Bà con theo dõi thời sự làng dịch đã phát ngán vì vụ phê bình bản dịch Lolita chỉ xoay quanh cái dòng kẻ chấm.
Nhưng trên Tiền Vệ, tác giả Hoàng Anh vừa mới có một bài phê bình khá chi li vạch ra những lỗi khác trong bản dịch của Dương Tường. Thế nào là lỗi thì tùy định nghĩa của mỗi người.
Xin nói trước là mình không bênh vực Dương Tường. (Từ đầu, mình đã không ưng cách dịch “on the dotted line”). Đồng ý là nhiều chỗ tác giả có cái lý riêng về “hay/dở”. Mình chỉ quan tâm tới chuyện “đúng/sai”, còn “hay/dở” thì ít khi đụng tới vì rất chủ quan. Mình thấy trong nhận xét đầu tiên có cái cần coi lại.
TRÍCH
“She was Lo, plain Lo, in the morning, standing four feet ten in one sock.
“Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu , …” (Dương Tường).
“Buổi sáng nàng là Lo, ngắn gọn Lo thôi, đứng thẳng cao một mét hăm nhăm, …” (Hoàng Anh).
Giải thích:
a) “She” là nàng, ai cũng biết! Ông Dương Tường dịch là “em” tất, nhất định phải có chủ đích! Tôi rất mong được biết chủ đích của ông.
b) Lolita cao 4,1 feet – nghĩa là 4,1 x 30, 48 cm = 124,97 cm. Không rõ ông Dương Tường đã tính thế nào mà Lolita thêm được hai mươi mốt phân?
HẾT TRÍCH
Không bàn về ý a) vì nhận xét hơi võ đoán, dịch đại từ này như thế nào tùy thuộc cảm nhận và văn phong của người dịch; đâu thể áp đặt (phạm trù “hay/dở”). Ý b) rõ là chuyện “đúng/sai”, nên xin có vài lời.
Hệ thống đo lường imperial là hệ thập nhị phân (cơ số 12), chứ không phải hệ thập phân (cơ số 10) dùng trong hệ thống đo lường metric. Bởi vậy, nói “four feet ten” nghĩa là 4,1 feet là không chuẩn (chứ không phải chưa chuẩn). Đúng ra là như vầy: four feet ten (viết theo ký hiệu là 4’10”) = 4 feet 10 inches = 4×12 inches + 10 inches = 58 inches = 58 x 2,54 cm = 147,32 cm. Bác Dương Tường dịch “một mét bốn mươi sáu” (lệch một phân) chắc là do thanh điệu.
Số đo chiều cao 147,32 cm của Lolita cũng là ý kiến của một số bạn, trong đó có Phạm Tuấn Anh. (Phản hồi của Phạm Tuấn Anh đã được Tiền Vệ đăng ở đây.) Blogger Goldmund chụp một tấm hình cho thấy trong Truyện ngắn “Con suối mùa xuân” của Võ Hồng hồi năm 1965 có đoạn nhắc tới Lolita với chiều cao “một thước bốn tám”.
Mình dám chắc chắn về điều này vì đã sống ở cả nơi sử dụng hệ đo lường imperial lẫn hệ đo lường metric. Khỏi cần chứng minh nữa, chỉ dẫn ra vài chuyện góp vui thêm.
- Thật tình cờ, four feet ten là cái ngưỡng để người thành niên bị coi là lùn. (Lolita là trẻ vị thành niên.) Đó là định nghĩa của trang Medline Plus thuộc Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, và được Wikipedia trích dẫn ở đây.
- Nếu bạn dùng các công cụ chuyển đổi đơn vị (ví như World Wide Metric) thì nên lưu ý sự khác biệt giữa hai hệ thống trước khi nhập số liệu, và thuật toán sử dụng hệ thập phân. Ví dụ, nếu muốn chuyển đổi four feet ten thì nên nhập 58 inches như diễn giải ở trên, chứ không phải 4.1 feet (vì là trang tiếng Anh nên dùng dấu chấm, chứ không phải dấu phẩy cho số thập phân). Thử làm ngược lại, nhập 147.32 cm thì đổi thành 4.83333 feet; để ý rằng 0,8333 = 10/12 (1 feet = 12 inches). Ta cũng nên lưu ý tương tự khi dùng chương trình bảng tính (spreadsheet) dựa trên thập phân, nhưng số liệu gốc không phải thập phân. Ví dụ, để tính lương cho một công nhân làm 5 giờ và 15 phút, đương nhiên không ai nhập 5,15 giờ, mà là 5,25 giờ (15 phút / 60 phút = 0,25).
- Vì là hệ thập nhị phân nên mới có cách nói như “ four feet eleven”; tất nhiên không phải là 4,11 feet. Ca sĩ Kristi Dawn Chenoweth có bài hát “Four Feet Eleven” với điệp khúc bắt đầu bằng “I’m only 4 feet 11, but I’m going to Heaven”, và Wikipedia chú giải, “Chenoweth is 4 ft 11 in (150 cm) in height)”. Chenoweth tự nhận mình là lùn, nhưng sẽ được lên thiên đàng, “and it makes me feel ten feet tall”. 🙂
Cập nhật (30/4/2012): Tiền Vệ mới đăng bài của một người khác phản biện Hoàng Anh.
Xét một cách khoa học: Theo nguồn ở đây:
http://www.chartsgraphsdiagrams.com/HealthCharts/images/height-2-20-girls.png
Thì 4.1 feet = 49.2 inches là chiều cao median của trẻ gái 7 tuổi rưỡi tuổi ở Mỹ. Và 5 percentile của trẻ 9 tuổi là chừng 49 inches, tức là chỉ 5% số trẻ 9 tuổi ở Mỹ thấp hơn chiều cao này. Dĩ nhiên số liệu này là số liệu năm 2000, nhưng nước Mỹ không có một sự biến đổi mạnh như nước Việt Nam ta về dinh dưỡng trong thời gian gần đây nên con số này có thể coi là an toàn để tham khảo về chiều cao.
Bây giờ bác Hoàng Anh muốn Lolita suy dinh dưỡng thế thì hơi mệt đấy nhỉ 😉
PS: Em cao 5 feet 3 inches, đi cạnh con gái 10 tuổi của ông giáo sư ở đây cách đây 2 tháng, là bằng nó.
Cuốn Lolita dịch tệ vậy mà rồi cũng đạt giải hội nhà văn HN, anh có ý kiến gì không?
Có lẽ vì cái uy của tác phẩm gốc, & có thể cả cái uy của dịch giả, hoặc do ban giám khảo cũng ù ù cạc cạc. Cứ coi như giải cho Nabokov vậy.
Có người đang dịch lại và đưa lên mạng, có vẻ làm việc nghiêm túc, chỉn chu & hay hơn. http://vietnamlolita.blogspot.ca/
Em nghe nói là cả nhóm đó cũng là bạn bè thân thiết (Phạm Xuân Nguyên, Dương Tường,…) nên là tâm lý bè cánh ở VN mình chắc cũng còn nặng, chưa có như ở châu Âu và Mỹ, em rất thích các bài phân tích về kỹ thuật dịch của anh, giúp người mới dịch như bọn em có cái nhìn khoa học hơn. Em cũng cảm ơn đường link anh đưa về bản dịch mới của Lolita. Chúc anh nhiều sức khỏe.