Martin Feldstein
CAMBRIDGE – Chính phủ Hy Lạp cần thoát ra khỏi một tình huống lẽ ra là bế tắc nếu xét trong hoàn cảnh khác. Họ có nợ chính phủ ở mức không kiểm soát được (150% GDP, năm nay tăng 10 điểm phần trăm), một nền kinh tế đang sụp đổ (với GDP giảm hơn 7% năm nay, đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên tới 16%), thâm hụt cán cân thanh toán kinh niên (hiện ở mức 8% GDP), và các ngân hàng mất khả năng chi trả đang nhanh chóng mất dần các khoản tiền gởi.
Lối thoát duy nhất là để Hy Lạp vỡ nợ quốc gia. Khi vỡ nợ, nước này phải xóa sổ ít nhất 50% giá trị vốn gốc. Kế hoạch hiện nay nhằm giảm 20% giá trị hiện tại của các công trái do tư nhân nắm giữ chỉ là một bước nhỏ đầu tiên hướng tới kết quả này.
Nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro sau khi vỡ nợ, nước này có thể phá giá đồng tiền mới của mình, qua đó kích cầu và rốt cuộc có sang thặng dư thương mại. Chiến lược “vỡ nợ và phá giá” kiểu như vậy xưa nay đã là cái giá thông thường phải trả của nhiều nước khác trên thế giới khi họ đối mặt với nợ công lớn đến mức không kiểm soát được và thường xuyên thâm thủng cán cân vãng lai. Điều đó chưa diễn ra ở Hy Lạp vì Hy Lạp bị kẹt trong đồng tiền chung.
Thị trường hiểu rất rõ là Hy Lạp, hiện thời mất khả năng chi trả, rốt cuộc cũng sẽ vỡ nợ. Chính vì thế lãi suất của công trái kỳ hạn 3 năm của Hy Lạp đã tăng vọt qua mức 100% và lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 22%, nghĩa là 100 euro vốn gốc sẽ trả trong 10 năm nữa có giá trị hiện tại chưa tới 14 euro.
Thế thì tại sao các lãnh tụ chính trị ở Pháp và Đức đang cố gắng hết sức để ngăn chặn – hay, nói chính xác hơn là trì hoãn – chuyện tất yếu này? Có hai lý do.
Thứ nhất, các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Pháp và Đức gánh chịu nhiều rủi ro đối với nợ công của Hy Lạp, cả trực tiếp và thông qua tín dụng họ đã cấp cho các ngân hàng ở Hy Lạp và các nước khác trong khu vực đồng euro. Trì hoãn sự vỡ nợ giúp cho các tổ chức tài chính Pháp và Đức có thời gian huy động vốn của họ, giảm mức độ gánh chịu rủi ro đối với các ngân hàng Hy Lạp bằng cách không gia hạn tín dụng khi nợ tới hạn phải trả, và bán công trái Hy Lạp cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Lý do thứ hai, và quan trọng hơn, của nỗ lực Pháp-Đức nhằm trì hoãn tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp là rủi ro xảy ra phản ứng dây chuyền: tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp sẽ gây ra vỡ nợ quốc gia ở những nước khác và khiến người dân đổ xô rút tiền ra khỏi những hệ thống ngân hàng khác, đặc biệt là Tây Ban Nha và Ý. Rủi ro này được thể hiện rõ qua việc Standard & Poor’s gần đây đánh tụt xếp hạng tín dụng của Ý.
Sự vỡ nợ của một trong hai nước lớn đó sẽ có những tác hại cho các ngân hàng và tổ chức tài chính khác ở Pháp và Đức. Quỹ Bình ổn Tài chính Châu Âu đủ lớn để trang trải những nhu cầu huy động vốn của Hy Lạp nhưng không đủ lớn để cấp vốn cho Ý và Tây Ban Nha nếu họ không tiếp cận được các thị trường tư nhân. Vì vậy, giới chính trị Châu Âu hy vọng bằng cách chứng tỏ rằng ngay cả Hy Lạp cũng có thể tránh bị vỡ nợ, các thị trường tư nhân sẽ có đủ lòng tin về khả năng trụ vững của Ý và Tây Ban Nha để tiếp tục cho chính phủ các nước này vay với lãi suất phải chăng và cấp vốn cho các ngân hàng của họ.
Nếu Hy Lạp được phép vỡ nợ trong những tuần sắp tới, các thị trường tài chính sẽ thực sự xem Tây Ban Nha và Ý càng dễ có khả năng vỡ nợ hơn. Điều đó có thể khiến cho lãi suất ở các nước đó tăng vọt và nợ quốc gia của họ sẽ tăng nhanh chóng, vì thế khiến họ thực sự mất khả năng chi trả. Bằng cách trì hoãn tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp trong hai năm, giới chính trị Châu Âu hy vọng giúp cho Tây Ban Nha và Ý có thời gian chứng tỏ rằng họ vững vàng về tài chính.
Hai năm có thể giúp cho thị trường thấy liệu Tây Ban Nha có thể giải quyết tình trạng sút giảm giá bất động sản địa phương, hoặc liệu những vụ vỡ nợ vay mua nhà sẽ dẫn tới hàng loạt ngân hàng phá sản, buộc chính phủ Tây Ban Nha cấp vốn cho những bảo lãnh tiền gởi lớn. Hai năm tới cũng sẽ làm rõ tình hình tài chính của các chính quyền vùng của Tây Ban Nha vốn đã gánh chịu những khoản nợ mà cuối cùng cũng được chính quyền trung ương bảo lãnh.
Tương tự, hai năm có thể giúp cho Ý có thời gian để chứng minh liệu họ có thể cân bằng ngân sách hay không. Chính quyền Berlusconi gần đây thông qua một dự luật ngân sách nhằm tăng thu thuế và đưa nền kinh tế tới ngân sách cân bằng trước năm 2013. Điều đó sẽ khó đạt được, vì biện pháp thắt chặt tài khóa sẽ giảm GDP của Ý, vốn hiện chẳng tăng trưởng là bao, mà giảm GDP cũng sẽ giảm số thu thuế. Vì vậy, hai năm nữa, chúng ta có thể kỳ vọng một cuộc tranh luận về chuyện lúc đó Ý đã đạt được cân bằng ngân sách tính trên cơ sở điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế hay chưa. Hai năm đó cũng sẽ cho thấy liệu các ngân hàng Ý có khả quan hơn tình hình đáng sợ như nhiều người nghĩ hiện nay.
Nếu sau hai năm Tây Ban Nha và Ý thực sự có vẻ vững vàng, các lãnh tụ chính trị Châu Âu có thể cho phép Hy Lạp vỡ nợ mà không sợ có hiệu ứng dây chuyền nguy hiểm. Bồ Đào Nha có thể theo chân Hy Lạp mà vỡ nợ quốc gia rồi rút ra khỏi khu vực đồng euro. Nhưng các nước lớn hơn sẽ có thể tự cấp vốn cho mình ở các mức lãi suất phải chăng, và hệ thống đồng tiền chung euro hiện tại có thể tiếp tục.
Tuy nhiên, nếu trong hai năm tới Tây Ban Nha và Ý không thuyết phục được thị trường tin rằng họ vững vàng về tài chính, lãi suất dành cho chính phủ và ngân hàng của họ sẽ tăng mạnh, và sẽ thấy rõ là họ mất khả năng chi trả. Lúc đó, họ sẽ vỡ nợ. Họ cũng sẽ ít nhất là tạm thời không thể vay mượn và rất muốn từ bỏ đồng tiền chung.
Nhưng có một mối nguy lớn hơn và tức thời hơn: Ngay cả khi Tây Ban Nha và Ý vững vàng về căn bản, có thể không tìm đâu ra hai năm. Lãi suất ở Hy Lạp cho thấy thị trường tin rằng Hy Lạp sắp vỡ nợ. Và ngay cả trước khi Hy Lạp vỡ nợ, lãi suất cho các khoản nợ của Tây Ban Nha và Ý có thể tăng vọt, đẩy các nước này vào ngõ cụt tài chính. Các chính khách của khu vực đồng euro có thể học được một bài học đau thương: cố gắng lừa gạt thị trường là một chiến lược nguy hiểm.