Kho báu ở Bắc Cực và Cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Trải dài hơn 1.600 cây số dưới Bắc Băng Dương, một rặng núi dưới biển có thể chứa gần một phần tư tài nguyên nhiên liệu hóa thạch còn lại của hành tinh – có thể có giá trị tương đương cả nền kinh tế Mỹ. Tuy có thể mất mấy chục năm mới tiếp cận được kho báu này, các quốc gia Bắc Cực đang đua nhau thu thập chứng cứ để tuyên bố chủ quyền của mình. Hiện nay, một trong những phong cảnh tinh khôi cuối cùng thế giới đang trở thành trung tâm của những vệ tinh chụp hình, drone thám thính, căn cứ nghe lén, máy bay do thám, và những tàu ngầm bí mật.

Kho báu dưới lòng Bắc Cực

James Bamford

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Tháng 8 năm 2014, hai nhà khoa học Na Uy lên đường với 21 tấn vật dụng – thực phẩm, thiết bị đo độ sâu đại dương, dụng cụ ghi thời gian các dòng nước, nhiều máy điện toán, và một tàu đệm khí được thiết kế đặc biệt tên là Sabvabaa (trong tiếng Inuit nghĩa là “chảy nhanh phía trên”) – chất lên một tảng băng gồ ghề cách Cực Bắc khoảng 320 cây số. Khác với đồ đạc mang theo, kế hoạch của hai nhà nghiên cứu này rất đơn giản: Trong những tháng sắp tới, đảo băng này sẽ trôi dạt không định hướng, chở Yngve Kristoffersen lúc đó 72 tuổi và đồng nghiệp trẻ tuổi Audun Tholfsen, quanh vùng Bắc Cực, đưa họ tới những nơi mà cả các tàu phá băng không thể tới được.

Nhiệm vụ của họ là khoan lỗ xuyên qua lớp băng, quay phim nền đại dương, và thu thập các lõi trầm tích hàng triệu năm tuổi. Sau nhiều tuần trôi dạt, tảng băng nổi của họ cuối cùng đưa họ tới một vùng Bắc Cực không ai đặt chân tới, nơi mà nhiệt độ có thể xuống tới âm 45 độ Celsius và gây ra những cơn gió mạnh. Hai người hoàn toàn đơn độc, trừ thỉnh thoảng xuất hiện con cáo trắng. Vì vậy, vào tháng 10 năm 2014, hai nhà nghiên cứu gan lì này sửng sốt khi phát hiện điều không thể nhầm lẫn được cách căn cứ của họ khoảng ba cây số: vùng băng giá này có khách tới thăm.

Khi hai nhà khoa học tới gần những ánh sáng mà họ đã phát hiện từ xa, họ nhận ra phần mũi màu đen kềnh càng và buồm của một tàu ngầm trồi lên xuyên qua lớp băng. Nhưng họ chưa kịp tới chỗ đó thì tàu ngầm đã nhanh chóng biến mất. Dựa trên những bức ảnh do hai nhà khoa học này chụp, nhóm Na Uy về sau xác định đó có thể là tàu ngầm Orenburg của Nga – tàu này chở theo một tàu ngầm nhỏ chạy bằng năng lượng hạt nhân – dùng cho các sứ mệnh tình báo lặn sâu.

(Minh họa của Dan Matutina, Foreign Policy)
(Minh họa của Dan Matutina, Foreign Policy)

Hóa ra hai nhà khoa họ này lúc đó đang bị theo dõi.

Cuộc chạm trán đó không hề tình cờ. Cũng như Kristoffersen và Tholfsen, tàu Orenburg có mặt ở đó để khoan vào các rặng núi dưới biển nhằm thu thập mẫu địa chất từ Rặng Lomonosov (Lomonosov Ridge), một rặng núi dưới biển ít được biết tới có độ cao 3.658 mét trên lòng biển và trải dài trên hơn 1.609 cây số. Nằm dưới và xung quanh thành hệ địa chất này là gần một phần tư tài nguyên nhiên liệu hóa thạch còn lại của trái đất. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính rằng Bắc Cực chiếm tới 13 phần trăm dầu chưa được khám phá của thế giới, xấp xỉ 90 tỉ thùng, cũng như 30 phần trăm khí đốt, tức khoảng 47,26 ngàn tỉ mét khối.

Có giá trị ước tính 17,2 ngàn tỉ Mỹ kim, tương đương với toàn bộ nền kinh tế Mỹ, những tài nguyên này đã bị kẹt dưới một vòm băng và tuyết trong biết bao niên kỷ. Nhưng nay, do Bắc Cực ấm lên với tốc độ nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên hành tinh, vòm băng tuyết đó ngày càng nhỏ dần. Theo các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Địa cực của Đại học Washington, khoảng 65 phần trăm lớp băng trên Rặng Lomonosov đã tan từ năm 1975 đến năm 2012. Theo Peter Wadhams, giáo sư vật lý đại dương tại Đại học Cambridge, nói theo ngôn ngữ của người không chuyên là chỏm băng này đang “chết dần”.

Với những nước giáp ranh Bắc Băng Dương – Nga, Mỹ Canada, Na Uy, và Đan Mạch (thông qua lãnh thổ Greenland) – một đại dương thông thoáng hàng hải sẽ mang lại nhiều cơ hội mới. Và với những nước đã nhòm ngó Rặng Lomonosov – có thể tất cả các nước giáp Bắc Băng Dương trừ Mỹ – một đại dương rộng mở nghĩa là có thể tiếp cận với phần lớn kho báu của Bắc Cực. Tuy nhiên, trước tiên họ phải chứng minh với Liên Hiệp Quốc rằng họ có chủ quyền chính đáng đối với kho báu đó. Vì quá trình đó có thể mất nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập niên, những quốc gia này có thể đụng độ nhau trong thời gian đó, nhất là khi họ lặng lẽ cử binh lính, điệp viên, và nhà khoa học tới để thu thập thông tin về một trong những phần bất động sản có điều kiện khắc nghiệt nhất hành tinh.

Trong khi hiện nay thế giới chủ yếu quan tâm tới Trung Đông và những điểm nóng hiển nhiên khác, dường như hiếm ai theo dõi chuyện đang xảy ra ở Bắc Cực. Trên thực tế, trong vài năm qua, các nước giáp Bắc Băng Dương đã tích cực xây dựng kho vũ khí tình báo của mình bằng các vệ tinh chụp hình, thiết bị bay do thám không người lái, các căn cứ nghe lén, máy bay trinh sát, và tàu ngầm thoắt ẩn thoắt hiện. Đan Mạch và Canada đã mô tả sự gia tăng rõ rệt số điệp viên Bắc Cực hoạt động trên lãnh thổ của họ, trong đó Canada báo cáo mức độ gián điệp tương đương với mức vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh. Tính tới tháng 10 năm ngoái, NATO đã ghi nhận rằng số máy bay trinh sát Nga mà NATO phát hiện trong năm 2014 tăng ba lần so với năm trước. Trong khi đó, Mỹ đang đưa vệ tinh tới vùng trời trên vùng băng giá cứ khoảng 30 phút một lần, mỗi năm trung bình có hơn 17.000 đi ngang, và đang chế tạo một thế hệ mới của bộ cảm ứng tình báo không cần người điều khiển để theo dõi tất cả mọi thứ phía trên, nằm trên, và dưới băng và nước.

Nếu Vienna là giao lộ của hoạt động tình báo do con người thực hiện trong trong Chiến tranh Lạnh, một trung tâm gồm những căn nhà an toàn nơi các điệp viên cho phương Đông và phương Tây báo cáo cho các đặc vụ và theo dõi nhau trong các quán cà phê, có thể nói không ngoa rằng Bắc Cực đã trở thành giao lộ của hoạt động tình báo dựa vào kỹ thuật hiện nay. Theo một tục ngữ cổ của người Inuit, “Chỉ khi băng tan ta mới biết ai là bạn ai là thù.”

***

Sông băng ở Hành lang Phương Bắc gần Greenland. (David Lefranc/Corbis)
Sông băng ở Hành lang Phương Bắc gần Greenland. (Ảnh: David Lefranc/Corbis)

Ở cách vùng cực bắc băng giá này hàng ngàn cây số, quyết định thực sự về quốc gia nào được quyền hưởng phần nào của Bắc Cực sẽ được đưa ra ở khu trung tâm Manhattan, New York, bởi nhóm 21 nhà địa chất, nhà địa vật lý và nhà thủy văn học. Họ là thành viên của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Các giới hạn của Thềm Lục địa, được thành lập theo Công ước về Luật Biển. Công ước này có thể coi như hiến pháp quốc tế quy định các quyền và trách nhiệm về sử dụng các đại dương của thế giới.

Dù được phê chuẩn năm 1982, sau gần một thập niên hội họp bàn thảo, mãi tới năm 1994 công ước này mới có hiệu lực; kể từ đó, công ước này đã là căn cứ xác định các giới hạn về khai khoáng ngoài khơi. Công ước này cũng quy định vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia – phạm vi bao xa so với bờ biển của mình mà một quốc gia có thể đánh bắt hải sản và khai thác khoáng sản dưới lòng biển. Như vậy, ngoài giới hạn 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế này, không nước nào trong 5 nước Bắc Cực có quyền đụng tới kho báu khoáng sản khổng lồ dưới lớp băng. Tuy nhiên, công ước này cho phép bất cứ quốc gia nào có thể vận động xin thêm 350 hải lý, và đôi khi nhiều hơn, nếu quốc gia đó có thể chứng minh rằng một thành hệ dưới nước là phần nối dài của phần lãnh thổ trên cạn của mình.

Hiện nay, gần 170 nước đã phê chuẩn hoặc tham gia công ước này, nhưng Mỹ vẫn chưa. Thực ra, trong 5 nước Bắc Cực, Mỹ là nước duy nhất đứng ngoài. Khi công ước này ra đời, chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan, với triết lý tự do kinh doanh, “về nguyên tắc” đã không thể tham gia một hiệp ước khuyến khích “hệ thống kinh tế hỗn hợp cho việc quản lý và sản xuất các khoáng sản ở lòng biển sâu”. Leigh Ratiner, một trong những nhà đàm phán của Mỹ cho công ước này, đã viết như vậy trong một bài trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1982. Edwin Meese, một trong những bộ trưởng tư pháp của Tổng thống Reagan, về sau thậm chí còn gọi hiệp ước này là “mối đe dọa trực tiếp đối với chủ quyền của Mỹ”. Dù công ước này về sau được Tổng thống Bill Clinton ký và nhận được sự ủng hộ của các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama – cũng như sự ủng hộ các Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân, lãnh đạo Hải quân Mỹ, các nhóm môi trường, và các ngành dầu và vận tải hàng hải – các thượng nghị sĩ bảo thủ thuộc Đảng Cộng hòa tiếp tục lập luận rằng công ước này xem như khiến các lợi ích quân sự và kinh tế của Mỹ phải chịu sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.

Khi phê chuẩn công ước này, mỗi quốc gia Bắc Cực được phép có 10 năm để trình bằng chứng khoa học chứng minh cho ủy ban này thấy rằng thềm lục địa của mình kéo dài vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hồi tháng 12 năm 2014, hạn chót để nộp các dữ liệu đo độ sâu của biển, địa chấn, và địa vật lý cho Liên Hiệp Quốc, Đan Mạch gia nhập Nga và Canada trong cuộc tranh giành một phần của Rặng Lomonosov. Tuy đây là một cuộc đấu tốn kém cho tất cả các bên tham gia, khiến mỗi quốc gia tốn hàng triệu Mỹ kim, các chiến thuật đôi khi khá rẻ tiền, nếu không nói là hết sức kỳ quặc.

Là nước đầu tiên đặt vấn đề với Liên Hiệp Quốc, vào năm 2001, Nga khẳng định rằng mình có chủ quyền không chỉ với Cực Bắc mà còn với một vùng rộng tới khoảng một nửa vùng Bắc Cực. Để nhấn mạnh luận điểm này một cách tượng trưng, sáu năm sau một tàu ngầm Nga chở Artur Chilingarov, một nhà thám hiểm nhiệt thành và khi đó là phó chủ tịch Viện Duma (Quốc hội), đã cắm cờ Nga bằng titan không gỉ trên đáy đại dương ở độ sâu 4.267 mét dưới Cực Bắc. Sự kiện này khiến Ngoại trưởng Canada Peter MacKay phản đối kịch liệt. Ông nói: “Thời buổi này đâu phải thế kỷ 15 mà cứ việc rong ruổi thế gian rồi cắm cờ tuyên bố ‘Chúng tôi giành chủ quyền lãnh thổ này.’” Chilingarov phản đòn: “Nếu ai không thích thì cứ để họ tự xuống đó … rồi thử cắm gì ở đó. Nga phải thắng. Nga có đủ khả năng thắng. Bắc Cực xưa nay luôn là của Nga.” Ngoài đấu trường chính trị này, ngay sau lễ cắm cờ, không quân Nga phóng hỏa tiễn hành trình trên Bắc Cực trong một cuộc tập trận.

Không chịu để Moscow qua mặt với trò cắm cờ, vào tháng 12 năm 2013, chính phủ của Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố Ông già Noel là công dân Canada và công bố các kế hoạch tuyên bố chủ quyền Cực Bắc. Trong một bài diễn văn năm 2007 tại một căn cứ hải quân ở ngoại ô Victoria, British Columbia, Thủ tướng Harper nói: “Canada có lựa chọn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của chúng ta ở vùng Bắc Cực. Chúng ta hoặc sử dụng nó hoặc đánh mất nó. Và chắc chắn chính phủ này có dự dịnh sử dụng nó.” Theo “Chiến lược Phương Bắc” của Harper, mục tiêu là khẳng định sự hiện diện của Canada ở Bắc Cực bằng cách “cho thêm người đặt chân tới lãnh nguyên Bắc Cực, đưa thêm tàu với vùng biển băng giá và có thiên nhãn quan sát tốt hơn.” Nhưng một số người Canada nghĩ rằng thủ tướng đã đi quá xa. Trong một bài blog năm 2013, Heather Exner-Pirot, thư ký tòa soạn của Arctic Yearbook (Niên giám Bắc Cực), dè bỉu: “Nay Harper đã thành Putin của Bắc Cực.”

Để kịp hạn chót 10 năm của mình, Na Uy đã nộp các lập luận của mình lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2006, tuyên bố rằng lòng biển của mình kéo dài vào cả Đại Tây Dương lẫn Bắc Băng Dương ở ba nơi: Loop Hole ở Biển Barents, Lưu vực Tây Nansen ở Bắc Băng Dương, và Banana Hole ở Biển Na Uy. Nhưng tùy vào các kết quả của nhiều cuộc thám hiểm đang diễn ra, trong đó có chuyến đi của Kristoffersen và Tholfsen trên tảng băng trôi, Na Uy có thể quay lại xí phần Rặng Lomonosov. Na Uy đang trông mong công ước này linh hoạt đôi chút: Miễn là một quốc gia đáp ứng hạn chót 10 năm, quốc gia đó sẽ không bị phạt về những hồ sơ nộp tiếp theo.

Khi Đan Mạch trình các tuyên bố của mình lên Liên Hiệp Quốc cho rằng Rặng Lomonosov Ridge là phần nối dài tự nhiên của Greenland – một lãnh thổ Đan Mạch tự trị với bờ biển gần nhất với Cực Bắc – Đan Mạch cũng trình với ủy ban Liên Hiệp Quốc các bằng chứng mà hiện nay trùng lắp với các nghiên cứu do Nga và Canada đệ trình. Và điều này có thể trở nên phức tạp hơn nhiều so với thoạt tưởng.

Do ủy ban thường chỉ họp hai lần mỗi năm, tốc độ giải quyết vấn đề của ủy ban rất chậm. Ví dụ, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước về Luật Biển, Liên Hiệp Quốc xuất bản một báo cáo tiến độ cho biết kể từ khi ủy ban này được thành lập năm 1997, nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước giáp ranh Bắc Cực, đã đệ trình 61 tuyên bố xác định các biên giới mới ở các đại dương của thế giới. Tuy nhiên, trong cùng thời gian đó, ủy ban này chỉ đưa ra được 18 bộ câu trả lời. Báo cáo năm 2012 này nhấn mạnh là trong những năm gần đây, khối lượng công việc của ủy ban đã “tăng đáng kể”, và các nước thành viên đã cho biết kế hoạch về 46 lần đệ trình trong tương lai.

Khối lượng công việc tồn đọng hiện nay không báo hiệu tốt lành cho chuyện giải quyết vấn đề nhanh chóng ở Bắc Cực, đặc biệt là hiện nay những tuyên bố đó đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đan Mạch dường như như đã cố gắng giảm thời gian chờ đợi này bằng cách đề nghị ủy ban chỉ công nhận các giá trị khoa học của các tuyên bố của các quốc gia. Theo đề xuất của Đan Mạch, sau khi những giá trị này đã được xác nhận, các quốc gia Bắc Cực sẽ tự quyết định nơi vẽ các ranh giới cuối cùng – quyền này được công ước cho phép.

Xem ra hệ thống quan liêu, rối rắm này lại có lợi cho các nước Bắc Cực, thậm chí có lẽ còn tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Trong vài thập niên qua, họ đã vui vẻ chấp nhận điều tương tự như quyền của người chiếm dụng đất hoang ở Bắc Cực, thoải mái thăm dò kho tàng của đại dương này trong khi đồng thời mở rộng quyền kiểm soát, cả bằng cơ giới lẫn sức người, khi băng tiếp tục thu hẹp. Dù có hay không có quyết định của Liên Hiệp Quốc, các nước Bắc Cực có thể chẳng sớm chùn bước.

***

Ngày nay, đan quyện trong chính kết cấu sự sống ở Bắc Cực là hoạt động tình báo: các kỹ thuật viên nghe lén các thông tin liên lạc dân sự, chính phủ, và quân sự, các tín hiệu radar, và các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn. Họ cũng chụp hình do thám bất cứ thiết bị, cảng, hay căn cứ quân sự nào. Tháng 12 năm 2014, trong một cuộc họp báo ở Moscow, Thượng tướng Viktor Bondarev, tư lệnh không quân Nga, nhận xét rằng số chuyến bay thám thính của nước ngoài, bao gồm cả những chuyến ở Bắc Cực, đã tăng đáng kể. Ông nói: “Năm 2014, có hơn 140 chuyến bay RC-135, so với 22 chuyến trong năm 2013.” Nhưng theo giới chức quốc phòng, điều này cũng đúng với người Nga: NATO đã phát hiện hơn 100 máy bay Nga trong năm 2014, gấp hơn ba lần so với năm trước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng cường các cuộc tập trận ở Bắc Cực. (Ảnh: Newsweek)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng cường các cuộc tập trận ở Bắc Cực. (Ảnh: Newsweek)

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhìn vùng cực bắc này bằng lăng kính sặc mùi dân tộc chủ nghĩa. Năm 2013, ông nói: “Vùng Bắc Cực dứt khoát là phần không thể tách rời của Liên bang Nga mà đã thuộc chủ quyền của chúng ta trong nhiều thế kỷ.” Để lời phát biểu này thêm phần nặng ký, hồi tháng 3 năm 2015 quân đội Nga tiến hành một màn phô diễn sức mạnh rầm rộ trong năm ngày với 38.000 quân nhân và binh lính lực lượng đặc biệt, hơn 50 tàu và tàu ngầm, và 110 máy bay. Hai tháng trước đó, đợt đầu tiên của khoảng 7.000 binh sĩ Nga bắt đầu tới căn cứ không quân mới được mở lại tại Alakurtti, phía bắc của Vòng Bắc Cực; 3.000 binh sĩ trong số đó sẽ được phân công tới một trạm nghe tín hiệu tình báo lớn với mục đích nghe lén Phương Tây trên toàn vùng băng giá này.

Hơn một chục căn cứ nữa đã được lên kế hoạch xây dựng. Hồi tháng 10 năm 2014, Trung tướng Mikhail Mizintsev, giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng, nói với hội đồng công chúng của Bộ Quốc phòng Nga rằng Moscow có kế hoạch xây 13 sân bay, trường bắn không đối địa, và 10 trạm radar. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo với hội đồng: “Trong năm 2015 chúng ta sẽ gần như hoàn toàn sẵn sàng đối mặt những vị khách không mời từ phương đông và phương bắc.”

Thực hiện việc nghe lén người Nga trên vùng Bắc Cực là một trạm nghe của Canada ở vị trí rất cao tại Bắc Cực tới nỗi nó gần với Moscow hơn là với Ottawa. Có tên là Alert (Cảnh giác) và nằm ở mũi đông bắc của Đảo Ellesmere tại lãnh thổ Nunavut, trạm này chỉ cách cực bắc 800 cây số và địa điểm cực bắc của thế giới có người thường trú. Một tấm biển chào mừng tuyên bố: “Tự hào phục vụ ‘Vùng Lựa chọn Băng giá’ của Canada”.

Ở đó, giữa thời tiết thuộc loại khắc nghiệt nhất Trái đất, các nhân viên duy trì mạng lưới ăng-ten hệ trọng dùng để bắt các tín hiệu quan trọng về các đợt chuyển quân, thông tin liên lạc của máy bay và tàu ngầm, và các thông tin đo đạc từ xa quan trọng từ các thử nghiệm hỏa tiễn những hình chụp từ không gian. Trong những năm gần đây, khi công nghệ phát triển và Nga bắt đầu tăng cường hoạt động, Canada đã chuyển hàng trăm nhân viên đeo tai nghe tới Leitrim, một trạm nghe gần thủ đô Ottawa; ở căn cứ này, nhiều đĩa vệ tinh nghe lén các vệ tinh liên lạc quân sự và thương mại.

Canada chia sẻ thông tin tình báo của mình thu thập từ các trạm Alert và Leitrim với đối tác thân cận, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), và Mỹ đổi lại bằng cách chia sẻ thông tin lấy từ Căn cứ Không quân ở phía tây Greenland. Nằm cách 1.126 cây số về phía bắc của Vòng Bắc cực và cách làng Inuit gần nhất hơn 97 cây số, Căn cứ Thule không chỉ là những cơ sở biệt lập nhất thế giới, mà còn là một trong những nơi bí mật nhất. Với ba mái vòm che radar trông giống như lều tuyết trên một vách đá lộng gió cách căn cứ gần 5 cây số, các nhân viên trong một tòa nhà vận hành màu xám, không có cửa sổ gởi đi các lệnh vận hành tới hơn 140 vệ tinh trong các quỹ đạo ở độ cao từ 193 cây số tới 39.911 cây số phía trên Trái đất.

Trong số những vệ tinh mà trạm này kiểm soát có những vệ tinh bay ngang phía trên Nga và các căn cứ Bắc Cực của Nga cứ 90 phút một lần, chụp những bức ảnh chi tiết với những máy ảnh có khả năng phát hiện những vật chỉ dài mấy phân trên Trái đất. Trung bình mỗi năm các kỹ thuật viên phát lệnh chỉ đạo cho các vệ tinh khoảng 20.000 lần, theo chỉ huy đơn vị Austin Hood trong một bài báo năm 2012 trên tạp chí Airman của Không quân Mỹ. Ngoài ra, trạm này gởi các lệnh tới nhiều vệ tinh nghe lén của NSA với các chỉ thị về các tần số cần theo dõi, chẳng hạn như các tần số cho liên lạc qua điện thoại và dữ liệu Internet.

***

Năm 2013, lo ngại về khả năng có drone (thiết bị bay điều khiển từ xa) của Nga ở vùng Bắc Cực, chính phủ Canada thực hiện một nghiên cứu mật tìm hiểu về các khả năng và hạn chế của các phương tiện vận hành trên không không cần người điều khiển (UAV). Nghiên cứu này báo cáo rằng trừ phi “các UAV có khả năng nạp nhiên liệu trên không”, Nga không thể do thám trong lãnh thổ Bắc Cực của Canada. Và dù Canada đã phóng lên quỹ đạo vệ tinh Radarsat-2, loại vệ tinh do thám radar độ mở tổng hợp có khả năng nhìn xuyên qua mây, để theo dõi các sự kiện và những di chuyển quân sự (bao gồm ở Bắc Cực), công nghệ này dường như chưa mức đủ kín đáo cho Canada: Hồi tháng 8 năm 2014, nhân viên quốc phòng bắt đầu thực hiện các thí nghiệm để thử tính khả thi của việc chế tạo drone để dùng ở Bắc Cực.

Phản ứng? Ba tháng sau, vào tháng 11, một phát ngôn viên chính phủ Nga thông báo rằng Moscow sẽ xây dựng một căn cứ drone ở hơi chếch mạn nam của Vòng Bắc cực và chỉ cách phần lục địa Alaska 670 cây số. Khi căn cứ này xây xong, Nga sẽ là nước duy nhất có công nghệ này trên bầu trời Bắc Cực.

Na Uy cũng đang trở nên lo ngại về Nga. Hồi tháng 3 năm 2015, khoảng gần cùng lúc Moscow phô diễn 38.000 quân, Na Uy có hành động tương tự, đưa 5.000 binh sĩ và 400 phương tiện để thực hiện cuộc tập trận của chính mình ở Bắc Cực. Nhưng thay vì do thám Nga bằng vệ tinh, Na Uy đưa điệp viên của mình ra biển. Hồi tháng 12 năm 2014, Thủ tướng Erna Solberg khánh thành tàu Marjata trị giá 250 triệu Mỹ kim. Được đóng cho Cục Tình báo Na Uy và dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2016, tàu này sẽ nằm trong số những tàu do thám tân tiến nhất thế giới, theo thông tin do quân đội Na Uy công bố.

Trong một thông cáo, Trung tướng Kjell Grandhagen, giám đốc Cục Tình báo, nói: “Tàu Marjata mới sẽ là một thành tố quan trọng trong việc tiếp tục các nhiệm vụ của Cục Tình báo ở Bắc Cực.” Ông cũng nói với một tờ báo Na Uy rằng nhiệm vụ của tàu Marjata “sẽ là lập bản đồ một cách có hệ thống tất cả các hoạt động quân sự và một số hoạt động dân sự ở các vùng gần với Na Uy.” Với mục đích chủ yếu nghe lén các thông tin liên lạc và các tín hiệu khác của Nga, theo hãng thông tấn NRK thuộc chính phủ Na Uy, tàu này cũng nhận diện những điều như các tần số của những hệ thống radar của Moscow – các thông tin hệ trọng để phá rối chúng nếu xảy ra xung đột.

Dưới lớp băng Bắc Cực, Mỹ và Nga vẫn là thù địch, tàn tích của Chiến tranh Lạnh. Từ khi tàu USS Nautilus lần đầu tiên lặn xuống dưới Cực Bắc vào năm 1958 và tàu USS Skate là tàu đầu tiên nổi lên ở đó chưa đầy một năm sau đó, các tàu ngầm Mỹ đã hoàn tất hơn 120 chuyến diễn tập ở Bắc Cực.

Với 72 tàu ngầm, Mỹ có lợi thế số đông so với Nga có khoảng 60 tàu. Nhưng Nga đang đưa vào sử dụng một thế hệ tàu mới chạy êm hơn nhiều và khó để các hệ thống quốc phòng của Mỹ phát hiện hơn. Trong một bài báo trên tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ, đội tàu “tân tiến đáng báo động” của Nga sẽ “có thể thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị trong tương lai của thế giới”. Tác giả bài báo, Phó Tư lệnh Tom Spahn và là chuyên gia tàu ngầm dày dạn, nói trong số vũ khí trên chiếc Yasen, tàu ngầm tấn công nhanh mới của Nga, có các thủy lôi có khả năng xuyên thủng siêu mạnh có thể đạt vận tốc xuyên nước hơn 200 hải lý, tương đương khoảng 370 cây số/giờ. Tác giả Spahn viết điều này “khiến loại tàu này hết sức đáng sợ”. Tức là các tàu ngầm mới của Nga sẽ khó phát hiện hơn và công hiệu hơn nhiều so với bất cứ loại tàu ngầm nào đã được biết tới.

***

Một tối vào tháng 11 năm 2014, các kỹ thuật viên radar Mỹ phát hiện sáu máy bay Nga – hai máy bay ném bom tầm xa “Gấu” Tu-95, hai chiếc Il-78 chở nhiên liệu để nạp và hai máy bay chiến đấu MiG-31 – đang hướng về bờ biển Alaska. Chúng đã vào vùng nhận diện phòng không của Mỹ, không phận tiếp cận biên giới Mỹ nơi mà máy bay phải xác nhận danh tánh của mình, và chúng đang tiến tới gần hơn thì hai máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ được triển khai để ngăn chặn chúng. Khoảng sáu giờ sau, Canada phát hiện thêm hai máy bay ném bom “Gấu” tiến gần tới không phận Bắc Cực của Canada. Giống như Mỹ, Canada đưa hai máy bay chiến đấu CF-18 để chuyển hướng hai máy bay ném bom này trong vòng 40 hải lý ngoài khơi bờ biển Canada.

Dù các máy bay “Gấu” được thiết kế để ném bom, chúng cũng được dùng để thu thập thông tin tình báo và nghe lén các thông tin liên lạc. Đây rất có thể là mục đích của chúng khi bay sát bờ biển Mỹ và bờ biển Canada. Công bằng mà nói, Moscow chẳng làm điều gì mà chính Washington không làm: Mỹ thường xuyên cho bay những chiếc RC-135 của mình – một loại Boeing 707 hút các tín hiệu, từ các tín hiệu radar và các cuộc điện đàm quân sự tới email dân sự, từ không khí như máy hút bụi – gần lãnh thổ phương bắc của Nga.

Khi các máy bay tiến sát hơn, việc do thám cũng trở nên táo bạo hơn. Và dù chiến lược này có thể cần thiết cho Nga, Canada, Đan Mạch, và Na Uy khi họ tranh giành thế thượng phong trong cuộc Đại Chiến mới, đây không phải là một chiến lược nhất thiết hợp lý cho Mỹ, quốc gia chưa tham gia Công ước về Luật Biển.

Ngay cả nếu Thượng viện Mỹ phê chuẩn công ước này, có thể tới khi Mỹ nộp tuyên bố chủ quyền của mình lên ủy ban Liên Hiệp Quốc, phần lớn vùng băng giá này đã có chủ. Và do Quốc hội Mỹ đang có chiều hướng thiên hữu, khả năng công ước này sẽ được phê chuẩn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama sẽ càng thấp hơn bao giờ hết. Như nhận xét của một đô đốc Lực lượng Tuần dương Mỹ được trích dẫn về Bắc Cực trong một bài báo trên Politics Daily năm 2010, “Nếu đây là một trận bóng …, Mỹ không có mặt trên sân đấu, hay thậm chí trong sân vận động.”

Trong vài năm tới, khi Bắc Băng Dương mở cửa cho hoạt động kinh tế, các điệp viên sẽ vẫn bận phát chỉ thị cho các vệ tinh xoay quanh trên Cực Bắc, trong khi các nước láng giềng ở Bắc Cực của Mỹ sẽ bận khai thác các tài nguyên nằm dưới đó và đưa những chiếc tàu xuyên băng trong các kênh vận tải hàng hải mới ở trên mặt băng. Nói cách khác, với kiểu chiến lược Bắc Cực này, Mỹ vẫn bị đóng băng thêm một thời kỳ nữa.

James Bamford là bỉnh bút của tạp chí Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) và tác giả của cuốn “The Shadow Factory: The Ultra-Secret NSA From 9/11 to the Eavesdropping on America” (Xưởng bí mật: Cơ quan An ninh Quốc gia tuyệt mật từ sự kiện 11/9 tới nghe lén nước Mỹ). Ông cũng viết và sản xuất phim tài liệu cho đài PBS.

Nguồn: James Bamford, Frozen Assets, Foreign Policy, May-June/2015.

(Bản dịch, ký tên Khương An, đã đăng 3 kỳ trên Thời Mới-Canada ngày 26/8/2015, 2/9/2015 và 9/9/2015)

Bản tiếng Việt © 2015 Phạm Vũ Lửa Hạ

Bài liên quan:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *