Fergie’s time & Fergie time

Hôm qua (8/5/2013), Sir Alex Ferguson quyết định về hưu sau 26,5 năm làm huấn luyện viên trưởng của Manchester United (MU). Khi đề cập tới thời gian “trị vì” của ông ở MU, báo chí tiếng Anh thường dùng cụm từ Fergie’s time. Theo tờ The Guardian, tin ông kết thúc triều đại được thông báo qua Twitter (Fergie’s time called via Twitter). Đài BBC nhận định rằng sẽ chẳng bao giờ có ai sánh nổi với giai đoạn nắm quyền của ông (Fergie’s time will never be emulated). Còn tờ The Telegraph chỉ chạy tít gọn lỏn Fergie’s time.

Thi thoảng ta thấy cách dùng Fergie time, ví như blogger Dan Hodges của tờ The Telegraph đặt nhan đề là Sir Alex Ferguson retires: finally, the whistle blows on Fergie Time. Chỉ một thay đổi nhỏ (không có dấu sở hữu cách) nhưng là cách chơi chữ nhắc tới một điển tích quen thuộc người hâm mộ bóng đá Anh (bất luận yêu hay ghét MU).

fergie_time

Người hâm mộ các đội bóng khác ở giải ngoại hạng Anh Premier League nghi rằng trọng tài thường thiên vị MU. Có giả thuyết là mỗi khi MU bị dẫn trước, và có nguy cơ thua, thời gian bù giờ cuối trận (injury time) thường được kéo dài hơn khi đang dẫn bàn và có thể thắng. Thời gian cộng thêm do thiên vị theo giả thuyết này được báo chí gọi là Fergie time. Hồi tháng 11/2012, BBC News thử phân tích số liệu để kiểm tra giả thuyết này. Hóa ra cũng có phần đúng. Sau phút 90, nếu MU đang thắng, thì tính trung bình tổng thời gian trận đấu là 93 phút 18 giây; còn nếu MU đang thua, tổng thời gian là 94 phút 37 giây. Fergie time = 79 giây, nhiều hơn so với các đội khác; Chelsea thậm chí bị thiệt 31 giây (xem hình bên).

Xin trở lại với nhan đề của Dan Hodges ở trên. Tác giả ngầm nhắc tới việc rốt cuộc Sir Alex cũng chịu về hưu sau năm lần bảy lượt ngỏ ý hoặc thậm chí dọa sẽ về hưu, ví von bằng tiếng còi mãn cuộc một trận đấu tưởng chừng không bao giờ dứt. Trong sự nghiệp dài như vô tận ở MU, chính Sir Alex đã từng chứng kiến hai lần Fergie time nổi tiếng, với hai cung bậc cảm xúc khác nhau.

_64345343_mancity

Năm 1999, hai bàn liên tiếp trong thời gian bù giờ (Sheringham phút 91, và Solskjær phút 93) đã giúp MU lật ngược thế cờ, đánh bại Bayern Munich 2-1 để giành cúp Champions League, và đạt thành tích ăn ba (treble) trong năm đó. Ở lượt trận cuối cùng giải Premier League mùa 2011-2012, MU để vuột chức vô địch vào tay Manchester City ở những phút cuối. Hôm đó (ngày 13/5/2012), MU đá sân khách và thắng Sunderland 1-0, trận đấu kết thúc sớm hơn một chút so với trận Manchester City-Queens Park Rangers. Đá sân nhà nhưng tới phút 90 City vẫn bị dẫn 1-2; lúc đó coi như MU sắp vô địch. Phút 92, Edin Dzeko gỡ hòa 2-2 cho City. MU vẫn đang ở thế vô địch vì hơn 2 điểm. Phút 94, Sergio Agüero nâng tỉ số 3-2 cho City ở cú sút cuối cùng. Manchester City bằng điểm MU nhưng hơn hiệu số bàn thắng. Cả đội MU chết lặng ở sân bên kia vì mất chức vô địch tưởng đã bỏ túi. Còn cổ động viên City vui mừng hát vang “We won the league/On Fergie time/We won the league/On Fergie time” để chọc quê đội kình địch cùng thành phố bấy lâu nay lấn lướt City.

Sir Alex còn gắn liền với một vài thành ngữ tiếng Anh lý thú khác trong thế giới bóng đá. Ông nổi tiếng không chỉ ở tài cầm quân mà còn ở cách đối xử không nương tay với cầu thủ, bất kể là siêu sao hay ong thợ cần mẫn, nếu họ làm ông phật ý. Mỗi lần ông nổi giận, cầu thủ MU cảm thấy như có một công-tắc bật lên trong đầu ông, rồi ông gí sát mặt vào cầu thủ, tuôn ra một tràng rủa xả không thương tiếc, nghe rào rào như máy sấy tóc. Cựu tiền vệ cánh Lee Sharpe là người đặt ra cụm từ “hairdryer treatment” để chỉ cơn thịnh nộ của Sir Alex. Hẳn nhiên, cầu thủ phải ráng chơi tốt vì sợ phải hứng chịu cơn giận kiểu này, như David Beckham từng nói: “The fear of getting the hairdryer was the reason why we all played so well. He was a manager you wanted to do well for.

Tháng 3/2003, Sir Alex căng thẳng trong giai đoạn cuối mùa giải khi MU vất vả san bằng khoảng cách với đội đầu bảng Arsenal. (Rốt cuộc, MU vô địch mùa này, còn Arsenal hạng nhì.) Giai đoạn căng thẳng này được ông gọi là “squeaky bum time”, chắc hẳn vì cứ nhấp nha nhấp nhổm khi mài đũng quần trên ghế chỉ đạo trận đấu. Cụm từ này đã thành tiếng lóng bóng đá, đặc biệt vào lúc cao trào của một mùa giải. Năm 2005, từ này lần đầu tiên được đưa vào từ điển Collins English với định nghĩa “the tense final stages of a league competition, especially from the point of view of the leaders” (những giai đoạn cuối cùng căng thẳng của một giải vô địch, đặc biệt theo quan điểm của đội đầu bảng). Wikipedia ghi nhận hành động “squirming or moving forward and back in one’s seat while watching an exciting sporting event”(nhấp nhổm hoặc trườn tới trườn lui trên ghế khi đang xem một trận đấu thể thao hấp dẫn). Phần hạ màn (finale) của mùa giải 2011-2012 kể trên là một ví dụ điển hình của “squeaky bum time”. Còn mùa giải 2012-2013, Sir Alex ung dung về đích trước 5 lượt đấu.

1 thought on “Fergie’s time & Fergie time

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *