Tạp chí TIME số ra ngày 31/1/2000 có một bài chạy tít Kohlgate. Nghe cứ tưởng nhại lại tên của một loại kem đánh răng quen thuộc, nhưng nội dung bài báo đó thực ra là đề cập đến vụ bê bối quỹ đen liên quan đến đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (Christian Democratic Union) của cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl. Kiểu vận dụng này tiếp nối một truyền thống “phát minh” từ mới được giới báo chí hưởng ứng, nhưng giới ngôn ngữ học lại dè bỉu.
Ngày 17/6/1972, báo chí khắp nước Mỹ bắt đầu đưa tin về những tên trộm được ủy ban vận động tranh cử của tổng thống Richard Nixon trả tiền để đột nhập ăn cắp thông tin từ trụ sở của Đảng Dân chủ trong tòa nhà có tên Watergate ở Washington, D.C. Ban đầu, Nixon chối phăng, nhưng tờ Washington Post và những cuộn băng ghi âm những cuộc điện thoại của ông đã tiết lộ sự thật, khiến ông phải từ chức, và giúp cho hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein đoạt giải thưởng Pulitzer.
Sự kiện này vô tình có một tác động lớn lao đến từ vựng tiếng Anh: –gate trở thành một hậu tố dùng để chỉ một vụ xì căng đan (thường là chính trị). Xét về mặt hình thái học (morphology), –gate chưa đủ “tư cách” để trở thành một hình vị (morpheme – đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa), vì nó được cắt một cách tùy tiện ra khỏi danh từ riêng Watergate. Trước đó đã có kiểu “chiết tự” tùy tiện tương tự. Chẳng hạn, món hamburger có xuất xứ từ Hamburg, Đức. Thế nhưng, có người tưởng từ này gồm hai thành phần ham và burger. Vậy là burger bỗng nhiên trở thành một đơn vị có nghĩa; nó được dùng như dạng viết gọn của hamburger, hoặc được lắp ghép để tạo nên từ khác chẳng hạn như cheeseburger.
Tuy bị các nhà từ vựng học chê bai, –gate dường như lại được lòng cánh nhà báo. Quê hương của –gate cũng là nơi có nhiều biến cố giúp cho báo chí thỏa chí “sáng tác” từ mới. Một vụ bê bối về kinh doanh thức ăn gia súc ở Michigan đã sinh ra từ cattlegate. Goobergatelà một từ tổng hợp tất cả những vụ xì căng đan khác nhau dưới thời tổng thống Jimmy Carter (1977-1981). Chính quyền của tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) cũng có những đóng góp đáng nhớ với Irangate và Contragate: các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia bán lậu vũ khí cho Iran để hỗ trợ giải thoát tù binh Mỹ ở Libăng, và tiền bán vũ khí đó được trao cho nhóm du kích Contra chống lại chính quyền Nicaragua.
Nhưng có thể nói các biến cố trong thời kỳ cầm quyền của Bill Clinton là vô địch về công lao đóng góp phát triển -gate. Công chúng Mỹ có dạo xôn xao về nannygate, chuyện một gia đình nọ bị buộc phải đóng thuế thu nhập cho người giúp việc của mình [nanny = người giữ trẻ, vú em]. Một lần Clinton hứng bất tử xài sang công quỹ để cắt một kiểu tóc mới, thế là xuất hiện từ scalpgate [scalp = da đầu]. Trong năm 1993 và 1994, Nhà Trắng đã sử dụng 700 hồ sơ mật của FBI để làm cơ sở để sa thải một số nhân viên thuộc Travel Office của Nhà Trắng. Vụ xử lý hồ sơ phạm luật bảo vệ tính riêng tư [chính Clinton đã công nhận và xin lỗi về chuyện này] đã được gọi là filegate hoặc travelgate. Vụ công ty phát triển địa ốc Whitewater [có quan hệ với vợ chồng Clinton] bán bất động sản phi pháp ở Arkansas được gọi là Whitewatergate. Báo chí Mỹ tốn không biết bao nhiêu giấy mực bàn về mối quan hệ bất chính giữa Clinton và Monica Lewinsky với những từ đơn giản như sexgate, đầy hình tượng như zippergate [zipper = dây kéo], và nổi tiếng hơn cả là Monicagate (từ này đã được đưa vào từ điển Encarta World English Dictionary).
Không chỉ phổ biến ở Mỹ, mà –gate còn vượt Đại Tây Dương đến tận nước Anh. Báo giới ở Anh đã có ngay từ Camillagate khi những cuộn băng thu âm những cuộc nói chuyện điện thoại giữa Thái tử Charles và người tình Camilla Parker-Bowles bị rò rỉ ra ngoài. Trong một lần trả lời phỏng vấn của John Snow, phóng viên đài truyền hình ITN, cựu thủ tướng Anh John Major đã nói rằng trong nội các của ông có những awkward bastard [hiểu nôm na là tên đê tiện]; thế là ra đời từ bastardgate. Nuttergate là một vụ lỡ miệng khác: trong một bài phát biểu, cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh đã gọi Giám đốc Sở Giáo dục Birmingham được nhiều người kính trọng là một nutter [= thằng điên / ngu].
Ngay cả trong làng báo cũng có lời phản đối hậu tố này. Bản hướng dẫn văn phong của Ban tin tức và thời sự của đài BBC kêu gọi các phóng viên hạn chế sáng chế những từ mới với –gate, và nếu có ai khác chế ra từ như thế, thì họ đừng nên hưởng ứng. [The Watergate scandal involved politicians bugging other politicians. It does not follow that every scandal involving either bugging or politicians has to be given the suffix ‘gate’. It is cliché and, for an ever-increasing number of listeners, it is baffling too. We should not coin new Gates, and when others coin them we should be slow to follow.] Thế nhưng các ký giả vẫn thích dùng –gate, và hiện tượng này được Michael Quinion, biên tập viên của từ điển Oxford gọi đùa là newspapergate.
Tham khảo: World Wide Words.
Bài đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị khoảng năm 2000 (lâu quá nên không nhớ rõ ngày nào 🙂 )
Bài liên quan: Gọi tên xì căng đan
2 thoughts on “Tiếng Anh và … xì căng đan”