiện nay đã lỗi thời. Nhưng những căng thẳng tương tự giữa hội nhập kinh tế và chính trị địa phương đã liên tục âm ỉ từ lâu. Thị trường chung của Châu Âu đã định hình nhanh hơn cộng đồng chính trị của Châu Âu; hội nhập kinh tế đã nhảy vọt trước hội nhập chính trị.

Kết quả là những mối lo ngại ngày càng tăng về sự xói mòn an ninh kinh tế, ổn định xã hội, và bản sắc văn hóa không thể được giải quyết thông qua những kênh chính trị chính thống. Các cơ cấu chính trị quốc gia trở nên quá gò bó nên không thể đưa ra những liệu pháp hữu hiệu, trong khi các thể chế Châu Âu vẫn còn quá yếu nên chưa đủ sức khiến người ta trung thành. 

Chính phe cực hữu là nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ thất bại của phe trung dung. Ở Phần Lan, đảng Người Phần Lan Thực Thụ chẳng ai biết đến từ trước đã lợi dụng tâm lý phẫn nộ về những đợt bảo lãnh cứu trợ của khu vực đồng euro để về thứ ba sát nút trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Tư. Ở Hà Lan, Đảng vì Tự do của Geert Wilders có đủ lực để đóng vai quyết định trên chính trường; nếu không có sự ủng hộ của đảng này, chính phủ tự do thiểu số sẽ sụp đổ. Ở Pháp, Mặt trận Dân tộc, về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, đã được hồi sinh dưới trướng Marine Le Pen.

Đòn phản công này cũng không chỉ giới hạn ở các nước thành viên khu vực đồng euro. Ở những nơi khác tại vùng Scandinavia, Đảng Dân chủ Thụy Điển, một đảng phái với gốc gác tân quốc xã, tham gia vào quốc hội năm ngoái với gần 6% số phiếu phổ thông. Ở Anh, một cuộc trưng cầu ý kiến gần đây cho thấy gần hai phần ba đảng viên Đảng Bảo thủ muốn Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu.

Những phong trào chính trị của phe cực hữu xưa nay thường dựa vào tâm lý chống nhập cư. Nhưng những cuộc bảo lãnh cứu trợ cho Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, và những cuộc bảo lãnh khác, cộng với những khó khăn của đồng euro, đã tiếp thêm đạn dược mới cho phe cực hữu. Sự hoài nghi về đồng euro của họ dường như đã được xác thực bởi những sự kiện xảy ra. Khi gần đây được hỏi liệu bà có đơn phương rút ra khỏi đồng euro hay không, Marine Le Pen đã tự tin trả lời: “Khi tôi là tổng thống, chỉ trong vài tháng, khu vực đồng euro có lẽ sẽ không còn nữa.”

Cũng như trong thập niên 1930, thất bại của hợp tác quốc tế đã khiến các chính khách có khuynh hướng trung dung càng không có khả năng phản ứng một cách thích hợp trước những yêu sách kinh tế, xã hội, và văn hóa của cử tri trong nước của họ. Công cuộc [hội nhập] của Châu Âu và khu vực đồng euro đã định hình tranh luận đến mức mà, với khu vực đồng euro đang rối ren, tính chính đáng của giới chóp bu [cai trị] sẽ bị giáng một đòn nặng nề hơn.

Các chính khách có khuynh hướng trung dung của Châu Âu đã dấn thân vào một chiến lược “nhiều Châu Âu hơn”, chiến lược này diễn tiến quá nhanh nên không thể xoa dịu những nỗi lo âu nội địa, nhưng lại không đủ nhanh để tạo ra một cộng đồng chính trị thực sự trên toàn Châu Âu. Trong thời gian quá lâu họ đã bám theo một con đường trung gian không ổn định và đầy rẫy căng thẳng. Do bám víu vào một tầm nhìn bất khả thi về Châu Âu, giới chóp bu có khuynh hướng trung dung của Châu Âu đang làm nguy hại chính ý tưởng về một Châu Âu thống nhất.

Về kinh tế, phương án ít xấu nhất là bảo đảm sao cho những vụ vỡ nợ tất yếu và rời khỏi khu vực đồng euro được thực hiện theo một cách càng trật tự và có phối hợp càng tốt. Về chính trị, cũng cần bình tâm nhìn lại thực tế một cách tương tự. Cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi chuyển hướng rõ rệt từ những nghĩa vụ tài chính với nước ngoài và chính sách thắt lưng buộc bụng sang những mối quan tâm và nguyện vọng trong nước. Cũng như những nền kinh tế nội địa lành mạnh là điều bảo đảm tốt nhất cho một nền kinh tế thế giới mở cửa, những chính thể nội địa lành mạnh là điều bảo đảm tốt nhất cho một trật tự quốc tế ổn định.

Thách thức là làm sao xây dựng một quan niệm chính trị nhấn mạnh các lợi ích và giá trị dân tộc mà không có những hàm ý chuộng nội bài ngoại. Nếu giới chóp bu theo khuynh hướng trung dung không chứng tỏ mình đủ tầm cho nhiệm vụ đó, những người phe cựu hữu sẽ vui mừng lấp vào khoảng trống, không một chút tiết chế.

Chính vì thế, Thủ tướng sắp từ nhiệm của Hy Lạp George Papandreou đã có ý tưởng đúng khi quyết định (sau đó bị hủy bỏ) tổ chức trưng cầu ý dân. Nước đi đó là một nỗ lực muộn màng nhằm công nhận tầm quan trọng hàng đầu của chính trị trong nước, dù giới đầu tư xem hành động đó là “đùa với lửa”, như lời của một biên tập viên Financial Times. Bãi bỏ cuộc trưng cầu ý dân chỉ trì hoãn ngày phán quyết và làm tăng cái giá mà cuối cùng giới lãnh đạo mới của Hy Lạp phải trả.

Ngày nay, câu hỏi không còn là liệu chính trị có trở nên vì dân hơn, và ít vì quốc tế hơn; mà là liệu những hậu quả của sự thay đổi có thể được chế ngự mà không gây ra tác hại hay không. Trong chính trị của Châu Âu, cũng như trong kinh tế học của Châu Âu, dường như không có phương án nào tốt – chỉ có những phương án ít xấu hơn.

 
Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế tại  Đại học Harvard, là tác giả của cuốn “The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy” (Nghịch lý Toàn cầu hóa: Dân chủ và Tương lai của Kinh tế Thế giới).

Bản tiếng Anh: Europe’s Next Nightmare, Project Syndicate, 9/11/2011

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài, http://phamvuluaha.wordpress.com/2011/11/12/europe-next-nightmare/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *